Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

LAN HUỆ SẦU AI

LAN HUỆ SẦU AI...
Lời một câu hát: Lan Huệ sầu ai, Lan Huệ héo,

Truyện ngắn



       Thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện lỵ của huyện Vĩnh Thạnh nằm chếch về hướng đông bắc so với vùng hoa Quy Tân, một làng hoa nổi tiếng của miền Nam. Tôi có nhiệm vụ phải về vùng hoa này. Nhiệm vụ nhưng không chính thức, là do tôi tự ra nhiệm vụ cho mình, thế nên chẳng có cơ quan, đơn vị nào đón tiếp. Nắng ngả sang chiều rồi, mà tôi lại muốn đến Vĩnh Thạnh trước khi trời tối, xe đò thì muộn mất, nên tìm một tay xe ôm cho nhanh. Anh xe lúc đầu có vẻ kín tiếng, nhưng được khoảng dăm cây số, anh ta bắt đầu chất vấn tôi, cứ như thể tôi đi làm một việc vụng trộm, gian manh hay ít ra cũng là tay buôn lậu:
       -Tại sao tôi nói ba chục ngàn, ông thầy không trả giá?
       Tôi hơi khó chịu, nhưng cũng muốn chọc anh vài câu chuyện phiếm cho đỡ dài đường, nên hỏi lại:
       -Nếu tôi trả giá anh có bớt không?
       - Cái đó chưa biết à!
       -Tôi không trả giá là để anh hiểu thế nào cũng được...
       Anh ngớt ga, quay lại hỏi một cách ngạc nhiên, văng cả nước miếng vào mặt tôi:
       - Hiểu thế nào cũng được là sao?
       - Hoặc anh cho là tôi ngốc để anh thương, hoặc là tôi "sộp" để anh ngán!
       Anh ta cười vang, vừa cho xe luồn lách qua những ổ gà, ổ chuột, vừa quay lại nói vào mũi tôi, đến nỗi tôi phải bấm vào sườn anh mà bảo: "Cẩn thận, tôi không muốn vào nhà thương đâu!"
       -Yên tâm đi! Tôi chạy xe có hạng trên lộ này mà... Rồi, sắp tới Vĩnh Thạnh rồi đây, ông thầy tới khúc nào?
       Thực tình tôi cũng không biết là tới khúc nào bây giờ? Đành bảo:
       -Anh chạy vô trung tâm thị trấn, kiếm một quán cà phê, anh em ta ngồi chơi, anh có bận việc gì không?
       -Xe ôm thì lúc nào bận, lúc nào rảnh! Được rồi...
       Chiếc xe Honda 67, tuy cũ kĩ nhưng chạy cũng khá hăng, đang nóng máy, lúc dừng lại tỏa mùi cháy khét. Vào quán tôi hỏi anh uống gì, anh ta quay đầu vào trong kêu một tiếng rõ to:
       - Cho ly trà đá, Bảy ơi!
       Lát sau, một bà chị sồn sồn cỡ ngoài bốn chục từ trong bếp chui ra, nhìn thấy anh tài xe ôm, Bảy cười phe phé:
       -Trời đất! Thằng Thức "kỹ sư"! Mới về hả?
       Anh ta tên Thức "kĩ sư"!
       - Nóng thấy mẹ, chị cho ly trà đá lẹ lên! Có khách về thị trấn thì về luôn, hỏi chi hỏi hoài vậy! Thức phanh ngực áo quạt bằng cái nón rằn ri phành phạch.
       Chị Bảy nhìn tôi:
       -Bạn của thằng Thức hả? Uống gì, hay cũng trà đá?
       Tôi lưỡng lự rồi bảo chị chủ quán:
       - Có bia Sài Gòn không, chị cho hai chai! Có cái gì lai rai, tốt nhất là đậu phộng...
       Chị Bảy quay vào quầy, tôi hỏi:
       -Anh tên Thức à? Sao lại gọi là Thức "kỹ sư"?
       Thức không trả lời ngay, anh xoay xoay cái mũ trên tay, nhìn tôi nheo nheo:
       -Ông thầy làm nghề gì? Đi đâu đây?
       Tự dưng như có người mách bảo, tôi nghĩ ra một cái gì đóa, như một trò chơi. Tôi nói là tôi đi tìm một người quen từ hơn hai mươi năm qua. Lúc ở nhà đi thì hăng lắm, nhưng bây giờ tới nơi rồi lại thấy ngại...
       -Bạn tình à?
       -Bạn gái!
       Thức nhìn tôi vẻ nghi ngờ, tủm tỉm cười:
       -Nếu đúng vậy thì cũng hay ta! Chuyện có vẻ mùi mẫn hả?
       Bảy núng niếng đem bia ra, tôi rót bia rồi đẩy ly bia đến trước mặt Thức:
       -Mời anh! Tôi trả lời câu hỏi của anh rồi! Còn anh?
       Thức uống một hớp, đặt xuống lấy ống tay áo chùi bọt bia trên mép:
       -Tôi uống dở lắm! Nói đàn ông Nam bộ mà uống dở chắc ông không tin, nhưng uống một ly vô nó đỏ tới ót! Kỳ lắm! Thức uống thêm một ngụm bia nữa rồi nhìn tôi. Bây giờ ông thầy tính sao? Trời cũng sắp tối rồi, nhà bạn ông thầy ở khúc nào tôi chở đến, rồi còn quay trở ra kiếm khách...
       Tôi ngần ngừ, hỏi:
       -Anh rành thị trấn này không, Thức?
       -Tôi sanh ở trong ruộng, lớn lên học hành tại đây mà sao không rành! Cái thị trấn nhỏ xiu vầy, không chừng tôi cũng quen bạn gái của ông thầy... Cái gì? Hơn hai mươi năm trước giờ chắc cũng da nhăn, tóc trắng, ngồi sui rồi rồi còn gì nữa ông? Mà bạn gái của ông thầy tên gì?
       -Tên Lan! Tôi buột mồm, nói ra một cái tên.
       -Hay! Thức vỗ cái rầm xuống bàn. Chuyện này hay à nha! Rồi anh ta bỗng dưng ngâm ti tỉ: "Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo...!"
       Tiếng ngâm nỉ non trong chiều muộn, trong quán cóc, nghe cứ u u, âm âm... Đúng Thức là kỹ sư thiệt rồi, là người có học thiệt rồi! Tôi nhìn anh thấy ngộ, khẽ cười, nhưng Thức vẫn không để ý. Có lẽ anh ta uống kém thiệt, có một ly đã ra thơ ca rồi! Cũng là một tay lãng tử.
       -Anh có biết nhà ai cho thuê ngủ trọ đêm nay không?
       -Sao? Thức như giật mình. Tính ngủ trọ à? Sao không vô thẳng nhà người ta?
       -Hơn hai chục năm rồi, biết người ta còn nhớ mình không mà tới? Đường đột quá, e...
       -Ờ há ... Để coi. Ông ngồi chờ tôi chừng năm phút. Mà định nhà trọ cỡ nào? Ở bao nhiêu lâu?
       -Thường thôi, nhưng đừng vô nhà trọ, tốt nhất là nhà nào là người dân cũ ở đây!
       Thức ào lên xe chạy đi. Chừng mười lăm phút sau, anh ta quay lại, kéo ghế ngồi, lật mũ quạt phành phạch:
       -Rồi! Ông thầy muốn ở bao lâu cũng được! Nhà này vào loại sang trong thị trấn, chắc ông thầy không chê, giá cả thì tùy, đừng để người ta thiệt...
       -Nhưng tôi không thích nhà trọ hay khách sạn!
       -Không phải nhà trọ, cũng không phải khách sạn! Nhà dân, đúng hơn là nhà quan, nhưng bây giờ là dân rồi! Tôi bảo lãnh ông thầy là bạn tôi, có hoàn cảnh thấy cũng ngộ, đáng khen! Nhưng trước khi vô, tôi phải kể cho ông thầy nghe chuyện này đã, coi như tôi với ông thân nhau lắm rồi nghe!

***

       -Nghe bà Bảy kêu tôi là Thức kỹ sư, ông ngạc nhiên lắm phải không? Tôi là kỹ sư thứ thiệt đó! Tốt nghiệp Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, khoa cơ khí! Đó, anh hất hàm ra cửa quán, ông thầy ngó cái xe honda của tôi kia, có thấy cái két nước do tôi chế tạo không? Chạy bốc dữ lắm nghen... Ra trường mười hai năm nay rồi. Lúc đầu tôi đi làm ở một xưởng cơ khí đóng xà-lan trên Bình Thạnh, lương cũng khá, nhưng... ông già kêu về quê lấy vợ, tôi bỏ nghề. Lấy vợ rồi đưa nhau lên thị xã, tôi mở tiệm sửa xe gắn máy. Mấy năm không thấy khá, tôi bỏ tiệm cho thằng em vợ, chạy xe ôm. Tôi mới chạy xe năm rồi, thấy khỏe hơn...
       Chắc thế nào ông thầy cũng hỏi: sao lấy vợ mà phải bỏ nghề, bỏ chỗ làm? Từ một anh kỹ sư được đào tạo chánh quy hẳn hoi lấy vợ vào trở thành anh xe ôm? Chắc vợ tôi phải ghê gớm dữ dằn lắm? Không! Vợ tôi là một cô gái bình thường, rất dễ thương, biết buôn bán chút đỉnh. Lấy được tôi bả mừng hết lớn, cưng chiều tôi dữ lắm nghen! Nếu không vậy, sao bả cho tôi ra chạy xe ôm! Tôi là kỹ sư bả cũng thương mà làm anh xe ôm bả cũng yêu! Hỏi khắp xứ nầy có ai được như vợ tôi không? Kiếm được đồng nào tôi xài thả câu, không hề đưa cho bả đồng cắc! Nói láo làm con ông! Một tay bả nuôi con ăn học, tôi chả héo lánh gì! Nghĩ mình sướng thiệt! Ấy, nó cũng có cái duyên cớ, cái lý do của nó. Rồi tôi kể cho ông thầy nghe ngay bây giờ đây... Tôi nói con nhỏ chủ nhà xếp phòng cho ông rồi, chờ chút xíu! Nhớ đưa giấy tờ tùy thân kẻo chánh quyền làm khó dễ, nhà nầy giờ là đối tượng làm khó nha!
       Lại thế nữa! Nhưng mà có khi thế lại hay, biết đâu chẳng ẩn chứa một câu chuyện đời nào, cũng như anh chàng Thức kỹ sư - xe ôm này, khối chuyện! Thức nhón một hột đậu phộng, thả vào cái miệng rất lém, vừa nhai vừa hỏi:
       -Hồi nhỏ đi học, ông thầy có thương ai không? Thương con nhỏ nào cùng lớp ấy? Có hả! Nhìn tướng biết mà. Hồi học cấp 3, tôi có để ý một nhỏ cùng lớp, cùng tuổi, tên Huệ. Nhà tôi ở trong ruộng, học lên cấp ba tôi phải ra thị trấn, trường cấp ba hồi nãy vừa đi ngang đó. Nhà Huệ ở Vĩnh Nguơn, cách xã tôi một con kênh, Huệ có xe máy (tức là xe đạp đó, còn xe gắn máy thì gọi là Honđa, ông có nghe dân tụi này kêu vậy không?), còn tôi đi bộ. Thấy tội nghiệp, Huệ cho tôi quá giang xe, đến bờ kênh có cây cầu khỉ thì Huệ về, còn tôi leo qua, đi bộ chừng hai cây số về nhà! Sáng sớm mai, ai ra trước lại chờ nhau ở đó. Riết hai năm chúng tôi thân nhau, tụi bạn đứa nào cũng bảo thằng Thức bồ với con Huệ rồi! Hình như Huệ cũng thích tôi, vậy mà tôi thì chỉ hơi thinh thích thôi, không mê, mà lại còn sợ nữa! Cũng không biết là sợ cái gì, chỉ thấy nếu mình thương Huệ thì kỳ quá!
       Học hết lớp 11, Huệ lấy chồng! Tin đó làm tôi bải hoải tâm thần! Hình như tôi thương Huệ thiệt, chỉ đến khi Huệ đi lấy chồng tôi mới thấy mất con cá! Con cá biệt tăm, còn tôi đâm ra làm thơ, làm nhiều lắm, chẳng cần vần điệu, quy tắc nào hết! Một cậu trai 17 tuổi thất tình làm thơ thì ít mà lấy thơ của người khác, chế thành của mình cũng có. Tỷ dụ như:
       "Bướm vàng đậu đọt mù u;
       Lấy chồng chi sớm, lời ru sẽ buồn;
       Tôi về nhà lấy vợ luôn;
       Vợ tôi không đẹp, nhưng buồn lấy chơi!"
       Vậy đó! Tức cười há? Năm sau tôi tính nghỉ học nhưng ông bà già không cho, hứa mùa tới bán lúa mua xe đạp cho tôi, đành nghe theo vậy. Ngày đầu tiên tới trường mà không còn Huệ, tôi lê đôi chân dài thoòng của mình qua cầu khỉ. Đang rầu thúi ruột gan, tôi nghe tiếng con gái sau lưng: "Ếp ếp!" Ông cũng biết hả? Đó là tiếng ra hiệu cho xe đạp tránh đường, cái kiểu "chuông" của dân xứ tôi là vậy đó! Tôi nép qua một bên, quay đầu lại thì, trời ơi... Huệ! Huệ lấy chồng mà còn đi học? Lại trẻ ra, đẹp hơn nhiều lần! Sao bảo lấy chồng cực lắm mà? Huệ nhìn tôi cười, rồi đạp vù qua mặt tôi như chưa từng quen biết! Tôi xây xẩm mặt mày, tay chân loạng quạng. Được một chút tôi bình tĩnh lại nghĩ: "Thôi, buồn mà làm chi Thức ơi, thiếu gì người đẹp hơn Huệ! Cái thứ người bạc tình vậy thì thương nhớ làm chi cho uổng hơi! Cứ thế tôi đi như chạy đến trường.
       Được một khúc khá xa, tôi thấy Huệ dừng xe bên đường, dáng bộ lúng túng, nhìn tôi như cầu khẩn. Tôi vờ như không thấy, cứ ngó thẳng và đi thẳng. Được mấy bước, Huệ gọi tôi:
       -Anh Thức!
       Nghe giọng như muốn khóc của Huệ, tôi thấy hả hê trong bụng lắm, không thèm dừng lại. Nhưng nghe kêu "Anh Thức!" lần nữa, tôi không cầm lòng được, quay cổ lại, lạnh lùng:
       -Chi vậy?
       Huệ lấy ống tay áo lau nước mắt:
       -Cái xe máy của em... bị sút sên!
       Ra vậy! Tôi quay lại, không ngó Huệ, ra tay "anh hùng tiếng đã gọi rằng", lắp lại cái xích xe đạp. Huệ đứng giữ cho cái xe khỏi ngả, ngó tôi làm, tôi thấy nóng nóng trên đầu. Bỗng Huệ hỏi:
       -Anh có phải là anh Thức, con bác Tám bên Vĩnh Hoà không?
       Trời đất ơi! Tôi ngó lên thấy đoii mắt của Huệ đã lung liêng cuời cuời. Tôi hỏi lại:
       -Sao Huệ hỏi tui kỳ vậy?
       Lần này thì Huệ cười rất giòn:
       -Em đâu có phải Huệ! Chị Huệ lấy chồng qua bên nhà chồng ở Kinh Xáng rồi!
       -Vậy chớ... Tôi lấy tay quệt mồ hôi trên trán, nhìn cô gái ấp úng.
       -Em là Huệ Em, em của chị Huệ! Bộ anh tưởng em là Huệ hả!
       Tôi lặng người sung sướng, trao xe cho Huệ Em,  cười gượng gạo:
       -Sao hai chị em giống nhau quá vậy?
       Huệ Em giục:
       -Trễ giờ học mất rồi! Anh chở em tới trường nghen!
       Tôi ngoan ngoãn nghe theo Huệ Em. Ngồi sau lưng tôi, Huệ Em giải thích:
       -Em tên Huệ Em, còn chị Huệ là Huệ Chị! Kỳ vậy đó!
       - Ừ, kỳ thiệt!
       Từ đó, tôi không còn Huệ Chị, nhưng tôi đã có Huệ Em. Huệ Em mới lên cấp 3, học lớp 10! Mỗi ngày tới trường tôi cùng Huệ Em chở nhau trên chiếc xe đạp màu xanh của em. Một hôm Huệ Em hỏi tôi:
       -Hồi đó anh thương chị Huệ thiệt hả?
       Tôi im lặng một hồi rồi quay qua nhìn thẳng vào mắt Huệ Em:
       -Ai nói với em vậy?
       -Hổng có ai nói hết! Em cảm thấy...
       Lần này, tôi đã có chút kinh nghiệm, quyết không để mất con chim vàng của mình nữa:
       -Thế bây giờ em có cảm thấy gì không?
       Huệ Em không nói, em ôm cặp trước ngực một mình đi trước, tôi dẫn xe theo sau. Lát sau Huệ Em hất mái tóc ngược ra sau vai, ngẩng lên nhìn tôi:
       -Em giống chị Huệ không?
       Trời ơi! Đôi mắt đen ươn ướt của Huệ Em, đôi mắt mà sau này tôi mới biết nó báo hiệu cho một cuộc đời nhiều đa đoan, sóng gió... Nhưng lúc ấy đôi mắt ấy nhìn tôi  với bao thách thức. Huệ Em đang ở vào tuổi trăng tròn, thân hình còn những khiếm khuyết của người con gái đang lớn. Vẻ đẹp của Huệ Em như bông hoa hàm tiếu, chưa ai nỡ đụng tới, chưa gây cho người ta khát vọng chiếm đoạt...
       -Còn hỏi! Bữa gặp em lần đầu, anh nhầm em với Huệ, nhớ không? Hồi đó anh không có thương Huệ, chỉ thấy có cái gì đó kỳ kỳ. Chỉ khi Huệ lấy chồng anh mới thấy buồn! Một khoảng trống mênh mông, mất mát! Giờ có em... Tôi buông lửng câu nói, Huệ Em nhìn tôi rồi bất ngờ hỏi lại:
       -Trám vô cái khoảng trống đó?

***

       Đúng là tôi đã "trám" Huệ Em vào cái khoảng trống trong trái tim tôi. Khoảng trống mà một lần trong đời thằng con trai nào cũng dễ có, hay đúng hơn, tưởng đó là khoảng trống. Cuối năm thi tốt nghiệp lớp 12 xong tôi đến chơi nhà Huệ Em, lấy cớ tặng em mấy cuốn sách và trao đổi chút kinh nghiệm của người đi trước, cũng đường hoàng, đạo mạo lắm nghe, đồng thời cũng là để từ biệt em trước khi lên Sài Gòn thi đại học. Trên đường đi tôi định bụng sẽ làm cho thiệt bảnh, để cho mọi người thấy rằng tôi và Huệ Em đã thương nhau rồi. Nào ngờ, khi tới nhà, tay chân miệng lưỡi tôi để đâu hết, cứ xớ rớ như người đi muợn bạc. Huệ Em nắm tay tôi dẫn thẳng vô nhà, giới thiệu với má:
       -Anh Thức bên Vĩnh Hoà, hồi đó học chung lớp với Huệ Chị đó má! Rồi tự nhiên Huệ Em che miệng cười rúc rích. Bà má đang ngồi trên võng thấy con gái cười, bà mắng:
       -Con nhỏ này "vô duyên" thiệt! Có bạn tới nhà chơi thì rót nước mời khách, chớ có chi bây cười?
       -Hồi đó Huệ Chị lấy chồng ảnh buồn tính bỏ học đó má ơi! Ngày mai ảnh lên Sài Gòn thi đại học, bữa nay ảnh qua tính...
       Tôi lặng người, không biết nói sao, cứ cười như thằng trệt. Má Huệ Em cũng cười, nhìn tôi:
       -Nó lấy chồng thây kệ nó, bây còn tính gì?
       -Ảnh tính "trám" Huệ Em vô chỗ Huệ Chị đó má!
       Nói rồi Huệ Em cười ré lên, bỏ chạy xuống bếp, để tôi một mình chịu trận với bà già. Tôi sung sướng đến ngây ngô như người trúng số độc đắc, cứ mân mê trong tay cái nón kết. Bà má thấy tội nghiệp, sai tôi leo lên cây dừa bẻ mấy trái xuống cho bả... uống nước! Thức ngừng kể, cầm ly uống một hơi. Tôi dè dặt hỏi:
       -Vậy bà xã anh bây giờ là Huệ Em?
       Thức không trả lời vì đang dở hớp bia, anh khua tay ra hiệu. Lát sau, anh rầu rầu:
       -Được vậy thì còn nói chi! Làm gì có chuyện kể cho ông nghe lúc này... Tôi thi đậu Đại học bách khoa, học năm thứ tư thì gia đình bên tôi qua nhà Huệ Em để người lớn nói chuyện. Lúc này Huệ Em đang học trung cấp thống kê bên Cần Thơ. Chúng tôi thống nhất để khi nào Huệ Em ra trường về công tác ở huyện thì chúng tôi làm đám cưới. Còn tôi do học khá nên được Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa nhận vô làm việc liền. Huệ Em về huyện công tác được một thời gian mà tôi thì bận quá chưa về tính chuyện cưới hỏi được, nên chỉ thỉnh thoảng mới gửi thư về cho Huệ Em. Huệ Em cũng gửi thư cho tôi thường xuyên, lời lẽ tình ý trong thư nồng thắm lắm. Bỗng dưng, ba tôi nhắn về gấp để lo chuyện cưới vợ. Tôi phải xin phép khó khăn lắm giám đốc mới cho nghỉ.
       Về đến thị trấn trời vừa sập tối, tôi chạy như bay về nhà. Nhưng như người ta thường nói: khi người ta yêu trái tim đã bị mù! Tới cây cầu khỉ, thay vì về nhà, tôi lại thẳng đến nhà Huệ Em. Hăm hở, tự tin như một chàng rể quý, tôi phóng thẳng vào giữa sân. Con chó vàng thấy tôi thì hực lên một tiếng rồi vẫy đuôi mừng ríu rít.  Trong nhà cây đèn khí đá sáng chói mắt, ba của Huệ Em và một người đàn ông  đang ngồi bên bàn nước. Tôi lén ra sau bếp tìm người yêu. Huệ Em đang ngồi một mình, im lặng bên nồi cám heo. Thấy tôi, Huệ Em giật mình, lộ vẻ hốt hoảng rồi quay mặt đi, bối rối. Tôi ngồi xuống bên cạnh, tính hôn đại một cái lên tóc Huệ Em, nhưng em né tránh. Tôi hỏi sao vậy, Huệ Em ngồi im lặng một lúc rồi thổn thức khóc. Đúng lúc ấy thì má của Huệ Em đi vô, bà nhìn tôi bằng cái nhìn rất kì lạ, rồi hỏi:
       -Thằng Thức về hồi nào?
       -Dạ, con mới về tới.
       -Bây đã về nhà chưa? Chưa hả?
       Tôi lo lắng hỏi lại:
       -Ủa! Sao má biết? Nhận được thơ của ba con, con phải xin mãi ông giám đốc ổng mới cho nghỉ phép một tuần. Về tới chợ trời vừa tối, con về đây trước rồi chút về trong trỏng...
       Bà má không trả lời tôi, loay hoay với cái gì đó trên tay rồi đi lên nhà trên. Thấy mọi người im lặng, tôi đoán chừng có chuyện gì xảy ra, nhưng không dám hỏi. Lát sau có tiếng ba của Huệ Em:
       -Con Tư đâu rồi? Anh Năm về kìa!
       Huệ Em uể oải đứng dậy, tôi cũng đứng lên theo. Ông già xuống bếp nhìn thấy tôi, ổng không ngạc nhiên mà tỉnh khô:
       -Thằng Thức  lên đây tao có câu chuyện muốn nói!
       Huệ Em tiễn Anh Năm nào đó, rồi ra sau bờ mương, tôi lên nhà, rón rén ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ba của Huệ Em. Ông già bối rối vân vê vấn điếu thuốc rê mấy lần toàn bị rách giấy. Tôi lấy bao thuốc chìa ra mời:
       -Ba hút thuốc này nè...
       Ông già dục nhúm thuốc xuống sàn nhà, cầm điếu thuốc của tôi, châm lửa phả khói mù mịt một cách nặng nhọc. Lâu sau, ông nhìn tôi:
       -Bây biết ai vừa đi ra đó không?
       Người đó là Năm Bình, vừa trúng hội đồng huyện và sắp trở thành rể của ông, chồng của Huệ Em! Tôi không nghe ông già giải thích và hình như ổng cũng không giải thích gì cả. Tôi lặng lẽ xách cái giỏ nghèo nàn của mình ra khỏi nhà Huệ Em mà không chào ai. Qua cổng, tôi thấy bóng Huệ Em trong lùm cây thiết mộc lan, hình như có tiếng gọi "Anh Thức!", nhưng tôi im lặng. Chỉ có con chó vàng là ríu rít quấn lấy chân tôi, đưa tiễn. Tôi không về nhà, lội bộ ra thị trấn, đón một chiếc xe lên thẳng Sài Gòn.

***

       Thức kỹ sư đưa tôi đến trước một ngôi biệt thự màu mè, có vẻ lạc lõng với khung cảnh đìu hiu của thị trấn. Một thiếu phụ chạy ra mở cổng mà không nói gì. Thức chống xe giữa sân, nắm áo kéo tôi đi theo người thiếu phụ, chính là chủ ngôi nhà. Chủ nhà kéo mở cánh cửa một căn phòng, có cửa sổ nhìn ra con lạch nhỏ xanh ngắt lục bình. Thức đẩy tôi vào:
       -Ông thầy có thể ở mấy ngày cũng được, chừng nào xong việc thì trả tiền cho chủ nhà. Đoạn anh ta quay sang người thiếu phụ. Bây nói lấy ông thầy nhiêu?
       Thiếu phụ ngước đôi mắt ánh màu xanh pha chút hoàng hôn đang đỏ cháy ngoài sông nhìn tôi như thể ước lượng:
       -Dạ, chú là bạn của anh Thức, cho nhiêu cho...
       -Bậy nào! Ông thầy là bạn tao thiệt, nhưng ở thì phải trả tiền. Thôi, như đã nói với bây, lấy người ta một trăm, lấy ổng năm chục một ngày đêm! Ông thầy thấy được không?
       Tôi như người ngoài cuộc bị hỏi bất thần, lúng túng:
       -Tùy chị chủ nhà!
       -Xong! Thức khoát tay. Còn ăn uống ông thầy ra ngoài quán Bảy hồi nãy đó!
       Thức quay đi mà không chào ai, tôi chạy với theo:
       -Như thế có thiệt quá không, anh Thức?
       Anh chàng xe ôm nhìn tôi tỏ vẻ khó chịu:
       -Thiệt thòi gì!
       -Bà con à?
       Vẫn cái nhìn khó chịu, nhưng đã dịu hơn, Thức nắm tay tôi kéo đi một quãng, giọng anh nhỏ xuống:
       -Ông thầy nghe nầy, Huệ Em mà tôi đã kể cho ông thầy nghe, vợ Năm Bình chủ tịch huyện đó! Năm Bình vừa mới nổ súng lục vào đầu tự sát, báo chí làm um sùm lên ông thầy có nghe không? Y tự vẫn, để lại ngôi biệt thự nầy với ba đứa con. Tôi thấy ngôi nhà lớn quá bỏ uổng, bảo nó cho người lỡ đường nghỉ, kiếm thêm...
       -Trong nhà có ai nữa không?
       -Có! Bà già Huệ Em đang ở trỏng, nhưng tôi không muốn gặp! Ông thầy cứ nghỉ cho thoái mái, chừng nào tìm thấy cô Lan thì hãy đi... Nhớ tìm cho được người ta nghe, ông thầy!
       Tôi trở lại căn phòng bắt đầu chập choạng ánh chiều. Vẻ đìu hiu của thị trấn đã tràn vào tận đây. Cứ để nguyên cả áo quần, giày vớ, tôi nằm vật ra giường...
       Thức ơi, anh nhầm rồi, Lan của tôi là một người xinh đẹp nhất trong những người xinh đẹp, chung thủy nhất trong những tấm lòng vàng. Hai mươi năm trước, Lan đã đi qua cuộc đời tôi như một ánh chớp, một dòng xoáy, nàng cũng ra đi như Huệ em hay Huệ chị của anh và mang theo niềm hy vọng của tôi! Thế nhưng, may sao Lan của tôi không có thật! Không bao giờ có thật. Nàng chỉ là tưởng tượng của tôi từ trong sâu thẳm trái tim một thời thơ dại! Nàng mãi mãi là nỗi nhớ thương da diết trong tôi! Và nếu như nàng có thật trong cuộc đời này, nàng sẽ hạnh phúc, trong khoảnh khắc và lâu dài mãi mãi trong trái tim tôi, trong vòng tay tôi! Ngày mai, trong cái thị trấn nhỏ bé, vừa thân thuộc thương yêu, vừa xa cách lạ lùng, tôi sẽ đi tìm nàng!
       Tôi thiếp đi trong giấc ngủ mệt mỏi, mơ mòng. Khi tôi tỉnh dậy đêm đã khuya, khuya lắm rồi!

Đồng Tháp - TP Hồ Chí Minh 2000-2001
H.Đ.Q.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét