Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

LỜI NGUYỀN ĐÃ NGHIỆM






Nhờ một người quen giới thiệu, Mừng được vào làm việc trong một cơ quan nhà nước. Nên nhớ: cơ quan nhà nước hẳn hoi, sẽ có một ngày được vào biên chế, không, được ký hợp đồng dài hạn. Khi đó chú sẽ trở thành công chức nhà nước, công dân hạng một, hiểu không? Mừng hiểu, mà dù không hiểu, Mừng cũng vẫn gật đầu chăm chú, đôi mắt chuyên đời nhìn xuống, cũng đã phải ngẩng lên, lóe sáng. Khốn nỗi, cái người giới thiệu, cái người đang cố gân cổ lên giải thích cho Mừng nghe cái tương lai xán lạn nhất trần đời ấy cũng chỉ là một anh nhân viên quèn, chưa được lên chức danh cán bộ, mỗi khi điền vào giấy giới thiệu đi đâu đó, nộp tiền điện thoại cho sếp, chẳng hạn...
Trong cơ quan nhà nước hiện thời, nhiều cái oái oăm, mà có lẽ không chỉ riêng Mừng, mà một ai đó, dù sắp về hưu, có bốn muơi năm công tác và đóng bảo hiểm liên tục, cũng chưa chắc đã hiểu. Có khi anh cán bộ nằm dưới, cô thư ký nằm trên (danh sách khen thuởng chẳng hạn). Cũng có khi ông sếp lừ lừ như "đầm sen" (sen-đầm) lại bị anh bảo vệ cho đo ván văng lên đến tận tòa hình sự. Một anh chàng lẻo khoẻo, nước da xanh mét, chậm như xẩm sờ... lại được phong chức "đổng lý", một câu nói nhỏ lại sinh khối oan gia... Nghĩa là, Mừng sẽ rất có thể trở thành một trong những người đó, tùy cơ cấu!
Hôm nay trời đẹp, đẹp nhất trong cả năm, ngày 30 tháng Mười dương lịch. Đêm qua mưa lớn, sáng nay tạnh khô và đầy vẻ hanh hao. Trên đường phố sạch tinh, đen bóng, lác đác vài vũng nước mưa sót lại, trong veo, lờ lờ trôi những chiếc lá dầu to bản như những chiếc thuyền nan màu nâu nhạt tìm về bến đậu. Đó là ngày đầu Mừng đến nhận nhiệm sở.
Mừng được biên chế vào tổ lao động cơ động, tức là "gặp gì làm nấy", không cố định, không chuyên môn và không giờ giấc. Mừng làm việc chăm chỉ và hối hả, đó là cậu tự đánh giá về mình như thế. Nhưng, ông trưởng ban, một con người béo múp míp, tóc cắt thượng lên như dầu con lươn chồn (một loại lươn già, đầu nhọn như đầu chồn, có cả mấy sợi ria) khuôn mặt nhẵn thín chỉ khác con lươn ở chỗ không một cọng lông, còn tính khí thì như một bà cô chết chồng, luôn miệng lầu bầu, lại nghĩ về Mừng một cách hoàn toàn khác. Cái tính lầu bầu của ông lươn chồn có từ bé, càng lớn càng có thâm niên, thấy gì cũng bình luận. Đọc báo, thấy ai, dù là bộ trưởng hay tổng thống, ông cũng nghĩ ra và gán cho được cái xấu cho họ. Đã vậy, ông còn đem bài báo dí vào tận mắt người bên cạnh, dù người ấy, đang bận hoặc không thích xem. Người ta lừ mắt, hoặc hất tay ra, còn Mừng thì không, cậu đọc ngay tắp lự. Chỉ vì ông ta, cái ông lươn chồn ấy là sếp của cậu. Mà theo Mừng, thì Mừng lúc nào cũng có lỗi, không biết lỗi gì, nhưng khi Lươn Chồn đã nói, nhất định phải đúng. Đến ông bộ trưởng, ông ta còn biết tận "cu ti củ tỉ" nữa là...
Một năm đã qua, rồi thêm nửa năm nữa Mừng vẫn chưa được ký hợp đồng dài hạn. Thời gian có khi thuộc về ta, nhưng cũng có khi thuộc về người khác, nơi khác. Trong trường hợp này Mừng bị thời gian gặm mòn ý chí, cậu ta bắt đầu sốt ruột. Từ sốt ruột dẫn đến lo lắng, rồi từ lo lắng trở thành hoảng sợ. Như một phản ứng phân rã hạt nhân, sau hoảng sợ là căm giận. Căm giận ai? Cả một hệ thống lãnh đạo, Mừng không cần biết ai hết, cậu bé dồn sự căm hờn vào cái đầu nửa chồn nửa lươn của ông trưởng ban, mặc dù đến lúc này ông trưởng ban đã lên ngồi chễm chệ cái ghế phó giám đốc.


***


Mừng ta, vốn con của một ông thợ nề, về sau, do không chịu nổi sự nhấm nhá của xi măng, vôi vữa… hai bàn tay và hai bàn chân ba Mừng lỗ chỗ vết ăn mòn hủy hoại, ông trở về, chuyển sang nghề đạp xích lô. Mừng cũng có thể nối nghiệp cha, nhưng do may mắn hơn là đã có bằng tú tài, nên cậu tìm con đường khác. Mặc dù sắp sửa trở thành công dân hạng một, nhưng Mừng vẫn còn nguyên si nỗi mặc cảm con nhà nghèo hèn. Nghèo thì hèn, vì nghèo thì rất dễ thỏa hiệp, siêu lòng. Chỉ cần một lời hứa rất không có cơ sở, Mừng cũng hớn hở hẳn lên, làm việc như điên, như dại.
Nhưng với ông Lươn Chồn, một con người có cái đầu khả kính, một thiên thần oai vệ nhất hạng, thì Mừng có nhiều dịp quan sát ông ta. Một lần, Mừng được trưởng ban giao cho việc móc cái ống cống ngay trong sân cơ quan, Mừng tỏ ra ngần ngại. Mừng nói rằng, nếu không có một cái găng tay bảo vệ, rất có thể cậu sẽ bị nhiễm vi trùng tê-ta-nốt, trùng uốn ván... Nhưng ông trưởng ban không tin lời cậu:
-Làm gì có trùng uốn ván ở đây? Ai bảo cậu rằng trong sân cơ quan có tê-ta-nốt?
       -Có, thưa sếp! Sếp có thể không biết, nhưng cháu đã học đến lớp 12, cháu biết...
-Lớp 12 là cái đinh gì? Cử nhân, thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ cũng phải lao động. Lao động dưới sự phân công, dưới sự chỉ huy của ta! Lao động là vinh quang, là nhu cầu, là niềm vui của con  người... Bất kỳ ai làm việc dưới quyền ta đều không được viện ra lý do gì để trốn việc. Làm đi...
-Không! Cháu sẽ làm, nhưng sếp phải cho cháu một đôi găng tay...
-Cái gì? Găng tay là cái gì?
Mừng chuẩn bị nổi cáu, lần nổi cáu mà cậu đã chuẩn bị kỹ lưỡng để sao cho thật an toàn. Nhưng rất may, Mừng đã không kịp nổi cáu, vì nếu thế, Mừng sẽ gặp tai ương. Vị cứu tinh của Mừng hiện ra:
-Cái gì thế anh Ngự? Có chuyện gì mà thầy trò to tiếng với nhau vậy...?
Ông Ngự, tức Lươn Chồn, tức sếp của Mừng quay lại thì gặp ngay cái nhìn vị tha và cởi mở của ông sếp trên ông ta. Cứ theo cách hiểu dân dã, thì nếu ông Lươn Chồn là cha Mừng, thì ông sếp này là ông nội Mừng. Sếp Ông nội nhìn Mừng một cách hờ hững, phần còn lại nhằm vào ông sếp cha. Lươn Chồn nhìn sếp của mình và nở một nụ cười vô cùng tươi thắm:
       -Dạ, thưa anh, em đang chỉ việc cho cái cậu này…
       -Ừ, anh em mới vào làm việc, phải chỉ bảo cẩn thận. Cậu này, tên gì?
       -Thưa... thưa ông nội, con tên Mừng!
Ông Nội phì cười, và bỗng có cảm tình với Mừng:
-Đừng xưng hô như thế, buồn cười lắm, Mừng ơi! Thế cháu đang làm gì?
Mừng bị hớp hồn, nó chỉ đại vào cái miệng cống toang hoác, không nói được.
-Anh Ngự? Cậu Mừng đang làm gì thế?
-Dạ, thưa anh! Cậu Mừng này có bằng tú tài rồi mà vẫn dốt. Nó cứ khăng khăng đòi vọc tay vào ống cống để móc. Em mới bảo: không được! Phải có găng tay! Thế mà nó có nghe đâu...
Mừng tròn mắt trước cái cổ lươn của ông Ngự quay một trăm tám mươi độ, mà giận điên người. Nhưng giữa lúc mừng vui tột cùng hòa với nỗi căm hờn tột độ, con người ta lại trở về trạng thái bằng không. Mừng im lặng cúi đầu, nghe sếp ông nội nhắc nhở. Khi sếp ông nội đi vào phòng, Mừng lấy lại sự căm hờn:
-Tại sao sếp lại có thể nói ngược lại sự thật như thế?
-Ngu! Không nói thế thì làm gì có tiền mua găng tay? Mà có nói vậy thì sếp mới đánh giá sự hăng say lao động của mày! Hiểu chưa?
Mừng không dễ gì bị đánh lừa, nó tích trong lòng một khối u uất. Sự u uất của một kẻ thấp cổ bé họng luôn được dồn tụ, khiến cho nó có thể trở thành khối u di căn. Không có ai để giãi bày, không người nào đủ để Mừng tin mà tâm sự. Dần dà, Mừng trở thành một kẻ ngớ ngẩn thật sự, lúc nào cũng trong tâm trạng mộng du. Cuối cùng, cậu ta mạnh dạn bước chân vào cổng chùa, với hy vọng tìm được lời khuyên giải tỏa.


***

      
       Trở lại chuyện xưa một chút. Nói là xưa, nhưng cũng chưa xưa lắm, gần đây thôi. Hồi đó, các loại công văn thường được đánh bằng máy đánh chữ cơ khí. Khốn nỗi, máy chữ lúc đó chưa có hãng nào sản xuất dùng để đánh tiếng Việt. Trong công sở, cơ quan xí nghiệp chỉ có loại máy chữ của người Pháp để lại. Vì cái máy chữ khốn khổ không bỏ được dấu cho tiếng Việt mến yêu nên người ta mới đọc "dao Phat cung nhu dao Cao Dai" (đạo Phật cũng như đạo Cao Đài) thành ra "dao phát cũng như dao cạo dài". Chuyện đáng cười hơn, cụ thể hơn, có một ông tên họ là Nguyễn Trọng Quản, nhưng máy chữ chỉ đánh được là NGUYEN TRONG QUAN, để rồi bị đọc thành “Ngủ Yên Trong Quần”. Chuyện ấy có thật, nó lưu lại một thời buồn của nền văn tự cơ khí nước nhà. Khi chúng ta no đủ hơn, sang hơn thì cũng chính xác hơn, máy chữ, rồi máy tính điện ử (như cái máy tôi đang đánh những dòng này đây) đã có thể đánh đầy đủ các dấu thanh, dấu âm tiếng Việt, hoàn hảo. Chuyện đó, tưởng lui sâu vào quá khứ... Ấy vậy mà... ba bốn mươi năm sau nó lại quay trở lại. Ông Lươn Chồn, có tên chính xác là Mai Văn Ngự, một cái tên giản dị, nhưng sang trọng, không màu mè, kiểu thị dân. Nhưng, oái oăm thay, khi lên chức vụ cao hơn, ông phải in danh thiếp, cac-vi-dit. Mà thời buổi này, đã phàm là sếp thì phải giao lưu, giao dịch ra bên ngoài, ra thế giới. Thế giới bây giờ là của tiếng Anh, nên các sếp nhất thiết phải in tên mình theo kiểu tiếng Anh, tức là không bỏ dấu âm, dấu thanh. Cho nên tên của Lươn Chồn được in trang trọng như thế này: MAI VAN NGU, cùng với Vice Director (phó giám đốc đấy). Chuyện in và phát đang yên lành, bỗng có một kẻ xấu miệng và xấu bụng đã xuyên tạc mà đọc thành: Mãi Vẫn Ngu, vai rất to! Thế có chết người ta không chứ? Tên Lươn Chồn là độc quyền của Mừng, do Mừng đặt ra, và chỉ Mừng xài ngầm trong bụng, còn Mãi Vẫn Ngu là của thiên hạ, là của miệng thế gian!
     Chùa Cây Da có tên chữ là Thanh Không tự, nằm cách nhà Mừng vài trăm bước chân, trên con đường ngày xưa cậu đi học, và ngày nay cậu đi làm.  Đôi lần Mừng đã từng theo mẹ vào đây, nên cậu khá thông thuộc. Bậc tam cấp và sàn Tam Quan sạch bóng, thoang thoảng mùi thơm của nhang trầm và hoa huệ trắng. Mừng cởi dép, bỏ vài ngàn lẻ vào hòm tam bảo rồi thắp nhang, dâng lên trước trán, khấn. Mừng không biết khấn gì, cậu lầm bầm trong cổ họng, rồi quay sang các ông Thiện, ông Ác, và vô số những linh vị, nằm rải rác trong sân chùa. Xong việc, Mừng chưa cảm thấy thanh thoát. Cái việc vào chùa của cậu không dừng ở đây. Mừng thơ thẩn trong sân chùa, vòng ra sau hậu cung... Bất thần Mừng đến sát bên một cô tiểu nhỏ, có đôi má và cả khuôn mặt vàng bủng, nói nhỏ:
-Bạch nhà chùa, xin cho được hỏi thăm...
Cô tiểu nhìn Mừng bằng cặp mắt ướt đẫm, cũng màu vàng  nâu:
-A di đà Phật! Xin thí chủ cứ hỏi...
-Không biết sư Thầy đã dậy chưa? Mừng nói trống không.           
-Thầy chúng tôi đang điểm tâm ở sau bếp, chắc gần xong rồi. Thí chủ muốn gặp thầy chúng tôi?
Mừng dạ lí nhí rồi ngoan ngoãn theo cô tiểu. Sư thầy, sau khi nghe đệ tử của mình nói nhỏ, nhìn Mừng rồi thả cặp kính trắng xuống:
-Cậu em tìm ta có việc gì?
Mừng ngần ngại. Thực ra là cậu ngại, nhưng sư Thầy lại nghĩ cậu có chuyện gì đó, chỉ muốn nói riêng, nên ông đứng dậy, vẫy tay ra hiệu cho Mừng đi theo vào phòng riêng.
Mừng nói hết, nói trơn tru tất cả những gì cậu chuẩn bị lâu nay, mà chủ yếu về cách mà Lươn Chồn mãi-vẫn-ngu đối xử với cậu. Sư Thầy lắng nghe chàng thanh niên yếu đuối giãi bày, và ngừng lại bằng một câu hỏi:
-Bạch Thầy, bây giờ con phải làm thế nào?
Sư Thầy cố nén tiếng thở dài, hay đúng hơn đại đức cố nhịn một tiếng cười. Ông uống nước rồi chậm rãi:
-Nhà Phật rất hoan nghênh sự tin tưởng của em giành cho cửa tu hành. Ta biết khuyên em làm gì ư? Khó quá! Đến cả Đức Phật có sống lại chắc cũng không biết khuyên em nên làm thế nào? Em hiểu Phật thế nào, ta không biết, nhưng ta muốn nói với em rằng Phật, trước hết là sự vô hại. Đức Phật vốn là người vô hại, không muốn và không biết làm hại ai. Đồng thời Phật cũng là sự vô lợi, Đức Phật chẳng mang lợi ích, tài lộc hay sự giải cứu cho bất cứ kẻ nào. Chớ có đến Chùa cầu mong được lợi nhà đất, chức quyền hay chờ giải cứu khỏi tội hình sự… Đức Phật từ bi, khoan dung, nhưng không có tai mắt, tay chân để tác động vào thế sự. Thế thì Phật tồn tại để làm gì, ta biết em đang muốn hỏi câu hỏi đó, đúng không? Phật là một cõi riêng, nhưng cũng là của muôn loài chúng sinh, ai đến cũng tốt, mà ai quay lưng cũng tốt. Chùa chiền và tượng Phật chỉ cốt để cho ai đến đây được thư thái, thanh tịnh trong lòng, để có dịp suy ngẫm về số phận của người, của riêng mình. Ai tuyên truyền hay lớn lối thị oai chúng sinh, nhân quần, thảy đều ngụy tạo. Em đến đây là được rồi. Tiện đây ta kể em nghe chuyện này. Ta có một người bạn thuở nhỏ, nay làm Tổng gám đốc một công ty, to lắm, nói tên ra có khi em biết. Biết ta trụ trì Thanh Không tự, ông ta chưa đến một lần thăm. Nhưng gần đây, hình như cái ghế quyền lực, công danh của ông ta bị lung lay, hay phạm vào tội trạng gì đó, ông gọi điện thoại cho ta nhờ ta xin với Phật được giải cứu. Thế rồi, ông ta sai một anh nhân viên mang đến lễ chùa, lễ trọng lắm. Ta nhận, nhưng ta nhận của cải mà không nhận tấm lòng. Ta nhắn lại với ông bạn rằng: nếu bạn muốn thoát nạn trần ai thì hãy tìm đến thánh thần, ma quỷ, bà đồng, ông cốt... Còn nếu muốn thoát khỏi nỗi ám ảnh tội lỗi thì hãy đến đây, nhân danh tình bạn, tôi có chỗ cho ông trò chuyện với Phật...
Mừng lắng nghe mà không hiểu, cậu hoang mang, lại càng hoang mang!     
Ra về, cậu không thấy mình giải thoát, mà chỉ thấy trĩu nặng. Tiếp tục cuộc hành trình tìm chân lý, Mừng đến ngôi chùa thứ hai, rồi thứ ba... Mọi sự đều diễn ra như với Thanh Không tự. Không nản, tất cả sáu ngôi chùa, Mừng tìm đến, cậu đều được giải thích rằng, hãy kiên tâm, đời còn dài, tuổi còn trẻ, kẻ kia rồi sẽ hối cải, sẽ đối xử tốt với anh em, bạn bè, đồng sự...
Ngôi chùa thứ bảy mà Mừng tìm đến nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Mừng biết rằng, ngày trước, khi ngôi chùa này được hình thành, nơi đây còn là đồng không mông quạnh. Con người đông đúc lên, chen lấn nhau, đến nỗi che kín cả ngôi chùa. Chùa vắng và ồn. Tín đồ thì ít, mà kẻ tá túc thì nhiều. Sư Cụ tiếp Mừng đã rất già, đầu gục xuống mệt mỏi. Nghe Mừng trình bày, rằng cậu đã đi hết sáu ngôi chùa, nhưng chỉ nhận được một giáo huấn tương tự. Sư già im lặng đến vài phút. Dường như ngài muốn chờ cho chân khí có đủ thời gian quay về với xác phàm rệu rã của ngài. Bất thần ngài ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt Mừng, bằng một thứ ánh sáng hồi quang, có những tia vàng đi thẳng, đầy sức mạnh chi phối. Mừng hơi giật mình, lùi lại trong tư thế sẵn sàng bỏ chạy. Sư Cụ nói bằng một giọng khàn khàn, nhưng rất rõ ràng, khúc chiết:
-Ta năm nay chín-mươi-bảy tuổi rồi, già quá rồi, lão niên bất tử là một bất hạnh. Ta bày cho con điều này, để tùy con, nghe theo cũng được mà không theo cũng chẳng sao. Con người, phàm là biết ăn ở, đều có sức mạnh của mình. Có người dùng sức mạnh của mình để phụng sự nhân gian, có kẻ, ngược lại chỉ để thỏa mãn thân xác và tham vọng của mình. Kẻ mạnh, gặp thời càng mạnh, nhưng khi đã mạnh nhất cũng là khi yếu nhất. Số người đó không nhiều, nhưng lại làm bá chủ thiên hạ. Số đông còn lại, đã yếu, lại càng yếu, vì không biết được sức mạnh của mình. Con đang yếu thế, phải không? Ấy vậy mà ta thấy con đang mạnh đấy, chàng trai ạ!
-Dạ, thưa Sư Cụ, con không hiểu! Mừng lo lắng.
-Sức mạnh hay thế mạnh của con người nằm ở sâu trong tâm linh. Thôi thế thôi nhé, con về đi...
Bị đuổi, mà chưa thỏa mãn trí tò mò, Mừng chạy theo vị sư già, níu áo:
-Thầy hãy dạy con một điều, cụ thể hơn...
Sư Già ngưng bước, nhìn Mừng bằng con mắt ướt đẫm, đỏ lòm, không một sợi lông mi, cũng chẳng có một tia ánh sáng:
-Nguyền rủa là một sức mạnh, ghê gớm lắm, có thể lật đổ cả một đế chế, chứ không chỉ một kẻ thù...
Hai ngày sau, Sư Già viên tịch, khiến Mừng kinh hãi vô cùng. Dường như có một cái gì đó tác động vào tâm trí cậu trai, một sự gặp gỡ, giao hòa... để cậu ngộ ra...


***


Mừng vẫn đi làm đều đặn, công việc vẫn thế, vẫn cơ động, vẫn chờ đợi vào cái ngày thành công dân hạng một và vẫn gặp Lươn Chồn với cặp mặt lạnh lùng soi mói. Nhưng bây giờ Mừng không còn kinh hãi cái đầu cúp thượng của ông ta nữa, không ngán sự quay quắt chậm chạp nhưng quả quyết của Mãi-Vẫn-Ngu nữa, vì cậu bắt đầu có sức mạnh. Mừng đã trằn trọc nhiều đêm không ngủ chỉ để xoay quanh một lời nguyền rủa. Cậu cố soạn thảo ra trong đầu một văn bản sao cho thật rõ ràng, minh bạch, linh thiêng và cụ thể để có thể mỗi ngày, sáng ra ngủ dậy, tối đến nhắm mắt... cậu đọc thầm trong đầu nhằm vào Lươn Chồn. Mỗi lần, ông Vai-rất-to gầm gừ với mừng:
-Cậu Mừng, sao cái đống rác kia vẫn chưa được dọn?
-Thưa chú, cháu đang... (Gia thần, Thổ địa, Quỷ cái, Rắn mòng... hãy ra tay trừng trị kẻ quyền thế mà ngu muội kia...)...
-Đang? Đang cái gì mà từ hôm qua tới giờ...
-Dạ, thưa chú cháu làm ngay... (Xe tải, xe buýt, xe nhà binh, xe hốt rác... hãy tìm kẻ hám danh, lộng quyền, tham lam... mà đâm, mà húc, mà đè, mà ủi...)
Mừng xăng xái lao vào cái xẻng, cái chổi, nhưng bất ngờ Lươn Chồn quát to:
-Thôi, để đấy, chiều làm. Bây giờ cậu ra ngay bưu điện, trả tiền điện thoại di động cho tôi. Từ hôm qua đến giờ, chưa trả tiền, nó cúp cha nó rồi!
Mừng cầm tiền, phóng xe đi, miệng lẩm bẩm: "Điện thoại, điện đèn, điện lưới, điện tử... hãy giật lòi mắt, cháy mặt, tan xương, nát thịt... cái tên cậy quyền, dựa thế, hách dịch, điêu toa... kia đi, nhanh lên!"
Lời nguyền rủa của Mừng, mãi không hiệu nghiệm, khiến cậu có biểu hiện nản lòng. Những bài nguyền độc địa được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm vào sếp của cậu như nước đổ lá môn, Lươn Chồn vẫn phây phây. Thế rồi một hôm Mãi Vẫn Ngu không đi làm, Mừng dò hỏi biết rằng lão ta bị viêm họng, mất tiếng. Mừng mừng lắm. Viêm họng là mở đầu của mất tiếng, mà mất tiếng là mở đầu của sưng phổi, sưng phổi là dấu hiệu của ung thư... Cứ thế cậu diễn giải, cho đến khi ông Phó giám đốc đến cơ quan, mặt mũi phương phi, hồng hào, bóng bẩy... Thấy Mừng, ông ta cười giả lả:
-Mấy hôm bị cảm nằm nhà, nhớ anh em quá. Công việc vẫn tốt chứ hả Mừng?
-Dạ, thưa chú, vẫn tốt ạ. Chú bị cảm mà cháu không biết, không đến thăm được. Thật cháu có lỗi... (Công an hình sự, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường... hãy đến tóm cổ lão ta)...
-Dào ôi! Lỗi phải gì! Các cậu có đến hay không tôi nào có trách! Trách là trách người khác ấy chứ!
-Thế... chú trách ai ạ?
-Quỷ tha, ma bắt những đứa chịu ơn của ta ấy! Cái bọn vô ơn, rồi sẽ có ngày, si đa, cúm gà, sâu quảng, uốn ván... khiêng chúng nó đi!
Mừng bỗng đứng sững lại, miệng há ra, to ngoác, không mấp máy, mồ hôi chảy dọc sống lưng, thành giọt nối nhau, kéo dài như một đàn ròi, nhồn nhột...
Lời nguyền đã nghiệm!”, Mừng lẩm bẩm một mình.
1-2004
H.Đ.Q.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét