Màn hình tinh
thể lỏng báo cho hành khách biết, chuyến bay đã được nửa chặng đường. Người đàn
ông A-rập ngồi bên cạnh tôi lại tiếp tục ngáy, sau cú lắc của máy bay. Tôi nén
thở dài, hít một hơi thật sâu, khoanh tay trước ngực, ngoẹo đầu nhìn ra cửa sổ
máy bay. Trời trắng loá, chỉ một ô nhỏ, nhưng vô cùng vô tận.
Còn những bốn
giờ đồng hồ nữa, mới đến sân bay Tân Sơn Nhất, đến thành phố quê hương tôi. Tôi
cựa quạy cố tìm một tư thế thích hợp nhất để nhắm mắt. Nhắm mắt rồi, nhưng
trong bóng tối nhân tạo của ánh sáng, hàng chục, hàng trăm những đốm sáng thi
nhau đọng đậy, đan chéo như một trời sao băng, tung toé. Y như trước mắt tôi là
một thiên hà bị nén chặt trong tiếng ù ù, trầm và nặng của động cơ phản lực.
Tôi lắc lư theo những vì tinh tú ấy…
Bỗng tôi cảm
thấy khó thở, chỉ trong một phân trăm giây thôi, nhưng có cảm giác trái tim tôi
lúc ấy đã ngưng đập. Tai tôi ù đi, lặng ngắt trong một thế giới âm u, lặng ngắt.
Suốt chuyến bay, dây không phải là lần đầu. Và cứ mỗi lần như thế, khi sự hụt
hẫng qua đi tôi lại nghĩ đến ba tôi. Một cảm giác không yên ổn làm tôi…
- Ba khoẻ hả ba?
- Ba cũng không
được như hồi con ở nhà, Thùy à… Đầu dây đằng kia, ba điềm tĩnh.
Còn hơn nửa năm
nữa mới mãn khoá. Hơn một năm tôi đi tu nghiệp ở nước ngoài.
- Trời! Sao ba
nói vậy? Ba nói vậy nghĩa là sao?
- Tuổi già mà
con…
Ba tôi chưa già
lắm. Ông mới nhận quyết định nghỉ hưu, rời quân ngũ ngay trước ngày tôi ra nước
ngoài khoảng một tháng.
Khi hay tin tôi
được cấp học bổng làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, ba tôi nhìn tôi rồi cười ngây
thơ, hai mắt nheo lại, “làm xấu” như hồi tôi mới năm tuổi:
- Con không bỏ
ba ở lại một mình chớ?
Lúc đó tôi mừng
đến nỗi quên luôn cả mình sắp đi xa:
- Ba nói gì kỳ
vậy?
- Ba nói vậy
thôi… Hai năm! Hai Năm?
- Dạ! Hai năm
thôi mà ba.
Bỗng Hùng từ đâu
xồng xộc bứoc vào, giọng có vẻ bực bội, nhưng tôi nghe rõ một sự reo vui trong
từng hơi nói, hơi thở:
- Bác Ba! Em?...
Sao em không nói với anh. Làm chạy muốn hụt hơi…
Tôi không đáp
lời Hùng, đứng dậy nhường ghế cho anh ngồi đối diện với ba. Nhìn hai người đàn
ông đang nhìn nhau, như hai nhà ngoại giao đang thăm dò ý tứ, tôi phì cười:
- Anh Hùng? Anh
từ đâu về tới?
- Từ trên trời!
Bác Năm, chỉ chậm một ngày là có thể con không gặp em Thùy rồi.
“Em Thùy”, tôi
tự nói một mình. Anh Hùng ơi, anh làm như anh là người bảo hộ cho em ý.
Lúc đó ba tôi
còn khoẻ lắm, mạnh và cứng gân cốt, tiếng nói sang sảng. Hay là… tôi bật cười,
hay là hai người thử đấu võ với nhau một hiệp nhỉ. Tôi lấy cho Hùng ly nước, để
trước mặt anh:
- Em qu…ên! Ý,
lộn. Em nhớ…
Sau này, lúc tôi
sắp rời nhà, ba tôi nói: chắc mầy làm anh thằng Hùng quá, Thuỷ à. Nhưng lúc ấy,
ba tôi chỉ cười hiền: Con nhỏ nấy, thiệt tình!
- … Em nhớ là
anh cũng đang ở bên bển. Em tính qua rồi phone cho anh.
- Phôn sao được?
Em không nhớ là ngày mốt anh về…
Chiều hôm ấy,
Hùng kéo cả nhà ra một nhà hàng sang trọng. Nhà hàng của xứ sở mà tôi sắp đến
để định cư hai năm. Cô Năm đến trễ, dáng bộ mệt mỏi nhưng tôi nhận ra đôi má cô
ửng lên, ánh mắt của người đàn bà quyền biến dịu xuống khi nhìn chúng tôi, trìu
mến.
*
Tôi ngủ đi một
lúc, có lẽ không đầy nửa giờ. Lúc thức dậy, vẫn nghe tiếng ngáy của gã Ả-rập,
nhưng tôi không quan tâm. Tôi lục lại tâm trí mình mong nối lại được dòng suy
nghĩ trước lúc đã thiếp đi trong tiếng gù gù đơn điệu của máy bay. Tôi không
thể nối lại được, vì từ hai ngày nay, bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiệu dự định đã
xâm chiếm thời gian nghĩ ngợi của tôi. Chiếc điện hoại nhỏ tuy đã tắt ngấm
trong túi áo nhưng tôi vẫn muốn đem nó ra để… ngắm nghía. Nó đã chứa đựng bao
nhiêu ý nghĩ, kỷ niệm của tôi. Tôi cần nó. Thiếu nó một giờ, một ngày làm tôi
lo lắng. Đã năm tiếng đồng hồ trôi qua, nó nằm im mà tôi vẫn nghĩ là nó đang
nghe ngóng, hoạt động.
Thôi, lại làm
lại ý nghĩ từ đầu, như một đề án mới. Bắt đầu từ đâu nhỉ? Từ cô Năm nhé.
Cô Năm giám đốc
sở là mẹ của Hùng, nhưng cô Năm còn là mẹ của tôi. Cô đã thay má tôi nuôi tôi,
chăm tôi khi má qua đời vào lúc tôi mới được ba tuổi. Má bị bệnh từ trong chiến
tranh, trong rừng má cầm cự nổi, nhưng về thành phố được hai năm má tôi ra đi
khi ba tôi đang ở chiến trường. Khi ấy má cũng bằng tuổi tôi bây giờ. Ký ức về
má của tôi rất mù mờ. Hiện hữu duy nhất của má là tấm hình cô bộ đội, tóc tết
thành bím thả về phía trước, chảy dài lượn trên ngưc. Mà hơi cười, nhưng nụ
cười u tối với đôi môi thâm đen. Cả quầng mắt cũng tôi tối. Đó là hiệu quả của
hình đen trắng, nhưng tôi lại nghĩ: người chết rồi, bao giờ hình ảnh còn lại cũng
âm u như cái cõi mà họ đi tới.
Ba từ chiến
trường Campuchia về, ngồi lặng lẽ nhìn chiếc hòm màu vàng, to kềnh càng mà
trong đó má đang nằm. Ông gục xuống hàng giờ. Khi chôn má rồi, ông dắt tôi đến
cô Năm. Tôi không nhớ hai người đã nói gì với nhau, nhưng từ hôm ấy tôi ở hẳn
bên nhà cô Năm. Căn nhà của chúng tôi khoá lại bằng một sợi dây xích to đùng.
Hùng hơn tôi hai
tuổi, cô Năm để chúng tôi ngủ chung với nhau cho đến năm tôi học lớp 5. Tôi
thích ngủ với Hùng, chứ không phải tôi sợ. Hình như anh ta cũng thế.
Khi còn nhỏ tôi
không hiểu thế nào là vợ chồng. Làm thế nào để thành chồng vợ? Là vợ chồng thị
họ làm những gì? Bởi vì tôi nghe mấy chú, mấy cô thường nói với nhau: vợ chồng
Ba Cảnh và Năm Xuân, tức là ba tôi và cô Năm. Tuy không hiểu nhưng tôi đinh
ninh ba và cô Năm là vợ chồng, và chính tôi đã từ lâu kêu cô Năm là mẹ. Những
lần ba về phép, ông đưa tôi về căn nhà của chúng tôi. Nằm bên cạnh ba, tôi kể
cho ba nghe những mẩu chuyện con con khi ở bên cô Năm và Hùng.
Khi tôi đã biết
làm dáng, biết sử dụng những món đồ dành riêng cho con gái, đàn bà, tôi mới
hiểu: ba và cô Năm không phải vợ chồng. Cũng lúc ấy, tôi hiểu được vợ chồng là
như thế nào. Lớn lên chút nữa, tôi tin tưởng rằng tôi với Hùng sẽ là vợ chồng.
Nhưng không phải
thế. Từ khi ý nghĩ ấy gieo mầm trong đầu tôi, mười lăm năm sau, vẫn y nguyên
như thế, không thể nào khác được. Tôi với Hùng rất xứng đôi, ai cũng nghĩ thế.
Ba tôi, nhất là ba tôi. Nhưng tôi thì không, dù ý nghĩ ấy thường xuyên hiện ra.
Hùng nghĩ về tôi
thaế nào nhỉ? Anh đùa và nóng giận với tôi y như vợ chồng thật, nhưng anh không
làm tôi buồn. Tôi thích người đàn ông, con trai nào làm tôi buồn, vậy mà Hùng
chỉ có việc làm tôi vui và sợ. Ngay cả lúc sợ, tôi vẫn cứ thấy muốn cười vui.
Tôi cũng thế với Hùng, cũng không làm anh buồn, mà chỉ ân cần và đôi khi làm
anh cáu gắt.
Đó chính là vợ
chồng, nhưng không phải tình yêu. Khi cánh cửa cuộc đời đã mở ra với chúng tôi,
một đôi lần phiêu lưu, tôi nhận ra: tình yêu là vui và buồn. Người yêu là phải
biết làm cho nhau buồn, và hờn giận. Không buồn, không giận hờn, không yêu nhau!
Cho đến bây giờ khi tôi đã ba mươi tuổi, vẫn thế.
*
Có một điều tôi
hy vọng, hy vọng và lo lắng. Đó là ba tôi. Sao họ lại không thành vợ chồng được
nhỉ? Họ có yêu nhau không? Họ đã yêu và đang yêu. Chồng của cô Năm, ba của Hùng
đã hy sinh, vào trước ngày hoà bình vài tháng. Ba Hùng là bạn ba tôi và vì thế,
gia đình cô Năm thân thiết với gia đình chúng tôi từ khi tôi chưa ra đời, má
tôi chưa mất. Năm tôi hai mươi hai tuổi, tốt nghiệp đại học ngành sử tổng hợp,
tôi đã chứng kiến họ yêu nhau.
- Sao anh không nói
với em câu gì đi?
- Anh biết nói
câu gì? Anh sợ em buồn…
- Em buồn nhiều
rồi. Giờ có buồn cũng có sao đâu.
Ba tôi không
nhìn cô Năm, mà ngó đi đâu đó vào bóng tối. Ông lo lắng. Ông bồn chồn và ông buồn.
Nhưng sao họ không thể trở thành vợ chồng được. Tôi giữ ý nghĩ này một mình, và
sau đó, không giữ nổi, tôi nói với Hùng.
- Anh cũng mong
như vậy. Mẹ anh nhiều lúc tỏ ra buồn bã, thất vọng.
Thời gian trôi
đi cho đến khi ba tôi lên cấp đại tá, sư đoàn trưởng, cô Năm lên chức phó giám
đốc, rồi sau đó là giám đốc sở. Cô Năm hầu như chỉ có công việc, và đây là thời
kỳ tôi chăm sóc Hùng, như cô Năm đã chăm sóc tôi, như chị em, hay đúng hơn như
vợ chồng. Và chúng tôi, tôi và Hùng một cặp “vợ chồng” trẻ từng bước, từng ngày
“thăm dò” cặp kia, cặp “vợ chồng” lớn tuổi. Khi Hùng ngồi đối diện với ba tôi,
hai người nhìn nhau như hai nhà ngoại giao thăm dò ý tứ, tôi vừa buồn cười vừa
thấy thương họ. Bởi vì chính họ , như lát nữa tôi sẽ kể, cũng đang thăm dò
chúng tôi, một cách kín đáo, không áp đặt.
Hai mươi tám
tuổi, tôi bắt đầu nghĩ đến “vợ chồng thực sự”, mà dần quên khái niệm “tình yêu”,
tình yêu theo kiểu của tôi. Nhưng càng như thế, tôi càng nghĩ, tôi không thể
lấy Hùng làm chồng. Không thể lấy một người quá quen thuộc làm chồng. Tôi để ý
đến những người đàn ông khác, xa lạ, càng xa lạ càng hay.
Nhân dịp Giáng
sinh và Tết, tôi quyết định về thăm nhà, nhất là khi tôi nghe ba nói, ông không
còn như hơn một năm trước. Từ khi nghe điện của ba, tôi rất bối rối, lo lắng và
tưởng tượng ra những điều đáng sợ. Gã Ả-rập đi đâu đó, tôi vươn vai, chống lại
sự ổn định một cách khoan khoái. Ngoài trời vẫn trắng loá, nhưng có vẻ như hơi
xậm lại, hình như vào đêm.
*
Máy bay đáp
xuống lúc trời tôi. Đón tôi ở sân bay, là Hùng, đương nhiên. Không có ba và cô
Năm, mà thay vào đó là một người con gái, có lẽ cũng không trẻ hơn tôi nhiều
lắm. Trên xe Hùng lái, tôi và cô gái kia không nói với nhau.
Bất chợt, lòng
tự ái ngút trời của tôi bừng lên. Tự ái chứ không phải ghen. Yêu đâu mà ghen?!
Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ Hùng không phải của tôi. Hùng là của để dành của
tôi, không ai được đụng chạm tới. Cho dầu tôi đi hết tuổi thanh xuân, đi hết
cuộc đời… Hùng vẫn là của tôi!
Nhưng tôi nhanh
chóng xoá đi, dẹp đi, cất đi… một cách cao thượng và háo hức nhìn đường phố,
quen và lạ. Còn cô gái kia thì nhìn tôi, có vẻ như cũng lạ và quen. Thỉnh
thoảng Hùng quay lại hỏi tôi về sức khoẻ, thời tiết và các món ăn, nhưng tôi
chỉ trả lời qua loa. Tôi đang nghĩ việc khác.
Khi hai mẹ con
Hùng và Cô Năm cùng với bạn gái của anh ta đã về, tôi nhào vào lòng ba, nói như
khóc:
- Con nhớ ba
quá! Con thương ba, con yêu ba…
- Con thương ba
thiệt hả? Giọng ba trầm xuống, lạc đi, lộ vẻ thất vọng.
- Ba nó gì kỳ
vậy, ba! Con có còn ai nữa đâu… ngoài ba! Rồi oà khóc.
- Vậy mà ba
tưởng… Ba tôi bỏ lửng câu nói, dường như là để chờ câu trả lời của con gái. Khi
đã gặp người bạn gái của Hùng, tôi không khó khăn gì để đoán ra câu nói của ba.
- Ba à… Con với
anh Hùng không thể thành chồng vợ được. Điều đó làm ba buồn phải không, ba?
Ba im lặng, mái tóc bạc cũng im lặng. Chỉ có một chút rung động rất nhẹ
trên gò má hơi nhô lên của ba.
- Con biết ba thương con gái của ba, lo cho con gái của ba. Nhưng ba đừng
buồn, con biết cách yêu và con có người đàn ông của con! Phần sau câu nói của
tôi, vang lên một sự dứt khoát, kiên định, như mỗi khi tôi phải đứng lên bảo vệ
ý kiến chuyên môn của mình. Ba mỉm cười với tôi và kéo tôi áp mặt vào ngực ba.
Đêm Noel. Lại Hùng và nhà hàng mà
cách đây hơn một năm, trước khi tôi rời đất nước, chúng tôi đã ngồi với nhau.
Chỉ khác là tôi đã quen biết kiểu cách phục vụ và những món ăn của họ. Và một
khác nữa là có thêm Ái Linh, cô bạn gái của Hùng. Và điều đặc biệt khác mà chỉ
có tôi mới nhận ra là cô Năm hôm nay như trẻ ra đến mười năm về trước, nhưng
đẹp hơn mười năm trước. Bộ váy đầm đen và tấm áo khoác màu trắng ngà làm má cô
ửng hồng.
Vài lượt rượu mừng Giáng sinh, mừng Năm mới, mừng tôi trở về thăm nhà, ba
tôi đứng dậy ra ngoài để hút thuốc. Ông ra hiệu để Hùng đi theo. Còn lại ba
người phụ nữ nhìn nhau, cô Năm lên tiếng:
- Thùy à, mẹ tính qua năm tới mẹ xin nghỉ theo chế độ 132...
Thấy tôi ngơ ngác, Ái Linh giải thích:
- Đó là Nghị định của Chính phủ về việc giải quyết cho người nghỉ hưu trước
tuổi, đó chị.
Tôi „à” một tiếng, ngạc nhiên:
- Nhưng mẹ đã tới tuổi đâu? Mẹ còn trẻ... lại đang ở vị trí...
Cô Năm cười tươi:
- Mẹ biết mẹ không trẻ, nhưng cũng chưa già. Mẹ muốn nghỉ bây giờ, ngay bây
giờ. Cô nhìn xuống mặt bàn trải khăn đỏ, mấy ngón tay gõ nhẹ, như suy tính của
người lãnh đạo trước khi giải thích, giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Con còn nhớ
hồi đó, hồi con còn nhỏ...
- Dạ, con nhớ...
- Con nhớ ngày đó mọi người hay chọc mẹ và ba là một đôi vợ chồng...?
Trời đất ạ! Con nhớ, và con hiểu. Con hiểu mẹ muốn nói gì rồi... Nhưng...
Cô nhìn tôi cười bằng nụ cười của người mẹ:
- Đó là ý kiến của ba con, và vì yêu ba, nên mẹ đã chấp nhận.
Ái Linh tròn xoe cặp mắt đẹp quý phái của cô:
- Vậy sao hồi đó hai bác không tiến tới hôn nhân.
- Cháu sẽ hiểu ngay thôi. Riêng Thuỳ, mẹ hỏi con
nhé?
- Mẹ hỏi đi ạ.
- Con có yêu
Hùng không? Các con có yêu nhau không?
May mà lòng tự
ái của tôi đã được dẹp xuống, nếu không, trước mặt Ái Linh, tôi sẽ… làm cho cô
đau khổ. Yêu mà, yêu phải buồn đau, khổ sở chứ! Nhưng tôi đã không làm thế,
nhoẻn cười:
- Con thì không!
Mẹ hỏi anh Hùng…
- Cả ba và mẹ
đều nghĩ là con và Hùng yêu nhau và sẽ thành vợ chồng. Chính vì thế, ba con đã
khước từ tấm chân tình của mẹ!
Trời ơi! Tôi kêu
lên thảng thốt. Vậy là chúng con đã làm hại ba mẹ! Như không để ý đến tôi, cô Năm
giải thích với Ái Linh:
- Ba con nói với
cô: nếu tôi với cô lấy nhau, thì làm sao thằng Hùng với con Thuỳ làm vợ chồng
được?
Ái Linh nhướng
mắt, đôi môi mở tròn xoe kinh ngạc rồi cô úp hai bàn tay mỏmg mảnh che mặt.
- Hùng có biết
không mẹ?
Cô Năm gật đầu:
- Có lẽ chỉ có
con là không biết thôi, Thuỳ à!
Tôi phóng ra
cửa, tìm ba. Ông đang đứng bên Hùng tựa vào lan can. Tôi chạy đến ôm lấy ba, đu
lên cổ và hôn tới tấp vào mặt, khiến ông phải quay đi, lẩn tránh. Tôi quay sang
ôm Hùng hôn lia lịa. Hùng nắm lấy cánh tay tôi gỡ ra, miệng làu bàu:
- Con này điên!
- Ừa! Điên đấy!
Làm gì nào? Điên, tôi điên…
Trên chuyến bay
trở lại nơi tôi đang học tập, bên cạnh tôi không có gã Ả-rập ngáy như cái nhà
máy xát gạo. Tôi ngồi sát bên cửa sổ, mải mê ngắm nhìn bầu trời trắng loá,
không mây. Thỉnh thoảng tôi lại quay sang bên cạnh: ba tôi và cô Năm, à không,
mẹ tôi đang nói những gì đó với nhau, mà trong tiếng gừ gừ đơn điệu của động cơ
phản lực, tôi không nghe được, nhưng tôi hiểu!
Đêm 23-12-2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét