Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

GIỮA NHỮNG NGƯỜI CHA LÀ NHỮNG ĐỨA CON





Tôi biết anh Thái cũng đã lâu, phải đến hơn chục năm. Lần ấy, vào dịp kỷ niệm mười năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có đi tìm viết về một người đã từng chiến đấu ở sông tuyến Hiền Lương trong những năm đất nước chia cắt. Phòng tuyên huấn Bộ chỉ huy công an vũ trang giới thiệu tôi đến Thái, người đã từng chiến đấu ở cầu Hiền Lương, đã từng ôm giữ cột cờ, vá cờ suốt trong những ngày ác liệt đó. Trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, cả nước có một mục tiêu duy nhất không được ngụy trang: đó là cột cờ cầu Hiền Lương trên sông bến Hải!
            Lần đó tôi thật sự xúc động khi viết về Tháivà những đồng đội của anh. Về chiến công của các anh, báo đài đã nói nhiều, vả lại trong bài báo năm ấy tôi cũng đã gửi gắm cả tình cảm của mình vào đó. Chỉ xin tóm tắt như sau: mười bảy tuổi Thái học song phổ thông, anh tham gia lực lượng công an vũ trang trực diện đấu tranh công khai với quân thù cả về lập luận lẫn vũ trang. Thái đã được tham dự đại hội anh hùng và chiến sỹ thi đua toàn quốc họp ở thủ đô. Năm 1970, anh có giấy triệu tập về thủ đô để đi học nước ngoài, nhưng Thái đã xin hoãn lại để tiếp tục chiến đấu. Chuyện ấy có thể làm cho một số người không tin, nó có vẻ giống như Lôi Phong của Trung Quốc, nhưng cho đến bây giờ trong số những kỷ vật của anh vẫn còn tờ giấy đó cùng với một mảnh lá cờ rách nát vì mảnh bom. Thế rồi hòa bình, thống nhất anh cũng chưa kịp đi học nước ngoài như đã tâm niệm, Thái lại tiếp tục lên biên giới Tây Nam chiến đấu và bị thương, về thành phố…
Sau lần ấy, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau, uống bia và chuyện tào lao. Tôi hỏi sao anh không đi học nước ngoài, anh cười: già rồi , với lại bây giờ đưa tờ giấy ra, chắc gì đã có người giải quyết! Thôi quên đi. Thái là con người vô tư như thế…
            Một hôm, tôi tìm đến nhà anh, Thái đi vắng, vợ anh nhiệt tình tiếp tôi:
            -Anh ngồi uống nước . chờ nhà em, chắc chút xíu nữa là về thôi!
            -Từ ngày về Bộ chỉ huy, anh Thái có hay đi xuống các đơn vị không chị?
            Nghe tôi hỏi, chị vợ Thái cười lắc đầu:
            -Đi hoài à! Nhưng được cái mỗi khi vế là thương vợ, thương con lắm!
            Tôi nói một câu có vẻ hơi đãi bôi:
            -Các chị lấy chồng bộ đội thiệt thòi thế đấy…
            Vừa lúc ấy, cánh cửa xích mở, một bé gái chạy ùa vào nhà:
            -Thưa mẹ, con mới đi học về!
            Chị Thái kéo con vào lòng, vừa lau mồ hôi cho con bé, vừa bảo:
            -Ô kìa, chào chú đi con! Chú là bạn của ba đó!
            Con bé ngoan ngoãn khoanh tay:"Cháu chào chú ạ"
            Tôi vuốt tóc nó:
            -Con ba Thái giỏi quá ha! Cháu tên gì, năm nay học lớp mấy rồi?
            -Dạ ,con tên Thư, học lớp 5.
            -Chà con gái giống ba quá chừng. Con gái giống cha giàu ba họ, sau này ông Thái tha hồ mà nhờ con!
            Chị Thái cười ngượng bảo con:
            -Vô nhà thay đồ đi con! Để chú nói chuyện…
            Sau lần đó, thời gian cứ thế mà trôi đi vù vù, nhanh đến lạ cả người quen.Thành ra cũng khá lâu, tôi không gặp Thái, hoặc có gặp cũng chỉ chuyện dông dài, văn chươn thơ phú hoặc lại chuyện nghiến tranh, đánh đấm đì đùng. Ở cái thành phố này, nhất là từ khi đổi mới, tốc độ cuộc sống đến chóng mặt, gặp nhau đấy vội vội vàng vàng, chả ai còn thì giờ lòng dạ nào mà tâm sự. Cõi lòng thì ai cũng có nỗi trớ trêu, nhưng chả lẽ lúc nào cũng đem ra khoe mẽ, than thở?Ai nghe, ai buồn nghe? Thôi cứ tào lao bông phèng, phận ai nấy chịu, hồn ai nấy giữ, cho khoẻ! Thế rồi cháu Thư con gái anh lấy chồng, anh có thiếp mời tôi. Lần ấy, chúng tôi mấy anh em ngồi vào một bàn dành cho bậc cha chú. Anh chị Thái đưa hai đứa dâu rể đến bàn chúng tôi. Thay mặt bàn, tôi uống ly rượu, nói vài lời, tuy lễ nghi nhưng cũng chân thành:
            -Nhân ngày vui này, xin chúc hai cháu hạnh phúc, và nhân đây chúng tôi xin chúc ông bà Thái cũng rứa!
            Cả bàn cười vui, vui thật sự! Đấy, thì lớp chúng mình mới ngày nào còn ngơ ngơ ngáo ngáo, thấy con gái thì thích nhưng lại nhát như thỏ vậy mà đã lên chức bố vợ, có cháu gọi bằng ông bằng bà bây giờ! Và năm sau anh Thái có cháu ngoại thật! Anh cười bảo:
            -Lên chức ông rồi mà mình vẫn ngỡ ngàng!Cái chất lính của mình chả sửa được, cứ tếu tếu táo táo thế nào!
            Ấy vậy mà bỗng nhiên tôi nghe được tin anh Thái ly dị vợ! Rồi tiếp theo đó là tin anh đã chuyển đi ở chỗ khác. Chỗ khác là chỗ nào? Muốn tìm nhưng không nhẽ lại đến cơ quan để hỏi? Mà hỏi cái gì? Không khéo lại thành kẻ hóng chuyện! Coi như bặt tin. Chuyện đời thì khôn lường lắm, ai biết thế nào, cái gì cũng có thể xảy ra. Nhưng sao với Thái, cái chuyện anh bỏ vợ, bỏ con tôi thấy khó thuận, dù tôi cũng không phải là người cố chấp lắm.
            Một hôm anh bạn tôi tên Dũng, cũng là bạn học của Thái hồi nhỏ, giờ  đang công tác ở Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng (trước là công an vũ trang), gọi điện cho tôi:
            -Đến Thái chơi không? Nó mời đấy. Thấy bảo có chuyện vui, rủ anh em mình lại nhà, nhà mới!
            Tôi thấy cũng nghi ngại, hỏi lại Dũng:
            -Liệu có vui thật không? Không nhẽ chuyện anh ấy bỏ vợ cũng lại là chuyện vui?
            -Cứ đến rồi biết!
            Thì đến! Căn nhà mới quét vôi, sạch sẽ và ngăn nắp. Đúng là nhà của một người độc thân đứng tuổi, chẳng có con trẻ. Thái vui thật, làm tôi cứ ngờ ngợ, nhất là khi anh dẫn chúng tôi đi xem qua các phòng, tôi thấy trong tủ áo của anh có mấy bộ quần áo con gái, có cả áo dài trắng. Hỏng! Thì ra cái mối tình mới trẻ, đẹp, khiến Thái ruồng rẫy vợ con. Hoá ra con người ta, anh hùng ở đâu đâu ấy, chiến trận, biên cương thì ghê gớm lắm, nhưng trước sự cám dỗ của cuộc sống, thói giăng hoa chả tha một ai. Tôi lẳng lặng bỏ ra phòng khách ngồi thừ.
            Sau một vài ly bia, tôi bắt đầu hăng lên, chả còn khách sáo, tra vấn Thái:
            -Này , sao ông nhẫn tâm mà bỏ vợ, bỏ con thế? Liệu một cô gái trẻ có đáng cho ông hủy hoại lương tâm mình không? Có hạnh phúc hơn không?
            -Ai bảo cậu mình bỏ vợ? Mà cô gái trẻ nào?
            -Hay nhỉ! Rành rành ra thế mà còn diễn tuồng! Thế quần áo con gái nào trong tủ ông kia?
            -Thái rót đầy một ly bia đưa cho tôi, cười to:
            -Uống đi! Uống đi, tôi sẽ nói cho cậu biết!
            Tôi không uống, ngồi ngả lưng nhìn Thái với một vẻ nghi ngờ, diễu cợt bảo Dũng:
            -Ông Dũng ạ! Hươu vượn thì được, nhưng ruồng rẫy vợ con để bám theo một cái váy thì chả nên, chả đáng, nhất là với một anh hùng!
            Trước câu nói rất phũ của tôi Thái vẫn cười, không giận, càng làm như trêu tức chúng tôi:
-Thôi, các cậu không uống thì tớ uống. Thái dốc cạn ly bia vào cổ, rồi đặt xuống, khà một tiếng, tay áo quệt ngang miệng:
            -Quần áo trong tủ kia là quần áo con gái tôi đấy! Các cậu hiểu không?
            -Cháu Thư…? Nó cũng về ở vối ông?
            -Không phảí! Của đứa con gái tớ mà tớ mới tìm thấy…
            Thấy tôi và Dũng nhìn nhau không hiểu, Thái đứng dậy lấy cái áo sơ mi kiểu con gái trắng trinh nguyên, nâng trên hai bàn tay, giọng xa vắng:
            -Con gái! Ngày mai, nó sẽ về với tôi… Các bạn, tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện đời tôi…


                                                ***

            Thái kể:
Như các bạn đã biết rồi đấy, sau khi đất nước thống nhất, tôi đã không ra học ở nước ngoài, mà tiếp tục vào biên giới Tây Nam. Công việc của chúng tôi là giữ gìn biên cương Tổ Quốc. Đơn vị chúng tôi đóng ở biên giới, giáp với Cămpuchia. Chỉ vài ngày sau hòa bình, âm mưu gây chiến của Pôn-Pốt ở biên giới đã lộ rõ. Thế là chúng tôi phải chốt chặn và sẵn sàng chiến đấu. Sau lưng chúng tôi, bên này biên giới, nhân dân ta ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại cuộc sống mới. Những xóm nhỏ mọc lên những ngôi nhà mới. Một ngôi trường được dựng lên cho các em học sinh, sớm chiều tiếng học bài, tiếng hát líu lo, trong đó có phần góp công sức của công an vũ trang chúng tôi.
            Ở ngôi trường cấp một ấy, mái tranh vách lá, thưng ngang lưng, bàn ghế của các cháu là những mảnh ván gỗ ghép, các cô giáo đều ở vào độ tuổi hai mươi, lòng đầy nhiệt huyết. Tuy thế trong đó có cô giáo Thanh là nhiều tuổi hơn cả. Thanh tham gia kháng chiến từ lúc còn chiến tranh, dạy học trong vùng giải phóng, hòa bình cô đã ở lại dựng trường, mở lớp. Tự nhiên trong tôi dậy lên một tình cảm mới lạ, mà tôi chưa từng thấy. Có lẽ do sự thông cảm giữa những con người từng trải qua bom đạn ác liệt, tình đồng đội. Nhưng càng ngày tôi cảm thấy không chỉ có thế, mà giữa tôi và Thanh, một mối dây vô hình đã gắn bó nhau lại. Tình yêu? Tôi đã không giấu nổi Thanh mà nói với em điều đó. Thanh im lặng rồi đặt hai bàn tay vào tay tôi, như một sự tin cậy, gởi gắm. Đây là mối tình đầu của tôi. Suốt trong những năm tháng tuổi trẻ của mình, trong tôi chỉ duy nhất một tình cảm: tình yêu nước và lòng căm thù giặc Đừng cười! Ai đó có thể cười chúng tôi, nhưng đó là một sự thật, không đáng cười chút nào… Chúng tôi vẽ ra cho mình những viễn cảnh tươi sáng như bất kỳ đôi tình nhân nào thường nói với nhau. Những ngày nghỉ, anh em trong đơn vị cho tôi ra thăm Thanh, chúng tôi sống những ngày thật đầm ấm, lãng mạn!
            Nhưng, trong cái tháng 3 năm 1978 ấy, đội quân áo đen từ bên kia biên giới đã bất ngờ đánh sang. Chúng tàn sát dân làng, giết hại các em học sinh và cô giáo cũng bằng thứ vũ khí giết người trung cổ là chém đầu, phanh thây. Đơn vị chúng tôi đã chiến đấu ngoan cường, đến người cuối cùng, những viên đạn cuối cùng. Tôi bị trúng đạn và khi mở mắt, thầy một khuôn mặt phụ nữ, tôi kêu lên:
            -Thanh!
            Nhưng không phải Thanh, đó chính là cô y tá quân y đang ngồi túc trực bên tôi. Cô cũng kêu lên:
            -Ôi anh ấy đã tỉnh lại rồi!
            Những người xung quanh xúm lấy tôi. Thì ra tôi đã bị ngất đi ít ngày và hiện đang nằm ở viện quân y thành phố. Trí nhớ dần khôi phục lại, tôi hỏi những người xung quanh:
             -Sao tôi lại nằm đây? Anh em tôi đâu cả rồi?
            Cô y tá lắc đầu, cô chỉ biết nhận tôi từ chuyến xe quân y cấp cứu. Tôi nằm im, lắng nghe tiếng ầm ì xe cộ ngoài đường phố mà lòng không sao nguôi nhớ Thanh,  cùng anh em, đồng đội. Thỉnh thoảng tôi lại ngất đi, mỗi lần như thế tôi đều gọi tên Thanh rất thảm thiết, cô y tá kể lại như thế.
            Cô y tá có khuôn mặt phúc hậu như một masơ, luôn có mặt bên tôi, bất kỳ lúc nào tỉnh là tôi thấy cô bên cạnh. Khi tôi ra khỏi phòng cấp cứu cô vẫn theo chăm nom tôi rất tận tình. Đến nỗi, mỗi khi vắng cô là tôi cảm thấy có chuyện gì chẳng lành. Cô tên Như, cũng từng là y tá trong chiến tranh nhiều năm gắn bó với rừng và thương binh. Mấy tháng sau, tôi ra viện và về khu điều dưỡng, tôi mới biết đơn vị cũ đã hy sinh hết, chỉ còn lại mình tôi sống sót. Hỏi thăm tình hình nhân dân trong vùng thì biết rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị bọn Pôn-pốt giết hại. Đặc biệt, nhiều cô giáo và học sinh cấp một cũng bị chúng sát hại. Tôi trốn trại, lặn lội lên tận vùng biên giới. Lúc này tôi chỉ còn nhìn thấy một đống tro tàn và những nôi mộ đất đỏ tươi nằm song song bên nhau gần phòng tuyến biên cương. Tôi đau đớn đi tìm mộ Thanh, nhưng không thấy. Một đồng đội mới lên chốt kể lại;
            -Các cô giáo bị bọn Pôn-pốt bắt trói lại, lột quần áo, thay nhau hãm hiếp rồi dùng dao đâm chém chết. Chúng còn dã man chặt đầu, mổ bụng họ rồi ném xác chồng chất lên nhau. Khi quân ta đánh bật chúng về bên kia biên giới thì không nhận mặt được từng xác người. Chúng tôi chôn các cô theo một dãy mộ…
            Tôi ngồi lại với Thanh một buổi chiều rồi từ giã em trở lại trại điều dưỡng. Lòng tôi trống trải, không nguôi thương nhớ về Thanh. Chúng tôi đã có nhau, đã gắn bó với nhau bằng tất cả tình yêu đầu vụng dại. Theo dự tính, hè này, chúng tôi sẽ làm đám cưới… Vậy mà tôi đã không có một dòng nào về địa chỉ của Thanh, chí ít tôi cũng đến để chia sẻ với người thân của em những giọt nước mắt!
            Thái rót đầy mấy ly bia của chúng tôi rồi nâng cốc:
            -Uống đi, các bạn! Cuộc đời ngắn ngủi của ta, có những khúc quanh kỳ lạ mà ta không thể nào cưỡng lại được. Những ngày ở trại điều dưỡng tôi sống như một kẻ mộng du mất hết nhuệ khí. Thế rồi một hôm tôi được nhắn ra nhà khách có người tới thăm. khách là một người phụ nữ. Ai nhỉ? Tôi làm gì có họ hàng thân thích ở đây? Hóa ra chính là cô y tá Như. Cô đến thăm tôi và vẫn ân cần như khi tôi còn đang nằm viện. Điều làm tôi vui là bé Thư, con gái của Như lúc ấy mới năm tuởi. Con bé có đôi mắt trong veo và cái nhìn ấm áp, như mẹ nó. Như và con gái ở chơi với tôi một ngày. Chúng tôi vào rừng bạch đàn, tôi và bé Thư nắm tay nhau lon ton chạy giữa hàng cây. Tự nhiên, tôi cảm thấy ấm lòng. Đêm ấy , tiễn mẹ con như về, tôi thao thức mãi. tuần sau, tôi ra thăm mẹ con cô trong một căn hộ nhỏ bé trong khu cư xá quân đội. Lại một ngày nưã, tôi được sống trong không khí gia đình. Như kể cho tôi nghe về đời cô và bé Thư. Bố của cháu cũng là một người lính giải phóng. Bé Thư được sinh ra trong chiến khu, sau một ca đẻ khó, trải qua gần ba giờ đồng hồ phẫu thuật. Hoà bình, về thành phố, một năm sau, anh chồng của Như chuyển ra khỏi quân đội và…họ đã chia tay nhau. Như các bạn đã biết đấy, gia đình chúng tôi gồm ba thành viên sống bên nhau thật hạnh phúc. Hôm cưới cháu Thư, các cậu có để ý thấy một người đàn ông đi bên cạnh tôi không? Có ha? Đấy chính là ba của cháu.
            -Và đó là nguyên nhân để ông và như bỏ nhau? Dũng hỏi.
            -Không! Đúng hơn là không hẳn như thế!
            -Sao hai người lại không sinh thêm một đứa con nữa…?
            Thái nhìn chúng tôi, lắc đầu:
            -Cái chính là ở chỗ ấy! Khi tôi đề nghị sống chung với Như, cô ấy đã từ chối. Tôi buồn bã chia tay họ. Nhưng bé Như nhào vào lòng tôi mà khóc, tôi vẫn quyết ra đi. Ngay hôm sau Như đến với tôi như một người có lỗi. Khoảng gần một năm sau tôi hỏi Như:
            -Bé Thư muốn có em chúng mình tính sao nhỉ?
            Như đã khóc với tôi:
            -Em thương anh quá. Anh thật là bất hạnh, vì em không thể có con được nưã. Trong lần sinh bé Thư phải mổ, trong điều kiện thiếu thốn…
            Tôi buồn trĩu xuống. Như khuyên tôi hãy đi tìm mối tình khác, nhưng tôi đã không thể nào tìm được người thứ ba! Công việc cuốn hút, nhiệm vụ ở biên cương ngày càng phức tạp nặng nề, tôi đã sống với mẹ con Như tới ngày cháu khôn lớn. Sau khi lấy chồng, cháu vẫn ở với chúng tôi cho đến cháu ngoại của chúng tôi hai tuổi, vợ chồng chúng mới ra ở riêng…
            Người cha của Thư tên Bảo, trong chiến tranh ở đoàn hậu cần 500. Sau khi bỏ mẹ con Như, anh cũng có một gia đình riêng hạnh phúc. Thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau, nhưng thường thì anh ta cố tìm cách tránh mặt tôi. Cho đến hôm chuẩn bị cho cháu Thư đi lấy chồng, Bảo đề nghị cho anh được tham gia có mặt. Như từ chói, nhưng tôi bảo phải để cho Bảo tham dự. Hai năm sau anh muốn nói chuyện thẳng thắn với tôi. Tôi tiếp anh ta nngoài quán, tránh để cho cháu Thư và mẹ nó nghe thấy những điều chúng tôi nói với nhau. Bảo nói trước:
            -Anh Thái ạ, tôi biết ơn anh đã chăm sóc mẹ con Thư trong gần hai mươi năm qua, trong lúc tôi đã không làm tròn bổn phận người cha, người chồng của mình…
            Nhì Bảo tiều tụy quá tôi nói ngay:
            -Thôi anh đừng nói nưã, tất cả những điều anh vừa nói, tôi hiểu. Bây giờ anh muốn gì?
            -Tôi đã phạm tội tham ô, phải chịu án tù. Vợ tôi đã bỏ tôi sang Úc với cha mẹ cô ấy. Bây giờ tôi chẳng còn gì…
            -Anh có muốn quay trở lại với mẹ con Như không?
            -Tôi xin anh…
            Tôi lắc đầu:
Đừng xin tôi, hãy hỏi mẹ con cô Như ấy. Nếu phải xin, anh hãy xin họ! Cháu Thư đã trưởng thành ra ở riêng, bây giờ chỉ còn có Nhưở một mình…
Tôi nói lại với Như chuyện ấy, cô khóc thầm lặng. Mãi sau, cô bảo:
-Anh hãy tìm lấy một người phụ nữ khác, tốt hơn em, và có thể sinh cho anh một đứa con…
Tôi hiểu ! Tôi đã gọi Bảo đến, và nói như một người lính:
-Tôi xin bàn giao nhiệm vụ cho anh! Chớ phạm sai lầm lần nữa!
-Anh đi đâu? Bảo tỏ ra băn khoăn, ái ngại:
                        -Chắc là anh không biết, hoặc quên! Từ biên giới đến hải đảo, đất nước ta rộng lắm, nơi đâu chả là nhà của tôi!Tôi còn các đồng đội…
***
Tôi nhìn Dũng:
            -Anh cũng biết những chuyện này của Thái chứ?
            -Không ! Trong bấy nhiêu năm Thái giấu kín tất cả mọi người, chỉ đến khi anh ấy bỏ nhà, xin lên một tỉnh Tây Nguyên, mình mới biết. Nhưng cũng không rõ nguyên nhân…
            Thái lặng lẽ bỏ đá vào ly chúng tôi, giọng vẫn còn đượm buồn, nhưng đã có chút hào hứng:
            -Lúc mình ở Tây Nguyên cháu Thư có lên thăm. Cháu đã khóc, và ngã vào lòng tôi:
            -Ba ơi!Con thương ba quá! Sao ba làm chuyện này mà không cho con biết trước?
            Tôi an ủi cháu:
            -Ba xin lỗi, đã không cho các con biết! Nhưng ba thật buồn, và không muốn làm cho các con phải buồn lây!Và ba tin rằng các cõng hiểu cho ba, vì các con đã trưởng thành, đã làm mẹ, làm cha…
            -Nhưng mãi mãi con vẫn là con của ba!
            -Ba cũng vậy, mãi mãi con vẫn là con của ba! Mẹ vói ba Bảo sống ra sao?
            -Ba đừng trách mẹ và ba Bảo cuả con nhé!
            -Không! Sao ba lại trách họ được kia chứ? Họ cũng như ba, có quyền sống hạnh phúc và yên ổn. Các con về cho ba gửi lời hỏi thăm…
            Cháu Thư giật mình như chợt nhớ ra:
            -À ba ơi! Hôm ba đi khỏi nhà được ít ngày có một bà đến tìm ba…
            Tôi cười buồn:
            -Chắc là họ vẫn chưa biết ba không còn ở đó nữa…?
            Cháu lắc mạnh vai tôi:
            -Không phaỉ! Bà ấy biết ba đi khỏi nhà ta rồi, nên chỉ hỏi con và mẹ là có biết hiện giờ ba ở đâu không thôi.
            Tôi thấy hơi lạ, hỏi lại cháu:
            -Bà ấy là người như thế nào?
            -Một bà đứng tuổi, phong thái có vẻ như một nhà giáo. Con hỏi bà ấy bảo người quen cũ của ba…
            -Thế con có nói ba đang ở đâu không?
            -Không! con nghĩ ba đang buồn, không muốn làm phiền ba hơn nữa…
            Tôi mỉm cười bảo cháu:
            -Phải đấy con ạ!
            Chúng tôi nhìn nhau cùng nhuốm nỗi buồn của bạn. Nhưng Thái thì tỏ ra hào hứng, anh nâng ly, ép chúng tôi phải uống cho cạn:
            -Uống trăm phần trăm đấy. Mình đang vui đây, mình sẽ kể cho các bạn nghe tiếp chuyện của mình. Chưa! Chua hết đâu! Các cậu đã bao giờ thấy người đã chết gần hai mươi năm rồi, bỗng nhiên sống lại chưa? Đúng hơn là một người thân của ta, ta biết là họ không cò trên cõi đời này nữa, vậy mà một hôm người ấy bỗng xuất hiện trước mặt ta. Không! Người thật, bằng da thịt chứ không phải hồn ma. Người ấy chính là Thanh, cái bà mà cháu Thư đã nói với mình! Đúng Thanh đã thành một"bà" rồi. Khi Thanh xuất hiện trước mặt mình, chỉ chút xíu nữa là mình la hoảng lên. Chỉ khi bàn tay ấm nóng nhiều vết chai của cô ấy đặt trong lòng tay tôi, tôi mới yên tâm, không cho đó là ảo ảnh.
            Câu chuyện của Thanh thật đơn giản mà tôi không nghĩ ra. Đúng hôm ấy, cô lên phòng giáo dục công tác, nên đã thoát khỏi lưỡi cuốc của bọn Pôn-Pốt. Ít ngày sau, khi tình hình đã tạm yên, em quay lại tìm tôi, nhưng cả đơn vị đã bị xóa sổ. Thanh đau đớn, nhưng vẫn cố nén, không để cho người ngoài biết nỗi buồn. Chỉ có điều, em không còn bình tĩnh được nữa, để mặc cho nỗi đau sai khiến. Đúng lúc ấy có một người đàn ông đến với em.
            -Anh ấy cũng là một người lính từ trong rừng trở về, thương binh. Em lấy anh ấy mà không biết có phải vì tình yêu không? Thấy em buồn, anh ấy cho là nỗi sợ hãi bởi cơn tàn sát đẫm máu của kẻ thù. sau khi cưới, em theo chồng về thành phố. Thời gian đầu em ở nhà, không làm gì, vì em sinh cháu Lan, con gái đầu lòng. Mấy năm sau em xin đi dạy trở lại. Hiện giờ chúng em có ba cháu, hai gái một trai!
            Tôi ngồi lặng lẽ nghe như người không hồn. Tôi chẳng biết Thanh kết thúc câu chuyện ở chỗ nào, cho đến khi em nắm tay tôi lây như lay gọi một người mất trí thì tôi mới sực tỉnh. Tôi nhìn Thanh với cái nhìn giận giữ:
            -Sao em không cho anh biết từ lúc đó?
            -Em cũng như anh thôi. Chúng mình lạc nhau từ ngày ấy. Em cũng nghĩ là anh chết rồi, cho đến một hôm, tình cờ em nhìn thấy anh trên ti-vi, trong một cuộc hội nghị gì đó. Lúc ấy con bé Lan được năm tuổi…
            -Rồi em im lặng?
            Thanh nhìn quanh căn phòng của tôi rồi dừng lại ở mặt bàn viết, nơi tôi để tấm ảnh bé Thư chụp lúc cháu bẩy tuổi:
            -Không!Em không im lặng, em đi tìm anh…
            -Có thật không?
            -Em đã tìm thấy anh, thấy gia đình. Khi biết anh đã có môt gia đình hạnh phúc, và thế là em quay về. Nhưng suốt mười mấy năm ấy, em vẫn theo dõi anh, em mừng khi thấy anh hạnh phúc…
            Tôi chua chát:
            -Đúng là anh hạnh phúc thật! Bây giờ, với một thân một mình như thế này anh càng hạnh phúc, phải không em?…
            Thanh không để ý đến những lời chua chát của tôi, em lật cuốn sổ tay ra lấy một tấm ảnh màu, chụp một thiếu nữ đang tư lự bên một chùm hoa dại:
            -Con gái đầu của em đấy!
            Tôi xem qua rồi đưa trả lại Thanh, giọng hờ hững:
            -Đẹp lắm…
            -Sao? Đẹp thật à? Anh xem kỹ chưa?
            Tôi miễn cưỡng cầm lại tấm ảnh, nhưng mắt vẫn nhìn ra cửa nắng. Thanh giục:
            -Anh không thấy gì sao?
            -Thấy gì kia chứ?
            -Anh xem cho kỹ đi rồi em sẽ nói…
            Tôi buộc phải nhìn kỹ cô gái trong tấm ảnh. Đôi mắt cái miệng, ừ cũng khá xinh. Nhưng hình như giống một ai nhỉ? Một người mà lâu lắm tôi chưa được nhìn lại. Tôi ngước lên nhìn vào khuôn mặt đã ngả sang sương chiều của Thanh, thử nhận ra xem có nét gì tương đồng? Cũng có cái vẻ hờn của cánh mũi, nhưng không thật giống. Vậy thì ai? Tôi ngửa mặt lên trần nhà đăm chiêu, cái quạt trần cứ quay tít vô tâm. Tôi nói với Thanh:
            -Hình như có nét quen quen…,nhưng không phải em hồi ấy…
            Thanh đứng thẳng dậy, đến sát bên, cầm xoay lại tấm ảnh để đối diện với mắt tôi, giọng lạc đi:
            -Anh Thái! Con anh đấy!…
            Tôi vùng dậy bừng tỉnh, cầm lấy tấm ảnh:
            -Đúng rồi hình ảnh của mẹ tôi ngày xa xưa!
            Tôi nâng tấm ảnh của Lan, con gái ruột của tôi lên ngang mặt mà nước mắt chảy chan hoà, ướt đẫm cả hình ảnh cháu. Thanh cứ đứng như thế nhìn tôi, khuôn mặt tái nhợt. Lâu sau, tôi bảo:
            -Em ngồi xuống đi, đứng thế làm gì? Chồng em đã biết chưa?
            -Chưa! Nhưng em sẽ nói cho anh ấy biết.
            -Có nên không?
            -Không thể giấu mãi được, nhất là đối với con Lan. Em tin là anh ấy sẽ độ lượng!…
            Tôi vẫn không dứt mình ra khỏi cơn bàng hoàng:
            -Sao em không cho anh biết sớm hơn? Từ khi con chúng ta còn bé, để anh được thương yêu nó?
            Thanh đứng dậy, rót cho mình và cho tôi một ly nước:
            -Khi em biết anh đang có một gia đình hạnh phúc, em định sẽ không bao giờ nói ra sự thật ấy làm gì.Nó có thể làm tổn thương, có khi là tan vỡ gia đình anh và cả gia đình em. Nhưng đến khi em biết sự thật và anh phải sống như thế này, em không thể để anh cô đơn, đau khổ mãi được. Biết là khi em nói ra sự thật, có khi em phải gánh chịu sự bất hạnh. Nhưng em phải nói, vì anh… Mặc dù tình yêu của em đối với anh đã lùi sâu vào dĩ vãng…
            Tôi nắm hai bàn tay Thanh, lay mạnh như nắm bàn tay của người chịu ơn:
            -Cám ơn em!


                                                    ***

            Cuộc đời thường không bất công quá đáng với một ai. Cuộc sống có thể bất công, nhưng cuộc đời lại rất sòng phẳng. Từ khi biết mình có đứa con, tôi đâm ra hay lẩn thẩn triết lý vụn vặt như thế. Nhưng tôi cứ ngẫm từ số phận mình ra để thấy. Cái khó của tôi là làm sao bây giờ để nhận lại đứa con, mà không làm tổn thương đến một ai. Cái sự xum họp được gia đình này thì lại lẻ nghé tan đàn cuả một gia đình khác, tôi đã thấy và đã ngấm. Sau cùng tôi quyết định đến gặp Thanh và chồng cô ấy. Thật không ngờ, cú  xốc mà chúng tôi gây ra cho Nhân, chồng của Thanh lại nặng nề đến thế. Anh ta rũ xuống, mắt đỏ vằn, không còn sức lực. Trước mặt tôi, Nhân không giấu được nỗi đau:
            -Các người không biết là các người đã đem đến cho tôi nỗi đau như thế nào dâu!
            Im lặng rất lâu. Thanh định nói câu gì đó, nhưng tôi ra dấu ngăn lại. Hãy tôn trọng nỗi đau của Nhân, không nên nói điều gì lúc này! Nhưng chính Nhân lại gầm gừ như con báo bị thương:
            -Thế nào? Các người nói gì đi chứ? Im lặng thế nghĩa là các người cho rằng các người đã nắm chắc phần thắng rồi phải không?
            Tôi bắt đầu kể về cược đời tôi, Nhân chống hai tay lên cằm, nhìn vào khoảng không trống rỗng. Không biết anh ta có nghe tôi nói không, nhưng tôi cứ kể, rất từ từ, chậm chạp… Sau cùng tôi kết luận:
            -Tôi biết là anh rất thương yêu Thanh và cháu Lan, và Thanh cũng vậy, cô ấy là một phụ nữ tốt nhất trên đời này đối với anh và cả tôi nữa. Anh cũng biết là nếu không có chiến tranh, không có sự thất lạc giữa chúng tôi, thì Thanh đã là của tôi rồi! Lỗi không phải của Thanh, có chăng chỉ là Thanh đã dấu anh bấy nhiêu  năm …
            Bỗng nhiên Nhân ngẩng phắt lên nhìn thẳng vào mặt tôi:
            -Thôi đí! Anh tưởng tôi không biết gì sao? Ngay từ khi con Lan sinh ra tôi đã biết nó không phải con ruột của tôi nhưng tôi thương yêu , trân trọng mẹ nó, tôi đã thương yêu nó không kèm thằng Hoà và con bé Tuyết, những đứa em của nó! Có mẹ nó đây, tôi đã sống như thế nào thì cô ấy đã biết!
            Tôi nhìn Thanh, trên khuôn mặt tái nhợt của cô ấy, chợt như ánh lên một niềm tự hào. Thanh ôm vai chồng:
            -Anh! Em thật có lỗi với anh…
            -Em không có lỗi! Nhân nói nhỏ.
            -Đúng là em đã có lỗi với anh. Bằng ấy năm sống bên nhau mà em chưa thật hiểu anh. Em đã nghĩ sai về anh…
            Nhân vẫn ngồi yên lặng, đôi vai nhô cao thêm. Lát sau anh ngẩng lên nhìn tôi:
            -Chúng tôi đã từng chứng kiến và nếm trải những nỗi mất mát của cuộc đời nên tôi đâu có hẹp hòi. Có điều, nỗi đau của tôi nằm ở chỗ khác…
            -Anh cứ nói! Tôi nhìn anh thông cảm.
            Nhân kéo vợ lại gần:
            -Thanh ơi! Em có thể vô tâm, thanh thản, nhưng anh thì không! Cứ nghĩ đến cái chuyện con bé vuột khỏi tay mình là anh lại thấy đau xót. Anh đã có nó, chúng ta đã có nó từ lúc nó mới lọt lòng, bây giờ tự dưng anh mất nó. Mất đứa con gái yêu thương…
            Tôi chồm qua bàn, nắm lấy tay Nhân:
            -Không! Anh không mất nó đâu, anh Nhân! Nó vẫn là con anh! Nó vẫn là con anh, tôi cam đoan với anh như thế, chỉ xin anh từ nay cho tôi được chăm sóc cháu…
            -Nhưng làm sao bằng chúng tôi?
            -Có thể không bằng, nhưng tôi sẽ chăm sóc, lo toan cho cháu bằng đúng tình cảm của người cha. Để anh hiểu, có lẽ tôi phải nói thế này: tôi nuôi con tôi, nhưng thật ra, tôi nuôi con hộ anh, anh hiểu không? Nó vẫn mang họ của anh như nó đã mang trong giấy khai sinh. Tôi chỉ cần cái tình!
            Tôi cảm thấy mấy ngón tay Nhân cựa quạy trong tay tôi, từ từ xiết chặt. Bỗng cửa mở, từ ngoài sân, con bé Lan đẩy chiếc xe đạp mi-ni vào nhà, miệng líu lo:
            -Chào ba mẹ, con đi học về! Nhìn thấy tôi nó chợt lui lại, ngượng nghịu. Ôi nhà có khách mà con kkhông biết. Cháu chào bác!
            Tôi gật đầu chào nó, và ngắm nhìn cái vóc dáng của con gái mình, lòng dào lên niềm xúc động. Nhân ngồi lại ngay ngắn, nói với Lan:
-Con đi cất cặp sách rồi ra đây ba nói nghe!
Cháu "dạ" nhỏ rồi lên gác. Thanh bỗng nhào tới, kéo vai chồng, giọng lạc đi:
-Đừng, anh! Anh định nói gì vói nó?
          Nhân im lặng, còn tôi nhìn Thanh, khẽ lắc đầu. Cháu Lan từ trên gác xuống, nó đã kịp thay bộ đồ mặc ở nhà:
           -Ba kêu con?
           -Ngồi xuống đây con. Ngồi xuống, đừng sợ. Ba sẽ nói cho con nghe. Con có biết ông này là ai không? Anh hướng cái nhìn vào tôi.
           Cháu nhìn tôi ngơ ngác, trong đôi mắt thơ ngây của nó hiện rõ vẻ ngạc nhiên, nghi ngờ:
            -Dạ… con không biết!
            -Cha của con đấy! Nhân nhắc lại: Cha-cuả-con-đấy, Lan à!
           Con bé nhìn tôi, nhìn Nhân rồi nhìn mẹ nó dáo dác đợi câu giải thích. Sự im lặng làm nó hoảng sợ:
           -Không! Ba nói sao? Ba là ba của con!…
            Rồi cứ thế nó òa khóc, chạy thẳng lên gác. Thanh đứng dậy chạy theo cháu, tôi bảo:
            -Con bé bị xốc, nên để cho nó bình tĩnh!
            Nhân nói theo:
            -Em lên với con! Nhanh lên, đừng để nó một mình…
            Trẻ thơ không phải như người lớn nghĩ, mặc dù cháu Lan đã mười tám tuổi. Tôi đã có mặt trong gia đình Nhân vài lần, cố làm thân với cháu, nhưng   Lan không chịu gọi tôi bằng ba, điều đó làm tôi buồn lắm dù cả Nhân và Thanh đã đồng ý để Lan về ở với tôi. Năm nay cháu học hết phổ thông trung học, tôi sẽ có nhiệm vụ lo cho cháu học đại học, tôi đã hứa vớ ba mẹ cháu. Mỗi lần định đến thăm cháu, tôi đều gọi điện thoại trước để cháu không bị bất ngờ. Một lần tôi hỏi háu:
            -Ba đã xin phép Ba nhân và mẹ Thanhcho con về ở vói ba rồi. Còn con?
            Lan nghĩ ngợi một lúc rồi trả lời:
            -Cháu nghĩ, cháu chỉ có một ngôi nhà duy nhất là nơi này…
            -Đúng! Nhưng có một ngôi nhà nữa, cũng là của con!
            Bỗng nhiên cháu òa khóc. Cháu cứ để yên tôi lau nước mắt cho nó. Lúc sau, nó nhìn tôi với cái nhìn oán hận:
            -Cháu không hiểu tại sao người lớn lại làm như thế được? Họ lại có thể coi thường và đùa giỡn với sự có mặt của cháu trên cõi đời này…
            Tôi biết cháu còn giận tôi. Thế là tôi lại kể về cuộc đời cua tôi. Lan ngồi im, nghe chăm chú. Khi tôi dừng lời, cháu hỏi tôi:
-Thế chị Thư bây giờ đối với bác thế nào?
-Thư vẫn đến thăm ba, nhất là mỗi khi ba bệnh, cả chồng và con nó!
            -Còn bác Bảo, cô Như?
            -Họ cũng rất tốt với ba!
            Hôm ấy, lần đầu tiên, cháu tiễn tôi ra đến cổng, nó dặn tôi đi đường cẩn thận. Ngày hôm sau, tôi gọi điện đến, gặp cháu, từ đầu dây đằng kia, vọng lại tiếng của cháu:
            -Ba hả?Ba!
            Tôi lặng đi, vì hạnh phúc, mãi sau mới trả lời:
            -Ba đây, con!
            -Ba đến thăm con, ba nhớ ghé mua cho con mấy hũ ya-ua(*), nghe ba!
            -Ừ, ba nhớ! À, ba đã mua cho con bộ quần áo mới rồi! Ba mang tới cho con nhé!
            -Khỏi, ba! Để hôm nào con về, con mặc!
            Thái cầm tấm áo sơ-mi con gái ấp vào ngực, nói với chúng tôi:
            -Thế là các bạn thấy rồi chứ? Bộ quần áo con gái trong nhà này làm cho tôi ấm lòng. Ngày mai, cháu sẽ về ở với tôi. Đón cháu tại ngôi nhà này còn có vợ chồng Bảo, Như, vợ chồng cháu Thư. Đưa cháu về với tôi có ba mẹ cháu, Nhân và Thanh. Chúng tôi sẽ có rất nhiều bạn… Nào, ta uống đi…!

TP Hồ Chí Minh năm 1998    

(*)-Ya-ua: sữa chua (yaout)











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét