Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

NHỮNG NGƯỜI THỌ NẠN




Ông Tư Sâm, tức nhà văn Trang Thế Hy, tức Già Hy từ ngày giã từ chốn thị thiềng nhộn nhịp dọn hẳn về dưới quê nhà, có lần nhắn thằng Quang nếu rảnh xuống chơi. Anh Thanh Vũ, phó chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh gặp cũng bảo: bữa nào ông về Bến Tre chơi mấy ngày đi! Rồi Thọ, thằng bạn đồng liêu, cùng học trường đại học cũng rủ mấy lần…

Tất cả những lời nhắn nhủ rủ rê ấy thật vô cùng hấp dẫn nhưng, với tôi Bến Tre còn một duyên nợ khác. Ở đó tôi có ông bạn vong niên hào hiệp như Lục Vân Tiên, quen nhau, chơi thân cũng mười mấy năm trời. Biết anh ở Bến Tre nhưng chưa bao giờ tôi đến nhà, chỉ toàn gặp nhau ngoài đường, ngoài xá. Khổ cái, chính anh cũng chưa bao giờ mời, mà tôi lại vô tâm, thành thử có muốn đến thăm gia đình anh cũng không biết đâu mà lần. Thôi được, dịp này nhất định phải đi Bến Tre, tôi nhủ thế, nhưng cứ toan mãi, định mãi chả đi được.
Tôi cũng đã về Bến Tre mấy lần, nhưng toàn vì công việc. Đã vì công việc mà đi thì phải làm người mẫn cán, thời gian, địa chỉ, con người ai ai, cả đến cái ăn, cái ngủ cũng là trong vòng nghị sự. Ai trả công cho anh lang thang, bầu bạn? Nói cho ngay, một lần tôi cũng đã chuẩn bị đi, đã bắn tin đến Hội Văn nghệ rồi, lại phải bỏ, cũng vì chuyện nhà, làm anh em chờ, dọa sẽ tưới rượu lên đầu cho chừa cái tội hứa lèo. Khốn khổ, miếng cơm manh áo là cái đáng trọng, đáng làm, tình nghĩa bạn bè cũng đành tạm gác.
Cứ lần khần mãi, đến một hôm đang ngồi nhà thấy có tiếng gọi cửa. Tiếng gõ cửa dè dặt lắm, đích thị người lạ. Một cô con gái chừng mười sáu, mười bảy tuổi, dụt dè:
- Cháu muốn hỏi thăm nhà chú Quang?
- Tôi đây! Em hỏi có chuyện gì?
Con bé lúng túng lần túi áo đưa cho tôi bức thư, nói:
- Cháu là con gái ông Năm Minh ở Bến Tre.
- Trời đất! Con gái Năm Minh hả? Vô nhà đi cháu.
Nó khép nép ngồi lên cái ghế đẩu cập kễnh, tò mò nhìn đồ lề buôn bán của vợ chồng tôi.
- Cháu là con gái lớn của anh Năm hả?
- Dạ. Cháu thứ hai.
- Lớn dữ rồi ha. Uống nước đi, để chú đọc thư coi ba nói gì.
Tôi xé bì thư, chữ Năm Minh rắn rỏi và đẹp, nhưng thư thì ngắn ngủn. Anh viết rằng anh nhớ tôi, nhắn tôi xuống chơi gấp. Và, tôi rùng mình khi đọc thấy:
“Lúc này tôi yếu lắm, mong chú xuống chơi. Năm nay tôi tuổi năm ba, sợ không qua khỏi số…”
Thế là thế nào? Tôi hỏi con bé:
- Ba cháu sao? Bệnh nặng lắm hả?
- Dạ thưa… không!
- Thì đây nè. Thư ông viết cho chú rành rành. Hay mày giấu?
Con bé thất sắc, cầm tờ thư xoay nghiêng cho dễ đọc. Lúc sau nó ngẩng lên lo lắng:
- Cháu cũng hổng biết.
- Cháu lên Sài Gòn lâu chưa?
- Cháu mới lên học may ba bữa nay.
Tôi trầm ngâm nghĩ ngợi. Chắc có chuyện gì. Có thể là sức khỏe, cũng có thể là chuyện khác mà con anh không biết.
- Được rồi! Để chú về coi sao. Tôi kiên quyết. Còn con, học may ở đâu, rồi tối về ăn cơm, ngủ đây với chú thím và các em.
Tôi coi lại bức thư, Năm Minh còn cẩn thạn vẽ cả sơ đồ chỉ dẫn cho tôi tới nhà anh.

                    ***

Tôi quen Năm Minh một cách tình cờ, vào lúc mà hoàn cảnh của tôi có thể nói là vô cùng hiểm nghèo. Năm 1978, tôi có việc đi Mỹ Tho. Xuống xe đò còn đang lớ ngớ thì đã thấy năm bảy anh xích lô vây lấy:
- Về đâu, anh đội?
- Anh đội để em chở cho lẹ nào!
Một anh giằng ngay lấy cái cặp táp của tôi:
- Anh đội, để em.
Anh đội, tức là anh bộ đội, tôi rất ghét cách gọi xấc xược này. Mặc dù tôi không mặc quần áo bộ đội, nhưng có lẽ dòm tướng tá và nghe giọng nói của tôi mà họ gọi vậy. Đang khó chịu lại bị giật mất cái cặp, tôi quài tay giằng lại, không ngờ tôi giật quá mạnh nên cái cặp vung lại trúng vào mặt một tay đứng phía sau. Anh này tức giận xông lại nắm áo tôi:
- Đù mẹ, mày đánh hả?
Đối diện với một khuôn mặt sứt sẹo, đôi mắt đỏ vằn, tôi nhỏ nhẹ:
- Tôi xin lỗi vì lỡ tay. Với lại, cũng tại anh kia…
- Tại này!
Kèm theo câu nói là một cú đấm thẳng vào mặt tôi. Mặc dù tôi kịp tránh, nhưng cú đấm vẫn xé rách một bên mí mắt, máu tóe ra lòe nhòe. Chưa kịp bình tĩnh lại, tôi đã nhận ra cú đấm tiếp theo. Lần này tôi tránh được nhưng cũng đã điên tiết, xoay người dùng chân gạt đối thủ làm hắn ngã nhào, đầu đập xuống đất. Và, thế là tứ phía hội xích lô sáu, bảy anh nhào vào tôi. Xin nói, tôi không phải tay vừa, nhưng vì họ quá đông, lực mình quá yếu lại thế cô, nên tôi vừa đỡ, vừa tránh đòn vừa tìm cách thoát. Nhưng không sao thoát được. Xung quanh người đông nhoang nhoáng, bụi mịt mù. Tôi hy vọng có ai đó, một anh công an chẳng hạn giải thoát giúp tôi. Nhưng không, chỉ có những cú đấm, cú đá nhằm vào tôi tới tấp. Bỗng tôi nghe một tiếng quát to:
- Tụi bây, giang ra!
Tức thì hội xích lô ngưng tay. Vẹt đám đông tiến lại là một người đàn ông cao to, đội chiếc nón vải nhàu nát, bận bà ba màu đen mốc. Tôi lau máu ở mắt trái liếc nhìn khuôn mặt đày nộ khí của con người này, thầm lượng sức mình. Anh ta đứng chống nạnh nhìn tôi chằm chằm rồi bất ngờ quay sang mấy tay xích lô, gằn giọng:
- Tụi bây hèn quá. Năm, sáu thằng sáp đánh hội đồng một người lạ mà không thấy hổ ngươi à? Người ta không thèm đánh lại đó. Liệu có dám ăn thua đủ không? Thôi cút đi, công an họ đến thì lôi thôi lắm.
Thì ra, anh ta là ân nhân của tôi. Anh dòm vết thương rồi nắm cánh tay tôi lôi đi. Tôi im lặng để cho anh dẫn đến chiếc xích lô ghếch bên đường, chỉ tay, không nói. Tôi lo lo:
- Anh đưa tôi đi đâu?
- Vô bệnh viện!
- Không cần, nhà tôi gần đây rồi!
- Vậy để tôi đưa về nhà.
Đến một quãng đường đã xa bến xe, hai bên tỏa rợp bóng cây, tôi ngoái lại bảo:
- Anh cho tôi xuống đây!
Chiếc xích lô tấp vào lề đường, tôi bước ra và hỏi:
- Anh lấy bao nhiêu, tôi xin gửi?
- Tôi không lấy tiền anh đâu. Lần sau cẩn thân tụi nó.
Cảm thấy mến anh và cũng muốn trả nghĩa, tôi bảo:
- Anh không lấy tiền thì thôi. Tôi muốn mời anh uống nước.
Anh lặng lẽ nhảy khỏi xe. Tôi kêu hai ly nước chanh.
- Cám ơn anh. Nếu không có anh, hôm nay tôi bị trận đòn nhừ tử. Thấy anh hiện ra tôi cứ tưởng Lục Vân Tiên tái thế. Tôi nói vui.
Anh nhấp một miếng nước rồi cũng cười:
- Kiến ngãi bất vi, vô dixng dã? Này, anh người Bắc, quê đâu?
- Quê tôi ở Bắc Thái. Tôi chỉ định nói qua quýt vậy thôi. Nhiều người, nhất là người miền Nam, không biết Bắc Thái là đâu. Có chăng, họ chỉ nghe có trà Bắc Thái, ở mãi tận miền rừng xanh núi đỏ nào. Nhưng bất ngờ, anh ta hỏi tiếp:
- Bắc Thái? Ở huyện nào?
- Phổ Yên. Tôi cũng bất ngờ thú vị. Anh có biết không?
- Biết! Anh gật đầu. Tôi đã từng sống ở đó.
Hóa ra, một cán bộ tập kết. Nhưng tôi băn khoăn quá, bởi vì hầu như tất cả những cán bộ tập kết hoặc ra Bắc học tập, lúc trở về họ đều là cán bộ giữ những trọng trách nào đó. Làm sao có được một cán bộ tập kết về đạp xích lô? Thôi rồi, chắc là bị kỷ luật. Tôi đang phân vân, anh hỏi tiếp:
- Không tin hả? Để tôi nói nghe nha: Ba Hàng, Bến Đẫm, Thác Nhái… Có không?
- Đúng. Đúng là quê tôi rồi. Anh ở đó có lâu không?
- Năm năm. Nhưng không phải đi tập kết.
- …?
- Thôi, tôi đi đây. Nhớ coi chừng chỗ bị thương.
Tôi chia tay, anh ngượng nghịu nắm tay tôi:
- Tôi tên Minh, thứ Năm.

***

Mấy ngày ở Mỹ Tho, chiều nào tôi cũng ra tìm Năm Minh. Gặp nhau, tôi mời anh điếu thuốc, nhưng rủ vô quán uống nước anh từ chối. Mãi đến hôm cuối cùng, tôi nói:
- Mai tôi về Sài Gòn rồi, anh em mình làm vài ly xây chừng, anh Năm?
Anh nhìn tôi, không cười:
- Anh lên xe, tôi chở.
Tôi hơi ngại nhưng cũng trèo vào xích lô của anh, chỉ vì tò mò muốn biết lý do vì sao anh lại ở làng tôi, mà không phải cán bộ tập kết. Anh đưa tôi vào một cái quán nhỏ ven sông. Nước triều lớn đang lên, sông ở đây một ngày có hai con nước lớn, lúc triều lên và lúc triều rút, nước sông cái ra biển không kịp, dồn vào sông nhỏ. Tiếng người mua bán, chào hỏi lao xao mặt nước. Ánh đèn chai dập dờn mỗi khi có ghe bầu chạy qua. Tôi đỡ ly rượu anh đưa, nói:
- Tôi nhỏ tuổi hơn anh, anh Năm kêu tôi bằng chú em hay mày cho thân mật. Dầu gì anh Năm cũng ở quê tôi…
- Được. Tôi biết là chú thắc mắc về tôi lắm. Để rồi tôi kể chú nghe chuyện tôi. Chú là người cách mạng đầu tiên tôi kể…
Và anh bắt đầu.
Tôi không phải người ở Mỹ Tho này, quê tôi ở Kiến Hòa, tức là Bến Tre, bên kia sông. Năm tôi hai mươi hai tuổi thì bị bắt lính. Đúng là bị bắt, bởi vì cả hai cù lao bên bển chưa từng có một thanh niên nào đăng lính hoặc tình nguyện làm sĩ quan. Bến Tre là xứ cách mạng dữ lắn, nên chánh quyền phải đổi ra tỉnh Kiến Hòa, nhằm xóa di cái tên Bến Tre. Biết tôi dân Bến Tre nên họ đẩy tôi ra tận vùng Một để khỏi đào ngũ. Thế là kéo một mạch ra tận Quảng Trị, Khe Sanh. Không phải nói giấu hoặc khoe với chú, nhưng đúng là tôi chưa nhằm bắn một người nào, Việt Cộng cũng như dân thường. Có lẽ vì vậy mà ông trời thương, tôi thoát chết nhiều phen hiểm nghèo lắm. Đến năm Mậu Thân, tôi bị quân giải phóng bắt làm tù binh. Thế rồi đưa thẳng ra Bắc, quê chú đó…
Ra vậy! Anh Năm uống cạn ly mình rồi rót cho tôi. Bây giờ thì tôi nhớ, có lần tôi được nghe kể lại, nhiều tù binh ngụy quân được đưa ra quê tôi. Vì những năm đó tôi đang ở trong Nam nên không biết. Rồi sau này, dân làng tôi cũng không thấy nhắc tới, có thể là họ đã quên, có thể là họ chưa quên, nhất là những người có tuổi, tuy hoài cổ nhưng không muốn nhắc lại.
- Chú biết không? Anh hỏi mà không đợi trả lời. Chúng tôi là lũ người đen. Quần áo bà ba đen, nón vải đen, dép cao su đen. Cả chăn mền đắp mùa lạnh cũng màu đen. Tuy thế, chúng tôi lại được ở nhà xây hai tầng…
- Doanh trại sư đoàn 312?
- Chắc có lẽ vậy. Là tù nhân nhưng chúng tôi không bị giam giữ, có thể các chú nghĩ là chúng tôi khó mà thoát được. Thiệt tình thì chúng tôi cũng chẳng có ý định trốn. Đi đâu? Chẳng lẽ lại trở về với đạn, bom? Chỉ còn biết ngoan ngoãn làm việc và cầu Trời cho chiến tranh mau chấm dứt. Chỉ có hòa bình mới được trở về nhà.
Tôi nghe anh Năm kể, mắt dõi theo những chấm đèn dầu vàng quạch xa dần trên những chiếc ghe nhỏ. Tai vẫn nghe, nhưng đầu nghĩ về cái điều nghịch lý giản đơn. Trong lúc chúng tôi, những đoàn quân lặng lẽ tiến về phương Nam, thì lại có một đoàn quân khác âm thầm hành quân ngược lại. Đất nước mình là thế, lịch sử hành quân dọc theo bờ cõi đã có từ bao thế kỷ. Chả làm được Vạn lý, dân tộc này cũng đã từng làm nên bao nhiêu thiên lý trường chinh.
- Công việc chính của chúng tôi là tự túc tăng gia, trồng rau, nuôi heo, nuôi gà mà ăn, còn gạo thì được cấp. Ngoài ra chúng tôi còn được làm một việc mà nhờ đó, tôi được biết về miền Bắc. Đó là đi lấy củi. Mỗi tốp chúng tôi có từ hai mươi đến ba mươi đứa được dẫn vào rừng lấy mỗi người một gánh củi. Chắc là đem bán, chớ thổi chụm gì hết. Được vào rừng tắm suối, chúng tôi rất khoái, tuy biết rằng vẫn có một nòng súng AK đâu đó trên đầu. Nhờ những chuyến như thế mà chúng tôi được tiếp xúc với dân. Dân quê chú cũng cực lắm phải không? Họ cũng vào rừng lấy củi. Gánh củi của họ bao giờ cũng đẹp hơn, to hơn và nặng hơn chúng tôi…
Đúng thế! Quê tôi bán sơn địa, ruộng ít lắm. Hầu như ai cũng có cái nghiệp sơn tràng. Đàn ông thì luồn nâu, luồn vỏ, hoặc xuôi bè. Đàn bà thì luồn măng, hái củi, củi đứng, củi ngang. Tất cả đem bán thành tiền. Cái mặc, cái sắm sửa học hành đều ngoảnh mặt vào rừng, phía mặt trời lặn. Có vụ, lúa má thất bát, hạt gạo cũng gửi trên rừng. Tôi, năm mười bốn tuổi, đã kiếm được đồng tiền đàu tiên trong đời bằng một gánh củi đứng, đem bán chợ Vạn, được một đồng tám.
- Những năm anh ở đó, rừng còn nhiều, chứ bây giờ người ta khoét đến chân núi Tam Đảo rồi. Tôi nói nhỏ, giọng đượm buồn.
- Vậy kia? Tôi nhớ là rừng rậm lắm, cây nhiều lắm. Có một loài cây nhỏ, mọc trên đất gò, hoa rất đẹp, chú biết cây gì không?
- Sim!
- Sim cũng đẹp, nhưng chưa phải. Đó là cây mua đất. Lá nằm sát đất, mát mịn. Bỏ dép, đi chân không trên đó tưởng như đi trên nhung, trên lụa. Hoa màu tím nhỏ như nút áo, trái chín màu đen thẫm, ăn được…
Đúng rồi, tôi gật đầu. Cái cảm giác bàn chân trần trên vạt mua đất, không bao giờ, không ở đâu có, ngoài vùng quê tôi. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi, nhồm nhoàm nhai mua đất, lờ lợ ngọt, nhân nhẩn đắng, chiều về mồm miệng đen nhẻm.
- Cây mua đất, anh Năm tiếp, loài cây này đã để lại cho tôi một ấn tượng mãi mãi không quên… Thế rồi, đến ngày mùa, chúng tôi được chia về các hợp tác xã gặt lúa giúp dân. Đó là những ngày vui nhất, đầm ấm nhất. Chúng tôi gặt lúa rồi chất lên cái xe trâu của ông Sáu Điểu, chú biết ổng chớ?
- Biết. Ông ấy là Việt kiều ở Thái Lan, người gốc Nam Bộ, về nước năm 1962, làm nghề đánh xe trâu. Hồi nhỏ, chúng tôi vẫn hay đến coi ông bày chiếc chiếu ra trước nhà, với cút rượu nghê nga hát vọng cổ…
- Đó, ông Sáu đó. Ba, bốn đứa tù binh chúng tôi ngồi trên xe lúa phanh ngực áo đón gió chiều lồng lộng thổi, nghêu ngao ca sáu câu ghẹo các cô gái.
Anh Năm tợp một ly rượu rồi tằng hắng dọn giọng:
- Tình chồng vợ như mắm tôm, đậu phụ, bởi thế cho nên tôi mới phải thịt cái con chó… ư… ừ… xồm!
Tôi vỗ tay vào nhịp xuống xề của anh tán thưởng. Bàn bên cạnh có người ngoái sang:
- Tri kỷ gì mà xôm dữ, mấy cha?
Quả là chúng tôi đã thành tri kỷ. Tôi chia tay anh Năm, hẹn ngày tái ngộ. Ba năm sau, anh lên Sài Gòn, ghé vào nhà tôi thông báo:
- Tôi đã về quê bên Bến Tre, vừa mần ruộng, vừa buôn bán lai rai. Bữa nay lên Sài Gòn mua thuốc trừ cỏ.
Đêm ấy, chúng tôi lại được dịp tri kỷ dưới ánh đèn đường bên gốc me già cổ thụ.

                    ***

Tầm hai giờ chiều, tôi tìm thấy nhà Năm Minh. Anh mừng lắm, sai thằng con trai lấy nước dừa đãi tôi. Chị vợ bận bộ đồ vải hoa từ sau nhà lên chào một cách cung kính nhưng chân thực.
Anh hất hàm:
- Bà xã tôi, cũng người xã này. Tôi được trả về, năm sau thì cưới vợ. Hồi gặp chú ở Mỹ Tho, bả đang có bầu thằng nhỏ nãy đó!
Rồi anh dẫn tôi ra vườn sau giới thiệu cơ ngơi. Căn nhà tường, lợp ngói đã thấp lại rộng, trông càng thấp. Phía sau là ao cá sát vạt lúa chạy thẳng ra tận bờ kênh. Dừa quá chừng là dừa, lớp lớn chi chít quả, lớp nhỏ xiên xiên chen lấn nhau. Đến lúc hai anh em ngồi uống trà ở bộ vạt làm bằng thân dừa trước nhà, tôi hỏi:
- Anh nói bệnh tình sao, anh Năm?
Mấy năm không gặp nhau, thấy anh xuống sức quá, màu da tai tái, mắt ngó đâu đó, chậm chạp:
- Buồn, nhớ chú, nhắn về nhậu chơi!
Nhìn anh để tóc búi củ hành sau gáy, chải lật phía trán, tôi thấy anh càng giống Lục Vân Tiên, nhưng là một Lục Vân Tiên thọ nạn.
- Vậy mà làm em lo quá. Lần sau có nhắn thì nói thiệt, chớ kiểu này quýnh quáng, dễ tai nạn giao thông lắm. Tôi cười.
Anh vấn điếu thuốc sâu kèn, lè lưỡi nhấm dán, còn chưa châm lửa:
- Nói thiệt với chú, mời chú xuống chơi cho biết nhà biết cửa. Sau nữa, tôi có chuyện này tính kể chú nghe. Nếu không thích, chú bỏ ngoài tai, chớ với tôi, nó… anh dừng lại tìm chữ… nó thiêng liêng lắm!
Tôi cảm thấy có chuyện quan trọng thiệt:
- Đâu có, anh Năm! Anh em với nhau, chuyện thiêng liêng của anh, em đâu có dám coi nhẹ. Nào, kể em nghe đi! Tôi giục.
Anh châm lửa điếu thuốc, nhà khói mịt mù:
- Nhưng mà vội chi, để khuya nay anh em tâm sự. Bây giờ tắm rửa sơ sơ rồi lai rai đã…

                    ***

Thịt gà xé phay trộn gỏi ngó sen, rắc đậu phộng, thơm dậy nhà. Rót cho tôi ly rượu, anh cụng ly rồi dằn xuống, nói nhỏ:
- Chú cứ tự nhiên, thứ lỗi cho tôi…
- Sao vậy, anh Năm?
Anh ghé sát tai tôi, thì thầm:
- Cái lá gan tôi nó hư rồi. Nghe bảo ung thư…
- Chết thật! Anh phải vô bệnh viện ngay!
Năm Minh giật vai tôi:
- Đừng la lớn. Tôi giấu bà xã với mấy đứa nhỏ.
Suốt bữa anh nâng ly lên lại đặt xuống, không uống miếng nào. Tôi cũng chẳng còn bụng dạ đâu để ăn uống. Sắp tàn cuộc nhậu anh sai thằng con chặt cây dừa non mơn mởn, đào cả gốc lên, lấy có cái lõi đem ra cho tôi:
- Chắc chú chưa được ăn thứ này. Rã rượu, nhậu tiếp.
- Chết thật! Sao phải đào cả cây dừa lên để lấy có cái lõi mà ăn? Phí quá!
- Thiếu gì!
Tôi cắn một miếng trắng phau, giòn, mát ngọt ngầy ngậy. Quả có tỉnh rượu ra thật, chỉ có xứ dừa mới xài sang kiểu này.
Chừng đã khuya khuya, anh sắp tôi nằm trên bộ vạt dừa, có giăng mùng cẩn thận, còn anh đu đưa cái võng kề bên. Đoạn, anh tằng hắng kêu vợ:
- Em à, em ơi! Ra anh nói nghe này.
Chị Năm đang dọn dẹp phía sau, vừa đi ra vừa buông ống quần. Chị ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, anh Năm chỉ tôi:
- Nè mình, chú em tôi đây, quê tận ngoài Bắc, tốt xấu tôi không dám nói, nhưng là người biết điều, chơi được. Mai mốt tôi có mệnh hệ nào, mình và sắp nhỏ, có làm việc gì lớn, phải hỏi qua chú ấy một tiếng.
Tôi bật khóc:
- Anh Năm! Chị Năm à, em tệ quá. Mười mấy năm nay, anh em chơi với nhau, mà em chưa tới thăm cửa nhà anh chị. Thật tệ!
Chị Năm thở dài sườn sượt, rồi không nói gì, vào trong. Bấy giờ anh Năm mới nhìn tôi:
- Chắc chú còn nhớ tôi có nói tới cây mua đất, quê chú? Cái thứ cây mà sau này tôi không bao giờ gặp lại. Thế chú có biết làng chú có ai tên Mua không?
Tôi cố lục lọi trí nhớ trong cái đầu lơ mơ rượu của mình:
- Hình như đàn bà phải không? Em có nghe tên nhưng không nhớ mặt. Xa que cũng gần ba chục năm rồi, anh Năm.
Anh Năm xoay người, nằm xuống:
- Ngày đó mỗi lần đi ra ngoài trại, gặp ai chúng tôi đều phải cúi mặt xuống, bởi biết mình có lỗi với họ. Dù gì chúng tôi cũng là những kẻ cầm súng bắn lại anh em, chồng con họ đang ở miền Nam. Ngay cả mỗi lần đi lấy củi về, gánh của tôi nhẹ hều, gặp người gánh nặng xin đổi giúp dùm, họ cũng từ chối. Điều đó cũng đương nhiên, đâu dám trách.
Bữa đó, toán chúng tôi vô rừng, tuy có quản trại khoác AK đi kèm nhưng rừng thì rậm nên chúng tôi được tự do lắm. Tôi cứ nhẩn nha vào sâu trong rừng mà chưa kiếm được cây củi nào. Bỗng tôi nhận ra phía trước mặt có một người con gái đang chặt nứa. Thấy tôi, cô thoáng sợ hãi và sau đó thì tỏ ra bối rối. Tôi đứng lặng nhìn thân hình thiếu nữ gọn gàng và thanh thoát trong lam lũ. Cô gái vẫn bình thản phạt ngọn, lẩy lá. Kềm không nổi, tôi bước lên mấy bước:
- Thưa cô, có cách nào lấy được nhiều củi, chỉ giùm tôi…
Tôi tưởng cô sẽ nhe răng, trợn mắt ra mà chưởi, không ngờ cô quay lại cười rất duyên:
- Chẳng có cách nào đâu! Chỉ có cách là đừng nhìn lên trời như thế mà vấp dây ngã chết đấy! Kèm theo là những tiếng cười trong vắt, giòn tan.
Thiệt tôi có phước quá chừng nên mạnh dạn hơn:
- Cô lấy nứa về xài hay bán?
- Bán chứ!
- Mỗi ngày cô được bao nhiêu?
- Chẳng được bao nhiêu. Cô gái ngừng tay. Ở miền Nam chắc không phải di rừng như thế này đâu nhỉ?
- Tôi không biết nữa, quê tôi không có rừng.
- À… Rồi cô lại thoăn thoắt chăm chú vào công việc, như không có tôi bên cạnh.
- Ở đây, bà con cô bác ghét chúng tôi lắm hả cô?
Lần này thì cô quay lại đối diện với tôi:
- Không! Chúng tôi rất căm thù Mỹ ngụy, nhưng các anh thì không ai ghét. Lâu nay thấy các anh ra đây. Ai cũng hiền lành… Nhưng… có điều anh hãy thông cảm cho chúng tôi, nói chuyện riêng với các anh, lỡ có ai thấy, phiền lắm. Thôi, nói thế anh hiểu chứ gì? Bây giờ anh hãy đi làm việc của mình đi…
Tôi lặng lẽ quay đi, lòng cảm thấy sung sướng, nhưng cũng thấy thật buồn, xót xa, tủi hổ. Gần trưa, tôi đang cột bó củi của mình bỗng nghe có tiếng la thất thanh từ phía cô gái, tôi vùng đứng dậy xách dao chạy lại. Vừa lúc đó có một người đàn bà cũng chạy tới, ôm cô gái miệng kêu cứu. Tôi vội đến và máu, trời ơi máu! Một ngọn nứa phạt ngang từ trên cao vụt phóng xuống trúng vào ngực cô. Người đàn bà nhìn tôi cầu khẩn. Tôi đỡ cô gái và rút mạnh ngọn nứa, máu phun ra từ ngực cô, thành tia. Tôi giật phăng tấm áo xanh của cô, bộ ngực trần sáng lên trong ánh nắng trưa.
- Thuốc lào? Anh có không?
May mắn, tôi có đem theo một bịch thuốc lào, liền lấy ra đắp vào chỗ vết thương để cầm máu. Rồi cứ thế, tôi bồng cô đi ra phía cửa rừng. Tôi trao cô cho một người khác rồi lui lại lẩn mình sau một lùm cây. Lâu sau, tôi lặng lẽ tới chỗ cô gái bị thương. Trời ơi, những giọt máu của cô đọng trên vạt mua đất màu tím đen, tròn mọng.
Tôi khắc khoải không biết số phận của cô gái ra sao. Sau nhờ hỏi thăm con nít, biết tên cô là Mua và cô đã được cứu sống. Mua, cái tên mộc mạc, dịu hiền quá, Mua đất!
Tôi ước sao được gặp lại Mua, chỉ đơn giản là để biết cô ra sao thôi. Nhưng, cô không vào rừng nữa. Tôi đành nén lòng, coi như một chuyện đã qua trong giấc mơ.
Nhưng thật bất ngờ, chính Mua đã chủ động tìm gặp tôi. Hôm đó, chúng tôi vừa đi “tăng gia” về, một toán vài chục đứa. Bên đường, một cô gái đang đứng che nón khuất mặt. Đoàn tù binh thất thểu đi qua, coi như không biết. Đúng lúc tôi đi ngang, cô gái bỏ nón ra, và tôi vui mừng biết bao: Mua! Cô nói nhanh:
- Anh! Và cứ thế cô đi lẫn vào đoàn tù binh!
- Cô Mua, cô không sao chứ? Gặp được cô, tôi mừng quá!
- Tôi khỏi rồi, nhưng không dám vào rừng nữa.
Bất ngờ, cô dúi vào tay tôi một cái bọc giấy báo, nói nhanh:
- Cám ơn anh! Anh đã cứu sống tôi, ơn này sống để dạ, chết mang theo. Chúc anh gặp được những điều tốt lành. Vĩnh biệt!
Cô nhìn tôi với cái nhìn thân thiết mà bao lâu rồi tôi không nhận được. Mua rẽ vào một con đường mòn nhỏ, khuất dạng.
Tôi về trại mở gói ra thì thấy có một bịch thuốc lào khá to và năm mươi đồng. Trời ơi, năm mươi đồng này, theo tôi biết phải kiếm trong rừng gần một tháng trời mới có nổi. Tôi đem chia đều cho mấy người bạn, và đêm ấy tôi nằm úp mặt vào cánh tay mà khóc. Tôi cũng không biết mình khóc vì cái gì?
Từ đó cho đến ngày được trao trả về Nam, tôi có gặp Mua bốn lần cả thảy, nhưng chỉ qua ánh mắt mà không nói với nhau câu nào.
Chú ngủ chưa? Chuyện tôi vậy đó, chú nghe có được không? Chú là người duy nhất tôi kể cho nghe, đặng có về quê, hỏi thử giùm tôi coi cô Mua bây giờ ra sao?
Tôi giở mình, để bảo rằng tôi chưa ngủ. Nghe chuyện Năm Minh chính tôi cũng không biết là vui hay buồn. Anh ngồi dậy, vấn điếu thuốc đi vào nhà trong tìm hộp quẹt. Lát sau quay ra, nói bằng một  giọng nghèn nghẹt:
- Ở đời này, tôi nghiệm ra có hai thứ đúng là của mình nhưng lại không tự giữ được. Đó là sinh mệnh và tiền bạc… Còn cái nhân cách, tình bằng hữu, tình thương thì chỉ có mình mới giữ được cho mình… Khi nào chú về quê, gặp cô Mua, nếu cổ còn nhớ đến tôi mà hỏi, chú nói là tôi đã… chết rồi, nghe!

                    ***

Để cho câu chuyện có hậu, tôi xin kể nốt đoạn sau này, ngắn thôi.
Hóa ra, chị Mua cũng là người bà con với tôi, vậy mà lúc ở nhà tôi không biết. Chuyến về quê vừa rồi của tôi cũng vội. Hỏi đến tên chị, mẹ tôi ái ngại:
- Bây giờ nó ở một mình tận trong Gốc Nhội. Khổ thân con mẹ! Theo lời mẹ tôi thì chị Mua đẹp lắm, vậy mà ai hỏi chị cũng không lấy. Sau mới biết chị có người yêu là anh Đường. Hai người sắp lấy nhau thì bố chị mất, chị phải trở ba năm. Trong thời gian ấy, anh Đường vào bộ đội, rồi đi B. Chị chờ đợi cho đến ngày hòa bình, người yêu của chị trở về. Nhưng… anh Đường về mà không lấy chị, đi cưới người vợ khác, gần đấy. Hai mẹ con chị Mua bỏ làng vào trong Gốc Nhội, thui thủi hai người đàn bà. Dân làng, ai cũng trách anh Đường, thì ra, anh bỏ chị vì chị có quan hê với tù binh Ngụy. Nghe đâu hồi đó chị bị chi đoàn kiểm điểm dữ lắm, đến nỗi chị phải bỏ sinh hoạt.
- Ai chả biết người ta là tù binh nhưng đã cứu sống nó. Cũng con người với nhau. Chứ nào phải giống gì. Mẹ tôi thở dài. Vậy mà nỡ hành hạ con bé. Rõ khổ một đời người. Mà cũng tại chiến tranh…
Tôi cũng có người cậu ở Gốc Nhội. Hôm sau tôi đạp xe vào hỏi đứa em, nó bảo:
- Bà cụ mất rồi, còn chị ấy lẩn thẩn lắm. Để em đưa anh ra nhé!
- Đừng! Cứ để anh đi một mình!
Nhà chị Mua nhỏ xíu nên gọn ghẽ, phải cái vắng quá. Tôi vào đến giữa sân mà chẳng thấy chó sủa gà kêu, bèn lớn giong;
- Chị Mua có nhà không? Chị Mua!
Lâu lắm mới có tiếng động từ đầu hồi. Một người đàn bà hãy còn đẹp nhưng còm cõi quá, nom đắng cay như quả mướp khô.
- Bác hỏi ai ạ? Chị dòm sát mặt tôi, thì thầm.
- Chào chị ạ! Tôi nói to như ta vẫn nói với người điếc. Chị có biết em không?
- Không! Thế bác ở đâu đến? Tôi càng quát to thì chị càng nhỏ nhẹ, sợ sệt.
- Em là Quang, con ông Bách Quang ở Sơn Cốt đây!
Chị nhìn thẳng vào mặt tôi, sững sờ:
- Thôi chết! Cậu đấy à? Thấy bảo làm chức gì to lắm ở trong Nam, phải không?
Tôi cười to, để chị vui:
- To gì! Chỉ được cái to xác thôi, chị ạ.
Chị cũng cười rồi mở cửa bảo tôi vào nhà. Trong nhà khô như xác, trên bàn thờ bụi phủ, nắm chân hương tóe ra tứ phía. Tôi ngồi xuống cái chõng mà chỉ sợ sập. Tôi hỏi thăm chị đôi câu rồi bất ngờ hỏi:
- Cái chỗ ngọn nứa nó đâm phải chị ngày xưa giờ còn đau không?
Chị Mua giật mình, đưa tay ôm lấy ngực:
- Cậu cũng biết à? Trở trời cũng vẫn đau đau. Ai nói mà cậu biết?
- Cái người đã cứu chị, đã nhét cả nắm thuốc lào vào chỗ vết thương. Cái người mà chị đã cho năm mươi đồng và bọc thuốc lào ấy, đã kể với em về chị…
Thoáng chốc, vẻ mặt chị giãn ra, nhưng rồi lại chùng xuống trầm mặc. Chị lắc đầu khe khẽ để cho hai giọt nước mắt cằn cõi lăn ra:
- Cậu có gặp người ta à?
- Vâng! Anh ấy nhờ em về tìm chị…
- Hóa ra nước mình cũng nhỏ nhỉ! Thế người ấy bây giờ ra sao?
Tôi bối rối quá. Biết nói thế nào được đây? Anh Năm Minh con người trải qua bao nỗi thăng trầm, có được chút hạnh phúc đời thường, giờ đang ngẫm nỗi bất hạnh. Còn chị Mua ngồi đây nhưng lại là người của thuở nào. Thấy tôi im lặng, chị hỏi dồn:
- Hả? Cậu thấy anh ấy có sung sướng không?
- Sung sướng! Nhưng, chợt nhớ tới lời dặn của anh Năm, tôi buột miệng. Nhưng.. anh ấy chết rồi! Nói xong câu này, tôi thấy hối hận quá.
Chị im lặng, không ngạc nhiên, không đau khổ, chỉ khẽ lắc đầu, làm cho hai giọt nước mắt vỡ ra, theo những nếp nhăn, chảy xuống khóe miệng.
Tôi trở lại thành phố Hồ Chí Minh thì nghe tin anh Năm Minh đã qua đời, đúng bệnh, đúng như chẩn đoán của thầy thuốc.
Thương ơi! Việc đời lưu thủy, hành vân, vần vần, vụ vụ. Kiếp người mong manh, sống gởi thác về. Chỉ tiếc là tôi chưa kịp kể về chị Mua cho anh nghe.
                        Sài Gòn 14-16.9.1993.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét