Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

VÀNG

Cả nhà tôi sắp ăn com chiều thì có khách. Mở cửa, tưởng khách nào hóa ra Ba Thành từ Cao Lãnh lên. Có đến mấy năm nay, anh em không gặp nhau, tôi vừa mừng, vừa ngạc nhiên.
- Trời! Chú Ba, vô nhà đi!
Thấy Ba Thành cứ đứng xớ rớ với chiếc cặp to tổ chảng và đôi giày đen bóng ngoài cửa, vợ tôi giục:
- Cứ mang giày vô, chú Ba!
Vợ tôi là người xưa nay kiên quyết bảo vệ cái sàn nhà của mình, mà bữa nay tươi cười vậy, chứng tỏ cổ rất quý khách. Ba Thành lúi húi tháo giày rồi rón rén bước vô nhà, ghé mông ngồi xuống mép ghế salông. Tôi mời:
- Uống nước đi chú Ba. Chú lên công tác?
- Dà…
- Ăn ngủ đâu chưa?
- Dà, em mới lên…
Sau my câu mở đầu thăm hỏi, ngó bộ Ba Thành lúng túng như gà mác tóc, tôi hỏi đại:
- Chú lên chơi với vợ chồng tôi và các cháu, hay có chuyện gì nói thiệt tôi nghe đi?
Ba Thành ngúc ngắc bập mấy hơi thuốc lá rồi dụi tắt, ngước cặp mắt đỏ vằn, thiếu ngủ lên ngó tôi:
- Anh Hai nè…
Tôi chưa hiểu Ba Thành định nói gì, gật đầu khuyến khích. Từ hồi nào tới giờ, Ba Thành vốn là tay xứng cỏi, lại có chức nên ít khi có điệu bộ len lét sợ sệt bao giờ, ngay cả với tôi. Vạy mà hôm nay… nhìn y thấy tội tội.
- Anh Hai… ba em, ổng… sắp chết…
- Chết cha! Ông già bệnh tình sao? Tôi lo lắng hỏi.
- Ổng nằm liệt giường mấy năm nay. Mấy bữa trước tưởng ổng chết thiệt rồi. Tắt thở, tụi em đã tắm rửa, bỏ gạo, bỏ tiền vô miệng. Vậy mà ổng tỉnh lại, phun gạo, phun tiền ra phì phì…
Vợ tôi ngồi nghe vậy, hai tay ôm ly mặt. Còn đứa con gái út của tôi, sợ quá leo tọt vô lòng mẹ, im thin thít. Tôi cũng bắt rùng mình.
- Bây giờ đỡ rồi chớ?
- Không. Ổng muốn chết quá mà không chết được. Nói thiệt anh Hai, chị Hai đừng cười, em cũng trông cho ổng đi. Vật vã mãi thấy tội lắm…
- Vậy sao chú còn bỏ lên đây. Nói ai nhắn tôi cũng được mà. Tôi hơi gắt.
Thành ngọ nguậy trên ghế, rồi ghé về phía tôi nói nhỏ như sợ có người nghe:
- Anh Hai, ba em muốn gặp… anh! Hình như là ổng muốn nói gì đó. Ổng biểu có gặp mặt Hai Hoàng thì mới chết được.
Tôi ngồi đờ người, một lúc lâu sau Ba Thành nói như năn nỉ:
- Thiệt tình em cũng không muốn phiền anh. Nhưng mà… em không biết phải làm sao. Anh ráng thu xếp về dưới…
Thành là con cùng mẹ khác cha với tôi. Cha của Thành là chồng sau má tôi. Câu chuyện dài dòng từ hơn bốn mươi năm về trước. Đã có hồi tôi căm thù ông chồng sau của má, thù luôn cả Thành. Chính vì ổng cướp vợ của cha tôi mà tôi phải xa mẹ từ hồi còn nhỏ xíu. Lúc theo ba tôi tập kết ra Bắc, tôi cứ đinh ninh là má đã chết. Sau ngày thống nhất về Nam, ba tôi mới cho tôi biết là má còn sống, có chồng khác ở dưới quê. Tôi về Cao Lãnh, hai má con gặp nhau, má cứ ôm lấy tôi mà khóc. Cha con Thành im lặng, không nói gì. Sau tôi cưới vợ cũng không cho má tôi hay. Khi ba tôi bệnh nặng nằm nhà thương tôi mới điện cho má. Má tôi lên chăm sóc, khi ba tôi chết, má làm đám ma cho ổng. Hai năm sau thì má tôi cũng mất.
Sau này, lớn tuổi, tôi mới thương má tôi, thương cả ông chồng sau của má. Từ đó lâu lâu Ba Thành lên thành phố thường ghé thăm tôi. Nhưng t khi má mất ở quê không còn bà con, nên tôi cũng không về.
Mải đắm trong dòng suy nghĩ lan man, nghe tiếng Ba Thành năn nỉ, tôi giật mình:
- Liệu có cần không, chú Ba?
- Dạ, cần. Cần lắm. Em năn nỉ anh mà, anh Hai.
Tôi phân vân quá, bảo Thành:
- Được rồi, chú cứ về trước. Để rồi tôi thu xếp xuống sau.
- Không được, anh Hai! Anh về ngay đi, kẻo tội ba em lắm!
- Đi ngay bây giờ?
- Dạ, đi ngay. Xe em đậu dưới kia!
- Hừ! Gay thiệt. Mai tôi có cuộc họp quan trọng…
Nghe tôi nói vậy, Thành quay mặt đi chùi nước mắt. Lần đầu tiên, tôi thấy một gã đàn ông đứng tuổi, lại cứng rắn như Thành khóc. Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp. Vợ tôi ngồi cạnh cũng tham gia.
- Chú Ba đã nói vậy, anh ráng về ngay coi ông dượng nói gì. Lỡ mà ổng chết không nói được thì khổ cho ổng lắm.
Tôi lấy giấy viết mấy chữ, đưa cho vợ, dặn:
- Sáng mai em tới cơ quan anh đưa giấy này. Nếu có ai hỏi em nói rõ cho họ nghe. Giờ để anh về dưới…
Rồi tôi quay qua nói với Thành:
- Chú Ba chờ tôi chút xíu!
Xe lướt trên đường. Qua Phú Lâm, Bình Chánh, tôi mới nhớ ra từ trưa tới giờ chưa có hột gì vô bụng, nhưng cũng không thấy đói.

                                                            ***

Suốt từ lúc lên xem anh em tôi không nói gì với nhau. Tôi thì bồi hồi nhớ tới ba, lòng vừa buồn, vừ hn.
Hồi trẻ, ba tôi là thợ kim hoàn khéo tay có tiếng cả một vùng Cao Lãnh và lân cận. Còn má tôi thì đẹp lắm. Ba tôi làm thuê cho tim vàng Kim Hương của ông nội Thành. Thấy ba tôi vừa giỏi lại vừa hiền nên ông chủ thương, cho cả hai vợ chồng ra ở chung nhà ngoài chợ. Má tôi lo phụ việc giặt đồ, đi chợ, cơm nước cho cả nhà. Được một thời gian suông sẻ, thì một hôm ông chủ kiếm đồ thấy mất một cái lắc vàng sáu chỉ, đôi bông tai, và mấy lá vàng y hiệu Kim Thành. Không có ai, ngoài ba tôi được phép mở tủ. Vậy là đích thị rồi. Lại nghe cậu Hai (ba của Thành bây giờ) nói gần nói xa có thấy ba tôi đi hút ở tiệm á phiện Ba Tàu, rồi còn sắm đồ se sua, vô cả nhà trọ… Má tôi thì khóc than, trách móc. Ba tôi thấy nhục quá, nửa đem bồng tôi bỏ đi trốn. Năm đó tôi lên ba tuổi được gởi cho một người bà con xa ở Cần Thơ. Ba tôi đi kháng chiến cho đến khi tâp kết, dắt tôi đi theo luôn.
- Ba biết cậu Hai, con ông chủ mê má con. Sau này về miền Nam, ba tôi nói cho tôi biết chuyện. Bây giờ má con là vợ của người ta. Dù gì con cũng phải về thăm bả, để cho má con đỡ tội nghiệp. Con đã lớn, hiểu chuyện đời rồi.
Tôi hỏi ba:
- Vậy chớ, ba có lấy vàng thiệt không?
Ba tôi do dự hồi lâu rồi trả lời:
- Không lấy thì sao có tiền nuôi con!
- Không! Con không tin!
Ba cười:
- Tùy con. Tin hay không tin cũng được. Chuyện quá khứ rồi, nhắc lại để mình con biết vậy thôi, chớ nói với ai làm gì.
Lúc ba tôi mất, tôi có hỏi má tôi chuyện đó. Má tôi chỉ khóc mà không nói gì. Tôi thì vẫn không muốn tin một người như ba tôi lại có thể ăn cắp. Nhưng mà… sao ba tôi lại nhận? Tôi cứ thắc mắc hoài. Thiệt tình tôi không sao hiểu được những người già cả.

                                                            ***

May mà không phải qua bắc, lại ban đêm cho nên xe con chạy khá nhanh. Chừng hơn mười giờ đêm chúng tôi về đến cao lãnh. Trong nhà đèn điện sáng trưng. Mọi người đứng cả dậy đón chúng tôi. Có mấy người lớn tuổi biết tôi, lại gần thì thầm:
- Hai Hoàng đó hả? Sao không cho vợ con về?
- Chú khỏe hả chú Tư? Nhà con và các cháu bận học nên không về được.
- Ờ, vô đi. Ổng đang chờ mày đó…
Không kịp uống miếng nước, tôi theo Thành vô thẳng phòng trong. Vợ Thành và hai người đàn bà lạ thấy tôi cúi đầu chào. Tôi lặng lẽ đến bên giường bệnh. Ông già bận bộ đồ bà ba trắng, nằm dán xuống nệm giường.
- Ba ơi, anh Hai về đây nè. Thành nói với cha.
- Hai Hoàng đó hả, con?
Tôi nắm lấy bàn tay lạnh toát, khô xác của ông:
- Con đây, Hoàng đây! Dượng đỡ nhiều không?
Nước mắt tôi tràn ra, hình ảnh ba tôi hin về, buồn thảm. Ông già đưa cặp mắt đã mờ đục cho thành. Hiểu ý, hai người đàn bà và vợ chồng Thành ra cửa. Tôi nắm tay Thành kéo ra sau lưng ở lại cùng tôi.
- Con nghe chú Ba nói, con về liền. Dượng có ăn được chút gì không? Tôi nói lớn giọng, vì cảm thấy ông già đã đuối lắm rồi.
Ông lần bàn tay tôi, như kéo lại:
- Dượng có lỗi với ba con, với má con, và với con… nhiều lắm. Chính dượng là… người lấy vàng, rồi… đổ thừa cho… ba con…
- Trời! Tôi bàng hoàng, nước mắt nhòe nhoẹt, không nhìn thấy gì nữa. Chỉ cảm thấy bàn tay yếu ớt của ông rờn rợn trong tay tôi. Tôi khóc.
- Thôi mà, dượng Hai. Chuyện quá khứ rồi. Ba con thừa nhận là có lấy vàng để nuôi con.
- Không… không phải vậy. Dượng đã xuống dưới gp ba con. Cho nên… dượng phải quay trở lên… để nói cho con biết sự thật…
Tôi rùng mình, thấy mình đang nói chuyện với một hồn ma chớ không phải con người. Ngoảnh lại, thấy Thành vẫn đứng sau lưng nên tôi cũng yên tâm. Ông già tiếp:
- Con… con lật dưới gối của dượng…
Tôi làm theo và tìm thấy một cái gói cứng, nặng, đặt vào tay ông, nhưng ông không nắm lại được nữa.
- Của con đó… Chỗ này là số vàng mà… ngày trước ba con bị tiếng oan, nhưng không được lấy. Bây giờ… dượng trả cho con…
- Không! Con không nhận đâu, của dưng, của chú Ba…
- Cầm lấy. Con không nhận thì… dượng không chết được…
Đôi mắt ông cứ trừng trừng ngó tôi. Sợ quá, tôi nói đại:
- Dạ, con nhận.
- Thôi, dượng… đi đây!...
Trong chớp mắt, toàn than ông mềm nhũn, đầu ngoẹo bên gối, mắt còn ngó đâu đó. Tôi đặt hai ngón tay lên mí mắt người vừa chết, lát sau, đôi mắt khép lại. Tôi nói nhỏ ra sau:
- Chú Ba, dượng đi rồi!
Thành gục xuống ngực cha. Tôi ngi một lúc rồi lay vai Thành:
- Chú cầm lấy!
Thành ngơ ngác:
- Của anh mà, anh Hai!
- Không, cái này là của chú. Phần tôi, tôi lấy rồi.
Thành dụi mắt nhìn tôi không hiểu. Tôi đặt gói vàng vào Thành:
- Tôi đã lấy lại được niềm tin vào sự trung thực của ba tôi. Và nói chung, niềm tin vào sự trung thực của con người. Còn số vàng này, chú giữ lấy mà lo đám tang cho dượng Hai…
Tôi bước ra ngoài, mấy người vây lấy tôi:
- Sao rồi, anh Hai?
- Dượng tôi đi rồi, thanh thản lắm!
Tôi ra ngồi ôm đầu ở góc sân, chìm ngập trong tiếng khóc than thảm thiết. Lâu sau, Ba Thành đến ngồi đối diện với tôi, không nói. Tôi bảo y:
- Chú cho tài xế đưa tôi về thành phố ngay bây giờ, đặng sáng mai đưa nhà tôi và các cháu xuống cho kịp…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét