Anh Sếnh là niềm tự hào của
làng tôi, vì anh là phi công. Phi công lái máy bay phản lực chiến đấu hẳn hoi.
Những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trên bầu trời
làng tôi thỉnh thoảng vẵn xuất hiện những con Én Bạc lấp lánh, ngoan cường chiến
đấu với bọn Thần Sấm, Con Ma. Không một ai, từ già lão chí trẻ thơ là không thầm
reo:
Thuở tôi còn nhỏ, anh Sếnh
trong mắt chúng tôi là một người hùng. Cao to, nhanh nhẹn, khôn ngoan và đặc biệt
dũng cảm trong những trận đánh nhau áp lá cà với tụi trẻ trâu Quán Vã. Tôi cũng
không hiểu vì lý do gì mà giữa chúng tôi với bên Quán Vã, tuy thuộc xã bên kia nhưng
chỉ cách nhau một con ngòi mà lại hay đánh nhau thế? Tất nhiên là trẻ con thôi,
nhưng đã không ít lần lôi cuốn cả người lớn, nhất là đám thanh nhiên. Anh Sếnh đương
nhiên là chỉ huy, có khi anh là Cu-tu-dốp, có khi anh là Mã Bạn Trai, những
nhân vật trong phim chiến đấu của Liên Xô và Trung Quốc thời đó, xông lên phía
trước kêu gọi chúng tôi khuân đất đá, bùi nhùi tấn công vào đối phương. Những
trận chiến đấu kiểu đó làm chúng tôi mệt nhoài nhưng thích thú, reo hò đến khan
cả tiếng. Trâu bò gọng lại một chỗ giao cho bọn con gái trông (vì sợ đối phương
bắt được làm chiến lợi phẩm, lúc đó thì chỉ còn có nước nhờ người lớn can thiệp,
trao trả tù binh). Nhiều hôm chiều về trâu đói lõm bụng, nhưng chúng tôi vẫn
reo hò, ăn mừng chiến thắng.
Sau vụ cày cấy năm ấy, đột
nhiên anh Sếnh không thèm chơi với chúng tôi nữa. Anh đã trở thành người lớn, ăn
mặc có phần chải chuốt, miệng ngậm phì
phèo điếu thuốc lá Bông Lúa. Một năm sau, anh được gọi nhập ngũ và được tuyển
vào làm phi công. Ông bà Thâu, thân sinh của anh Sếnh tự hào ra mặt, nhất là
bà. Lúc nào đấy tranh thủ có dịp là bà khoe ngay:
- Cũng là nhờ trời cả các
bà ạ. Thằng cháu nhà tôi con nhà nông dân, chả được ăn học bao nhiêu, ấy thế mà
chính phủ lại cho nó làm phi công “bẻ lái tàu bay”. Có phải là phúc đức không?
Còn ông Thâu thì điềm đạm
hơn. Vê điếu thuốc lào đến đổ mổ hôi ra, châm đến ba que đóm ông cũng chỉ nói
có một câu:
- Rồi sẽ đánh nhau to. Cứ
xem trẻ nó chơi đánh trận say sưa như thế nào thì biết. Mười phần thác bảy còn
ba...
Những lúc hóng chuyện như
thế, chưa hiểu chuyện đời sẽ ra làm sao nhưng tôi cũng thấy sờ sợ. Vào những đêm
hè nhìn sao băng loang loáng giữa bầu trời, trái tim non nớt của tôi thót lại bởi
nỗi sợ hãi. Rồi sẽ đánh nhau to. Đánh nhau thì được thôi, nhưng mười phần chết bảy
thì hãi thật.
Ba năm sau, anh Sếnh đột
ngột trở về làng. Trông anh lúc này thật lẫm liệt. Áo bludông, quần xanh tím
than, giày đinh Côsưghin với hàng ria mép xanh mờ và đặc biệt là tùm lông trên
ngực anh, anh xứng đáng là niềm tự hào của dân làng. Tôi đâm ra buồn vì mình
không có họ hàng gì với nhà anh Sếnh để hưởng lây cái uy phong của anh.
Điều làm cho dân làng
thích thú xì xào kháo nhau là anh Sếnh cưới vợ. Tôi không còn nhớ gì về cái đám
cưới thời mới và thời chiến ấy, nhưng chị Thái vợ anh thì tôi còn nhớ rất kỹ.
Chị Thái là một cô gái đẹp, rất đẹp là khác, nhưng đó là một vẻ đẹp dễ gần. Có
thể coi là một vẻ đẹp mẫu mực, tiêu chuẩn trong quan niệm của dân làng tôi và của
tôi. Nghĩa là toàn con người chị toát ra một quầng sáng dịu hiền, chị đứng ở đâu,
ngồi ở đâu, làm gì, nói gì người ta cũng nhận ra. Thậm chí, cả những việc chị
làm, nơi chị đi qua, cái ghế, cái đòn chị vừa ngồi... cũng để lại một cái gì đó,
như mùi hương chẳng hạn. Cái áo cánh gụ cắt bó sát vào tấm lưng ong, bao giờ ở
trên đường tà, sát lưng quần chị cũng khéo léo chiết một đường kim để cho vạt lưng
xoè ra làm cho mỗi bước đi mông chị như càng được nở ra. Chị không còn thuộc lớp
người ăn trầu mà để răng trắng, đánh bằng một mảnh cau. Nhưng một lần tôi đã thấy
chị ăn trầu vào dịp lễ rằm tháng mười. Trầu thuốc làm chị say, gương mặt chị
Thái nóng bừng bừng, đôi mắt chị rạo rực, cứ gục đầu vào vai bạn mà cười khanh
khách. Một cái cúc bấm bật ra, cổ áo cánh trễ xuống độ một ngón tay lộ ra một mảng
da thịt hồng hồng. Ai đó nhìn chị tặc lưỡi, như muốn giễu cợt chê bai, có vẻ dè
bỉu nhưng vẫn ẩn giấu một sự ganh ghét, đố kị.
Còn tôi, tôi đã nhìn chị say đắm. Có lẽ vì tôi còn trẻ quá...
*
* *
Mãi đến sau ngày hoà bình
năm 1975, tôi mới được người bạn bên không quân có biết anh Sếnh cho hay, anh đã
chuyển sang lái máy bay vận tải. Hiện thời đơn vị của anh đóng ở Tân Sơn Nhất.
Phải mấy năm sau nữa, trong một lần về thăm quê, tôi mới biết thêm về chuyện của
anh.
Buổi tối hôm ấy, nghe tin
tôi về, anh em trong xóm đến chơi, uống nước, hút thuốc chật nhà. Trời lạnh, ngồi
sát sạt vào nhau ôn lại những chuyện ngày xưa, bạn bè cùng trang lứa, người còn
người mất. Cánh thanh niên trẻ thì hỏi đủ chuyện mà nói cũng nhiều điều. Bỗng
tôi nhìn ra phía cửa sổ, có bóng người thập thò, dáng bộ cũng không được tự tin
bạo dạn lắm.
- Ai đấy, vào uống nước!
Tôi nói vọng ra.
- À, thằng Bình con chú Sếnh
đấy mà. Vào đây, thằng em! Một cậu lên tiếng.
Tôi rất lấy làm ngạc
nhiên, có phần bàng hoàng khi nhìn thằng
Bình, bởi vì tôi không thể nào tìm ra hình bóng một anh Sếnh của quá khứ trong
con người thằng bé. Đây là một chàng trai gầy và nhút nhát, nhất là nó không chịu
vào ngồi trên phản, mà lại kê đôi tông Lào vào đít đánh phệt xuống đất, ngửa cổ
cười không thành tiếng. Tôi đưa cho nó điếu thuốc rồi hỏi :
- Mày con bố Sếnh hả? Thế
nào, bố có hay về không cháu?
Nó cười, lắc đầu:
- Dạ không, chú!
Nhìn thằng Bình châm lửa
hút thuốc, làm tôi lại nhớ đến phong độ của anh Sếnh ngày nào: áo sơ mi trắng cổ
lót khăn mù-soa, dép nhựa Tiền Phong, đầu chải nước giếng bóng loáng, miệng ngậm
điếu thuốc Trường Sơn, dáng đi hùng dũng... Thế mà, thằng con anh kia, đang
lóng ngóng với điếu thuốc có đầu lọc, đang ngồi tập thở khói ra đằng mũi kia,
tôi thoáng buồn. Không biết giờ này anh Sếnh đang ở đâu, anh đang bay trên vùng
trời nào?
Sáng hôm sau, khi tôi còn
đang nằm ườn trên giường đã nghe có tiếng người hỏi. Tiếng lanh lảnh, nhưng
nghe ra như có cái gì hồi hộp, vội vàng. Chi Thái! Đúng rồi, chị Thái vợ anh Sếnh.
Khi chị bước lên hè, đặt ngửa chiếc nón lá đã bật vành vào góc cột hiên, tôi
vùng dậy chào chị. Hai mươi năm rồi còn gì, chị Thái xinh đẹp nhất làng tôi đã
vào tuổi bốn mươi, nhưng chị vẫn còn đẹp. Nhìn chị vươn bàn tay lên vuốt những
sợi tóc buột ra ngoài chiếc khăn len, vẫn còn thấy thấp thoáng một đường cong dịu
dàng.
- Chị sang chơi! Em mới về
hôm qua chưa kịp đi đến đâu...
- Các ông cán bộ là chúa
ngủ trưa, dậy muộn. Dạo trước, bố thằng Bình nhà tôi cũng thế...
Chị cười, tiếng đã khàn
khàn, không còn cái vẻ ngây ngất, say say như ngày nào.
- Bao nhiêu năm rồi em mới
gặp chị, vậy mà bà chị vẫn còn đẹp.
- Rõ cái nhà chú này, chị
cười bẽn lẽn, sắp xuống lỗ rồi còn cái gì mà đẹp. Có đẹp đã chả bị người ta bỏ...
- Ai bỏ? Ai mà dại thế?
- Tôi sang thế này làm mất
giấc ngủ của chú. Hôm qua nghe thằng cháu Bình về nói chú ra phép, thấy bảo chú
ở trong Sài Gòn, thế chú có gặp anh Sếnh nhà này không?
Tôi phải nói thật là tôi
không gặp chồng chị, mặc dù có nghe nói là anh lái máy bay ở sân bay. Chị chép
miệng: -
Tôi cũng muốn nhờ chú chuyện này, là chỗ chị em hàng xóm láng giềng, chú đừng
nghĩ tôi vạch áo cho người xem lưng. Từ ngày hòa bình, lão ấy chuyển vào Nam, mấy
năm đầu còn hay về thăm mẹ con tôi. Thế rồi thưa dần, không về nhà, mà cũng chẳng
gửi tiền về nuôi con, nuôi cha mẹ. Lâu lắm mới thấy dẫn xác về, tôi hỏi, thế là lão ta gây sự đánh
tôi, đòi bỏ tôi...
Chị Thái rơm rớm nước mắt:
- Con người ấy thế mà bạc.
Tôi nghe anh em bạn họ nói lão ta mê cái con đĩ nào trong ấy, thành ra về ruồng
rẫy vợ con. Chú tính xem, từng ấy năm bom đạn chiến tranh tôi một mình nuôi
con, một đèn một bóng, mà cứ nhìn lên trời, nghe tiếng máy bay là lại lo thót dạ
lại. Đến ngày yên hàn, tưởng vợ chồng con cái được sống với nhau, nào ngờ...
Con người ấy thế mà bạc!
Chị Thái càng nói càng
khóc to:
- Chả là lái máy bay vào
Nam, ra Bắc buôn bán vào cầu lắm, thế mà chẳng thèm gửi về cho con lấy một hào
mua kẹo. Thằng cháu Bình đấy, học hết cấp hai, không có tiền ra huyện học tiếp,
bây giờ nghỉ ở nhà lêu lổng, người không ra người. Tôi khỗ lắm, chú ơi!
Chị Thái lau nước mắt bằng
chéo khăn len, nhón tay xin tôi chén nước. Tuồng như chị đã khóc xong, đặt cái
chén xuống, giọng ráo hoảnh:
- Nhưng mà tôi đây cũng
chẳng phải con ngốc, chú ạ. Tôi nhất quyết không ly dị, dù hắn có dọa dẫm đánh
giết tôi, hay hứa cho tôi nhiều tiền. Tôi khổ một đời, tôi chịu được, nhưng cứ
nghĩ ly dị xong là hắn rộng cẳng, sung sướng thì tôi không chịu nổi...
Cuối cùng, chị Thái còn dặn
tôi là vào cố giúp chị, tìm gặp anh Sếnh,
“khuyên bảo, dỗ dành anh ấy hộ chị”. Tôi nhận lời.
*
* *
Thỉnh thoảng tôi có nghe
người ta kháo nhau về chuyện buôn bán của cánh phi công, nhưng tôi không để ý lắm.
Còn chuyện tìm anh Sếnh thì quả thực tôi hơi ngại, là vì rằng nhỡ người ta
không hiểu lại cho là thấy người sang bắt quàng làm họ, có nhờ vả gì chăng? Nhưng
lần này, chị Thái vợ anh đã nói thế thì tôi cố tìm cho bằng được.
Đến nơi, mới biết những điều
chị Thái nói là thật, thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế nữa. Trong một chuyến
bay, anh Sếnh buôn lậu hàng quốc cấm bị bắt quả tang. Toà án đã tuyên phạt anh
năm năm tù, thành ra tôi không gặp anh. Tôi bảo tôi là người làng, hỏi anh bị giam ở đâu, để biết có thể đến thăm nuôi.
Một anh bạn trong đơn vị bảo muốn biết tin Sếnh thì tìm cô Kim Lệ, bán quán bia
ôm ở Lăng Cha Cả mà hỏi.
Tìm cô Kim Lệ không khó,
chỉ cần lượn hai vòng quanh cái bùng binh nổi tiếng này là đã có người dẫn tôi
vào gặp thẳng bà chủ quán. Cái khó cho tôi là phải thật bình tĩnh, là cần phải
tỏ ra lãnh đạm khi nói chuyện với người đàn bà không có tuổi này ngay trong bản
doanh của cô ta. Kim Lệ đẹp một cách kỳ la! Tất cả những gì trên người của cô
hay cô mang vào đều có cảm giác vừa mong manh, vừa chín mọng. Đôi mắt to, đen mướt
dù nhìn lúc nào cũng có cái vẻ thơ ngây, ngơ ngác. Kim Lệ xưng “em” với tôi, dù
tôi bảo tôi là em của anh Sếnh.
- Em với anh Sếnh quen
nhau trong một lần ảnh tới chỗ em uống bia. Ngay cái nhìn đầu tiên, em đã hiểu
là người đàn ông ấy dứt khoát phải thuộc về em rồi. Trong đôi mắt ảnh, em thấy
một cái gì đó vừa như cuốn hút em, lại vừa tỏ ra bất cần. Thiệt may cho em, lần
thứ hai, anh Sếnh đi có một mình, và em cũng không? Ảnh nói thằng Bình không phải
con ảnh! Em tin, và em càng yêu anh Sếnh hơn. Mặc dù chúng em đã sống với nhau
như vợ chồng, nhưng em vẫn không muốn có con với ảnh. Và, thiệt không may, ảnh
bị bắt!
- Anh Sếnh bị giam ở đâu?
- Nam Hà. Xa quá, em
không biết đường để tới thăm nuôi.
Tôi viết thư cho chị Thái
nói rõ chuyện anh Sếnh, và tôi còn khuyên chị đến thăm anh. Biết đâu, trong lúc
hoạn nạn như thế này, anh Sếnh chẳng tỉnh ngộ. Hơn một tháng sau, tôi nhận được
thư chị Thái. Trong thư chị nói là chị đã ký vào đơn ly dị rồi. Đơn được gửi
lên tòa án, và theo như nguồn tin tôi cung cấp cho chị, người ta đã xác minh đúng
là anh Sếnh phạm tôi, đang thi hành án. Đơn của chị đang được xem xét và có thể
được giải quyết.
Thế là xong, khổ đời anh
Sếnh! Mà sao chị Thái lại vội vàng thế nhỉ? Âu cũng là tài hoa bạc mệnh, thuyền
quyên với anh hùng dễ thường hay lâm nạn. Có lẽ cũng là cái số. Người tôi ái ngại hơn cả trong lúc này lại là Kim Lệ.
Tôi đã quyết chẳng nên gặp lại con người có sắc đẹp và trái tim ma quái này. Nhưng,
lòng dạ tôi không thể vô tâm cho đặng. Tôi gọi điện thoại cho Kim Lệ, cô khẩn
khoản mời tôi đến cho cô gặp. Cô bảo : “Nếu anh không thương anh Sếnh thì anh
hãy thương em, đến đây đi!”.
Tôi cho cô biết chuyện,
Kim Lệ im lặng hỏi tôi chuyện tàu xe:
- Em sẽ ra tận Nam Hà, nơi
anh ấy bị giam giữ. Em không muốn mất anh ấy...
Cô đi thật, không phải một
hay ba, mà nhiều lần. Anh Sếnh được giảm án, và chính Kim Lệ đã ra tận nơi “áp
giải” anh về thẳng Sài Gòn:
- Về với em, em nuôi anh.
Anh sẽ chẳng phải làm chi nữa cho cực. Một mình em đảm bảo nuôi được anh sung sướng...
Cho mãi đến tận hôm đầy năm
con anh Sếnh với Kim Lệ, tôi mới đến nhà họ. Tưởng đông, hóa ra cũng chẳng có mấy
ai. Ngoài tôi ra, còn có hai ba bà bên nhà Lệ. Nhìn anh Sếnh bế đứa con gái con
anh, tôi hỏi nhỏ:
- Anh bảo thằng Bình ở
quê không phải con anh à?
Anh Sếnh nhíu mày một lát
rồi nói nhỏ:
- Mẹ nó là vợ mình, nó là
con mình...
Tôi đã biết là không nên hỏi
gì thêm nữa, nhưng vẫn không dằn được:
- Chị Thái ngày xưa là người
con gái đẹp nhất làng ta...
- Hơn nữa ấy chứ! Nhất
huyện, có khi còn nhất tỉnh. Nghe giọng anh, tôi không đoán ra anh nói đùa hay
nói thật.
Từ dạo ấy, thỉnh thoảng
anh Sếnh cũng đưa vợ con, cả nhà ngự trên chiếc xe mô tô 175 phân khối (rất hợp
với khổ người và tướng tá anh) đến thăm chúng tôi. Những lúc như thế, chính anh
Sếnh là người có con mắt tôi tối, còn Kim Lệ là người hạnh phúc nhất. Càng hạnh
phúc cô càng trẻ, càng đẹp và nghe nói càng làm ăn phát tài.
*
* *
Thưa bạn đọc, câu chuyện
tôi kể hầu các bạn đến đây là có thể kết thúc được rồi. Nhưng năm ngoái, trong
lúc tôi đang ngồi đọc một cái gì đó thì có tiếng chuông điện thoại. Đầu dây đằng
kia là anh Sếnh:
- Chú Sơn, chú có rảnh
không, lại tôi đi.
- Không bận lắm, nhưng...
anh có chuyện gì thế?
- Đến đây sẽ biết. Tôi đợi
chú đấy. Đừng để tôi chờ lâu nhé...
Rõ ràng là chuyện không
lành. Tôi phóng xe đến thì thấy anh Sếnh đang bế vác trên vai đứa con gái mới hơn
một tuổi của anh đứng ở cửa. Đầu tóc bơ phờ, râu ria tua tủa, áo quần nhàu nát,
anh lẳng lặng đi trước vào nhà. Tôi theo anh, vừa đi vừa hỏi:
- Lệ đâu?
Anh Sếnh chưa kịp trả lời
tôi thì con bé đã khóc nức lên. Anh xốc con trên vai, đặt vào tay nó mẩu bánh.
Con bé ném đi, rồi lại khóc ngằn ngặt đòi mẹ. Tôi quát lên:
- Anh Sếnh, Lệ đâu? Vợ
anh đâu?
Có tiếng khuông điện thoại
reo, anh Sếnh uể oải nhấc lên:
- A lô, anh đây, Sếnh đây.
Ừ, con bé đang khóc dữ quá. Nào, con gái, khóc vào máy cho mẹ mày nghe cho đỡ
nhớ nào...
Anh Sếnh kề ống nói điện
thoại vào cái miệng nhỏ đầy nước mắt, nước mũi của con bé. Tuồng như đã quen,
nó gào lên những tiếng “Mẹ... Mẹ...” nhòe trong tiếng khóc. Lâu lắm, hình như mỏi
tay, anh Sếnh nói vào máy: “Thôi nghe!”. Và con anh cũng bớt khóc. Tôi lại phải
hỏi thêm câu nữa:
- Lệ đang ở đâu gọi về
cho cha con anh thế?
- Bên Mỹ!
- Cái gì? Mỹ nào?
- Mỹ Hoa Kỳ. Lệ đi rồi,
theo diện HO. Trước giải phóng, cô ấy làm việc cho người Mỹ.
- Trời đất! Đi HO thì
hình như được bảo lãnh cho cả người thân kia mà?
- Tôi không rành lắm về
chuyện này. Khi có tên cô ấy trong danh sách, tôi cũng ngạc nhiên. Nhưng cô ấy
thì mừng ra mặt. Thôi, để cho Lệ đi. Bố con tôi ở lại đây cũng không sao. Chẳng
mấy nữa cháu nó quen rổi nó lớn... Hiện thời thì tôi cũng không đến nỗi thiếu
thốn.
- Anh không biết Lệ ra đi
để tìm kiếm cái gì à?
- Một người Mỹ là chủ cũ
hay tình nhân gì đó bảo lãnh...
Tôi ngổi thừ, mệt mỏi như
chính mình phải gánh cái gánh tai ương. Có tiếng anh Sếnh:
- Tôi muốn hỏi chú chuyện
này. Chú về quê chú thấy thằng Bình, con tôi thế nào?
Tôi gầm lên:
- Nó thất học. Nó đi đào
vàng. Nó ăn cắp. Nó đi tù. Anh nghe rõ chưa?
Sếnh đứng ngây người.
Lại có tiếng chuông điện
thoại.
1996
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét