Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

THỜI LOẠN


Năm mười ba tuổi, cái tuổi dậy thì, da thịt, chân tay ngứa ngáy, chị Minh trèo lên cây ổi trong sân chùa. Năm ấy ngâu vầy nhiều quá, ổi chùa toàn những quả chua. Một cành la làm chị đuối chân ngã nhào xuống mái. Ngói xô chị xuống tam quan, một mảnh ngói lá đề cứa vào cổ chị, máu chảy chan hòa khắp thân mình. May mà sư cụ đã cứu được chị thoát chết nhưng chị bị câm từ đấy. Chị không nói được nhưng vẫn nghe thấy tiếng của người đời, tiếng bấc, tiếng chì, tiếng cay tiếng ngọt... Ai đó ác khẩu không gọi chị bằng cái tên khai sinh là Vũ Thị Minh mà nương theo cái âm thanh nghêu ngao ú ớ của chị mà đặt cho chị cái tên là Nghêu. Riết rồi cả làng đều gọi như thế.
Chị Nghêu bỏ học. Ú ớ thế học làm gì? Mà ai người ta dạy con câm? Chị làm bạn với mẹ con con trâu cho đến khi con nghé thành con trâu mộng to và dữ, hợp tác điều cho hộ khác thì chị cũng trở thành một thiếu nữ. Tai ác thay, chị lại xinh đẹp, hồng nhan như một hồn ma chứ không phải người đời!
Chị học may vá giần sàng, cấy hái. Chị còn học cả cày bừa nữa, khỏe và khéo chẳng thua đàn ông. Nhưng trai làng tôi chẳng ai ỏ ê gì đến chị. Năm ấy thanh niên trai tráng ra trận hết, đàn bà con gái thừa ra hàng xốc, ai dại gì dây vào với con câm! Đẹp thì đẹp đấy, nhưng phải ăn ở suốt đời với cái thứ người ọ e ấy, chịu sao nổi. Thọt chân, khoèo tay, còn vớ đươc vợ đẹp như tiên, lại lành hành hẳn hoi... Trai thời loạn mà lại!




Tôi kém chị Nghêu bốn tuổi, năm ấy mười sáu, nhìn con gái cũng thấy thích nhưng không biết làm thế nào. Mà lại chỉ thích những người hơn tuổi mình mới tội chứ ! Nhìn tóc, nhìn vai, nhìn mông, nhìn ngực họ có lúc tôi cứ thẫn thờ cả người.
Có một hôm tôi đang ngồi bần thần một mình bên vệ cỏ ven đuờng vắng thì chị Nghêu đi qua, tôi nhỏm dậy nhìn chị. Đôi môi mỏng mím lại, bộ ngực chặt nhô cao, làm chỗ ấy bạc đi. Tôi tưởng rằng chị chỉ thở mạnh một cái là tấm áo gụ sẽ toạc ra. Chị nhìn tôi mỉm cười, tôi cũng cười lại nhưng héo hon lắm. Khi chị bước qua trước mặt tôi thì một mùi hương lạ xông thẳng vào tôi. Mùi hương đầm và ngọt làm cho thằng trai mới lớn như tôi cứ đoán già, đoán non: nó bay ra từ chỗ nào? Tôi gọi khẽ:
-Chị Minh!
Chị quay lại nhìn tôi bằng con mắt thoáng ngạc nhiên rồi chợt rũ xuống buồn.
-Chị đi đâu đấy? Ngồi xuống đây em bảo!
Chị không ngồi nhưng đến sát bên tôi gỡ cái kẹp ba lá ngậm vào miệng. Hai tay chị đưa ra sau gáy bới mái tóc dày càng làm cho bộ ngực căng ra dưới lớp vải phin đã mỏng lại sờn.
-Tại sao chị lấy ông Xẩm?
Mặt chị tái đi, vội vàng ngồi xuống. Tôi giật những cái lá sim ném túi bụi ra mặt đường. Chị nhìn tôi, còn tôi thì cứ nhìn cái ngón chân út vương bùn của chị. Chợt chị vỗ vào vai tôi. Tôi ngoảnh lại, chị xòe bàn tay ra, ngón tay trỏ kia viết viết vào đó, rồi chỉ lên trời. Tôi không hiểu chị muốn nói gì, nhưng đoán là chị bảo tôi phải học cao lên nữa, đừng yêu chị! Đấy là lúc ấy tôi nghĩ thế. Về sau, tôi nghĩ chị trách ông Trời, ông Trời của chúng tôi.
-Em chán học lắm! Ai bảo chị lấy ông Xẩm? Em mà lớn tí nữa là em lấy chị đấy!
Chị cười không có tiếng, cái miệng đẹp trở nên méo mó làm tôi hơi sợ. Bỗng chị đưa hai tay tát nhẹ vào hai bên má tôi. Tôi định tránh nhưng không kịp.Thoắt cái chị đứng dậy bỏ đi. Còn lại tôi một mình bên vệ cỏ với một cái gì đó ngòn ngọt như sữa đòng đòng. Tôi nhìn theo tấm lưng lẳn của chị khuất dần sau lùm sim. Mãi vàng mặt trời tôi mới thất thểu về nhà.

*
* *
Tôi quyết tâm học kéo nhị.
Một mình tôi hì hục làm một cái bầu nhị bằng gốc tre, bịt ny-lông, tiếng kêu khàn khàn, ọ ẹ. Anh Tước tôi nghe thấy thế thì bảo: chẳng khác gì tiếng cái Nghêu, làm tôi vừa xấu hổ, vừa tức. Những buổi tối tôi thường đến đứng bên ngoài nhà ông Xẩm nghe ông kéo nhị. Càng nghe tiếng nỉ non của ông tôi càng tưởng ra chị Nghêu, càng tưởng ra những ngón tay xương xẩu của ông nhảy múa trên ngực chị, và những tiếng nỉ non kia chính là tiếng thở than cho thân phận của chị Nghêu!
Nhờ những đêm nghe lén rình trộm nhà chị nên tôi biết vợ chồng chị hay cãi nhau lắm. Mỗi lần ông Xẩm uống rượu vào lại chửi chị. Chị nghe được những lời chồng chửi nhưng không cãi lại, chửi lại được. Thế là chị xách một cái thùng sắt tây và cây dùi. Mỗi lần ông Xẩm lèm bèm là chị xách cái thùng đến bên cạnh gõ phèng phèng vào tai ông ta. Những lúc như thế, dù thương chị, dù giận ông Xẩm lắm, nhưng tôi vẫn cứ rũ ra mà cười.
Một buổi trưa, tôi trốn học về giấu xe đạp trong dõng sắn, đứng ngoài hàng rào đợi chị Nghêu. Mãi lâu chị mới về, quần xắn quá đầu gối, mặt đỏ phừng phừng, vừa đi vừa cầm nón quạt. Mới nghe tiếng chân chị, ông Xẩm đã nhổm dậy:
- Tiên sư con cái câm! Sao bây giờ mới về? Để ông đói suốt từ sáng đến giờ...
Chị im lặng ra giếng múc nước rửa mặt, nhưng tiếng ông chồng vẫn đeo đẳng:
- Sư mày chứ! Đâu rồi? Hai cái vú thì như hai cái dành tích ấy! Ông có sờ một tí thì giãy nảy lên. Mày giữ à? Mày định giữ cho thằng bố mày hả?...
Nghe những câu chửi vừa tục tằn vừa láo xược ấy, chị Nghêu quắc mắt ngó về phía ông Xẩm. Bất thần, chị quẳng cái gầu lăn lông lốc, chạy vào bếp vớ vội cái thùng sắt mọi ngày...
Như một kẻ mộng du, tôi vạch hàng rào lách vào. Trông thấy tôi chị sững lại, làm rơi chiếc thùng xuống nền giếng bằng xi măng, vang lên một tiếng kêu rời rã. Không đắn đo, tôi lao vào ôm chầm lấy chị. Hai bàn tay ngờ nghệch của tôi lần trên ngực chị như điên dại. Trong một thoáng ngỡ ngàng, chị buông thõng hai tay rồi bất ngờ ôm ghì lấy đầu tôi. Tôi hoang mang quá, không hiểu chuyện ấy sẽ như thế nào thì chị đã tĩnh lại, đẩy tôi ra, hai tay cài lại hàng cúc áo đã bật tung. Tôi còn cố bấu víu nhưng cũng đã thấy sợ, rời khỏi vạt áo chị, giật lùi rồi quay cổ, co giò nhảy qua hàng rào.
Trong tiếng tim đập thình thịch ở hai bên thái dương, tôi còn nghe thấy tiếng ông Xẩm chửi vợ:
- Con câm kia...! Mày định để dành cho cái thằng...
- Phèng- Phèng... Phèng!

1995


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét