Tôi với Phức là bạn! Bạn thật! Sở dĩ
tôi cần phải khẳng định như vậy là vì giữa chúng tôi nó biểu hiện rất rõ ra cái
mối quan hệ mà không mấy người tin ngay. Bạn gì? Trên đời này thiếu cha gì cái
gọi là bạn nhưng chưa chắc, cũng như những người bà con của tôi vẫn hay lửng
lơ: nói vậy nhưng không phải vậy! Nhiều khi, và thường khi Phức gây cho tôi
những vụ rất khó chịu, có khi là tai tiếng giống như hắn ta là món nợ kiếp này
của tôi, chỉ muốn vứt quách đi cho xong, nhưng không thể được, và tôi phải chịu
sự tra tấn của hắn. Nhiều người, trong đó có cả sếp tôi lẫn vợ tôi đều phải
nhăn mặt, lắc đầu: làm sao mà ông chịu đựng được cái thằng cha bửa chơi như thế
nhỉ? Ngược lại, Phức ta cũng phải gánh chịu tôi, gánh chịu cái tính nết tôi mà
theo lời hắn ta là "thối như giày lính". Giày lính thì chỉ có thể so
sánh với cóc chết mà thôi. Hóa ra tính nết tôi nó như vậy thật à? Chứ còn gì
nữa. Gan cho ra gan, nhát cho ra nhát, đằng này cứ lừng khừng, khóc chả có nước
mắt, cười không ra hơi, xin không ra xin, mượn không ra mượn, ăn cắp cũng chẳng
ra ăn cắp! Định nghĩa tôi như thế (có lẽ không sai, nhưng là do sau này
"hoàn cảnh" làm ra tôi như vậy chứ hồi trước, hay nói đúng hơn bản
chất tôi chưa chắc đã như vậy, chuyện này rồi tôi sẽ thuật lại sau) mà hắn vẫn
còn chơi được với tôi thì chẳng là bạn thì là gì? Cuối cùng và tóm lại, dứt khoát hắn là bạn
tôi, tôi là bạn Phức, y như thể năm cộng năm là mười!
Dĩ nhiên tình bạn này không thể ngẫu
nhiên mà có. Hai mươi năm trước chúng tôi cùng may mắn sống sót để rồi gặp nhau
ở trại ôn thi đại học quân đoàn. Ngày ấy, sau chiến tranh chúng tôi được tập
trung lại để ôn luyện thi vào trường đại học trở thành những trí thức, những
nhà khoa học hòng góp công xây dựng đất
nước. Thế quái nào tôi và Phức lại cùng thích văn chương, thơ phú và cùng nhau
thi vào trường Đại học tổng hợp. Cả hai cùng đậu, cùng học một lớp ngữ văn,
cùng ra trường và lại cùng nhau về tỉnh này làm công tác biên tập ở nhà xuất
bản của tỉnh. Hai anh chàng "học trò già, cán bộ non" thức thâu đêm
suốt sáng để tranh luận về lý thuyết nhân văn. Tranh luận chán rồi nửa nằm nửa
quỳ để... làm thơ. Làm thơ xong lại tự đọc cho nhau nghe, tự khen lấy khen để,
nhưng gửi đi thì chẳng bao giờ được đăng. Thỉnh thoảng lại có tên trong mục "nhắn
tin" của báo. Phức ta bèn cắt lấy tên của mình trong cái mục đó lồng vào
trong cái cán bút bi trong suốt. Nhìn thấy hai chữ Xuân Phức (Tên khai sinh của
hắn là Lê Văn Phức, nhưng hắn noi gương thi sĩ Xuân Diệu mà đặt ra bút danh như
vậy) bằng chữ in hẳn hoi, lại được phóng đại lên tí chút sau lần nhựa PP, cũng
có người gật gù, có lẽ là thán phục. Như thế đã đủ để chúng tôi thành đôi bạn
tri kỉ chưa? Có lẽ được rồi đấy, nhưng nếu chỉ có thế thì chưa thể khẳng định
được hai chữ "đôi bạn" cho thật chắc chắn. Phải đợi có những biến cố
mà trong lý luận văn học gọi là "hoàn cảnh điển hình" cái đã. Ngày ấy
đã đến!
Mở đầu bằng việc tôi có nhân tình,
tức bồ. Người yêu tôi làm kế toán của công ty Bảo vệ thực vật, một công ty quốc
doanh, trong kho có cơ man nào là phân bón, thuốc trừ sâu và hình như còn có cả
xăng dầu, cào cuốc nữa. Từ khi có bồ, tôi không còn nhiều dịp đàm đạo với Xuân
Phức nữa, nhưng công việc biên tập, làm thơ thì vẫn âm thầm. Một hôm Phức nhìn
tôi một chặp rồi nói bằng một giọng hiểu đời:
-Này Hữu Tộ (tên và bút danh của
tôi), tử vi của cậu đã có "Thái dương chính Ngọ" lại còn có thêm
"Thân cư cung thê", chắc hẳn là nhàn hạ sung sướng, có người nâng đỡ
và sống dựa vào vợ. Cậu nên cưới ngay con Bê (tên bồ tôi) đi!
Tôi là người đang yêu nhưng cũng cảm
thấy có cái gì xỏ xiên trong câu nói của Phức. Nhưng cũng là vì đang yêu nên
tôi thấy hắn nói có lý. Mà chả cần Phức nói thì tôi và Bê cũng đã thề non hiẹn
biển rồi. "Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa", tôi nhớ hồi đó ở
rạp đang chiếu bộ phim có tên như thế. Năm sau tôi cưới vợ và rời cái khu tập
thể của nhà xuất bản. Bây giờ nói về vợ tôi, nàng là cháu gọi ông Chủ tịch bằng
cậu ruột, thành ra tôi lập tức được ông chủ tịch hồi bấy giờ liệt vào hàng
"con cháu trong nhà". Một năm sau, tôi bỏ nghề "biên tập diệt
đồn", chuyển sang công ty Bảo vệ thực vật. Lúc đầu, tôi cũng thấy tiếc.
Nhưng vợ tôi bảo:
-Thực ra em mê anh vì tưởng anh là
thiên tài thiên bẩm, nhưng rồi em nghĩ mãi cái sự cắm cúi của anh chẳng đi đến
đâu. Nghề nào thì nói cần cù bù thông minh được chứ nghề văn chương của các anh
hình như không phải thế. Anh chọn sai đường, chẳng những "em không chịu
nổi", mà rồi nay mai con cái cũng khổ lây...
Sang cơ quan mới, tôi được làm cán
bộ nhân sự, chuyên theo dõi lý lịch, soi mói mọi hành vi cũ mới của đội ngũ cán
bộ công nhân viên. Ít lâu sau căn cứ vào bằng cấp, và thành tựu sáng tác văn
học của tôi, người ta bố trí tiếp tôi kiêm nhiệm cán bộ thi đua. Thành ra tôi
chuyên chú biên tập và nhiều lần phải viết hoàn chỉnh những bản báo cáo thành
tích cho khá nhiều chiến sĩ thi đua trong cơ quan. Nói nhỏ thôi nhé, trong công
việc này tôi vận dụng năng khiếu sáng tác của mình một cách rất thiết thực! Với
sự mẫn cán của tôi, với tài văn chương của tôi, tôi được đề bạt làm phó phòng,
rồi trưởng phòng tổ chức cán bộ. Nhiều lúc tôi nghĩ lại mà thấy chóng mặt, hay
là "thái dương chính ngọ" như Xuân Phức nói thật sao? Đến đây tôi
chính thức đoạn tuyệt với văn chương, không phải chỉ do lời khuyên của vợ, mà
chính tôi cũng nhận ra nó quá vất vả, lại phập phõm, phù phiếm và vô nghĩa thế
nào ấy. (Xin lỗi các nhà văn đang sống bằng ngòi bút!). Bây giờ, tôi đàng hoàng
là người có chức, trưởng phòng hẳn hoi, thuộc ngạch công chức. Công việc làm
theo thời gian, chưa xong đến mai làm tiếp. Mọi cái đều có luật, có pháp lệnh. Ngạch
công chức chúng tôi thời nào cũng ung dung, vừa mới rồi được giảm ngày làm,
nghe đâu lại sắp được tăng lương... Còn gì bằng? Chỉ buồn cười có lần con tôi
hỏi nghề nghiệp của tôi để nó ghi vào lý lịch, tôi bảo nghề "cán bộ",
nó cứ tròn mắt ra mà nhìn: cán bộ cũng là một nghề hả ba?
Thế còn Xuân Phức thì sao? Mỗi lần
gặp nhau Phức vẫn ân cần hỏi thăm đời sống riêng tư của tôi và luôn miệng chúc
tôi hạnh phúc. Công bằng mà xét Phức có tài hơn tôi, tôi chỉ bằng non nửa hắn.
Bằng cớ là suốt trong quá trình gần sáu năm sáng tạo tôi chỉ được đăng tổng
cộng có hai bài thơ, một ở tờ báo đoàn thể trên thành phố Hồ Chí Minh, và một ở
tờ báo văn nghệ tỉnh. Riêng Xuân Phức được đăng năm bài, trong đó có một bài
trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Sau khi tôi có vợ ít lâu, Phức cũng
cưới vợ. Vợ hắn là Mai Liễu, một nhà báo tỉnh. Theo nhiều người nói Mai Liễu
tuy viết lách vào loại loàng xoàng nhưng rất tháo vát. Mấy năm sau này khi báo
chí phát triển, Mai Liễu rất có tài "lấy" quảng cáo. Tiền hoa hồng
của cô ấy không những đủ nuôi chồng mà còn sắm sanh được cả xe Dream, làm nhà.
Nói chung về kinh tế Mai Liễu lo tất tật, nhưng cô ta vẫn rất ngưỡng mộ và tận
tụy đối với chồng.
Thế là Xuân Phức vẫn ung dung ở lại nhà xuất bản và cắm cúi
làm thơ. Hắn làm thơ cực nhiều, nhưng không xuất bản thành tập được, vì hình
như biên tập viên văn học chê sao đó, cho dù Mai Liễu có tuyên bố: em dư sức lo
cho anh Phức nhà em xuất bản hai tập thơ! Phức đau lắm, nhưng càng làm thơ càng
bí, bài nào cũng giống bài nào và giông giống ai đó. Thơ tình, thơ về mẹ, mất
mát, đau thương, thời sự, chính trị... đề tài nào hắn cũng thể nghiệm cả, hội
nghị nào, câu lạc bộ nào cũng đem ra đọc thông thống, nhưng không mấy ai nhớ.
Vào lúc hắn sắp nản chí bỏ cuộc (là tôi đoán thế) thì vận may đến với hắn.
Trong cái cơ may của Phức, có một phần đóng góp của tôi, đúng hơn là vợ chồng
tôi.
Dịp ấy, cơ quan văn hóa thông tin
phát động sáng tác thơ theo đề tài "Động viên thanh niên vươn lên lập
nghiệp", Phức ta thức trắng đêm viết xong một bài thơ khá dài. Không ngờ
bài thơ lọt vào chung kết, và được giải khuyến khích. Vì cuộc thi không có giải
nhất, nhì, ba, nên coi như giải nhất! Hôm phát giải, hắn lên đọc rất hùng hồn,
trong đó có đoạn:
...
Kìa đất nước đang dang tay rộng mở
Xông lên đi, còn chờ đợi gì em?
Hãy thắp sáng những bông hoa triệu
phú
Không quản ngày và cũng chẳng kể
đêm!
Đây đất, đây rừng, đây đầm hoang, cỏ
dại
Đây ngã ba sông, đây ngã tư đường...
Thiếu vốn chớ nề, không tiền đừng
ngại
Vì quanh em có bát ngát tình thương!
...
Nào ngờ, bài thơ lọt vào mắt xanh
của ông Chủ tịch. Khi lên phát biểu huấn thị cho ngành văn hóa ông đã chúc mừng
tác giả bài "Xông lên đi" của nhà thơ Xuân Phức, và kết luận:
-Tuổi trẻ hôm nay cần phải lao vào
gian khó, xông lên làm giàu. Trẻ có giàu thì già mới yên tâm, dân có giàu thì
tỉnh mới vững mạnh. Tôi là nhà chính trị, không hiểu mấy về thơ ca, nhưng bài
thơ vừa rồi làm cho tôi thật xúc động, rất háo hức muốn lao ngay vào làm ăn.
Tôi đoán chắc tác giả phải là người có bản lĩnh, thấu triệt đường lối. Tôi mong
tỉnh ta có nhiều nhà thơ như thế...
Sau tiếng vỗ tay rào rào, ông giám
đốc sở văn hoá hướng dẫn ông chủ tịch đến bắt tay Xuân Phức, rồi lại còn ôm hôn
nữa. Phức ta cứ đờ đẫn cả người vì sung sướng. Ngồi bên cạnh Xuân Phức, tôi
đứng lên nói với ông Chủ tịch:
-Anh Ba! Xuân Phức là bạn em, tốt
nghiệp đại học tổng hợp chính quy khóa Một, là nhà thơ có tác phẩm đăng trên
các báo chí trung ương và địa phương!
Nhận ra tôi, ông Chủ tịch tươi cười:
- Vậy hả, dượng Sáu! Trời ơi, hóa ra
người nhà với nhau cả! Bữa nào ghé nhà chơi nghe! Tôi khoái thơ lắm đó. Này,
nhà thơ - Ông quay sang nói với Xuân Phức - Bữa nào nói Sáu Tộ dẫn tới nhà tôi,
mình bàn chuyện thơ nghe chơi. Hồi đi học tôi học văn giỏi lắm nghe!
Sau đó là liên hoan, có bia bọt tưng
bừng. Tôi và Xuân Phức mỗi người ngồi một bên ông hủ tịch, khiến cho giám đốc
sở, kiêm trưởng ban tổ chức cuộc thi thơ phải dạt sang một bên. Tôi quên chưa
kể, ông chủ tịch hiện nay gọi ông chủ tịch hồi đó là chú ruột. Xét theo mối
quan hệ họ hàng, ông ta là anh vợ tôi, còn tôi là em rể. Đã mấy lần vào dịp giỗ
tết, chúng tôi đã gặp nhau, quả tình ông ta cũng tốt nết, là người có phong
thái quần chúng, dễ gần gũi. Hơn nữa ông ta lại có trí nhớ rất tốt, gặp ai chỉ
một lần, đến hai ba năm sau ông vẫn nhớ tên.
***
Tất nhiên tôi nhận lãnh nhiệm vụ đưa
Xuân Phức đến thăm nhà anh Ba chủ tịch. Nhưng trước tiên phải gọi điện thoại
báo trước. Tưởng tình hình sẽ phức tạp, nào ngờ vừa nghe tiếng tôi anh Ba đã hồ
hởi:
-Sáu Tộ hả? Trời ơi sao lại không
được! Hai ông lại đây liền đi. Rồi, để tôi biểu bã xã nướng mấy con khô mực,
làm vài lon bia, anh em mình lai rai chơi! Lẹ lẹ nghe, tôi chờ đó...
Hai đứa tôi rón rén nhấn chuông,
đích thân anh Ba ra mở cổng, rồi đưa chúng tôi vào phòng khách. Tôi tháo dép,
còn Phức loay hoay rất lâu mới cởi được đôi giày mõm nhọn màu nâu đánh si đen
trông rất cải mả, hắn còn tháo cả bít tất ra nhét vào ruột giày, lòi ra một nùi
bết đất. Sau khi phân ngôi chủ khách, anh Ba chủ tịch bá vai Xuân Phức:
-Sao? Dạo này viết được nhiều không?
Đọc nghe chơi!
Cũng đích thân chị Ba bưng một cái
khay sơn mài có mấy lon bia lạnh lấm tấm mồ hôi, và một đĩa mực khô ra đon đả:
- Mời các chú... Nhận ra tôi, chị Ba
xởi lởi. Trời đất ơi! Tưởng ai hoá ra chú Sáu, vậy mà ổng khoe với tôi là tiếp
các văn nghệ sĩ...
Anh Ba cười nhìn vợ:
-Má bây không hiểu gì sao? Sáu Tộ
nhà mình với Xuân... (anh Ba ngập ngừng, tôi phải đỡ "Phức"), Xuân
Phức, là bạn đồng môn. Xuân Phức là nhà thơ có hạng của tỉnh nhà, đồng thời có
tên tuổi cả nước. Chớ không văn nghệ sĩ là gì? Rồi anh quay sang nói riêng với
Xuân Phức. Nói thiệt nghe, mấy lần mình họp với anh em văn nghệ, nhưng với tư
cách nhà lãnh đạo, ăn nói nó có chừng mực. Bữa nay có anh em mình cứ nói cho
thoải mái. Mấy anh nhà thơ là mạnh mồm, ác khẩu lắm phải không...
Xuân Phức cứ ngồi ngây ra:
-Dạ, cám ơn anh Ba. Quả đúng là bấy
lâu anh em chúng em không hiểu anh Ba và các anh bên ủy ban, cứ nghĩ thế nọ thế
kia. Nào ngờ anh Ba rất đáng qúy. Có người lãnh đạo thông cảm và qúy mến, anh
em chúng em thật hạnh phúc... Nhưng xin anh đừng hiểu sai bọn em. Mạnh mồm, ác
khẩu vậy thôi, chứ tâm can, lòng dạ bọn em trong sáng lắm...
-À, nói chơi vậy thôi, đừng tự ái
nghen! Cánh lãnh đạo chính trị chúng mình chả tin các cậu thì tin ai. Có những
cái tuyên huấn lên lớp cả năm không bằng một bài thơ, một bản nhạc hay tranh cổ
động của các ông. Phải không nào?
-Dà! Xuân Phức luôn miệng dạ, nghe
chừng rất xúc động.
Trong lúc hai người nắm tay nhau,
chuyện vãn, tôi lần lượt bật nắp mấy lon bia, rót ra ly đặt trước mặt hai vị:
-Thôi nào, uống đi hãy nói. Anh Ba,
em hôm nay là chủ, không phải khách văn nghệ của anh, cho em xin mời nhà thơ
của chúng ta. Hết đi, Phức, trăm phần trăm hả anh Ba?...
Chuyện được một hồi, đột nhiên Xuân
Phức giật thót người, suýt đánh rơi ly bia trên tay. Hóa ra một con chó cảnh
lông trắng xám phóng lên đớp miếng mực khô trên tay hắn. Chả là hắn vừa nói vừa
dứ dứ, lấy nhịp, con chó tưởng là đùa với nó. Anh ba cũng phát hiện ra chuyện
đó, vội quát con chó:
-Misa! Hư quá...
Tuy quát thế nhưng nghe giọng anh,
tôi biết là anh Ba quý con chó lắm. Phức ta cũng hiểu vậy, vội bỏ ly bia xuống
bàn, một tay bế con chó, tay kia đút miếng mực khô vào miệng Misa. Con chó cảnh
khôn ngoan cứ nằm trên bọc Phức mà nhai, xầu cả bọt mép ra áo, nhưng hắn cứ
tỉnh khô:
-Anh Ba có con chó khôn quá! Lại
sạch sẽ nữa, đúng là người biết chơi chó cảnh...
Anh Ba cười tươi:
-Phải dạy nó nhiều lắm đấy. Con chó
này là của thằng bạn ở Bộ Điện lực trên thành phố đem xuống cho. Nó cũng được
một tay chuyên gia người Nhật tặng. Giống này khôn lắm, có nuôi nó mới biết.
Mình đi đâu về là nó ào vô mừng. Nhiều lúc mệt mỏi, có nó thư giãn cũng đỡ...
-Đúng! Phức hào hứng tiếp lời. Có
nuôi chó, đúng hơn là chơi chó mới biết quý chúng. Có quý nó, nó mới quý mình.
Nó mà đã quý mình rồi thì bảo gì nó cũng nghe...
-Tôi bận nhiều việc quá có chăm sóc
nó được chu đáo đâu, tất cả giao cho thằng nhỏ và bà xã. Ay thế mà nó cũng biết
mình là chủ nhà đấy nhé. Nghe tiếng xe máy từ xa là nó đã nhảy lên rồi. Lại còn
có tình cảm nữa chứ! Hôm thằng nhỏ con tôi đá nó một cái mà nó giận mấy ngày...
Tôi chẳng có chuyện gì để nói, nên
ngắm con chó cũng thấy thích. Nhìn kỹ con chó Nhật Bản này có gương mặt của một
đạo sĩ già. Với hai hàng lông mày trắng và dài phủ xuống gần như kín hai con
mắt ti hí, nheo nheo, khiến nó mỗi lần ngẩng lên nhìn cứ phải lắc mạnh cái đầu,
làm rung cả bộ lông xoăn tít, đúng như phong thái của một nhà hiền triết. Một
con chó quý như thế nghe đâu giá những vài trăm đô, là chưa kể tiền thức ăn cho
nó, mỗi ngày cũng tốn cả chục ngàn đồng.
Anh Ba tiếp:
-Xuân Phức cũng nuôi chó kiểng à?
-Không, anh Ba! Em có nuôi nhưng
nuôi con chó ta. Xuân Phức cười rất láu, nó vừa cầu tài, lại vừa xo xỏ. Em thì
thực dụng thôi anh Ba ơi! Giống này ngu, nhưng được cái dễ nuôi, dễ cho ăn. Với
lại nó dữ lắm, bọn trẻ trong xóm klhông đứa nào dám hó hé. Em nuôi nó là tình
cờ thôi. Bữa có đôi giày để cửa, không biết bọn lượm ve chai hay trẻ trong xóm
nó lấy mất. Bực quá, em về Xuyên Mộc xin con chó. Thế mà an ninh trông thấy...
Từ đây câu chuyện của hai người đang
từ thơ phú, văn chương chuyển hẳn sang chuyện nuôi chó. Nào ngờ, cả hai lại hạp
nhau thế, dứt không ra. Tôi cứ phải mời mấy lần. Anh Ba uống một hơi "năm
mươi phần trăm", đặt ly xuống nhìn Phức rồi lại nhìn tôi, cười nheo nheo:
-Này, hai ông có biết ở bên Mỹ người
ta phân biệt đối xử thế nào không? Quý nhất là trẻ con, thứ nhì là phụ nữ, thứ
ba là... chó, rồi thứ tư mới tới nam giới. Bọn đàn ông chúng mình còn thua cả
con chó này đó nha...
Anh Ba cười ha ha và nhà thơ Xuân
Phức cười hơ hơ, tôi cũng cười hì hì họa theo! Cuộc nhậu quá vui! Con chó Nhật
phóng xuống sàn nhà, sủa mấy tiếng lách nhách, chả tương xứng với phong thái
uyên thâm của nó chút nào. Con Misa lơ đãng một lúc rồi chạy đến ngửi ngửi đôi
giày của Xuân Phức rồi nó lôi cả hai chiếc bít tất của nhà thơ ra vườn, mà
không ai biết.
Nhà Phức ở trong ngõ xóm rất phức
tạp, thỉnh thoảng vẫn hay bị mất cắp vặt. Có lần là dân lượm ve chai, bán vé
số, có khi là trẻ con hàng xóm nó nghịch. Một lần thằng bé con nhà kế bên thấy
cái gốc cây "nghệ thuật" của nhà thơ quét dầu bóng phơi trước cửa, nó
thấy hay hay đem về nhà chơi rồi chặt phá mất. Về nhà Phức thấy mất "tác
phẩm" của mình, hỏi dò, biết thằng bé nhà bên lấy, hắn sang nói với bố mẹ
nó. Nào ngờ, ông bố mắng xơi xơi, còn dọa đấm, dọa đá, làm Phức vừa tức, vừa
sợ. Nghĩ mãi không ra cách nào, sau có người khuyên nuôi một con chó, xích ở
ngay cửa. Thế mà hiệu nghiệm. Lại tiện nữa, mỗi lần tôi đến chơi, con chó sủa
nhặng lên, thế là chẳng phải gọi cổng. Con chó nhà Phức có cái tên thoạt nghe
như Tây, nhưng lại là tên ta: Đixin! Hắn bảo: thì đi xin được về thì đặt ngay
cho nó cái tên như vậy vừa có ý nghĩa, lại vừa thuận tai, dễ gọi. Con chó mõm
đen có mấy sợi lông cứng luôn nhấp nháy và cái mũi lúc nào cũng ươn ướt. Loài
này là rất thính mũi, Phức bảo thế! Đặc biệt nó có bộ ức nở và cái đuôi bông
dựng ngược màu lửa. Giống này lai loài sói! Lần nào tôi đến con Đixin cũng cất
lên hai tiếng sủa, với hai cung bậc khác nhau, nghe không dữ lắm, như thể là
một lời chào bè bạn và cũng là lới báo tin cho chủ. Tôi đi qua trước mõm nó,
Đixin chỉ khẽ ngửi vào ông quần tôi một cách chiếu lệ rồi lui lại, ngồi im rất
lãnh đạm, có phần trịch thượng.
Tưởng Phức chỉ "chơi" chó nghiệp dư
thôi nào ngờ cả kiến thức lẫn quan điểm
của hắn lại phong phú và mạch lạc đến thế, khiến ông anh họ của tôi nghe mà
thấy nể! Sau lần gặp ấy, Phức trở thành bạn của anh Ba tôi. Có thể ông chủ tịch
quý tài thơ hắn, vả lại hai người cùng có chung sở thích: chơi chó!
***
Phần cuối của câu chuyện này là một
sự cố, một sự cố buồn trong một thảm hoạ thương tâm. Trận lụt kinh hoàng hồi
đầu tháng mười một của năm cuối thế kỷ trước đã ấp xuống quê hương tôi như một
trận đại hồng thủy. Tất cả mọi nhà, mọi người, từ dân thường đến quan chức, từ
chính khách cho tới nhà thơ... đều ngập trong dòng lũ xiết, chỉ trừ những người
có nhà lầu. Chính thế nhà chúng tôi trên lầu của khu tập thể vốn không trồng
được cây, nuôi được chó, không có cử hiệu mặt tiền buôn bán... thì nước lụt
không với tới được mà chỉ mấp mé. Chúng tôi được đặc cách ngoại lệ và mở rộng
lòng đón những người bị lũ dìm ngập cửa nhà vào tá túc trong nhà mình. Giúp
nhau cái ăn, cái mặc, chỗ ngả mình... trong lúc này không chỉ là trách nhiệm
công dân mà còn là tiếng gọi của lương tâm. Mờ sáng khi cơn lũ đang ào ạt tràn
về thì có tiếng gọi tên tôi thất thanh. Xuân Phức! Tôi lao xuống lòng đường
ngập nưóc ôm lấy một bọc đồ lỉnh kỉnh trên tay Phức rồi đưa vợ và con gái bạn
vào nhà mình, trong lúc trong nhà đã có hai gia đình ở tầng dưới dọn lên. Từ
ban công nhà tôi, Phức đau đáu con mắt viễn thị
nhìn về phía ngôi nhà mình khuất sau rặng cây và đang chìm dần trong
dòng nước cuồn cuộn. Vợ tôi hối hả lo chỗ nằm, cái ăn uống cho gần hai mươi con
người trong căn hộ đang rung rinh giữa bể nước. Những người đàn bà ôm con sụt
sịt vì tiếc của. Cánh đàn ông ốm yếu chúng tôi đang ngồi co ro trên ban công,
nhìn mưa, bỗng Phức đứng bật dậy:
-Đixin!
-Cái gì? Một người đàn ông ngẩng
lên. Xin cái gì? Xin ai?
Không trả lời người bạn, Phức ngồi
phịch xuống cái ghế đẩu cập kễnh, nhìn tôi đau đớn:
-Hữu Tộ ơi! Con Đixin của tôi...
Tôi hiểu ra, chợt phì cười trước bộ
mặt vốn đã thất sắc nay lại ngấm nước mưa tái ngắt của Phức:
-Tưởng gì! Con chó nào chả biết bơi!
Chỉ sợ nó bị nước cuốn...
-Không! Xuân Phức ôm đầu đau đớn.
Nhưng nó bị xích! Nó bị xích mà đoạn xích lại quá ngắn...
Nhìn vẻ đau khổ chân thật của bạn,
tôi cũng thấy ái ngại, an ủi Phức:
-Thôi nào! Nhà cửa, của cải còn chả
làm gì được nữa là con chó. Xong đận này, mình với cậu đi Xuyên Mộc, thế nào
chả tìm được con khác!
Phức im lặng, ngồi ôm đầu. Mãi quá
trưa, may mới có một chiếc thuyền nhỏ ghé vào "đảo" chúng tôi, Phức
năn nỉ người chủ cho mượn nói là chạy về qua thăm nhà. Tôi không biết làm gì
đành ngồi chờ Phức về. Mãi xẩm tối Phức quay về mặt mày ủ rũ, báo tin:
-Đixin đã giật đứt xích. Sợi dây
xích bằng sắt rất chắc, vậy mà không hiểu sao nó giật được.
-Thế nó đâu rồi? Tôi vui mừng hỏi
hăm hở.
-Mình tìm khắp các mái nhà, ngọn cây
quanh đó nhưng không thấy, có lẽ nước cuốn đi mất rồi. Thế cũng may, có thể hy
vọng nó còn sống. Nếu nó bị sợi xích dìm chết, chắc là đau đớn lắm...
Thế rồi nước rút, mọi người quay lạy
nhà mình, với bao nhiêu bộn bề công việc phải dọn dẹp, sửa sang. Gần một tuần
sau, Phức rủ tôi tới thăm nhà anh Ba chủ tịch. Gặp anh đang ngồi lặng lẽ trong
phòng khách, vẻ mệt mỏi rã rời. Xuân Phức hỏi thăm tình hình công tác của anh,
được một lúc hắn bất ngờ hỏi:
-Anh Ba! Con Misa đâu rồi?
Ông chủ tịch lắc đầu nhè nhẹ, rồi
chậm rãi kể. Nhà anh tuy là biệt thự, nhưng chỉ có một lầu. May mà có cái gác
nhỏ, nên cả gia đình trú tạm trên đó. Có điều nhà anh Ba ở một chỗ đất cao, nên
chỉ bị ngập khoảng hơn một mét nước. Anh Ba thì do cương vị công tác nên phải
lăn lộn với bà con, hết huyện nọ sang huyện kia. Hai hôm sau anh mới về nhà
thăm vộ con. Tất cả nhét lên cái gác nhỏ, cả nấu nướng, ăn ngủ. Tới chừng nhớ
ra con chó, cả nhà không ai biết nó ở đâu. Ai cũng nghĩ là nước cuốn trôi mất
rồi. Chẳng ngờ, khi anh ba vừa cất tiếng gọi:
-Misa!
Từ trên mặt chiếc tủ thờ, nơi có bát
nhang và hình ảnh ông bà và ba má anh, tiếng con Misa sủa liền ba tiếng. Anh Ba
bì bõm lội xuống, nhìn lên thấy "nhà hiền triết" đang khoanh tròn
trên bàn thờ. Nhìn cảnh ấy anh đã thấy giận. Giận người nhà không trông nom, để
con chó leo lên bàn thờ ông bà tổ tiên. Giận cả con Misa, thiếu gì chỗ nấp, lại
leo lên chốn linh thiêng này? Anh tóm lấy sợi vòng cổ, định kéo nó xuống, bỗng
anh đụng phải... Mấy ngày con chó Nhật không có gì ăn, nó vẫn chịu đựng được,
nhưng cái khoản... dị hóa thì nó đành phải thua. Một đống phân chó lổn nhổn
trên mặt bàn thờ, Lúc này thì anh Ba không kìm được giận dữ. Anh tóm cổ con chó
quăng mạnh ra cửa. Chẳng may, cái đầu nhỏ bé của nó đập vào bức tường xi măng.
Nó kêu lên một tiếng ai oán. Con Misa rơi tõm xuống nước rồi bị cuốn theo dòng
nước lũ đang chảy xiết... Kể xong, ông chủ tịch ngồi thừ ra, không biết ông
buồn hay vẫn chưa hết giận con chó tai quái.
Từ nhà anh Ba, chúng tôi về nhà
Phức, thì thật kinh ngạc: con Đixin gầy gò xiêu vẹo, thè cái lưỡi dài xám ngoét
của nó ra mà thở thoi thóp, đang nằm trước cửa nhà. Cái đuôi bông màu lửa của
loài sói giờ chỉ còn là một mẩu thịt teo tóp, đang ngoe nguẩy chào chủ một cách
yếu ớt. Phức lao tới, quỳ xuống, hai tay nâng Đixin lên ngang mày. Bốn con mắt
dài dại nhìn nhau, ngấn nước!
Tháng
1-2000
H.Đ.Q.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét