Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

NGƯỜI THỢ SỬA GIÀY GÓC PHỐ

       Mấy ngày Tết, trong nhà tôi khách khứa không nhiều. Cũng là phải thôi, làm kẻ sống xa quê, họ hàng nội ngoại ở cả ngoài Bắc, trong này chỉ có vài anh em, mấy người cùng làng và những bạn bè quen biết, đồng sự... đến thăm nhau trong ngày Tết. Ấy thế nhưng cũng phải vào mùng hai, mùng ba họ mới đến. Ngày mùng một còn phải đến lễ cha mẹ, lệ là vậy, mùng hai đến thăm thủ trưởng, thầy cô giáo của mình, của con cái. Ai cũng thế cả, hoá nên có đến nhau rồi cũng chẳng gặp, vài lần thành quen, chừa những ngày ấy ra.
       Tôi không có cha mẹ hay chú bác anh chị bề trên để phải đi Tết ngày mùng một. Sáng ra huơ vợ con dậy sắp mâm cơm cúng. Bọn họ đêm qua đón giao thừa, gần sáng mới đi nằm, gọi dậy cũng không nỡ. Tết Sài Gòn lại là tháng nóng, cú oi oi âm âm, đèn nhang bòng bưởi... lại càng tạo ra cái nóng cứ rịn mồ hôi. Loay hoay mãi cũng non trưa mới xong mâm cơm, bày lên thắp hương khắp mấy bàn thờ, lầm rầm khấn mời các cụ cao tằng tổ thủy, thúc bá đệ huynh, cô di tỉ muội… từ ngoài quê, đi mây về gió, đồng lai giáng hạ, thiếu đũa thì xát, thiếu bát thì xẻ... phù hộ cho con cháu đồng đất nước người, hay chân mạnh tay, điều dữ đem đi, điều lành mang đến...
       Mãi lúc ấy, tôi mới mở cửa, ngoài đường phố, người người ăn diện ngất, xe cộ đua chen, trôi đi. Tôi bần thần đứng ngẩn người ngắm thiên hạ, lòng hay háy buồn. Nghĩ lại một năm cày cuốc lao tâm khổ tứ, giá kể không có cái Tết thì hà tiện được khối ra. Ăn uống chả được bao nhiêu, mà rõ tốn. Lại buồn nữa, mấy ngày Tết thiên hạ vui chơi, quần tụ mà mình cứ lùi lũi một mình, anh trên chẳng có, em dưới thì không, chẳng ai đến chơi với mình vào cái ngày đầu năm này bởi họ còn bận chuyện gia tiên, mình thì cũng chỉ là bạn bầu, người dưng thiên hạ... Tôi toan khép cửa vào nhà, làm hớp rượu rồi gà gật xem vô tuyến.
       Chính lúc tôi vừa quay vào thì có tiếng người chào sau lưng:
       -Ê! Năm mới chúc chú Hai mạnh giỏi, làm ăn phát tài!                             
       Ô! Ai vậy? Ai xông đất nhà mình nhỉ? Giọng nói tiếng Việt không sõi, rặt tiếng người Hoa Chợ Lớn, giọng thì quen mà người thì lạ?
       Người khách xông đất đã vào giữa nhà, hai tay chùi chùi vào hai bên ống quần tây, dáng ra vẻ muốn bắt tay nhưng chưa dám đưa ra. Thấy vậy, tôi cũng đáp lại:
       -Vâng! Cám ơn ông! Năm mới chúc ông may mắn, vạn sự như ý! Mời ngồi!
       Câu đáp của tôi là dựa vào cái tờ giấy đỏ có viết bốn chữ Hán “Vạn sự như ý”, mà một cậu bé cứ tự nhiên dán vào cửa nhà tôi rồi chìa tay xin lì xì.  Tôi vừa nghĩ vừa rót trà mời ông khách, mà không nghĩ ra ai, đến nỗi tràn cả ra ngoài. Đưa tách trà cho khách và nhìn kỹ ông ta, tôi chợt nhớ ra, đưa tay ra nắm lấy hai bàn tay đen đủi, nhăn nhúm đầy những vết sẹo kim đâm của ông:
       -À, ông Hai. Trời ơi, vậy mà tôi không nhận ra! Năm mới, chúc ông Hai nhiều khách, nhiều việc, nhiều tiền...
       -Ây dà... Hổng nhận ra ngộ hả?
       Làm sao mà nhận ra ông được kia chứ? Quanh năm bốn mùa mưa nắng, ngày nào chúng tôi chả giáp mặt nhau, vậy mà hôm nay, ngày Tết tôi lại không nhận ra ông. Thì ra tôi chỉ quen ông trong dáng bộ của một cái quần đùi lửng cháo lòng và cái áo dệt kim loang nhoang vết dầu cáu cáy. Hôm nay, ông diện quần tây, áo sơ mi cổ hồ bỏ trong thùng, đến nỗi cả cái dáng đi ve vẩy lùi lũi mọi ngày cũng biến đi đâu mất. Ai bảo cái áo không làm nên thầy tu cũng phải, nhưng quần áo làm con người ta sáng ra, sang ra lại cũng đúng. Tôi rót mời ông một ly rượu cam, óng ánh hồng. Ông cầm ly uống nhè nhẹ như sợ hết, còn tôi dốc thẳng vào cổ:
       -Ông Hai bữa nay diện quá, thiệt tình tôi nhìn không ra.
       Ông cười hề hề:
       -Ây da... Bộ đồ này của người em ngộ đó. Hổng có “dzừa” đâu. Chú Hai đừng có cười, tội nghiệp ngộ lắm mà...
       -Ai mà cười. Nào, uống với tôi một ly nữa nhé. Rượu này ngoài Hà Nội người ta gửi cho, rượu Việt Nam đấy. Mời ông Hai...
       Ông uống một ly nữa, gọi hai đứa con tôi ra rồi móc trong túi áo ra hai cái “hồng phong bao”  nhỏ bằng quân bài tam cúc:
       -Hai cháu! Năm mới, ngộ lì xì cho hai cháu nhỏ nhanh lớn, phát tài!
       Hai đứa nhận rồi cứ ngây ra nhìn ông, tôi phải lừ mắt:
       -Cám ơn ông Hai đi, các con!
       Ông cúi chào tôi một lần nữa rồi bước ra đường. Nhìn dáng người khòm xuống, chân bước loạng choạng giữa dòng người xe pháo ngược xuôi, lòng tôi nao nao một chút gì thương cảm. Đứa con gái chạy ra khoe:                                                 -Ông Hai cho con hai ngàn!                                         
       -Ừ. Ông ấy cho thì con cất đi. Hai ngàn cũng quý.
       -Ông Hai nghèo lắm hả bố?
       -Ừ, nghèo lắm. Lì xì cho các con bốn ngàn là hết một bữa cơm của ông ấy rồi đấy!


*
*   *


       Khi vợ chồng tôi dọn nhà về cái chung cư lụp sụp này, ông Hai thợ giày đã ngồi ở vỉa hè này trước tôi cả chục năm rồi. Nhà tôi hướng tây, buổi chiều nắng lửa xiên thẳng vào nhà, những quầng bụi đường vần vũ dưới luồng nắng rát. Ở bên phải cửa ra vào, ông thợ giày thu lu lại trong đống đồ nghề tàn tạ: dao, kéo, kim chỉ và một mớ những mảnh da, đế cao su và một đống giày, dép da cũ. Có điều cả hai chúng tôi đều không biết tên nhau, ông thợ giày theo thói quen của người Việt mà gọi tôi là chú Hai. Còn chúng tôi lúng túng chưa biết gọi ông là gì thì nhà bên cạnh gọi ông là chú Giày. Các con tôi cũng bắt chước gọi theo, vợ tôi bảo:
       -Các con không được gọi như thế, nghe nó bất nhẫn làm sao ấy. Thôi, nhà mình cứ gọi ông ấy là ông Hai...
       Người Việt ở miền Nam vốn có tập quán hễ người nào mới quen biết mà chưa biết tên, biết thứ thì cứ gọi là Hai, anh Hai, chú Hai, ông Hai... coi như người hơn mình về ngôi thứ. Chúng tôi cũng gọi ông thợ sửa giày là ông Hai cũng theo cái ý ấy.
       Ngày nào cũng vậy, ông dọn ra từ bảy giờ sáng và kết thúc một ngày làm việc của ông vào khoảng sáu giờ chiều, khi đèn đường đã đỏ. Lúc ấy, ông mới thu dọn đồ nghề, mua một đĩa cơm bình dân, cẩn thận gói lại trong một cái bịch ny lông:
       -Chú Hai mang cơm về ăn bữa khuya à? Có lần vợ tôi hỏi.
       -Không ớ! Đem về cho thằng cháu, con của người em...
       -Tối chú nghỉ ở đâu?
       -Nhà người em bên đường Nguyễn Chí Thanh. Gần lắm. Rồi ông lại cười hề hề. Mua ở đây cho nó rẻ, bên đó mắc lắm, chịu hổng có lổi đâu!
       Mỗi lần tôi đi làm về, trông thấy tôi từ xa, ông Hai thợ giày lại loay hoay lom khom thu vén mấy thứ lặt vặt của ông để lối cho tôi vào nhà. Ông làm vậy là do thói quen và cũng là một cách lấy lòng tôi thôi, chứ thật ra, chỗ ngồi của ông luôn luôn gọn gàng, không ảnh hưởng gì đến việc ra vào của gia đình tôi. Chỉ có một hôm, có một người khách phụ nữ chờ ông khâu lại mũi dép da ngồi trên lối ra vào nhà tôi. Thấy tôi về, ông lúng túng lật một tờ báo chữ Hoa, vuốt phẳng phiu đặt sang bên cạnh mời người khách ngồi. Bà khách loay hoay không đứng dậy được vì không có dép, chân lại vắt chữ ngũ, chưa gỡ được ra. Nhìn nét mặt đau khổ của người thợ sửa giày, tôi bảo:
       -Chị làm ơn đứng dậy một chút, tôi dắt xe vào nhà, chị lại ngồi nghỉ, không sao đâu.
       -Cám ơn chú Hai! Cám ơn chú Hai!... Ông lập bập đến mấy lần lời cám ơn tôi.
      
*
*   *
      
       Dù không muốn, tôi vẫn cứ phải quan sát cuộc sống hàng ngày của ông trong một mảnh vỉa hè mà người đời (trong đó dĩ nhiên là có tôi) dành cho ông.
       Quanh năm ngày tháng ông chỉ diện một bộ quần cộc, áo may ô tay lửng. Có hôm trời Sài Gòn trở lạnh, ra đường có người mặc áo len, nhưng ông vẫn nhất bộ như thế. Cho nên, khi ông diện bộ cánh, bỏ áo vào trong quần đến xông đất nhà tôi, mãi tôi mới nhận ra. Hỏi tên ông là gì, ông nói tôi không nghe được, tôi bảo ông viết ra. Ông lấy một mẩu chì sáp thường đo vẽ cỡ chân cho khách viết một chữ nho lên mảnh da: chữ Nghiêm, một chữ hơi rậm nét, khó đọc. Tên ông là Nghiêm!
       Ông Nghiêm hút thuốc lá nhiều lắm, hút liên tục điếu nọ chưa tàn ông đã nối điếu khác, mà toàn một thứ thuốc cuộn rẻ tiền mà ngưòi ta gọi là “thuốc củi” bởi nó được bó thành từng bó năm chục điếu, như bó củi. Mỗi bữa ông mua một đĩa cơm về để bên cạnh, vừa ăn, vừa làm, có lẽ chỉ lúc ấy ông mới rời khỏi điếu thuốc. Mấy năm sau này, tôi thấy ông để bên cạnh một cái ly mà người ta dùng để uống cà phê, bên trong đựng một thứ nước trong vắt, nhờ có mùi cồn mật mía bay ra mà tôi biết được đó là rượu. Cũng một thứ rẻ tiền.
       Có hai thứ mà ông say mê: đó là vé số và tờ nhật báo Sài Gòn giải phóng tiếng Hoa. Ngày nào ông cũng đặt mua một tờ, đọc chi tiết, tất cả các mục. Tôi còn nhớ một lần bài báo của tôi viết về một ông già chín mươi tám tuổi được báo Hoa văn dịch, thấy ông đang đọc, tôi bảo tôi viết. Thế là ông mừng lắm, bàn luận với tôi sôi nổi về tuổi già:
       -Sống lâu là tốt, tốt lắm a chú Hai! Rồi ông ngậm ngùi. Nhưng mà, như tôi, sống lâu không tốt đâu.
       -Sao vậy?
       -Ngộ đâu có vợ, có con! Ngộ ở đậu nhà người em mà. Nó còn có vợ, có con nó, mình đau cũng ráng mà đi ra khỏi nhà, đâu có dám than, hả chú Hai!
       -Sao hồi đó ông Hai không cưới vợ?
       -Đi lính! Năm Mậu Thân ngộ bị đưa ra tận vùng Một, Khe Sanh, Quảng Trị. Sợ quá! Sợ quá! Trốn lính mà không thoát, bị đưa đi làm làm lao công đào binh hết mấy năm. Giải phóng rồi thì hổng có ai thương, ngộ không có nhiều tiền, chú Hai à!
       Có một hôm, tôi vừa đi làm về, chưa kịp dắt xe vào nhà, ông đã đứng dậy chìa vào tận mặt tôi tờ báo:
       -Chú Hai có nghe tin này chưa?
       Tôi liếc qua, không biết là gì, mệt mỏi lắc đầu nhại giọng ông:
       -Piết dồi, khổ lắm!
       -Piết dồi hả? Chung Guốc dzới Diệc Nam hữu nghị hả?
       -Hữu nghị chứ sao không!
       Tôi cất xe, vừa rửa mặt vừa nghĩ. Không hiểu có tin gì mà ông thợ sửa giày lại quan tâm thế nhỉ? Tôi đánh quần đùi ra cửa hỏi lại:
       -Đâu? Báo đăng tin gì mà ông vui thế?
       -Ông Ly Phằng sang thăm Việt Nam, chú chưa có nghe à?
       Tôi ngạc nhiên:
       -Ly Phằng là ông nào?
       -Ly Phằng thủ téng Chung Guốc ý...
       -À! Trời ơi, Thủ tướng Lý Bằng. Ông bảo Ly Phằng thì tôi nghe làm sao được. Đúng rồi, Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa do Thủ tướng Lý Bằng dẫn dầu sang thăm Việt Nam. Quan hệ hai nước hữu nghị, tốt đẹp nhân dân ai chả mừng.
       -Dzậy hả?
       Ông Nghiêm cười hề hề, lục trong túi áo ra một điếu thuốc Đà Lạt quăn queo ra đưa mời tôi. Tôi cầm điếu thuốc và biết rằng đây là điếu thuốc quý của ông, vì nó đắt tiền hơn thuốc củi của ông nhiều. Với tôi, lâu lắm rồi tôi không hút thứ này, nhưng vẫn châm lửa, hít vào, thở ra. Nhìn từ phía sau, ông thợ giày cúi xuống mớ đồ lề của mình, tôi có cảm giác đó là một cậu bé đang chơi đồ hàng.
      
*
*   *
      
       Từ mấy năm nay, người ta có kiếm tiền dễ hơn, người ta cũng ăn diện hơn, đi giày nhiều, giày da, cho nên công việc sửa chữa, may lại đường chỉ, đánh chà lại một vài chỗ xước, làm cho ông Nghiêm khá bận rộn. Lúc nào cũng thấy ông cúi rạp xuống chiếc giày kẹp giữa hai bắp đùi khẳng khiu mà mài, mà miết, mà khâu, mà móc... 
       Một buổi chiều đi làm về sớm, tôi ra cửa kê dép nói chuyện với ông. Ông thợ giày đang dán mắt vào tờ giấy nhỏ có ghi kết quả xổ số mà một thắng bé vừa chạy qua dúi vào tay ông để lấy hai trăm. Thấy tôi, ông ngẩng lên:
       -Sém trúng! Sém trúng!
       -Đã có khi nào ông trúng số độc đắc chưa?
       -Không có trúng! Mua hết mấy trăm nghìn rồi mà không có trúng!
       -Nếu trúng số độc đắc thì ông xài việc gì?
       Ông cười hề hề ngửa mặt dòm tôi, rồi lại dòm lên trời, cặp mắt cận thị lồi ra hấp háy:
       -Không có trúng đâu, chú Hai à!
       -Biết đâu, có ngày ông trúng số độc đắc!
       -Ờ. Tới hồi đó, tôi về Trung Quốc. Nè, chú Hai coi đi. Ông đưa tờ báo chữ Hoa cho tôi rồi lấy ngón tay cáu bẩn dò trên một ô quảng cáo. Có tám triệu là đi Trung Quốc được rồi. Chú Hai có đi sang Trung Quốc lần nào chưa?
       Tôi lắc đầu, hỏi lại:
       -Trung Quốc rộng mênh mông thế, tám triệu làm sao ông về đến nhà?
       -Ây! Nhà ngộ ở Quảng Đông, gần thôi mà. Pa của ngộ sang Việt Nam từ lúc còn chẻ, mấy lần tính về quê, nhưng hổng có nhiều tiền, lại chiến tranh. Bây giờ ngộ già rồi, hoà bình rồi, muốn về thăm quê mà cũng không có nhiều tiền...
       Câu chuyện ông Nghiêm, người thợ sửa giày góc phố tôi, mong trúng vé số độc đắc có tiền về thăm quê cha đất tổ làm tôi cảm động và suy nghĩ. Nhưng rồi bao nhiêu thứ chuyện trên đời con người ta làm sao mà nhớ mãi được. Mấy năm nay, chính sách của nhà nước ta có thay đổi, nhà nhà, người người mở cửa buôn bán, vợ chồng tôi cũng ki cóp ít vốn mở một cái điểm bán cơm bình dân. Khi tôi mở ra, tất nhiên là ông thợ sửa giày không còn chỗ ngồi. Nhìn ông bê từng món sang bên cạnh, tôi cũng thấy ái ngại. Gần hai chục năm gắn bó với cái chỗ này giờ cun cút dịch chuyển, nhưng biết làm sao. Tưởng ông sang bên ấy được yên, nào ngờ nhà họ cũng cho thuê điểm cho mướn băng vidéo. Thế là ông lại phải đi chỗ khác, cứ thế. Sau cùng ông ngồi dưới chân cột điện, căng tấm ni lông lên làm chỗ hành nghề. Tuy xa nhau, không còn dịp trò chuyện như trước nhưng gặp tôi ông vẫn chào. Và, Tết nào ông cũng diện một bộ quần áo dài tươm tất, đến chúc tết tôi.
       Lâu lâu, tôi cũng không để ý, mãi đến một chuyến công tác về, giày của tôi bị sứt chỉ, tôi bảo thằng con:
       -Con đem cái này ra chỗ ông Hai, nhờ ông ấy khâu hộ. Nhớ hỏi bao nhiêu tiền về bố đưa.
       Con tôi nhìn tôi:
       -Thế bố không biết à?
       -Biết cái gì?
       -Ông Hai chết rồi!
       Tôi im lặng, không muốn để lộ vẻ ngạc nhiên hay thương xót, mà hỏi lại con bằng một giọng uể oải:
       -Ông ấy chết bao giờ?
       -Một tháng rồi.
       -Sao con biết?
       -Con nghe bà bán nhang nói.
       Tôi quẳng chiếc giày vào góc nhà:
       -Thôi được rồi, để bố mang lên Sài Gòn...
       Tôi ra cửa đứng nheo mắt nhìn về phía cây cột đèn. Không còn cái mảnh ni lông phần phật trong gió, trong tiếng xe ầm ào. Đúng là người thợ sửa giày góc phố không còn ở đấy nữa. Một khoảng trống gọn ghẽ nhường lối cho người đi đường. Nhưng hoá ra với tôi, đó là một khoảng trống thật sự từ trong tận đáy lòng. Người thợ sửa giày nghèo khó, cô đơn, người không có chút liên quan nào đến đời sống hay sự nghiệp của tôi, nhưng khi ông ấy không còn nữa, lòng tôi tự nhiên cũng có một khoảng trống.
       Ông Nghiêm sẽ chẳng còn có dịp trúng số độc đắc để thực hiện ý định về Trung Quốc, quê hương ông một lần. Còn tôi, Tết này tôi có nhiều người đến xông đất, em trai, em gái, em dâu, em rể, bạn bè, đồng sự... Nhưng trong bữa cơm mừng năm mới tôi vẫn rót ra một ly rượu nhỏ để bên cạnh. Cậu em rể thấy vậy hỏi:
       -Anh rót cho ai thế?
       -À, tôi cười xoà, cứ rót dư rượu thế này, chắc là có khách!

Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, 1996


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét