Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Thiên cơ




THIÊN CƠ


Đến Josef Huỳnh Văn là đời thứ VIII sinh sống tại phường Phú Nhuận. Tám đời trụ bám nơi đây thì có bảy đời theo Đức Chúa và năm đời theo nghề thợ mộc. Josef là chít trực hệ đích tôn của ông tổ ngành đẽo gỗ Phường Mộc Phú Nhuận Huỳnh Văn Thà.
Nhìn bàn tay thô sần không ai nghĩ Josef lại có đến hai mươi mốt cái hoa tay, từ ngón đến cườm, từ lòng đến mu. Một lần tôi năn nỉ anh trổ tài bằng cái đục nhỏ ngang với cái ngoáy tai, biến hóa trên mặt gỗ nghiến để tạo ra khuôn mặt vũ nữ sống động, đa tình, đa đoan, đa dâm. Tóm lại anh không chỉ làm chủ thớ gỗ, vân gỗ mà anh còn ngửi được mùi gỗ để định năm tuổi, sờ vào vỏ gỗ mà biết xuất xứ... Đừng ai nói với Josef về đinh, về khoan, về sắt mà để anh cười mũi. Anh quá kỳ tài, thánh nghiệp.

Trong một lần trò chuyện tào lao, Josef bộc lộ nỗi niềm:
- Mình rất muốn làm một cung điện, chỉ buồn là thời này không có vua.
- Thiếu gì? Tôi hỏi với chút khiêu khích.
- Villa, biệt thự bằng bê tông, cốt thép. Đó không phải là nhà, mà là cái mồ...
Anh là thợ mộc dựng nhà, cất lâu đài, đến miếu, cung điện, nhưng đến thời hiện đại, ít người thích nhà gỗ, anh thất nghiệp dần, chuyển sang đóng đồ, giường tủ, làm hàng chợ thủ công mỹ nghề sinh nhai. So với bảy đời tiền nhân nhà anh, Josef nghèo nhất. Rồi anh quyết không truyền cho các con cái nghề đục đẽo, dù anh biết thằng con anh rất có khiếu. Anh để nó đi theo trò đá banh, rồi được một ông chủ ngân hàng yêu mến, gả con gái cho, cùng với chức giám đốc nhân sự. Thằng Huỳnh Đức là đứa thuộc thế hệ thứ chín giàu hơn cả ông cố, ông sơ nhà anh. Hỏi anh có mát mặt không, anh cười: “Tui thấy lạnh toát”. Mỗi lần nó đưa tui vô nhà nó, cái máy lạnh!
Tôi biết là anh vui, nhưng thất vọng về sự vô dụng của một tay nghề. Con người cũng giống con vật mà, bao giờ chả muốn ngoi lên trên đồng loại.
Chuyện Josef Huỳnh Văn tưởng đến đây là hết.
Thế mà rồi lại có một bà sồn sồn đến tìm anh. Vợ anh, chị Josefine, vốn chẳng buồn ghen, hôm ấy cũng ngẩn mặt ra, rồi liếc chồng xoèn xoẹt. Bà Sồn nói những gì, Josefine không nghe, mà thấy chồng diện quần áo bảnh như đi nhà thờ, chui vào cái xe hiệu Ang-lê bóng lưỡng chỉ lạnh lùng đưa mắt đáp lại cái nhìn thiểu não của vợ một cách thường lệ như khi anh đi đám ma. Xe lạnh êm ru. Ngồi cạnh bà Sồn anh nhận ra mùi hương của gỗ hoàng đàn tẩm hương Thái Lan.
- Tôi muốn ông làm cho tôi một căn nhà gỗ.
- Có bản vẽ thiết kế, thưa bà?
- Ô la la! Cái bọn kiến trúc sư ngày nay vẽ vời moi tiền chứ biết gì. Tôi muốn ông nghĩ ra...
Josef được đưa đến một lô đất rộng ngút mắt, và một đống gỗ tròn, đường kính vượt đầu người.
- Nghe đồn ông biết nhìn gỗ?
- Thứ này không phải ở xứ ta. Đúng ra vào đời cha tui thì có nhiều, nhưng mấy chục năm nay người ta khai thác kiệt rồi. Loài cây này, nó mọc ở phía tây, cách ta chừng 3000 kilomets. Josef sờ vào vết cưa, mắt sáng ngời. Tuổi nó bằng tuổi ông nội, ông ngoại tôi và bà...
- Hí hí... Có vậy chứ.
Hai năm trời ròng rã, cũng với một trăm thợ mộc giỏi trong cả nước làm phụ cho Josef, để rồi một cung điện mọc lên. Suốt thời gian ấy, mọi việc trôi chảy, Josef muốn gì có nấy, miễn sao cho đẹp, cho bền, cho đẹp lòng bà sồn. Josef cùng không nghỉ, trừ sáng chủ nhật anh đi lễ nhà thờ bằng xe Ăng-lê của bà Sồn. Hàng tháng, thằng Huỳnh Đức nhắn tin vào điện thoại mobil của ông: TK cua ba tang 30 trieu.
Cũng nên kể lại một sự cố. Công trình đang dở dang, có một chiếc Toyota bán tải kẻ dòng chứ THANH TRA XÂY DỰNG chạy vào. Đoàn người hùng hổ nhảy ra yêu cầu gặp chủ đầu tư. Chủ đầu tư có ngay.
- Các anh làm gì dữ vậy? Tôi dựng nhà gỗ, là nhà tạm, có bê tông sắt thép kiên cố gì đâu mà vi phạm?
Sau đó là những gì, Josef không nghe, chỉ thấy vệ sĩ gái của bà Sồn móc trong cặp ra cái bao thư màu cam. Từ đó cho đến khi khánh thành, Toyota bán tải mất biến.
Hôm bàn giao nhà, bà Sồn yêu cấu Josef dẫn mình đi từng gian, từng phòng. Sự nguy nga của cung điện làm Josef nảy tình. Anh đứng chắn ngang người đàn bà sực nức mùi hoàng đàn:
- Thưa Bà! Giờ thì tôi mãn nguyện, được phục vụ bà. Bà Hoàng của thiên hạ.
Bà Sồn xúc động, mắt long lanh rớm lệ:
- Tôi mà là bà Hoàng ư? Ừ... mà có thể. Nhưng Josef Huỳnh Văn này, anh có biết tôi xuất thân như thế nào không?
Bà Hoàng Sồn vốn là nữ giúp nhiều việc cho một giám đốc Sở, hứng chịu vô vàn bão tố của dư luận, của vợ giám đốc Sở, và của chính ông ta. Nhưng bà vẫn một lòng nhân nhịn để sếp trong sạch. Khi ông giám đốc lên làm Tỉnh Trưởng thì buông cô nữ giúp nhiều việc, chọn người khác. Bà Sồn ra mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng. Ông tỉnh trưởng cũng không phải người vô tình.
- Tỉnh có thể giao cho cô mười mẫu đất?
- Em phải làm những gì nữa đây?
- Đóng tiền thuế chuyển quyền sử dụng, bốn trăm ngàn một mẫu. Tất cả là bốn triệu.
Ba năm sau, lô đất của bà có giá một triệu đồng một mét vuông.
- Anh bảo tôi có bao nhiêu tền, Josef?
Anh thợ mộc lắc đầu, vì không quen tính nhẩm.
- Một trăm ngàn triệu. Một trăm tỷ? Anh thấy có nhiều không?
- Bà giàu hơn tỉnh trưởng rồi?
- Không chắc. Trăm thành ngàn, ngàn thành vạn... Mà tôi trả tiền công anh bao nhiêu nhỉ?
Trong khi anh thợ mộc giở điện thoại đọc tin nhắn, bà Hoàng cười lớn:
- Có hai tỷ thôi, Josef thân mến.
Rồi bà ôm lấy anh, truyền mùi hoàng đàn tẩm dầu thơm Thái Lan cho Josef. Anh thơm đến mấy ngày.
Chuyện Josef Huỳnh Văn tưởng chỉ có thế. Nhưng nếu chỉ có thế thì chuyện này sẽ rất nhạt. Mà nó vẫn còn một đoạn sau, ly kì hơn đang đợi bạn đọc.

***

Như câu thơ của Thánh Thi Lý Bạch: Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng. Trời sinh ra Josef có tài mà trời quên mất, cho đến khi cung điện của bà Hoàng Sồn xuất hiện như thách thức Trời, như chọc vào mắt Ngài. Ngài bèn ra lệnh truy tìm tay thợ mộc. Thiên Sứ tìm thấy anh ta trong một căn nhà dựng bằng gỗ tràm, gỗ đước tuềnh toàng bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Giả dạng làm thường dân, Thiên Sứ hỏi:
- Nghe nói tiền công của anh được bà Hoàng trả hậu lắm?
Josef thở dài:
- Thằng con Trời đánh của tôi nó chơi chứng khoán tiêu mẹ nó hết rồi.
- Anh có muốn kiếm tiền nũa không?
- Không! Josef chắc nịch.
- Thế anh có muốn làm công trình nữa không? Cái này gấp mười, gấp trăm cái của bà Hoàng nhà anh.
- Thiệt không đó? Josef sáng mắt.
- Sao không thiệt!
- OK! Nhưng... ở đó có Nhà thờ không?
- Có. Không phải nhà thờ mà Thánh Đường. Thôi nhanh lên. Thiên Sứ giục.
Theo Thiên Sứ đi xe Bus rồi sang xe giường nằm qua một đêm, Josef thấy mình đã ở... trên trời!
Nếu mà kể tường tận năm năm anh thợ mộc Josef Huỳnh Văn làm cung điện cho Trời thì dài lắm, nó không đủ chỗ cho một truyện ngắn. Mà phải là một trường thiên tiểu thuyết. Chỉ riêng chuyện phải dùng đến tám mươi khối gỗ thiết mộc để làm cán rìu, tông đục, chàng cưa, thân bào... cũng phải ngót trăm trang. Rồi các tiên nữ toát ra mùi thơm của gỗ Thủy Tùng ngăm ngăm man mát, dưới làn xiêm y trắng phau phau, ý chừng Trời muốn làm phân tán tâm thần anh thợ mộc trần gian. Mặc, Josef vần chăm chú vào lỗ đục, vết trạm. Chỉ có điều trên trời không có nước mắm dằm ớt, nên anh khói nuốt. Sau dần anh cũng quen với nước tương Tàu.
Thế rồi cung điện thượng giới cũng hoàn tất. Chín mươi chín gian phòng không gian nào giống gian nào, không màu nào giống màu nào. Giám định là một vị quan mắt vàng, mũi đỏ, tóc bạch kim khe khắt đến từng vết mộng ghép. Ngài lấy tóc tiên nữ mà thổi, hễ gợn một chút là không nghiệm thu, đến nỗi tóc các nàng tiên thưa đi trông thấy mà thương. Mặc. Josef vẫn đắc ý.
Bữa tiệc cuối cùng, ngày mai tiễn anh thợ mộc về hạ giới, Ngọc Hoàng cho bảo Josef đến ngồi bên, mà hỏi:
- Trên này ta không dùng tiền, tiền đô-la cũng không. Ngươi muốn nhận công thế nào?
- Tâu Ngọc Hoàng, con được phục vụ thượng giới là mãn phúc lắm rồi. Không dám lấy công.
- Không được. Ta chứ có phải bọn quan lại trọc phú đâu mà xấu chơi. Thôi, thế này nhé...
Josef còn đang hồi hộp, Ngọc Hoàng nói ngay:
- Ta cho phép gắn bảng tên họ, quê quán của nhà ngươi ngay bên tả cổng chính điện. Đồng ý chứ? Và... còn nữa.
Nhìn mặt anh phó mộc ngây ra, Ngọc Hoàng tiếp:
- Ta ban cho nhà ngươi một phép thuật.
Ngài vẫy tay, tiên nữ bưng khay ngọc đến, trên khay có một quả chuối tiêu, mà ở Phú Nhuận, Josef quen gọi là chuối già. Ngọc Hoàng chỉ tay:
- Ngươi hãy ăn quả này đi. Phép đấy.
Josef cầm lên ăn. Anh cũng chỉ muốn biết chuối trời có khác chuối ta thế nào thôi, mà không để ý đến phép thuật. Cũng thế thôi, nhưng mà hình như có cái gì vương vướng khi nuốt miếng thứ ba. Anh thợ mộc lấy hơi, nuốt mạnh, cái vật gợn ấy chui tọt qua yết hầu. Xong, tiên nữ cho anh một ly nước Articho. Ngọc Hoàng hỏi:
- Ngươi có thấy có vật gì lạ không?
- Dạ có thấy, thưa Ngọc Hoàng.
- Đó là con dao nhọn, mỏng như là lúa, cực sắc, ngươi đã nuốt vào rồi đấy. Giờ nó nằm ngay dưới cổ họng ngươi. Để làm gì biết không?
Josef tái mặt, lắc đầu. Nhưng Ngọc Hoàng vẫn cười:
- Từ bây giờ ngươi có một biệt tài là nghe được tiếng các loài thú vật, từ cái kiến, con ong đến mãnh thú hung tợn. Ngươi có thể biết chúng nói với nhau, bàn bạc thế nào. Nhưng...
- Nhưng sao ạ, thưa Ngọc Hoàng?
- Ngươi chỉ nghe và biết thế thôi. Nếu nói ra cho người khác biết thì lập tức lưỡi dao dưới cổ ngươi sẽ cắt đứt họng ngươi.
- Con sẽ chết?
- Thế ngươi có thấy ai đứt cuống họng mà còn sống không?
Josef vừa lo vừa mừng. Bỗng dưng phàm trần lại có biệt phép thì mừng lắm. Nhưng lại lo là nếu nhỡ miệng nói ra thì bỏ mạng. Nhìn nét mặt khổ sở của anh thợ mộc, Ngọc Hoàng hỏi:
- Ngươi có gì không yên tâm?
- Dạ, thưa Ngọc Hoàng. Con mà nghe được tiếng nói của loài vật thì có ích gì cho con ạ?
- Có đấy. Loài thú vật có khả năng đặc biệt của chúng là đánh hơi thấy những tai họa sắp xảy ra. Nhất là những loài thú hoang dã, chứ thú nuôi trong chuồng, trong lồng thì kém hơn. Cái khả năng ấy loài người các ngươi không có được, nên rất mù quáng, chủ quan trước những biến động của Thiên Cơ. Chẳng nhẽ những cái đó không giúp ích cho ngươi, cho vợ con ngươi sao?
- Dạ! Con xin đa tạ Ngọc Hoàng đã ban phép. Giờ con xin về hạ giới, con nhớ nhà, nhớ vợ con lắm rồi ạ.
- Thiên Sứ đâu? Đưa anh ta về đến nơi đến chốn. Josef, ngươi hãy bảo trọng!

***

Thấy anh biệt tăm mấy năm trời, hôm gặp lại, tôi hỏi:
- Anh nhận công trình ở đâu mà lâu thế? Điện thoại cũng khóa máy?
- Tao làm trên trời.
- Dóc tổ! Tôi và mấy thằng bạn cười phá lên, nhưng nhìn nét mặt đăm đăm của anh, thấy thương quá, nên chúng tôi không gạn hỏi.
Josef không làm thợ mộc nữa. Anh đóng thùng tất cả dụng cụ hành nghề rồi thuê một chiếc ghe ra ngã ba sông Nhà Bè, ném xuống đó. Nhìn bong bóng sủi lên, một giọt nước mắt anh rơi xuống.
Hai công trình lớn trong đời hẳn đã làm cho Josef mãn nguyện. Một người nghệ sĩ bậc nhất thời đại cũng chưa dám mơ, huống chi anh thợ mộc phường Phú Nhuận?
Chỉ có điều phiền toái mà phép màu nhiệm đem lại cho anh. Lúc nào cũng có tiếng ồn của loài vật cãi vã nhau, hoặc âu yếm nhau. Về đêm, lúc loài người chui vào nhà mình yên ngủ, thì côn trùng, ếch nhái lên tiếng. Tệ nhất là loài mèo. Đêm đêm chúng hẹn hò nhau trên mái tôn bằng những tiếng kêu than, ve vãn, đòi hỏi, khêu gợi... mà loài người vốn tế nhị không nói ra. Anh bỗng nghĩ: nếu đàn bà mà cũng gọi tình, khêu gơi nhau như loài mèo, thì đêm đêm trong cái thành phố bảy, tám triệu dân này sẽ thế nào nhỉ?
Bây giờ nói về chị Josefine, vợ anh. Từ sau khi làm công trình cho bà Hoàng Sồn, chị đã biết hơi ghen ghen. Bỗng dưng anh đi biệt tăm năm năm trời, lúc anh về, chị nhớ thật, muốn ôm anh mà hôn hít, nhưng vẫn làm mặt giận dỗi.
- Cái bà da vàng, mắt tím ấy đưa anh đi đâu nữa?
- Bà nào. Anh vừa hoàn thành một công trình mà trên thế giới này không hề có.
- Xạo! Chị đã hơi cười, nghĩ rằng anh đùa. Thế tiền đâu?
- Tiền nào? Làm nghệ thuật thì làm gì có tiền? Cái danh lưu muôn đời trong trời đất thì tiền nào mua được.
- Mài danh ra mà ăn. Có tiền là có danh. Giờ họ mua được cả danh. Họ in thơ, nhận giải đầy ra đấy...
- Kệ họ. Tên tuổi họ cùng lắm là loanh quanh mấy khu phố này. Tên của tôi bay lên tận trời xanh...
- Khiếp nhỉ?
Chị vợ không thèm cãi nữa, đem đứa cháu nội ra tắm. Lúc chị đổ nước ra sân, Josef nghe thấy tiếng đàn kiến la lối:
- Ối, bà con ơi! Chạy đi, chạy nhanh lên. Đại hồng thủy rồi...
Josef phì cười.
Thấy chồng cười, Josefine quắc mắt:
- Ông cười gì? Cười bà cháu tôi à?
- Đâu có.
- Phải rồi, ông đi đây đi đó ăn sung mặc sướng. Khách sạn năm sao, tắm bồn, ngâm nước nóng, khăn trắng nõn nà, con gái ở trần hơ hớ mát-xa toàn thân...
- Không phải đâu!
Josef bỗng thấy thương vợ. Anh muốn nói cho vợ biết hết mọi chuyện, nhưng lưỡi dao cứ lấp ló trong cuống họng. Anh thấy mình bất lực khi không dám nói rõ sự thật.
Lâu dần, anh đổi tính, xa lánh vợ con, không đi lại trò chuyện với chúng tôi. Anh trở thành người cô độc.
Anh bắt đầu có những chuyến đi xa, độc hành. Anh nói với tôi: “Tao đi, rất có thể sẽ không gặp lại mày nữa”. “Sao anh nói kỳ vậy?”. “Mày không tin tao phải không? Nhưng tao nói điều này mày phải tin. Nếu tao chết, tao sẽ chết vì tao biết nhiều hơn mày, hơn mọi người”. “Vâng! Anh đã lên đến tận Trời, làm sao mà chết được”. “Ai cũng chết. Tao sẽ chết vì nói ra một sự thật nào đó”.
Josef ra đi. Theo tiếng nói của loài thú mà đi. Gặp gì ăn nấy. Tối đâu ngủ đấy. Hóa ra cuộc đời phong phú thật. Anh sống bằng hai, ba thế giới. Khi lên rừng, dù là mảnh rừng hẹp cỗi cằn, anh buồn vui cùng rắn rết, sâu bọ, thỉnh thoảng có vài con chồn, con sóc. Xuống bể, anh nghe lao xao lời hát du dương trầm buồn của loài cá mồ côi...
Một đêm, anh nằm gối đầu lên cánh tay ngắm sao mà nhớ về những ngày anh ở trên đó. Xa vời bát ngát. Đang muốn thiu thiu ngủ chợt anh nghe thấy tiếng của những con Giun Đất:
- Chỗ này sắp nguy rồi.
- Sao anh biết? Bạn nó hỏi lại.
- Loài người to xác nhưng ngốc nghếch, không biết gì về đất đai.
- Không đúng đâu. Họ khôn ngoan và làm bá chủ muôn loài. Kiếp Giun chúng ta làm sao mà sánh với họ được.
- Họ chết vì tham lam. Chết vì muốn trèo lên đầu đồng loại.
Lần đầu tiên Josef lắng nghe loài Giun tâm sự. Con Giun xéo mãi cũng sinh ra lý luận, cũng xác lập triết lý cho riêng mình. Để sinh tồn.
- Ở chỗ cách ta khoảng một trăm mét, có mạch lửa ngầm. Vẫn tiếng con Giun có vẻ từng trải hơn.
- Nhưng mà làm sao? Con kia sốt ruột.
- Họ chuẩn bị xây một ngôi nhà to lắm. Lúc đào móng, sẽ động vào mạch ngầm.
- Lửa sẽ phun lên?
- Đúng thế. Cả thành phố và vùng lân cận sẽ bị thiêu rụi trong chớp mắt.
Im lặng.
Con Giun bạn lên tiếng:
- Có cách nào để báo cho chính quyền?
- Không có cách nào. Ta không cùng tiếng nói với họ...
Josef bừng tỉnh. Anh vào thành phố. Dọc đường, gặp một ông lão bán vé số, anh nói:
- Tôi cần ông đi với tôi.
- Đi đâu?
- Vào Dinh Tỉnh trưởng!
Lão vé số giãy nảy:
- Đừng có khùng. Ông đi một mình đi. Nơi ấy “nọc rắn, hang hùm”, ông chưa từng nghe à?
Josef móc một nắm tiền đưa cho lão già:
- Bằng này có thể đến được hang hùm chưa?
Lão vé số ngần ngừ rồi hỏi dè dặt:
- Ngài... Ngài có chuyện gì mà cần đến sự có mặt của tôi trước công quyền?
- Nghe. Nhìn. Và kể lại cho người thân của tôi. Họ sẽ tìm đến trong nay mai.
Khi tôi và Huỳnh Đức, đưa mẹ nó, chị Josefine đáp chuyến bay vượt gần 2000 cây số đến nơi người ta báo, lão vé số đã có mặt ở đó, đưa chúng tôi đến gặp Josef.
Trước ngôi mộ nhỏ nhoi ghi dòng chữ: Josef-Huỳnh Văn Tam. Thợ mộc, Lão già bán vé may mắn kể.
- Ông tỉnh trưởng không nghe lời Ngài Josef, cho đến khi Ngài nói: “Tôi nghe được tiếng loài vật. Những con Giun Đất đã nói về chuyện ông cho phép xây ngôi nhà lên đất thiêng”. Ông tỉnh trưởng cười lớn: “Hết nhà phản biện rồi hay sao mà nghe lời loài Giun? Ha ha...”. Lập tức từ trong cổ họng Ngài Josef phun một dòng máu tươi ra đỏ lai láng nền dinh thự ông tỉnh trưởng. Lão già kể ngậm ngùi.
Chúng tôi thuê thợ đục đá, đặt thêm một tấm bia với hàng chữ: Người chết vì nói ra sự thật.
Josef Huỳnh Văn ở lại với thành phố vẫn bình yên. Không có ngôi biệt thự nào mọc lên.

7-12-2002
 H.Đ.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét