Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

MÙA CHIM NGÓI



Gần sáng, im gió.
Sương móc xà xuống giăng trắng ngoài cửa sổ. Tiếng thằng cháu nội ọ ẹ ở đầu buồng bên kia làm ông Tiệp thức giấc. Mà chả cứ phải có tiếng động gì, cữ này, ông thấy ê ê ở thắt lưng, ở mạng sườn là thôi, không sao ngủ được nữa. Già mất rồi!
Ông ngồi dậy quờ chân tìm dép, khoác cái áo đại cán cũ, lịch kịch mở cửa. Sương lùa vào lạnh toát. Ngẩng dòm trời toàn một màu trắng đục, chẳng thấy bóng dáng trăng sao. Hanh rồi đây!
Đi đái xong, ông vào bếp nhóm lửa, bắc siêu nước. Rồi ông ra đầu hồi, xách cái lồng chim ngói vào, thắp ngọn đèn tọa đăng đặt giữa nhà. Lẳng lặng ông bắt từng con chim mồi lấy kim chỉ nhíp hai mí mắt nó lại. Con chim đã bị mù, ông vừa khâu xong tám cái mắt chim thì siêu nước cũng sôi. Ông pha một ấm chè vừa ngấm, thơm nưng nức.
Vừa kề tách nước vào miệng, ông Tiệp ngẩng nhìn lên giật mình bắt gặp cái đầu bù xù, rụt lại với cặp mắt trố và hàm răng trắng lóa của thằng Mậu. Biết là thằng Mậu mà ông vẫn cứ giật mình, bao nhiêu lần rồi. Nó sà xuống cạnh bếp, hơ hai bàn tay vào lửa, cười suýt soa:
- Rét quá bố nhỉ!
Ông chỉ ậm ừ, lẳng lặng lấy bao thuốc Sông Cầu rút một điếu châm lửa. Tuần trà và khói thuốc làm ông tỉnh táo. Trong lúc đó thằng Mậu bắc nồi cám lợn và đè cây chuối ra thái. Tiếng thái chuối xồn xột đều đều, nước chuối chảy lênh láng ra nền xi-măng. Thấy ông Tiệp xách cái lồng chim mồi đi ra, thừng Mậu giương mắt hỏi:
- Bố ăn cơm để con rang?
- Không!
Ông ra đầu nhà lôi bó lá móc treo vào một đầu bộ gọng lưới chim, đầu kia là hai cái lồng, nhún thử mấy cái. Thấy đã chắc, ông lần túi thấy đủ cả lửa thuốc và bình tông nước chè rồi rảo bước. Chợt gặp bà Tiệp từ ngoài đi vào, ông dừng một nhịp chân nhìn như muốn nói gì. Nhưng lại thôi. Cả cái bó lá móc um tùm rùng rùng chuyển động theo nhịp chân ông.
Trời chưa sáng lắm, ông Tiệp cứ bước thấp bước cao, băng trên bờ ruộng về đuôi gò Tầm Rưng, nơi cái bàn chim mà mấy hôm nay ông và thằng Mâu hì hục dọn rẫy. Khi ông lên đến nơi thì trời cũng vừa sáng rõ. Ông Tiệp đóng cọc, rải lưới, cắm rùm rồi lấy rác cỏ phủ kín cọc lưới. Sau cùng ông bắt chim mồi buộc dây vào chân hai con mồi rút để chúng đâu lên cái cành uốn cong. Con mồi vỉ thì buộc vào cái vỉ để mồi lần rút dây là nó nhấp nhấp. Còn con mồi tung thì ông đem vào trong rùm, ngay bên cạnh. Xong việc, ông phủi tay, châm một điếu thuốc hít thật sâu, nhả khói.
Trời hanh thế này, chim xuôi nhiều đây! Ông nghĩ bụng. Mấy ngày nay đã thấy các cậu về từng tốp, cũng tiếc, nhưng không vội. Nghề đánh chim cả cái làng Sơn Cốt này chỉ có ba nhà. Riêng nhà ông Tiệp truyền nhau từ mấy đời cụ kị. Bao nhiêu năm qua, ông đi công tác rồi vào bộ đội, bố ông lại mất sớm tưởng là đã mất nghề. Cũng may, hồi còn nhỏ ông được đi theo mấy mùa nên bây giờ hãy còn thuộc. Với lại, dòng họ Trần Hiển ở cái chi nhà ông rất là sát chim.
Vừa nghĩ ngợi, ông Tiệp vừa dõi mắt về hướng Bắc. Xem đồng hồ đã hơn tám giờ, người đi làm cỏ đầy đồng. Chim vẫn chưa xuôi, lác đác có tốp ba, bốn con nhưng lại chệch hướng. Sốt ruột, thấy một đôi bay thẳng vào, ông ném mồi tung, nhưng chứng cứ bay thẳng. Chà, ngày ra quân mà về không thì chán nhỉ! Ông lẩm bẩm và lại căng mắt nhìn.
Bỗng ông giật thót người phát hiện ra những chấm nhỏ li ti như những hạt vừng ở chân trời phương Bắc. Chui vào rùm mà nghe thấy cả tiếng trống ngực thình thịch. Ông nắm con mồi tung chờ cho đàn chim vào đúng tầm. Ông vung tay ném con mồi. Con chim mồi được đà, bay vút lên cho đến hết tầm dây nó mới đảo sà xuống. Vừa lúc đàn chim phải đến hơn bốn chục con lướt qua. Hỏng rồi! Nhưng… ơ kia. Con đầu đàn nghiêng cánh làm cho cả đàn chửng lại lướt về bên trái. Ông Tiệp nín thở theo dõi, quả là đàn chim đã quay lại, hạ thấp độ cao. Ông nhẹ nhàng rút sợi dây, tức thì con mồi rút vỗ cánh phành phạch, bay lên độ hơn hai thước. Trên đầu, đàn chim ngói bắt đầu xoáy. Ông rút sợi dây con mồi rút thứ hai búng lên, đàn chim vẫn tiếp tục xoáy chụm lại. Hồi hộp, ông kéo sợi mồi vỉ, làm cho con mồi nhấp nhấp như đang nhảy nhặt mồi. Mồi vỉ nhấp được bốn năm nhịp thì con đầu đàn sà xuống bàn chim, sau nó là cả đàn thun thút tụt xuống. Không chờ cho cả đàn chạm đất, ông Tiệp mắm mối, nhắm mắt, tì chân vào cái cọc trẻ kéo mạnh hai sợi dây thừng rường lưới. Hai tay lưới bất ngờ từ hai bên dựng lên chụp lấy đàn chim. Bỗng ông mất đà, ngã ngửa về đằng sau. Ông mở mắt ra thì đàn chim hoảng sợ bay túa lên, còn hai tay lưới thì xô nghiêng về phía rùm. Ông vùng dậy phá rùm nhào ra nhưng vô hiệu. Lưới không sập! Thôi chết, đứt dèo rồi! Ông Tiệp cay cú chạy đến quỳ xuống xem thì sợi dèo – tức là cái bản lề – làm bằng sợi nylon đã đứt tung.
Ông Tiệp ngồi thừ, vừa tiếc vừa bực nhìn đàn chim vừa thoát nạn nháo nhác bay về phương Nam. Ông tần ngần ngó những sợi cước nhỏ bị đứt tướp, nhớ lại lời bố:
- Bộ dèo này phải làm bằng tóc người, vừa mềm, vừa bền. Bộ tao đang đánh đây là tóc của bà mày ngày trước cắt cho ông làm dèo. Không có cái gì thay được…
Sau bao nhiêu năm trời, bộ tóc của bà nội ông đã rơi vãi hết. Lúc về hưu, tính theo nghiệp ông cha, ông Tiệp thay bằng dây nylon, nhưng không ăn thua. Cả một đàn chim đông như thế, chí ít ông cũng kiếm được hai chục con. Ông Tiệp cứ ngồi như thế cho đến khi mặt trời lên cao, nắng hanh vàng đồng, vàng bãi. Ông buồn bã, gỡ lưới, tháo rùm, thu mồi thất thểu trở về.
                                                            ***

Cái tin ông Tiệp sểnh đàn chim về xóm trước khi ông về đến nhà. Bà Tiệp đang bế thằng cháu ngồi ở bậu cửa len lét nhìn vẻ mặt hầm hầm của chồng, rồi lặng lẽ hai bà cháu xuống bếp. Bữa trưa cả nhà đã ngồi vào mam, ông nói với thằng cháu nội:
- Ngày mai thằng cu Phanh ở nhà ngoan nhá, ông đi chơi mấy ngày. Ở nhà đứa nào trêu, vè phô ông, để ông đánh cho nó một trận…
Thằng Phong ngưng và:
- Bố đi đâu xa không để con đưa?
- Không cần. Tao đạp xe được!
Rồi ông thổi mấy hột lạc, đặt vào tay thằng cu Phanh, nói với nó, giọng đều đều nửa như buồn buồn, nửa vui vui.
- Ông đi thăm mấy anh em bạn hồi ở bộ đội. Lúc đạn bom gian khổ chỉ trông cho hòa bình, sống sót mà trở về, thế nào cũng phải tìm đến nhau. Ấy thế mà về nhà đã hơn chục năm, bận bịu chuyện nọ chuyện kia, thành ra quên cả nhau…
Thằng Mậu hỏi, giọng tiếc rẻ:
- Bố bỏ mùa chim à?
- Chim với chóc gì? Thằng Phong nạt em. Mới ra quân trận đầu đã thất bại rồi. Bố mua cước ở đâu mà kém thế?
- Nhà Đức Thành. Ông trả lời lời thờ ơ.
- Sao bố không bảo con mua ở Hà Nội…
- Cũng thế cả thôi. Kém lắm. Con đi cày con biết, chỉ hai cái vặn là đứt. Thằng Mậu xen vào. Mà bố đi mấy ngày?
- Cũng chưa biết thế nào. Ông Tiệp đáp qua loa rồi buông bát đứng dậy.
Suốt cả bữa cơm, hai người đàn bà – bà Tiệp và cô con dâu – không nói câu nào. Bây giờ bà mới lên tiếng:
- Thằng Phong hỏi xem bố mày đi đâu, lấy xe đưa ông ấy đi. Để đạp xe thì đến bao giờ!
- Con chịu! Thằng Phong lắc đầu. Cụ Khốt từ ngày về hưu, càng dở tính dở nết, ai mà chiều được. Chắc chỉ có mấy chiến hữu của các cụ là hợp tính nhau thôi…
- Sểnh mất đàn chim hôm nay cụ càng cáu – Thằng Mậu nhìn mẹ cười tít: - Giờ chỉ được mái tóc mẹ mà làm bộ dè thì bố tướng. Có mà chả hàng đời…
Cả mấy đứa con sững sờ nhìn mẹ, khiến bà Tiệp giật mình. Bất giác bà đưa tay lên búi tóc nặng chĩu sau gáy. Mặt bà thoáng nóng lên, làm bà nói một câu chẳng ăn nhập gì:
- Bạc mất nhiều rồi, các con ạ!
                                                            ***

Mới đấy mà đã ba mươi năm, cái ngày bà Tiệp còn là cô Thủy mười tám tuổi. So với con gái trong xóm, Thủy là người cao nhất. Cô cao đến một mét sáu hai. Ấy thế mà mỗi lần gội chải, thả dài mái tóc xuống quá đầu gối. Thủy không đẹp mấy, nước da bánh mật, giọng nói hơi cứng, nhưng lại nổi tiếng về mái tóc. Những buổi chiều thu heo may, Thủy thả mái tóc dài kẹp ba lá, làm cỏ lúa trên cánh ruộng rìa đường thì biết bao nhiêu sinh viên, tài tử đều phải sững sờ đạp xe chậm lại mà suýt soa hoặc buông lời bóng gió. Mẹ Thủy đã phải chép miệng:
- Con bé rồi sẽ khổ về mái tóc mất thôi!
Thủy cãi:
- Sao bảo người tóc xoăn mới khổ, chứ tóc dài thì việc gì?
- Thì đấy, ròi cô xem. Cái nhan sắc nó phô ra ngoài, lại không lận đận một đời. Cứ liệu liệu lấy thân!
Thủy cũng thấy hoang mang, cho nên nhiều chàng trai thả lời ướm hỏi, cô chỉ im lặng. Thực bụng Thủy cũng có ý kiến. Được người có chút chữ nghĩa thì khôn khéo quá, bay bướm quá. Nông dân lực điền thì hay cục cằn. Làm thân cái cọc, sờ sờ trước bãi cỏ may biết người ta buộc thạt hay buộc hờ?
Một bữa kia, có anh chàng cán bộ của ty nông nghiệp phất phơ đi lấy mẫu thổ nhưỡng thế nào lại cứ đòi lấy đất ở ruộng của Thủy đang cấy. Anh chàng hỏi đủ thứ về đất, về mạ, và cả về… cô. Được cái anh chàng đã nhã nhặn lại không sợ đỉa, nên Thủy vui vẻ trả lời. Anh ta cứ lan la mãi đến tối xẩm, rồi theo cô về nhà. Đến cổng Thủy mới thấy cái xe đạp của anh gửi đấy, thế là cô hiểu rồi. Tưởng đau xa, hóa ra anh Tiệp con cụ Can xóm Đá. Khổ thế, người cùng xã mà không biết nhau.
- Tại Thủy không biết anh đấy thôi, anh biết Thủy từ lúc còn nhỏ ti thế này này…
- Anh làm cán bộ, sang thế, làm sao chúng em biết được!
Đến lúc Tiệp “đặt vấn đề để tìm hiểu” thì Thủy rùng mình, mãi sau cô mới nói được.
- Nông dân chân lấm tay bùn như em, ai người ta thèm. Anh tìm hiểu chỉ phí công thôi.
Tiệp cười hiền lành:
- Anh cũng là nông dân mà ra đấy thôi. Mang tiếng cán bộ, nhưng cũng là cán bộ đồng ruộng, nào khác gì Thủy.
Thế rồi hỏi, cưới, lại mặt đủ cả. Thủy về làm dâu bên này để chồng đi công tác. Thứ bảy Tiệp mới về ăn cơm nhà. Có hôm thấy chồng không về, Thủy nhớ quá, mãi mười giờ đêm mới thấy anh hiện ra, lầm như ma vùi. Cô tíu tít đun nước cho chồng tắm rửa mà lòng vui như tết.
Đến khi thằng Phong được tám tháng tám thì chiến tranh nổ ra, Tiệp vào bộ đội. Thằng Phong đầy năm, Thủy bế con lên thăm chồng, thì đơn vị của Tiệp đã bí mật đi B. cô thui thủi ôm con ra về, lặng lẽ nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ chồng và thằng em chồng dở người.
                                                            ***

Ông Tiệp định chợp mắt tí trưa, nhưng không sao ngủ được. Lúc đầu ông cứ bị đàn chim ngói quấy rầy, vừa tiếc, vừa tức mình. Sau, ý nghĩ đưa ông sang chuyện khác. Thôi, bỏ mùa chim cũng chả sao. Từ ngày ở chiến trường về cơ quan cũ, cho là bận việc cơ quan, chứ từ hôm về nghỉ hưu cũng sáu bảy tháng rồi, mà không đi thăm anh em, thì cũng là người tệ.
Mai ông định sang Phú Bình thăm thằng Chiến. Lúc ông còn công tác trên sở nông nghiệp có gặp nó thồ bắp cải đi bán. Hắn khoe đã lấy vợ, ba đứa con, đang chuẩn bị làm nhà.
Hồi ở bộ đội miền Đông Nam bộ hai anh em đồng hương thân nhau lắm, mặc dù Chiến ít tuổi hơn và lại vào chiến trường sau ông. Nhớ lần ông bị phù, bấm cổ chân cứ lõm vào như vết sẹo, y tá cấm không cho ăn muối. Nửa đêm thằng Chiến đem cho ông một nắm, thì thào:
- Anh ăn đi, nhớ đừng có uống nước nhiều. Không có muối vào người nó lả đi thì chết.
Ông nhẩm từng hạt muối mà hồi sức như thuốc tiên. Sau lộ ra Chiến bị kỷ luạt từ a bậc
Phó (hạ sĩ) xuống làm chiến sĩ (binh nhì) vè tội đầu độc đồng đội. Tiệp áy náy quá, song Chiến lại bảo:
- Hạ sĩ hay binh nhì cũng là thằng lính thôi. Hòa bình là em tếch liền. Anh làm chứng cho không phải em đầu độc anh là em yêm tâm rồi.
Từ đấy anh em càng thương nhau như ruột thịt. Có lần giữa đêm khuya, nói hỏi Tiệp:
- Có vợ có thích không anh Tiệp?
- Thích gì. Nói thật với mày, tao nhớ vợ nhớ con vô cùng. Trai tân chúng mày còn vô tư, như tao dễ sinh tư tưởng lắm.
- Không! Em không hỏi cái tư tưởng. Thế hôm đầu tiên ngủ với nhau chị ấy tự cởi quần hay anh phải cởi?
- Cái thằng! Hỏi chuyện vớ vẩn.
Chiến vẫn điềm nhiên:
- Chả vớ vẩn đâu. Em hỏi để biết, nhỡ ra em có phải hy sinh thì em cũng được nghe kể để mà tưởng tượng xem đàn bà ra sao. Được cái thời này con gái toàn mặc quần chung nên cũng tiện nhỉ. Nhưng mà không bằng các cụ ngày xưa, toàn mặc váy, chỉ việc tốc lên…
Nghe tiếng cười khoái chí của Chiến, Tiệp càng nhớ vợ da diết. Lại thương nó quá. Nói dại, nếu nó chết mà chưa biết mùi đàn bà thì thật xót. Như mình thì dù sao cũng có được đứa con. May mà cả hai anh em cùng sống sót. Có điều không phải là sau hòa bình, Chiến “tếch” ngay, phải hơn hai năm sau, nó còn đánh một trận biên giới nữa mới bị thương, phục viên.
Tháng chín năm bảy lăm, là sĩ quan nên Tiệp được về phép trước. Mười một năm xa vợ con, xóm làng, anh trở về với niềm vui cháy ruột. Nhưng mới xuống ga, đã có người nhận ra anh, mời anh lên xe đạp và dội một gáo nước lạnh:
- Anh không biết thật à? Chị ấy ở nhà “cải thiện” được một thằng con trai, hay hay là…
Nghe tin đó, Tiệp tưởng như đang đứng giữa bãi bom B52. anh định tống vào miệng kẻ ton hót một quả đấm. Nhưng kẻ kia không biết, càng già:
- Người ta vì nước hy sinh còn chẳng tiếc xương máu, đằng này ở nhà sung sướng quá, đâm ngứa nghề. Đã vậy lại còn đặt tên là Mậu, nghe nói là kỷ niệm năm Mậu Thân…
Tiệp giạn đến nghẹt thở, anh nhảy khỏi gác ba ga xe đạp của hắn:
- Này, ông thấy người ta khổ sở, ông thích lắm hả? Tôi cấm ông không được nói đến gia đình tôi bằng cái giọng ấy. Nếu không đừng trách thằng này…
Gã kia sợ quá, phóng xe đi biến. Dọc đường gặp ai hắn cũng rêu rao: Tiệp nó về ròi đấy, phen này con mẹ Thủy chết!
Là người đầu tiên từ trong Nam ra sau hòa bình, Tiệp được dân làng quý lắm, kéo đến chật nhà đến tận đem khuya. Những nhà có con đi B cứ xoắn lấy anh mà hỏi. Cả những người không có ai đi bộ đội cũng đến chật sân. Đau đớn nhất là những ông bố, bà mẹ, người vợ có chồng con đã báo tử, cứ nhìn anh mà khóc. Cái không khí mừng vui lẫn đau đớn ấy cứ cuốn lấy anh, không dứt ra mà ngó đến vợ. Chị cứ tất bật đun nước, trông chó và giấu mặt. Mãi đến khuya, chỉ còn hai người, anh mới nói với vợ một câu sau mười một năm xa cách:
- Sáng sớm mai, cô đem thằng Mậu về ngay cho tôi!
Chị xổ tóc phục dưới chân chồng:
- Anh cứ giết em đi, em không đáng sống nữa. Chỉ xin anh đừng hành hạ thằng Mậu!
Nhìn mái tóc xòa phủ kín lưng vợ, Tiệp lạnh lùng:
- Ai bảo cô là tôi sẽ hành hạ thằng Mậu? Cô đã trát tro lên mặt tôi chưa đủ mà còn phải đem giấu thằng Mậu để người ta ỉa vào mặt tôi nữa à?
                                                           
***

Tiệp trở lại đơn vị, rồi sau đó chuyển ngành về cơ quan cũ. Lại cảnh giường cá nhân, cơm tập thể. Thỉnh thoảng anh mới về qua nhà, nhưng không hề nói với vợ nửa lời. Chịu đựng không nổi, vợ anh đã khóc lóc, van nài:
- Em thấy hay là anh thích ai thì lấy người ta đi. Trên cơ quan anh thiếu gì người. Em không dám trách đâu.
- …
- Nếu thấy khó thì anh ly dị em cũng được. Ba mẹ con em ở với nhau. Bao giờ thằng Phong nó lớn, anh lo cho nó…
- …
- Hay anh tính thế nào thì cũng nói cho em biết. Chứ hành hạ em thế này, khổ lắm.
Tiệp thấy xót xa trong lòng, nhưng anh vẫn không hề hé răng nói với vợ. Anh chỉ gọi thằng Phong vào, đưa cho nó gói tiền, và dặn:
- Đưa cái này cho mẹ mày và bảo đừng có lảm nhảm nữa, kẻo tao mà điên lên thì đừng có trách!
Rồi anh gọi thằng Mậu vào. Nó mười tuổi, nhưng gầy và đen quá, suốt ngày xúc tép, bắt cua ngoài đồng, áo xống chẳng ra hồn. Anh xoa đầu nó;
- Con đi học được mấy điểm?
- Con được toàn điểm bốn thôi bố ạ. Chưa bao giờ con được bảy điểm.
- Chết thật, sao con kém thế?
- Mẹ bảo con học hết lớp Năm thì nghỉ. Ở nhà đi chăn trâu với lại đi ỏi (1) thích hơn, bố nhỉ!
Tiệp thấy buồn quá, anh lấy tờ giấy đo bàn chân nó, định bụng mua cho nó đôi dép. Tháng sau anh đem về cho thằng Phong và nó, mỗi đứa một bộ quần áo và đôi giầy giống hệt nhau.
Đúng ra anh cũng để ý một cô trong cơ quan. Cô này cũng mến anh, tuy biết anh đang có vợ. Nhưng anh lại thấy sợ. Mà sợ cái gì thì Tiệp không ý thức rõ rệt. Sợ cho tuổi tác hay nhân cách của mình. Thôi đành với hoàn cảnh cụ thể vậy. Có hèn nhát không? Có thiệt thòi không?
Thực tâm đáy lòng, anh rất thương vợ. Ngần ấy năm trời anh đi biền biệt, một tay Thủy nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ chồng cho đến khi nằm xuống rồi lại nâng lên cải táng mộ tròn, mộ dài yên đẹp. Cả thằng em ruột nh, vì dở người không ai lấy vào bộ đội, thế rồi cũng vợ con đàng hoàng. Nếu có anh ở nhà được như vậy cũng là giỏi.
Đã mấy lần Tiệp định hỏi vợ về cha thằng Mậu. Cũng chẳng phải để bắt tội bắt vạ gì người ta, mà là để biết, rồi cũng có ngày cho nó biết gốc tích. Sau này anh mới biết rằng ngày ấy làng anh có mấy đợt bộ đội đóng quân huấn luyện. Thằng Mậu là con của một trong số những người lính ấy. Những người lính như thằng Chiến đem vào nơi hy sinh chết chóc một tâm hồn ngây thơ và nỗi khát khao cháy bỏng.
Thế rồi chúng lớn lên rất nhanh. Thằng Phong lấy vợ và trở thành một thằng đàn ông lông bông. Làm ruộng thì đại khái, thọc gậy xuống nước. Mẹ nó phải bán đi đôi lợn tạ và hơn tấn thóc để mua cho nó chiếc xe cúp. Đi rểu chán về vứt cho thằng Mậu lau chùi, nhưng chớ có được ngồi lên yên. Ông thất vọng về nó lắm, nhưng không biết làm sao. Cong việc đồng áng thằng Mậu cáng đáng hết. Nó vất vả thế mà vô tư, hay cười. Năm nay nó đa xhai mươi ba rồi.
… Ông Tiệp chợp mắt được một lúc, mơ màng ngồi dậy. Hình như ông vừa nằm mơ gặp thằng Chiến. Cũng không chắc đã phải thằng Chiến, mà là thằng nào đó, hao hao như thằng Mậu…
Ông ra giếng rửa mặt rồi dắt cái xe đạp bỏ không từ ngày về hưu ra bơm lên. Đang lắc thử thì thằng Mậu vác cuốc về. Nó toe miệng đon đả:
- Con như bố nhất định con bắt anh Phong đèo đi. Con tám mốt này hết sảy!
Ông Tiệp phì cười vì cái giọng bắt chước tiếng miền Nam của nó.

                                                            ***

Ông Tiệp ở chơi nhà Chiến ba ngày. Hắn còn định giữ ông ở chơi nữa, nhưng ông kiếu. Nó bảo:
- Bác không đẻ nữa thế là bác sướng. Như em đây, bốn đứa rồi mà mẹ nó còn đeo ba lô ngược kia kìa. Thế mới gay chứ. Thành ra bác đến chơi với em là quý hóa lắm. Em thì chưa thể dứt ra được. Nhưng thế ào rồi em cũng phải sang thăm hai bác. Cưới vợ cho thằng cháu lớn, em có nhận được tin nhưng bận quá đành khất lỗi. Chứ mà cưới vợ cho thằng thứ hai thế nào chúng em cũng có mặt đông đủ. Sáu, bảy cái tàu há mồm này nó mà đổ bộ vào nhà bác thì cứ gọi là phải nồi quân dụng mới đủ…
Chiến vẫn vo tư quá, sung sướng quá, trong khi đó ông Tiệp lại thấy chạnh buồn. Vợ chồng Chiến chất nào lạc, vừng, gạo nếp lại cả một con gà trống lên xe ông. Ông càng từ chối, hắn càng bô bô:
- Bác không nhận là em giận. Em giân thât chứ không đùa. Nhà em trông thế chứ không nghèo đâu nhá. Em chỉ còn thiếu cái nhà mái bằng, cái xe máy, cái vô tuyến, cái cát-xét nữa thôi. Vài năm nữa bác sang chơi là đủ hết.
- Chú mày chỉ thiếu những cái vặt vãnh thôi nhỉ? Ông cười.
- Nói cho vui vậy chứ mình phải chiến đấu bác ạ. Làm thằng lính thì phải chiến đấu đến cùng.
Đạp xe ra đến đường cái ông Tiệp vẫn còn lây cái vô tư của Chiến. Năm nay hắn cũng đến bốn mươi ngoài rồi mà còn trẻ thế.
Lâu không đạp xe, mệt thật, với lại mình cũng yếu rồi. Vừa cắm cúi đạp ông vừa nghĩ ngợi. Tự nhiên ông Tiệp thấy mình hơi hoa mắt, cả người và xe cứ lảo đảo. Ngó xuống cánh đồng ông thấp thoáng thấy mấy người đàn bà đang làm cỏ lúa. Lại nghe tiếng người quát vào sau lưng:
Bố già đi thế nào thế? Vào làng nghỉ đã, mai về…
Ông giật mình toan quay lại thì cả người và xe đã đâm sầm xuống ruộng. Ông bất tỉnh.
Đến lúc hồi lại, thấy có tiếng người lao xao, ông Tiệp chập chờn nhận ra khuôn mặt ông cụ già, cười hả hê:
- Bác ấy tỉnh rồi đây này, con này! Thế mà tao cứ lo quá.
Ông Tiệp hơi ngượng, toan ngồi dậy;
- Cụ là…?
- Bác cứ nằm nghỉ đỡ. Thấy bác bị ngã xe ngoài đường, các cháu nó mới đưa bác vào đây. Chúng tôi nghĩ bác thế nào cũng bị nặng cơ, hóa ra lao xuống bùn, chả việc gì…
Thật là hú hồn, ông lo lắng nghĩ, rõ là có người hô to sau lưng mình. Nhưng một giọng đàn bà còn trẻ, đã kể:
- Đường không mông quạnh, đnag làm cỏ, thấy bác cứ chao đảo lại tưởng bác đùa chơi. Sau thấy xe bác đâm xuống ruộng mấy chị em mới chạy lại, hô hoán người nhà ra võng bác về. May quá! Bác thấy trong người thế nào?
Người vừa kể đó là một phụ nữ đến bốn mươi, khuôn mặt gầy gò khắc khổ. Ông Tiệp chống tay ngồi dậy ngượng quá, khi thấy bộ quần áo đang mặc không phải của mình.
- Không sao đâu, cụ và chị ạ. Tôi thật làm phiền gia đình.
Cụ già vuốt chòm râu thưa:
- Phiền phức gì, bác chớ phải cả nghĩ. Con người với nhau, thấy bác bị tai nạn, chúng tôi cũng phải giúp chứ. Mà tôi hỏi không phải, bác người đâu ta? Đi có việc gì thế?
- Nói giấu gì cụ, tôi người bên Phổ Yên, về nghỉ hưu rồi. Được rỗi rãi, sang thăm anh bạn ngày trước cùng ở bộ đội trong Nam…
- Ô, quý hóa quá! Anh em cùng vào sinh ra tử, sống sót mà về, giờ đi lại là chỗ quý khác nào ruột thịt. Tôi cũng có thằng con đi B, cái số nó mỏng, nên hy sinh ở Quảng Trị, Khe Sanh năm sáu tám!
Ông Tiệp im lặng gật đầu, cảm thấy có lỗi với tất cả những người đã hy sinh mà mình lại được sống. Ông định xin phép về, nhưng ông cụ cư một mực giữ lại:
- Không được! Bác còn yếu lắm. Nghỉ đay với chúng tôi một đêm, mai hẵng về. Trời cũng muộn rồi, lỡ đi đường có chuyện gì hóa ra chúng tôi có tội!
Thấy từ chối mãi bất tiện, mà mình thì cũng mệt,ông Tiệp đành phải ở lại:
- May quá, nhờ được gia đình ta, chứ ở chỗ khác không biết tôi sẽ ra sao…
- Ối dào! Thời buổi toàn nghe mãi chuyện xấu xa, đâm chém, cướp bóc… Nói thế thôi chứ người tốt lúc nào thiếu.
- Vâng! Cụ dạy phải.
Xẩm tối, mam cơm gà được dọn lên. Bấy giờ ông Tiệp mới biết, nhà này chỉ có hai vợ chồng già và cô con gái. Chiếc đèn tán được thắp lên treo giữa nhà. Ông cụ rót chén rượu mời khách. Ông Tiệp đón lấy uống cạn, đặt cái hén xuống ngẩng nhìn lên và nhận ra tấm ảnh trên bàn thờ. Ông tái mặt đi, nhìn đăm đăm. Đúng là thằng Mậu ! Ảnh thằng Mậu đang cười trên bàn thờ! Giwoif Phật ạ!
Thấy ông Tiệp cứ ngay người nhìn tấm ảnh, cụ chủ nhà gắp miếng thịt gà vào bát khách, giục:
- Mời bác xơi! À, anh thằng con tôi hy sinh tỏng Nam đấy. Eu còn, năm nay nó cũng bốn nhăm. Thằng Hưng tuổi tý, bà nhỉ?
Bà cụ móm mém nhấm miếng khoai tây, gật đầu. Ông Tiệp thảng thốt:
- Xin phép hai cụ, cho cháu được thắp nén hương với người quá cố, cũng là anh em lính với nhau cả…
Cô con gái nhanh nhẹn đốt ba nén hương đưa cho ông. Ông Tiệp đến trước bài vị người chiến sĩ xá ba xá.
Lúc ông Tiệp quay lại, thấy bà cụ và cô con gái sụt sịt. Ông cụ chủ nhà hỏi:
- Ở bên Phổ Yên, bác ở về làng nào?
- Dạ thưa cụ, cháu ở Sơn Cốt.
Cô con gái thấy vậy góp chuyện:
- Anh Hưng em đi bộ đội cũng đóng quan ở Sơn Cốt. Em có snag thăm anh ấy nhưng không gặp, đúng hôn đơn vị hành quan dã ngoại lên Đại từ. Thế rồi đi B anh ấy cũng không được về nhà…
Ông cụ tiếp lời con gái:
- Chả giấu gì bác, tôi làm bạn với bà nhà tôi cũng hiếm hoi, đẻ nhiều mà chỉ nuôi được có hai đứa. Thế rồi thằng Hưng hy sinh. On hoa đây năm nay cũng bốn mươi rồi. Lúc còn thì, còn lứa ai hỏi cũng chả lấy, nó bảo anh nó đã hy sinh rồi, thì nó ở vậy trông nom cha mẹ. Thế bác được mấy cháu?
- Dạ, cháu được hai thằng!
Ông Tiệp buột miệng. Lòng ông chếnh choáng buồn. Vừa lúc ấy một con gió thốc vào thổi tắt ngọn đèn ba dây. Và gió cũng thổi rực lên ba nén hương hiện rõ khuôn mặt người trong ảnh. Có tiếng ông cụ:
- Tìm cho thầy bao diêm, con Hoa. Tháng này rồi mà còn muốn bão!

                                                            ***

Ông Tiệp về đến nhà cũng đã chiều lắm. Thằng Mậu đang gò lưng kéo nước rửa xe cho thằng Phong. Lúc xem xe, Phong chửi:
- Tiên sư bố thằng Mậu! Mày rửa ráy thế nào mà còn đầy bùn thế này? Ra đây tao bảo.
Thằng Mậu tò tò ra, Phong chỉ vào gầm xe, dúi đầu Mậu:
- Mày nhìn xem! Cái mả bố mày đây à?
Rồi nó đá thằng Mậu một phát vào sườn làm thằng bé vẹo người, ôm bụng nhăn nhó. Ông Tiệp nổi giạn quát:
- Phong? Mày chửi cái gì thế? Vào đay tao bảo.
Phong nghênh ngang đi vào, mồm còn càu nhàu. Ông Tiệp giạn tái người, giang thẳng cánh tay, tát con. Bị bất ngờ nên thằng Phong không kịp đỡ, ngã chúi vào cánh cửa. Ông lao tới tát liên tiếp mấy cái nữa làm nó phải kêu rú lên. Ông gằn giọng:
- Ai dạy mày ăn nói bố lão thế, hả? Mày chửi ai? Mày chửi nữa đi tao xem?
Bà Tiệp từ trong bếp thấy chồng bênh thằng Mậu thì nở từng khúc ruột, nhưng lại xot cho thằng Phong. Bà chạy lên ôm lấy ông:
- Thôi! Ông cho tôi xin. Nó không nên không phải thì ông dạy nó. Nó đã lớn, có vợ có con rồi, đừng đánh nó nữa…
Ông vùng khỏi bà, ngồi phịch xuống ghế thở:
- Lớn rồi mà ăn nói mất dạy thế à? Tao hỏi mày, nó có phải là em mày không, Phong? Từ nay trở đi, tao cấm mày không được ăn nói chửi bới hỗn láo như thế nữa, nghe chưa? Tao không tha đâu!
Tối hôm ấy, cả nhà cơm nước xong, thằng Phong đèo vợ con đi chơi, thằng Mậu cũng khoác áo đi đâu đó. Nhà chỉ còn hai ông bà, bà Tiệp sảy xong nắm gạo rồi vào buồng mình nằm.
Ông Tiệp uống hết ấm chè mà ruột gan bời bời, đứng lên ngồi xuống mấy bận. Sau ông mạnh bạo bước vào buồng vợ. Dưới ánh ngọn đèn hạt đỗ bà nằm, đầu trùm cái khăn vuông hoa. Thấy ông vào, bà hốt hoảng ngồi dậy, rồi bối rối nhích vào góc giường y như cái đêm đầu tiên cách đây đã ba mươi năm. Ông dè dặt ngồi xuống, giọng lạc đi:
- Thằng Mậu nó đi đâu?
Bà lo lắng:
- Tôi không biết! Chắc nó đi xem nhờ vô tuyến.
Ông nắm lấy bàn tay khô và chai của vợ:
- Tôi biết nó đi đâu rồi. Này…
Bà run quá:
- Chết, nó đã làm gì…?
- Tôi bàn thế này. Phiên chợ sau, bà mua cho tôi một tút thuốc Du lịch. Chè thì ở nhà có rồi, chiều mai tôi hái, sao.
Bà đã hiểu ra, đau đớn hỏi:
- Sao bao lâu nay ông không làm? Hay là bây giờ mới cần?
Ông thu cả hai chân lên giường, ôm vai vợ, lắc nhẹ:
- Bà tưởng tôi đi hỏi vợ cho tôi à?
- Thế ông định làm gì?
- Vợ chồng mình phải đến nói với ông bà ông Chung một tiếng. Lâu nay thằng Mậu nó vẫn đi lại tìm hiểu cái Lan nhà người ta. Phải không?
Bà Tiệp sững sờ nhìn chồng, rồi cứ thế để cho nước mắt trào ra, chảy xuống, không thể nào ngăn được. Ông Tiệp lau nước mắt cho vợ:
- Thôi. Bà đừng khóc nữa, già rồi, trẻ nó cười. Lấy vợ cho thằng Mậu nữa là chúng mình hoàn thành nhiệm vụ làm cha, làm mẹ với chúng nó…
- Tôi xin đội ơn ông. Tôi thương thằng Mậu quá. Không biết…
Ông kéo vợ lại gần hơn:
- Bà định nói về cha thằng Mậu phải không? Có thể anh ấy đã hy sinh rồi. Nhưng thế nào rồi mình cũng tìm được gốc tích để đưa nó về… cho nó biết. Thôi, nín! Nín bặt!
Ông giở chiếc khăn trên đầu vợ, định hôn lên đôi má đẫm nước, chợt giật thót:
- Trời ơi! Sao đầu tóc bà lại thế này?
Ba Tiệp hốt hoảng đưa hai tay lên ôm lấy đầu rồi ngước nhìn chồng cười trong nước mắt sung sướng, chỉ tay lên đầu giường:
- Kia kia. Tôi cắt cho ông làm bộ dèo lưới. Được không?
Ông Tiệp lắc đầu xót xa:
- Không đáng phải thế. Nhưng bà đã cắt rồi thì để cho tôi.
Ông nhoài người vặn nhỏ ngọn đèn, nhỏ thật nhỏ đến khi chỉ còn là một cái chấm xanh. Ông ôm bà vào lòng, hai tay lùa trong áo. Tất cả đã khác xưa, chỉ còn lại duy nhất là ngọn lửa rừng rực nóng tỏa ra từ than thể người vợ sau ba mươi năm.
Vâng! Đúng ba mươi năm!
                                                                                    Bắc Thái 1990
                                                                                    Sài Gòn 1993


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét