Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

NGOẠI Ô

      Tôi cầm hộp bánh in màu sặc sỡ, và có lẽ rất đắt tiền lên ngắm nghía, săm soi mà chưa quyết định có nên cho vào túi xách không? Có nên đem món quà sang trọng này về biếu ngoại không? Nó đắt tiền và bóng nhoáng nhưng lại rất xa lạ với ngoại tôi. Đó là hộp bánh của anh Tường, người cùng cơ quan với tôi, một người đàn ông lịch lãm và mạnh mẽ. Anh đem về từ một siêu thị bên Singapore tặng tôi và nói:
      - Anh đem món quà này dành tặng em, hy vọng là em sẽ thích, bởi nó hợp với em, “thiếu phụ ô mai” ạ!...
      Tôi thoáng mỉm cười và cảm thấy đôi má mình nóng lên, ngước lên nhìn mình trong gương. “Thiếu phụ ô mai” đang nhìn tôi ánh lên một nét cười hãnh diện. Ba mươi ba tuổi, tôi đâu còn trẻ trung, nhí nhảnh gì nữa, có gì liên hệ đến “ô mai” nhỉ? Bao nhiêu thời gian, những nỗi vui buồn nhọc nhằn hằn đọng lại trên khuôn mặt, gò má và ánh mắt tôi! Vậy mà anh Tường, chỉ một mình anh thôi gọi tôi bằng cái biệt danh ấy.
      Đang mải với những ý nghĩ vẩn vơ của mình, bé Thụy Vũ từ trong phòng gọi váng lên:
      - Mẹ ơi, mẹ! Con tìm hoài không thấy cái đầm xanh của con. Mẹ cất đâu hả mẹ?
      Tôi đặt hộp bánh xuống, ngó đầu qua cánh tủ:
      - Ở đâu đó chớ mẹ cất đâu làm chi! Mà đầm xanh là đầm xanh nào. Có phải cái đầm dì Hiền gởi về hồi năm rồi không?
      - Hổng phải mẹ ơi! Con bé phụng phịu. Cái đầm bác Tường tặng bữa sinh nhật đó...
      Trời! Con bé thật nhiều chuyện. Cái đầm rộng thùng thình vậy mà nó cứ thích mặc. Tôi toan mắng nó mấy câu thì nó reo lên:
      - A đây rồi mẹ ơi. Mẹ xong chưa? Đi lè lẹ lên kẻo bà cố trông. Nãy giờ con nhảy mũi mấy lần rồi đó!
      Con bé vừa chạy ra miệng không ngớt giục mẹ. Tôi đứng trước gương, phân vân chọn màu áo. Mãi sau tôi cầm lên chiếc sơ mi màu đỏ, có lẽ cũng hơi chật vì may cách nay hơn hai năm. Đó là chiếc áo màu đỏ duy nhất mà không hiểu vì một sự ngẫu hứng nào mà tôi lại may nó, dù tôi cho rằng mình không hợp với màu này, nó rực rỡ quá. Vậy mà mới năm ngoái, khi anh Tường mới chuyển về Viện, trong lúc chỉ có hai người chúng tôi chuyện dông dài về thời trang, anh bảo tôi:
      - Trước khi về Viện, tôi đã nghe nói đến Bạch Mai. Không hiểu sao, tôi cứ hình dung ra Mai phải mặc một chiếc áo màu đỏ thắm!
      - Trời đất! Nghe tên Bạch Mai mà lại nghĩ người ta mặc áo đỏ?
      - Vậy đấy! Với làn áo đỏ rực rỡ ấy, khuôn mặt Bạch Mai hồng lên đầy vẻ hạnh phúc...
      - Lầm rồi bạn ơi! Nhưng mà, Mai nói anh Tường nghe nha. Đúng là Bạch Mai có một chiếc áo sơ mi đỏ. Bất thường Mai thích màu đó rồi may, nhưng chưa dám mặc!
      Anh Tường nhìn lên trần nhà cười bâng quơ:
      - Quả là linh tính tôi không sai!
      - Thôi đừng xạo quá đi cha nội. Linh tính gì? Còn linh tính gì nữa?
      - Còn! Linh tính cho tôi biết nhiều điều về bạn nữa, nhưng chưa nói ra được. Sẽ có một ngày bạn thấy hạnh phúc nhất, ngày đó bạn sẽ lấy chiếc áo đỏ thắm ra mặc. Đó là lúc tâm hồn bạn thanh thản, bạn nghĩ về những người thân, những người luôn yêu thương và gắn bó với bạn. Lúc đó, khuôn mặt, đôi má bạn hồng lên, tràn trề niềm vui...
      Nghe những lời của Tường, tôi cũng thấy vui vui, phá lên cười:                                                               - Cha! Bữa nay Viện ta có một chàng thi sĩ chánh hiệu! Bữa nào anh Tường làm tặng Mai bài thơ nghe!...
      Tường ngưng nói, trong ánh mắt anh nhìn tôi, làm tôi có cảm giác mình đang hạnh phúc, đang mặc chiếc áo màu đỏ thắm...
      Tôi cầm cái áo đỏ ướm thử lên người. Bé Vũ, con gái tôi reo lên:
      - Mẹ mặc cái áo này đẹp lắm đó, mẹ! Thế nào bà cố cũng khen mẹ đẹp cho coi. Mà cả dì Hiền với chú ... chú gì nữa hả mẹ, con quên rồi?
      - Con chỉ được cái miệng. Biết gì mà đẹp với xấu?
      - Con biết chớ bộ... Ai cũng khen mẹ đẹp, nhứt là bác Tường!
      Tôi thấy hai gò má mìmh nóng hổi, mắng át con bé:
      - Mẹ nghỉ chơi với con đó nha, nói tầm bậy không! Thôi được rồi, để mẹ mặc cái áo này coi sao. Bữa nay về quê ngoại chắc không ai cười đâu!
      Con bé nhảy chân sáo tưng tưng, reo lên:
      - Hoan hô mẹ! Mẹ đẹp quá chừng!

*
  *   *

      Mặt trời lên khỏi rặng dừa nước, rọi chiếu những tia nắng mùa đông vàng cháy xuống thảm lúa. Qua khỏi ngã ba lối rẽ vào Bình Phước một đọan, con đường trải nhựa chấm dứt. Trước mặt tôi là con lộ nhỏ đỏ xậm màu bụi. Thỉnh thoảng những chiếc xe lam nặng nề và cần mẫn chạy ngược ra phía thị trấn phủ lên bầu không khí một làn bụi hồng. Bé Thụy Vũ ngồi sau lưng tôi thỉnh thoảng lại ôm ghì lấy lưng mẹ, mỗi khi bánh xe lọt xuống một ổ gà. Những lúc như thế nó vừa sợ, lại vừa thích thú. Đến khi xe chúng tôi rẽ xuống một con đường nhỏ, con bé réo lên:
      - Mẹ ơi! Dừng lại đi mẹ.
      - Sao vậy con. Ngồi im để mẹ chạy xe, chừng chút xíu là tới nhà bà cố và ông dượng thôi con.
      - Mẹ dừng lại đi. Con muốn đi bộ.
      Thấy ý nghĩ của con tôi ngồ ngộ, tôi cũng thấy thích. Tôi cho xe dừng lại dưới bóng mát của cây trâm bầu rồi trải tấm áo mưa ra ngồi xuống. Bé Vũ chạy bay xuống rệ đường, nó đuổi theo một con chuồn kim. Tôi la nó:
      - Coi chừng té, con...
      - Mẹ đừng lo.
      Một lát sau nó chạy lại bên tôi, thì thào:
      - Cho con ở đây chơi chút nghe mẹ. Chừng nào con bắt được một túi cào cào...
      - Chừng nào con mới bắt được. Hồi nhỏ, mẹ cũng ham bắt cào cào với bướm...
      - Hồi đó mẹ có ra đây chơi không, hả mẹ?
      - Có. Hồi bằng tuổi con mẹ vẫn thường ra đây chơi với những con cào cào, bầy nhện nước và những con chim sẻ đồng.
      - Sao con không thấy con chim sẻ đồng hả mẹ?
      - Mẹ cũng không biết nữa. Có lẽ chúng mải đi kiếm ăn.
      Con bé phụng phịu:
      - Sao chim cũng phải đi kiếm ăn ? Nó cũng có con hả mẹ?
      - Có chứ! Chúng cũng phải nuôi con.
      - Thế ba nó đâu? Ba nó cũng đi làm ăn phải không? Giống như ba của con vậy hả?
      Tôi không biết trả lời sao cho con bé hiểu. Thấy tôi im lặng, nó cũng không hỏi nữa mà lặng lẽ cò dò nhón chân rình bắt một con cào cào đậu trên lá cỏ.
      Tôi nhìn theo con gái mà bồi hồi nhớ về tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của tôi in hình những tiếng pháo nổ, xe tăng gầm rú và những đụn khói đen đùn lên ở phía chân trời. Tôi thường lủi thủi một mình trong góc vườn của ngoại, lặng lẽ tìm hiểu cái thế giới bí hiểm và hấp dẫn quanh bụi trúc. Mỗi lần ngoại đi đâu quanh trong xóm lại gọi tôi vào và căn dặn:
      - Con ở nhà dòm chừng nhà cho ngoại nghe, chớ có đi chơi xa kẻo trúng đạn pháo. Cơm nguội ngoại để trong bếp, kho nào đói con lấy mà ăn nghe!
      Những lời dặn dò của ngoại mà khi lớn lên tôi mới hiểu, nó giống như lời dặn của người đi xa. Mà ngoại đi đâu nhỉ? Xa hay gần mà sao tôi không được đi theo. Một lần ngoại bảo tôi thay quần áo để ngoại cho đi chơi. Tôi thích lắm, luôn miệng hỏi đi đâu, ngoại không nói. Mãi sau tôi vừa đi vừa hỏi lẵng nhẵng, ngoại cúi xuống mắng yêu tôi:
      - Đi kiếm cái thằng cha mầy chứ còn đi đâu. Hỏi gì mà hỏi hoài vậy?
      Tôi ngỡ rằng ngoại mắng tôi thiệt, nhưng không ngờ... Ngoại dẫn tôi ra chợ, đông người lắm, tôi cứ bám chặt lấy một bên ống quần của ngoại, sợ lạc. Ngoại dẫn tôi vào một hàng bún riêu, kêu cho tôi một tô nhỏ. Trong lúc tôi đang xì xụp ăn thì có một người đàn ông đến ngắm nhìn tôi chăm chú, làm tôi sợ. Ông ta hỏi tôi có đi học không, có hay nhõng nhẽo không? Tôi cảm nhận được ánh mắt dịu dàng của ông nên không sợ nữa. Khi ông hỏi tôi có hay bị má rầy la không thì tôi nói thiệt tình: “Má đi chợ hoài, khuya mới về, có lúc nào rảnh mà la con!”. Nói xong tôi liếc nhìn sang ngoại, thì ngoại đang mua trầu ở bên cạnh. Ông cúi xuống hôn lên cái đầu khét nắng và lọn tóc đuôi gà của tôi rồi lặng lẽ đứng dậy, lẫn vào trong đám đông. Lúc mgoại quay lại, tôi hỏi ai vậy, ngoại không nói, nắm tay tôi dẫn ra cửa chợ.
      Đấy chính là ba tôi. Ba tôi hoạt động bí mật trong nội thành, không được phép để lộ tung tích. Lần ấy, là lần đầu tiên ba con tôi được gặp nhau trong chốc lát, nhưng tôi thì không biết đó là cha mình! Về nhà ngoại dặn tôi, có ai hỏi đi đâu và gặp ai thì đừng nói. Tôi dạ, nhưng cứ muốn hỏi lại. Cho đến một hôm má đi chợ về sớm, má gội đầu bằng xà bông thơm hiệu Cô Ba cho tôi. Lúc ấy tôi kể chuyện ngoại dẫn ra chợ gặp “một ông nào lạ hoắc, lạ huơ”, má ôm tôi vào lòng, vỗ nhè nhẹ lên lưng tôi trìu mến....
      Năm 1968, Tết Mậu Thân, má tôi bị bắt vì làm giao liên nội thành, rồi bị tra khảo đày ra đảo Phú Quốc, rồi hy sinh ngoài đó. Năm ấy tôi tám tuổi, lâu quá không thấy má ve, hỏi ngoại, ngoại ôm lấy tôi mà khóc:
      - Má bây hy sinh rồi, Bạch Mai à! Con ngoan, ngoại thương, Đừng khóc nhiều, lính bắt đó!
      Tôi oà khóc nức nở, tôi nói tôi không sợ lính. Lính bắn chết má tôi, tôi phải đi tìm má! Tôi phải trả thù cho má!
      Sáu năm sau, tôi được gặp ba. Lúc này tôi đã mười bốn tuổi, nên ngoại không còn giấu tôi nữa. Tôi ôm lấy ba mà khóc, đòi đi theo ba. Nhưng ba đã khuyên tôi:
      - Ba về thăm con chuyến này để đi công tác xa, không thể đưa con đi theo được. Hơn nữa con phải ở nhà trông nom ngoại. Ngoại đã già, mà má con hy sinh rồi, các cậu thì thóat ly hoạt động, con không ở nhà nuôi ngoại thì ngoại buồn lắm...
      Tôi rời khỏi vòng tay ba, chạy lại ôm lấy ngoại:
      - Ngoại ơi, con thương ngoại quá. Con sẽ ở bên ngoại mãi mãi...
      Ngoại vuốt tóc tôi:
      - Bây để cho ba bây đi công tác, chừng nào hòa bình, độc lập nó về. Theo nó làm chi, quẩn chân người ta, đi đánh giặc chớ đâu phải đi hội hè gì...
      Năm sau, gần đến ngày giải phóng tôi lại nhận được tin ba tôi hy sinh. Lúc này tôi không khóc được nữa, một lòng tìm các chú, các cậu tôi để xin đi kháng chiến. Tôi còn dì Út học may trên thành phố rồi ở lại lấy chồng trên đó luôn không thấy về, chỉ thỉnh thoảng gởi tiền về cho ngoại tôi. Một lần dì về tôi hỏi, dì nói bận, với lại đường đi khó khăn quá. Có lần tôi đã chuẩn bị mấy bộ đồ tính đi tìm dì Út trên thành phố. Đi được một quãng đường ngang qua chỗ tôi ngồi đây, nghĩ thương ngoại quá, tôi lại quay về.
      Năm sau giải phóng, tôi được các chú các bác cho đi học tiếp, học miết thành kỹ sư về công tác ở Viện nông nghiệp đến nay. Có lúc nằm nghe tiếng xe máy ồn ã trong thành phố, tôi khóc thầm thương ngoại thui thủi ở quê nhà...
      Nhìn bé Thụy Vũ, con gái tôi tung tăng hái hoa, đuổi bướm, tôi thấy lòng mình chùng xuống. Ước gì tôi được sống lại tuổi ấu thơ gian khổ, thiếu thốn, nhưng biết bao đầm ấm trong vòng tay của ngoại.
*
*   *

      Một toán người đàn ông ăn mặc sang trọng đi lại phía chúng tôi. Bé Vũ thấy có người lạ, vội bỏ dở cuộc chơi chạy đến bên tôi, dõi mắt về phía có người. Ánh mắt của nó lộ rõ vẻ tò mò lẫn sự sợ sệt. Tôi nhìn kỹ, đi đấu toán người là ai in hình như cậu Bảy tôi. Đúng rồi! Trông dáng đi xiêu vẹo vì mất một chân, phải dùng chân giả của cậu, tôi nhận ra ngay. Sau ngày hoà bình, cậu Bảy không ở lại công tác trên thành mà xin về nhà ở với ngoại. Cậu nghèo, nhưng cậu mợ tôi chăm chỉ trên mảnh vườn đám ruộng cũng đủ đắp đỗi. Chỉ phải cái đông con quá, nên vất vả. Tôi đứng dậy, chờ toán người lại gần rồi chạy ào tới nắm tay cậu tôi:
      - Cậu! Cậu đi đâu ra tận ngoài này vậy? Ngoại khỏe không cậu? Mợ có khỏe không? Mấy đứa học hành tốt chớ?
      Cậu tôi đứng ngây nhìn tôi, mãi sau mới nói:
      - Từ từ hỏi, con nhỏ này làm gì dữ vậy? Sao còn ngồi đây? Mà ai biểu mầy chạy đường này làm chi cho khổ?
      - Thì còn đường nào nữa? Đường này về nhà mình chớ bộ!
      Tôi làm bộ xịu mặt hờn cậu, bất chấp mấy vị khách cùng đi nhìn tôi cười mỉm.
      - Con nhỏ này tệ thiệt, có đến mấy năm không về nên lạc hậu quá trời. Người ta mở con lộ đất đỏ chạy bọc quanh xã, sát cạnh nhà tao, đi xe hon đa xịch vô tận nhà.
      - Vậy ha cậu? Con... Con trở về bằng con đường tuổi thơ của mình...
      Không ngờ tôi lại thốt ra câu nói như một câu thơ. Chợt nhận ra có những vị khách, tôi cười gọi bé Vũ lại chào ông Bảy. Nó ngoan ngoãn khoanh tay chào ông và mọi người đi cùng rồi nép vào bên tôi.
      - Cậu còn đi đâu nữa không, con về trước đây. Cậu có thấy vợ chồng con Hiền về chưa?
      - Chưa! Tao đưa mấy anh trên thành phố xuống xem đất. Giới thiệu với mấy anh, đây là con Mai, cháu tôi. Nó là kỹ sư cũng công tác trên thành phố. Bữa nay, chà! Hai mươi ba rồi, tiễn ông Táo mới chịu về! Hư quá!
      Tôi bắt tay các vị khách:
      - Mấy anh định mua đất tận đưới này sao?
      Một vị còn trẻ, đeo lủng lẳng bên sườn một cái máy điện thoại di động, đáp lời:
      - Chúng tôi muốn nhờ anh Bảy, thổ địa bên này chỉ cho mua vài miếng.
      - Các anh vừa ý chưa?
      - Cũng đang xem xét, mà mấy ông mấy bà ở đây nói giá trên trời gì đâu không. Mua bán với mấy vị nông dân coi bộ khó quá.
      Tôi nhận thấy mình không mấy cảm tình với các vị này, nên hỏi:
      - Sao? Mấy anh chê đất ở đây à?
      - Chê thì không phải chê. Có điều hơi đắt...
      - Tấc đất tấc vàng, mấy anh có nghe nói không? Cũng phải vài chỉ một mét vuông chớ không ít đâu. Tôi ráng cười cho thật tự nhiên.
      Một vị trung niên, vừa đứng vặn lưng vừa nói xen vào:
      - Cô nói cứ như đất bên quận nhất, quận ba không bằng! Cô nhìn coi, nãy giờ tụi tôi với ông Bảy lội sình không, toàn  ao ruộng...
      - Có cả mảnh bom, mảnh đạn nữa! Một ông đứng sau lên tiếng.
      Tôi nghiêm mặt hỏi lại ông ta:
      - Anh có biết vì sao đất ở đây đắt không?
      - Cô nói sao?
      - Trước hết, vùng này đã có dự án nằm trong vùng quy hoạch đô thị. Nó sẽ trở thành nội ô trong nay mai. Việc này chắc cậu tôi chưa biết?
      Cậu Bảy tôi nhìn tôi ngạc nhiên:
      - Sao? Có chuyện đó nữa hả?
      - Dạ! Cậu có thể chưa biết, nhưng các vị khách của chúng ta chắc đã rõ. Hình như anh kia còn đem theo cả tấm bản đồ vẫn bày bán trên đường Điện Biên Phủ? Đúng không nào? Nhưng đó vẫn chưa phải là lý do chính để đất ở đây có giá...
      Anh chàng đeo điện thoại di động tò mò:
      - Còn cái gì nữa hả chị?
      - Khi nãy có ai đó nói trong đất còn lẫn mảnh bom, mảnh đạn phải không? Đúng, nhưng chưa đủ, trong mảnh đất này còn trộn cả máu, cả xương. Máu và xương những người nông dân du kích đã đổ ra để giữ gìn cho đến hôm nay. Mấy chỉ, mấy cây cho một thước đất thì bán?
      Câu nói của tôi làm mọi người chưng hửng. Tôi quay sang bảo cậu tôi:
      - Con về trước đây, cậu cứ đưa họ đi coi, nhưng cẩn thận với cái chân nhựa của cậu...
      Tôi bế bé Thụy Vũ lên xe, đề máy. Trong tiếng máy xe êm tôi còn nghe tiếng mấy vị khách buôn đất vọng tới:
      - Người đâu, đẹp thì có đẹp mà dữ quá!
      - Con gái xứ này mà có học là không vừa đâu...

*
*    *

      Tôi vẫn còn chưa lấy lại được bình tĩnh, chiếc xe lượn ngoằn ngoèo trên bờ ruộng. Thế đấy, rồi thành phố của chúng tôi cũng đã vươn ra tới ngoại ô xa xăm này. Cuộc sống đang hối hả lao về phía trước, có cả sự chụp giựt đan xen vào nhịp sống bình lặng của làng quê yên ả... Khi xe của tôi vào xóm, một rừng mai vàng rực rỡ hiện ra. Lác đác đã có những gia đình chặt mai bó thành từng bó bọc lá dừa xếp đống. Nó sẽ được đưa vào nội thành, đi vào từng gia đình... Sân nhà ngoại um tùm trong bóng rợp của dừa, con chó vàng lao ra sủa một tiếng rồi nhảy lên vẫy đuôi mừng tôi rối rít. Ôi, con chó ơi, mày khôn quá, hơn một năm tôi mới trở về mà nó vẫn nhận ra. Hai mẹ con tôi phải vừa nựng vừa tranh nó mới có dường đi ra sau. Ngoại tôi đang ngồi bên sàn giếng nước. Lưng ngoại thấp xuống, mái tóc cắt ngắn làm nhô lên đôi vai gầy yếu ớt. Tôi đứng chững lại một giây gọi nhỏ: Ngoại ơi!
      Ngoại nghe thấy tiếng gọi của tôi, từ từ quay lai. Mắt ngoại đã mờ, nhìn hướng về phía tôi:
      - Đứa nào vậy?
      Tôi nhào tới ngồi thụp xuống bên ngoại:
      - Con đây! Con về với ngoại đây, ngoại ơi!
      Ngoại đưa bàn tay lần quanh vai tôi, tóc tôi:
      - Bạch Mai đó hả con. Mồ tổ bây, sao giờ này mới về?
      Tôi không nói được, dìu ngoại vô nhà. Mợ Bảy và mấy đứa em tôi đang tỉa cành mai ngoài vườn cũng vừa về. Tôi lấy quà chia cho chúng rồi ướm một tấm vải nhung gấm lên vai ngoại:
      - Con định may cho ngoại cái áo này, nhưng không dám cắt trước, sợ không vừa. Chút nữa con đo cắt cho ngoại, sẵn máy của con Duyên, con đạp chút là xong à! Mợ ơi, nhìn ngoại mặc màu áo này có đẹp không?
      Mợ Bảy tò mò nhìn tấm vải gật đầu. Ngoại ngẩng lên nhìn tôi:
      - Bây mua áo cho tao làm gì. Tao có đi đâu mà mặc. Để mà may cho vợ thằng Bảy...
      Tôi sững người nhìn mợ. Trời ơi, tôi đã quên không mua cho mợ một tấm vải. Nhưng mợ đã nhận ra ánh mắt của tôi:                                                - Khỏi lo cho con, má ơi. Con còn nhiều vải đẹp lắm. Chút nữa sẵn có Bạch Mai dìa đây, cắt cho mợ một cái thiệt vừa, thiệt đẹp coi.
      Tôi chạy đến nắm tay mợ, tràn đầy lòng biết ơn.
      Lúc này, bé Thụy Vũ của tôi vẫn đứng ngây nhìn bá cố, tôi bảo:
      - Bé Vũ, lại gần cho bà cố rờ đầu coi lớn chừng nào rồi, con!
      Con bé len lét đứng nép vào bên bà cố, tôi xót xa nhận ra ngoại tôi còn nhỏ hơn cả con gái tôi, tuy nó mới chỉ lên tám tuổi! Tôi ngồi dưới chân ngoại, nhưng vẫn nhìn đượ
c vào mắt ngoại:
      - Ngoại ơi! Hôm kia, con Hiền tới thăm con. Bữa nay nó cũng về thăm ngoại đó.
      - Đứa nào?
      - Nhỏ Hiền con dì Út, nó với thằng chồng người Mỹ của nó vừa về Việt Nam.
      - Nó ở đâu? Nó không ở nhà con à?
      - Không! Tụi nó ở khách sạn. Chút nữa hai đứa nó cùng về thăm ngoại đó!
      - Sao con không nói nó về ở với ngoại vài bữa?
      Tôi đang nghĩ cách trả lời ngoại, thì mợ Bảy đã lên tiếng:
      - Tụi nó ăn cơm tây, thì ở khách sạn chớ về nhà mình nó chịu sao nổi hả má?
      Ngoại tôi ngậm ngùi:
      - Tôi nghiệp con mẹ nó. Chết bỏ xác nơi quê người...
      Dì Út tôi làm thợ may, có chồng là công chức, sau giải phóng dì theo chồng sang Mỹ. Được mấy năm dì Út lâm bệnh qua đời bên đó. Con Hiền con gái của dì lấy chồng người Mỹ mới về Việt Nam. Thấy ngoại tôi dân dấn nước mắt, tôi an ủi:
      - Thôi mà ngoại, dì Út chẳng may bị bệnh mà mất, nhưng con của dì vẫn thương quê nhà, thương ngoại mà đem chồng về. Ngoại cũng vui lên cho con cháu vui...
      - Con thấy thằng chồng Mỹ của nó có được không?
      - Thằng này người Tây nhưng hiền khô à...
      - Vậy cũng được. Chút nữa cả hai đứa nó về à?
      - Dạ!

*
*   *

      Tôi đang ráp cái áo cho mợ Bảy thì cậu Bảy về. Cậu ngồi xuống hiên nhà, lấy cây gõ gõ cái chân giả cho rơi bớt đất sình. Vừa làm cậu vừa nói với tôi:
      - May nhờ con nhỏ này nói mấy câu đó, không thì mấy cha thành phố nó ém giá quá chừng.
      - Cậu tính bán đất đi làm gì?
      - Tao đâu có định bán, nhưng cũng kẹt tiền đóng cho thằng Huy em mày nó học đại học. Tiền đóng triệu triệu không, mợ mày làm sao kiếm nổi. Thôi thì cũng ráng cho nó nên người. À mày nói con Hiền nó về nước à? Sáng nay nó cũng về chơi hả?
      - Dạ! Tụi con hẹn nhau mà, nó biểu con cùng đi xe hơi với nó, nhưng con nói con đi sớm sang còn may áo cho ngoại. Chắc tụi nó thuê taxi...
      Vừa nói xong, phía con đường đất đỏ mới đắp phía trước nhà đã cuộn lên một lớp bụi mờ mờ. Chiếc xe hơi màu vàng hiện ra. Đúng là taxi của vợ chồng con Hiền rồi. Tôi vừa ngưng tay thì chiếc xe đã vào đến mé sân. Con Hiền bung cửa ra chạy ào vô nhà réo gọi:
      - Ngoại ơi! Ngoại! Chị Bạch Mai, ngoại đâu rồi...?
      Cứ thế nó nhào vô lòng ngoại mà khóc nức nở để mặc anh chồng ngoại quốc đang sớ rớ nhìn con chó vàng ngoe nguẩy đuôi cảnh giác. Tôi ra nói mấy câu tiếng Anh mời cậu ta vô nhà. Mãi lâu sau, Hiền mới dìu ngoại ra nói với chồng. Cậu mợ Bảy, cả nhà đứng ngây người nghe nhỏ Hiền nói tiếng tây. Anh chồng gật đầu lia lịa rồi bất ngờ quỳ thụp cuống lạy ngoại tôi. Cậu Bảy thấy vậy định bước tới đỡ anh ta dậy nhưng nhỏ Hiền ngăn lại. Đúng bốn lạy anh chàng Mỹ đứng dậy, Hiền mới nói:
      - Tối qua con mới bắt nó tập sự mấy lần đó cậu! Nhập gia tùy tục mà.
      Thấy là cả nhà cười vang, ngoại tôi cũng móm mém cười, mà nước mắt tràn mi. Tôi biết là ngoại đang hạnh phúc.
      Hiền quay sang hỏi tôi:
      - Bữa qua chưa có dịp hỏi kỹ chị Hai. Sao, ly dị rồi tính ở một mình hoài à?
      - Ôi, hơi đâu tính! Vợ chồng em có hạnh phúc không?
      - Được lắm, chị Hai! Chúng em hiểu nhau, đời sống không vương giả nhưng cũng dễ chịu.
      Tôi bâng khuâng:
      - Hạnh phúc quả thật khó tìm. Chị mừng cho em. Vợ chồng khác màu da tiếng nói mà vẫn hạnh phúc, không như chị, cùng dân tộc cùng học hành công tác với nhau, vậy mà vẫn đổ vỡ...
      - Tính đại chỗ nào đi chị Hai, miễn là người ta thương bé Vũ, thương chị.
      - Làm gì mà nóng vậy? Em tưởng chị của em xuống giá lắm sao? Dân quê thiệt, nhưng đất ngoại ô có giá lắm nghe, cô!
      Chị em chúng tôi đang cười khúc khích với nhau, chợt cậu Bảy hô to:
      - Mấy đứa bây xuống đem đồ lên cho cậu cúng ông bà nào!
      Cậu Bảy chuẩn bị chải đầu, mặc áo dài the đen, đứng giữa nhà. Anh chàng cháu rể người Mỹ không biết phải làm gì cứ đi ra đi vào, liền được vợ trao cho cây chổi ra quét sân, quét cổng. Khi cậu Bảy khấn xong cả nhà quây quần quanh mâm cơm, Hiền giải thích cho chồng nghe. Cậu Bảy bảo:
      - Mày phiên dịch cho cả nhà nghe chớ nó nói gì mà tao nghe thấy “goeo goeo, gút gút” không!
      -Ảnh nói là ba anh trước có đi lính sang Việt Nam, cũng bị cưa một giò trông như cậu Bảy kìa!
      - Vậy hả? Cậu Bảy cười vang. Con về nói với ba con là hòa bình rồi, nếu rảnh cậu Bảy mời “anh sui” qua nhậu chơi! Bên tao sẵn đồ nhậu lắm, mầy!
      Cả nhà phá ra cười, nghe dịch xong, cậu ta cũng cười, ráng nói một câu tiếng Việt:
      - Con xing máng ờn Tổ Quốc Việt Nam! Cám ơn!
      - Giỏi! Giỏi! Làm một ly nghe con...
      Tôi lấy cơm cho bé Vũ, nhưng không hiểu sao lòng dạ bỗng cồn cào, không muốn ăn. Có lẽ tại nỗi niềm của miền ngoại ô quê ngoại đang sôi động trái tim tôi. Cũng có thể những biến cố, đổi thay, được mất trong gia đình tôi làm tôi bâng khuâng. Hay còn vì cái gì nữa...
      Chợt tôi nghe tiếng xe máy và có tiếng người hỏi. Linh tính của tôi cho biết có điều gì đó liên quan đến mình. Vừa ngoảnh ra nhìn thì... Trời ơi! Anh Tường. Sao anh lại biết tôi ở đây mà tìm? Anh bước vào đến giữa sân thì bé Vũ đã lao ra, leo lên   cổ anh. Mặt tôi chắc chắn là đỏ gay lên, vội vàng giới thiệu với cả nhà:
      - Thưa ngoại, thưa cậu mợ và các em, đây là anh Tường, cùng công tác với con. Hôm nay đến thăm ngoại theo... lời mời của con!
      Tôi cố thêm vào câu sau, cũng không biết để làm gì. Anh Tường xởi lởi, tự nhiên ngồi xuống. Tôi hỏi nhỏ:
      - Sao anh biết em ở đây mà kiếm?
      - Thì em chả có lần nói với anh là quê em ở vùng này là gì?
      Tôi lừ mắt nhìn anh vì cái tội lần đầu tiên dám xưng anh và kêu tôi bằng em. Nhưng tôi cũng nhận ra, chính mình lần đầu gọi anh, xưng em trước.
      - Biết rồi. Nhưng sao anh biết vùng đất này?
      - Tại em chưa biết đấy thôi. Hồi kháng chiến, anh hoạt động ở xã này. Mà làm lính trinh sát nữa nghe...
      Nghe chúng tôi nói với nhau vậy, cậu Bảy nhìn chằm chằm vào Tường:
      - Hèn nào! Ngó quen quen! Phải dân bốn-hai-chín không?
      - Chánh hiệu! Ai như anh Bảy Niễng? Đúng rồi! Tường "quân khu" nè...
      - Ôi Trời! Thế là mày còn sống! Còn sống! Tường ơi!...
      Hai người ôm lấy nhau, quay mấy vòng. Tôi nhìn họ mà thấy lòng tràn đầy tự hào. Hai người cụng ly lia lịa, canh cách. Lát sau cậu Bảy hỏi:
      - Sao? Vợ con, nhà cửa, công danh đến đâu rồi?
      - Công danh lận đận. Vậy mà còn bị vợ bỏ. Nhà ở tạm trong cơ quan!
      - Hay! Hay lắm!
      Tường còn đang ngơ ngác thì cậu Bảy đã chỉ vào tôi:
      - Kêu tao bằng cậu đi là vừa. Bạch Mai, cháu tao đó. À mà hình như tao có nói cũng bằng thừa...
      Tôi mắc cỡ không biết trốn đi đâu. Tường bị bất ngờ, nhưng anh lanh trí:
      - Dạ thưa cậu Bảy, thưa ngoại, con đã có đơn rồi, nhưng ủy ban bảo vệ bà mẹ và con nít đang nghiên cứu...
      Tôi không nén được:
      - Xạo! Ảnh xạo đó cậu! Đâm đơn hồi nào?
      Khuôn mặt Tường đỏ phừng phừng, không biết vì rượu hay còn vì câu nói của tôi. Anh nháy mắt ra ám hiệu cho tôi, và bất ngờ năm cổ tay tôi:
      - Em! Đừng làm anh quê với Cậu Bảy chớ...
      Cậu Bảy tôi vỗ hai tay vào nhau đôm đốp:
      - Giỏi! Thằng Tường đúng là dân trinh sát đặc công của Quân khu!
      Tôi gỡ tay Tường ra khỏi tay tôi, nhưng giọng lại nghẹn ngào:
      - À, mà làm sao anh biết là em ở đúng nhà này?
      - Thì cũng là tại nơi em!
      - Tại em làm sao?
      - Cái áo màu đỏ rực rỡ và hạnh phúc đã chỉ đường cho anh!
      Tôi không còn biết nói gì nữa, cúi xuống đút một muỗng cơm cho con gái, trong lòng thầm biết ơn anh. Cậu Bảy vỗ mạnh vào cái chân giả:
      - Khá! Thằng này vẫn khá như hồi đó. Không có nhà sang đây tao giao cho một công đất. Này, khu này sắp thành nội thành rồi nghe mày!
      - Ngoéo tay, anh Bảy, à cậu Bảy. Nội ngoại gì không thành vấn đề. Vấn đề là ở chỗ: muà xuân này, chúng đã lại ở bên nhau...

1-1997



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét