Thượng úy Đức, cầm giấy phép trong tay,
rồi vội vã rời trung đoàn để kịp chuyến xe ba giờ chiều. Bụng dạ anh đang như
lửa đốt mà chiếc xe khách dù được mệnh danh là tốc hành vẫn cứ như rùa bò. Mãi
hơn mười giờ đêm xe mới về đến thị trấn. Cả nhà đang ngồi đợi anh, Đức nhìn vợ
đang nằm thiêm thiếp trên giường, lòng se sắt, hỏi mẹ:
-Nhà con làm sao thế hả mẹ?
Bà cụ nhấc đầu thằng cháu nội đang ngủ
say gối lên đùi bà đặt xuống cái gối, giọng đầy lo lắng:
-Nó bị đau mấy ngày nay rồi, phải nghỉ
dạy. Tưởng uống thuốc sẽ đỡ nào ngờ nó lại đau quá, nên tao phải nhắn cho anh
về. Ngộ nhỡ có điều gì thì khổ...
Đức bế con vào giường, rồi ra sân giếng
dội ào qua mấy gầu. Đêm ở quê yên tĩnh đến lạnh lùng, thỉnh thoảng tiếng côn
trùng trú ngụ quanh thềm giếng lại rộ lên, người lạ nghe đến sốt ruột. Anh vào
nhà tìm xem sổ khám bệnh và những tờ đơn thuốc của bệnh viện, toàn những chữ
loằng ngoằng, luận không ra. Giường bên kia, mẹ vần ngồi quạt cho vợ anh, thỉnh
thoảng lại húng hắng ho.
-Con định xin cho vợ con lên viện quân y
để chữa chạy, mẹ thấy có được không? Đức hỏi mẹ mà nhìn vào cái bóng của bà,
được cái đèn tròn ngoài chuồng lợn hắt lên tường.
-Thôi thì anh tính thế nào thì tính, chứ
mẹ lo quá! Chỉ sợ lên trên ấy, không có người trông nom thì khổ...
Đức không nói gì, chỉ nhìn vào cái màn
đang lay động theo từng nhịp quạt của mẹ. Lúc sau, anh hỏi:
-Quạt điện đâu mà mẹ quạt tay thế thì mỏi
chết?
-Có quạt điện, nhưng hỏng từ sau hôm anh
đi rồi. Mới lại, quạt tay nó không bạt hơi, hại người. Này, mẹ nghe nhà chú Hỹ
nói ở dưới Lạc Môn, Hưng Yên có ông thầy châm cứu hay lắm. Chân chú ấy đi nứa
bị liệt mấy năm, thế mà giờ đã đi lại được rồi cơ đấy. Sáng mai anh thử sang
hỏi thăm xem thế nào. Biết đâu, phước thầy, may chủ...
-Thôi mẹ sang đây nằm với cháu để con
quạt đỡ cho...
Đức ghé lưng nằm xuống bên cạnh vợ, hơi
thở của chị nghe nhẹ như bấc, nhưng thỉnh thoảng lại nghẽn lại, khó nhọc, nặng
nề như người vác nặng, đang lên dốc. Hai mắt Đức mở to nhìn lên đình màn, tiếng
muỗi vo ve bên ngoài nghe khó chịu. Bất chợt, vợ Đức choàng tỉnh, nhìn quanh
nhận ra chồng, chị quay sang, thì thầm:
-Anh về rồi à?
-Ừ, anh vừa về...
-Đã ăn uống gì chưa? Ai báo cho anh biết
mà về?
-Nghe trực ban báo có điện thoại của chú
Phất nhắn lời bà. Em đau làm sao?
-Cái chỗ đau cũ thôi. Rõ khổ, anh về luôn
thế sợ đơn vị họ nói...
-Ừ... Anh về đưa em lên quân y chữa
nhé...?
Chị im lặng, khẽ thở dài, rồi như người
đuối hơi, chị nằm im, chìm vào giấc ngủ. Đức thấy thế cũng không hỏi gì nữa,
anh phẩy mấy tay quạt rồi cũng xoay người, gối lên cánh tay, nhìn ra cửa. Đằng
đông, ,thỉnh thoảng lại lằng nhằng chớp khan. Tiếng ti-vi nhà nào vẫn rù rù,
lúc trầm, lúc bổng...
Sáng hôm sau, Đức dậy sớm sang gọi cổng
nhà chú Hỹ. Lúc sau, anh về, đã thấy vợ ngồi dậy đang gỡ đầu. Đức đến bên cạnh,
ngồi xuống:
-Trưa nay anh đưa em xuống Hưng Yên, xem
có thể châm cứu được không nhé?
Vợ Đức nhìn chồng, vẻ mệt mỏi:
-Anh được về mấy hôm?
-Mười ngày! Nhưng sao lại đột xuất đau
ghê thế?
Chị búi sơ mái tốc đã rụng thưa đến trông
thấy ra sau gáy, vẻ mặt nhăn nhó, dường như chạm phải chỗ đau, giọng đứt quãng:
-Tháng trước em phải tập trung bồi dưỡng
cho mấy đứa học trò còn yếu mấy chỗ, để chúng đi thi. Dọc đường về, mệt, cũng
đói nữa, không tránh được cái xe “Công nông” không có phanh. Đầu em bị va vào
cái thùng xe... về nhà, đâu quá!
Giữa trưa, hai vợ chồng Đức nai nịt gọn
gàng, khẩu trang, mũ bảo hiểm đèo nhau đi Lạc Môn. Mãi xế chiều mới hỏi thăm
được nhà ông thầy Quản Hành. Thầy Quản là một y sĩ trung cấp, đã từng ở chiến
trường Nam
bộ, về học thêm trình độ đại học Đông y “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, có tiếng
là giỏi đông tây y kết hợp, lại mát tay. Thấy Đức là bộ đội, nên thầy ưu tiên
cho khám trước. Xong, thầy Quản nói:
-Bệnh của chị ấy do để lâu không chữa,
nên thành mãn tính.
-Thưa thầy, có chữa được không ạ? Đức hấp
tấp hỏi lại.
-Được thì được, nhưng phải tốn thời gian.
Anh chị cố mà chữa cho dứt đi không sau về già càng khó... Nhà anh ở đâu?
-Dạ, chúng em ở Bắc Giang...
-Xa đấy! Mà anh lại đang tại ngũ thì hơi
vất vả. Bây giờ tôi khám và điều trị cho chị ấy, nhưng phải ở trọ quanh đây,
uống thuốc đã đành, nhưng ngày nào cũng phải cứu mới được...
-Dạ, vâng! Chúng em hiểu ạ. Đức nói thế
nhưng bụng rất phân vân. Thưa thầy, cũng gần chiều rồi, về trên chúng em thì xa
quá, sợ tối. Thầy xem có chỗ nào cho chúng em nghỉ trọ một đêm... Rồi lại tính!
Thầy Hành nhìn vợ chồng Đức ái ngại:
-Chỗ trọ thì nhà tôi không có. Thầy quay
sang hỏi một bà đang têm trầu dưới hiên. Bà Quạt này, cho vợ chồng anh bộ đội
nghỉ một đêm nhé. Người ta là bộ đội, lại sĩ quan, không khéo chỉ huy con bà
đấy... Thầy quay sang nói với Đức. Bà ấy có thằng con thi trượt đại học cũng
đang đi nghĩa vụ.
Bà Quạt, bỏ miếng trầu vào miệng, giọng
nói như ngọng:
-Một đêm thì được, nhưng phải ở riêng...
-Gớm bà! Người ta đang đau yếu thế kia,
chung hay riêng thì có mà...
-Vâng! Thế thì được. Chờ tôi nhờ chú Hành
day cho cái huyệt cổ, rồi về. Gớm, hôm qua tham mấy chục cân phân đạm, thế mà
về đau quá... muốn gãy cả cổ!
Dọc đường theo bà Quạt về, tiện miệng Đức
hỏi:
-Đây có gần Hòa Mỗ không hả bà?
-Hòa Mỗ là xã bên cạnh. Anh cũng biết bên
ấy à?
-Ngày trước cháu có người bạn học ở xã
ấy. Hơn chục năm chưa gặp lại, cháu cũng chưa đến nhà bao giờ.
Bà Quạt là người cởi mở:
-Tên là gì? Con cái nhà ai? Tôi cũng
người bên ấy lấy chồng sang đây.
Đức phì cười:
-Con cái nhà ai thì cháu không biết,
nhưng tên là Chuyên, bằng tuổi cháu...
-Thế thì Chuyên con nhà Mai Phục, rồi.
Năm nay đúng ba mươi phải không nào?
-Đúng đấy ạ!
-Anh là bạn học trường huyện với nó à?
-Không ạ!
-Thế thì học hành ở đâu? Năm nọ nó thi
đại học hai năm không đỗ, về đi bộ đội, phục viên rồi.
-Chúng cháu là bạn học lớp “mười ba”, bà
ạ!
Bà Quạt dừng lại, nhả miếng bã trầu, ngạc
nhiên:
-Lớp “mười ba” là lớp gì? Chúng tôi chỉ
biết cho con đi học hết lớp mười hai...
Vợ Đức tuy mệt, nhưng cũng cười, trả lời
thay chồng:
-Lớp “mười ba” là thi rớt đại học, ở nhà
luyện thi thêm một năm, gọi là lớp “mười ba” đấy bà ạ...
Bà Quạt cười, phô hàm răng đen nhưng nhức:
-Thằng Chuyên là cháu gọi tôi bằng cô
ruột đấy. Để xem có đứa nào về bên ấy tôi nhắn cho. Mà anh tên gì, ở đâu?
Cơm chiều dọn ra, bà Quạt nài nỉ vợ chồng
Đức ngồi ăn chung. Đức thì quen rồi, ở bộ đội thỉnh thoảng làm công tác dân
vận, gặp bữa anh cũng vẫn ăn cơm cùng bà con, nhưng vợ anh thì ngại, chối khéo.
Thành thử, cả Đức cũng phải từ chối, lấy cớ vừa ăn ngoài huyện, hãy còn no. Bà
Quạt cho mượn chiếc giường lớn kê gian ngoài, có mắc sẵn màn. Đức biết ý, để vợ
nằm một mình, anh ra hiên, trả manh chiếu. Trăng hạ tuần nhô lên sau rặng cúc
tần, cóc nhái kêu ran rình ngoài ao, khiến Đức không sao ngủ được. Anh nhìn
đồng hồ, đã mười giờ đêm. Bỗng có tiếng chó sủa ran ngòai dầu xóm, rồi tiếng ô
tô, lát sau lại thấy vệt đèn pha loang loáng, tiếng ô tô to dần, rồi dừng lại
trước cổng nhà bà Quạt. Tiếng máy xe đã tắt, nhưng đèn pha vẫn sáng, hai con
chó nhảy xô ra sủa quyết liệt. Tiếng đàn ông từ đầu xe, vọng vào:
-Cô ơi! Cô chú ngủ cả rồi à...?
-Ai đấy? Ông Quạt gọi vọng ra.
-Cháu, Chuyên đây! Mở cổng, đánh chó hộ
cháu cái.
Bà Quạt từ trong buồng ra, nói với Đức
lúc này cũng đã ngồi dậy: “Thằng Chuyên nó sang đấy”, giọng bà thì thầm, nhưng
chứa đựng niềm tự hào. Đèn bật sáng, Đức nhìn thấy người đàn ông bước vào sân,
bước đi đầy tự tin. Đến hè, anh ta nhìn Đức đang ngồi phe phất cái quạt nan:
-Đức phải không?
Đức đứng dậy, kéo lưng áo, tiến đến:
-Tôi... Đức đây!
-Trời ơi! Chuyên lao đến ôm choàng lấy
Đức, không nói được gì, cứ thế mà lắc, mà rung, mà vỗ... Lúc sau, Chuyên mới
đẩy Đức ra trước ánh đèn:
-Mình mong gặp cậu quá, mà không biết tìm
ở đâu? Run rủi thế nào, cậu lại mò đến đây...
Đức cảm thấy nghẹn trong cổ, nước mắt ứa
ra:
-Mình cũng thế! Hôm nay đưa vợ về đây
châm cứu...
-Biết rồi! Thôi nhé, cứ yên tâm để mình
lo, không có vấn đề gì. Cứ coi như ở nhà... Bây giờ, vợ cậu đâu?
-Đang nằm trong kia... Đi đường mệt, chắc
ngủ rồi.
Chuyên nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
-Thôi vậy, cứ để cô ấy ngủ, mai mình tới
thăm. Rồi Chuyên nói với bà Quạt, đang đứng ở cửa. Cô ơi! Cô chú cho vợ chồng
thằng bạn cháu nghỉ nhờ cô đêm nay nhé. Bây giờ cháu với Đức đi có tí việc, có
khi sáng mai mới về. Có chuyện gì với vợ Đức, cô lo hộ, cô nhá! Đi, cậu đi với
mình, ta hàn huyên một chặp...
-Thì hẵng vào nhà uống chén nước
đã. Đêm hôm thế này còn đi đâu nữa...?
-Thôi để mai, sáng cháu sang.
-Ô tô của cậu à? Ai lái? Đức tò mò hỏi
Chuyên.
-Ô tô của mình, mình lái. Thôi cô tắt đèn
đi ngủ nhá, chúng cháu đi đây...
***
Ngồi thả mình trên chiếc ghế nệm, bên
cạnh Chuyên đang chăm chú đánh tay lái tránh những ổ gà đường làng, trong hơi
mát dìu dịu của máy lạnh xe hơi, Đức cảm thấy nỗi lo trong anh từ chiều đến
giờ, vơi đi được mấy phần. Bệnh tình của vợ anh, vẫn là nỗi ám ảnh, nhưng dù
sao, nghe lời thầy Quản Hành nói thế, giờ lại thêm được lời hứa của bạn “không
có vấn đề gì đáng ngại”, Đức thấy được an ủi bao nhiêu. Thật không ngờ, Đức chỉ
tiện miệng hỏi thăm, thế mà khi biết Đức đang ở đây, lại đang gặp khó khăn,
Chuyên đã đánh cả xe ô tô đến thăm, giữa đêm hôm khuya khoắt thế này. Không
muốn làm phân tán ý nghĩ người lái xe, nhất là con đường đêm lởm khởm như thế
này, Đức dựa vào ghế ngả đầu như ngủ, thực ra anh đang nghĩ về câu chuyện giũa
hai người.
Chuyện của Đức và Chuyên là chuyện của
hai chàng “học sinh lớp mười ba”, từ mười năm về trước. Ngày ấy, Đức tốt nghiệp
lớp mười hai, thi đại học rớt. Buồn lắm, nhưng Đức xin với mẹ và anh chị cho
được ôn một năm rồi thi tiếp.
-Biết có trúng không hay lại toi cơm? Ông
anh cả đủng đỉnh.
Riêng mẹ thì thương Đức, mồ côi cha từ
trong bụng mẹ, nên cố cho cậu con trai đi thi một năm nữa. Lần này, cẩn thận
hơn, bắt đầu vào học kỳ hai, mẹ cho Đức lên Hà Nội, ở nhờ nhà một người quen để
tìm lò luyện thi. Lạ đất, lạ người, lạ thầy, lạ bạn, nhưng Đức quyết tâm ôn
tập, dù xa nhà, bao nhiêu là vất vả, có cả khi nhịn đói đi học, nhưng cậu vẫn
không hề nản.
Tình cờ vào lớp ôn thi, chen lấn nhau
trong một căn phòng chật chội, ngồi cạnh Đức là một thanh niên, cũng dáng dấp
nhà quê như Đức, có mái tóc hơi quăn, đen nhánh và một khuôn mặt trắng trẻo. Vẻ
nhút nhát, nỗi lo lắng lúc nào cũng hiện dưới vầng trán và đôi mắt lanh lợi,
nhưng ngây thơ, lúc nào cũng chứa đựng một câu hỏi. Lúc nghỉ hết giờ, Đức bắt
chuyện:
-Mình tên là Đức ở Bắc Giang, còn cậu?
Người bạn nhìn Đức như thầm đoán thái độ
có vẻ dạn dĩ của cậu ta, rồi trả lời nhỏ nhẹ:
-Tôi tên Chuyên, nhà ở Hưng Yên...
Thế rồi, hai người trở thành đôi bạn
thân, cùng chia xẻ những nỗi lo và những điều băn khoăn trong học hành, những
bài toán khó, mơ hồ.
-Cậu ở đâu hả Đức? Chuyên hỏi như không
định hỏi.
-Mình ở nhờ nhà một người quen, cô ấy
người làng lấy chồng lên Hà Nội, ở trên dốc Hàng Than. Đức nhìn bạn, và cũng
định hỏi Chuyên một câu tương tự, nhưng Chuyên đã hỏi lại:
-Cậu may mắn thật đấy. Dốc Hàng Than ở
đâu? Có xa không?
-Cũng xa, đạp xe mất hơn nửa tiếng. Thế
còn cậu?
-Mình thuê nhà trọ ở phố Minh Khai. Tuy
có hơi gần hơn cậu, nhưng chỗ ở chật chội lắm...
Cũng là số phận phải làm học trò “lớp
mười ba”, nhưng Đức nhận thấy mình may mắn hơn bạn, còn có chỗ để ở trọ trong
những ngày luyện thi, với Chuyên, quả thật một căn phòng chừng chín mét vuông,
thế mà năm chàng “sĩ tử” phải chen chúc nhau. Đúng là “lò” thật, nóng như hấp,
hơi người lúc nào cũng hầm hập. Mong sao cho đến ngày thi, cố giành lấy một
chỗ, lách qua cái khe nhỏ, lọt qua cánh cổng trường đại học, niềm mơ ước cháy
bỏng của bao chàng trai cô gái, vốn chui ra từ đống rơm rạ, bùn vữa, làng
quê...
-Năm ngoái không trúng, bố mẹ mình không
nặng lời, lại an ủi rất nhiều nhưng mình hiểu các cụ buồn lắm. Riêng mình thì
lại càng buồn. Cậu biết không, quê tớ hiếm có người học đại học lắm. Lúc ở
chiến trường về, bố mình bảo: thà ăn muối cũng phải để cho thằng Chuyên được
học đến đại học. Chuyên đã giãi bày với Đức như thế, bằng một giọng nhút nhát,
nhưng ẩn chứa một quyết tâm mạnh mẽ.
Tuy không bị sức ép nặng nề như Chuyên, nhưng
cứ nghĩ đến câu nói của ông anh “không khéo lại toi cơm” mà Đức ức lắm. Cũng có
khi là một câu nói khích của người đi trước, Chuyên bảo thế, nhưng dù sao Đức
cũng phải chứng tỏ mình trước con mắt mọi người.
-Thế nhỡ không đỗ thì làm thế nào? Đức hỏi,
trong khi nghỉ buổi trưa, cả hai cùng ra ghế đá công viên găm bánh mì chờ buổi
học chiều.
Chuyên lặng đi, vẻ mặt vốn thư sinh của
nó càng thêm trắng bệch ra:
-Nếu... nếu lại trượt, chắc mình không về
quê nữa, ở lại Hà Nội, kiếm việc làm, có tiền lại luyện thi nữa...
Thỉnh thoảng mẹ Đức gửi cho cậu một chút
tiền để tiêu vặt, Đức thường đem ra chia sẻ với Chuyên, nhưng Chuyên vốn khái
tính, chỉ lặng lẽ bỏ đi, tránh gặp Đức vào những ngày ấy.
Thế rồi kỳ thi đã đến, những con cá chép
nhà quê đang được bày lên thớt để chuẩn bị vượt vũ môn rất hồi hộp. Buổi sáng,
Đức đến phòng thi rất sớm, (cả hai cùng thi vào một trường, may sao lại có vần
tên sát nhau, nên được thi chung một phòng thi), kéo Chuyên ra quán gần đó:
-Tớ còn ít tiền mẹ cho, hôm nay chúng
mình ăn thật no để làm bài cho tốt. Ngày mai, thi xong, chúng mình chia tay
rồi...
Nhìn Chuyên bẽn lẽn ngồi ăn nhấm nháp
từng sợi bánh phở, Đức thương bạn qua, cứ nghĩ, ngộ nhỡ không đậu, chắc Chuyên
không dám về nhà thật!
Ngày thứ nhất đã qua đi, cả hai đều phấn
khởi, tin ở bài làm của mình. Chiều ấy, Đức dốc nốt túi tiền nhỏ nhoi của mình
ra làm một bữa liên hoan, chiều mai là mỗi đứa mỗi hướng rồi!
Sáng hôm sau vào buổi thi thứ ba, tức
buổi thi cuối cùng, Đức đến điểm thi chờ mãi không thấy Chuyên đâu. Đến khi
giám thị đọc danh sách, xếp chỗ ngồi rồi mà Chuyên vẫn chưa đến? Có chuyện gì,
Đức nóng ruột quá, mấy lần cậu định vào phòng, nhưng lại cố nán lại chờ Chuyên.
-Em kia? Sao không vào phòng thi, sắp đọc
đề thi rồi!
Đức thưa với cô giám thị:
-Thưa cô, em còn nguời bạn thi cùng
phòng, vẫn cha đến. Em chờ bạn ấy... Cô, cô có nán lại một chút được không ạ?
Cô giám thị cười:
-Cậu này mới hay nhỉ? Đang học lớp mười
ba phải không? Đã qua mấy lần thi rồi mà không biết à? Đến giờ đọc đề mà chưa
vào phòng thì coi như bỏ thi, hiểu không?
-Dạ, em hiểu! Nhưng...
-Thôi, có vào không?
Đức im lặng nhìn ra cổng trường rồi, khi
tiếng chuông điện vang lên, cậu vã mồ hôi, và rồi... lắc đầu. Đức lê đôi chân
ra khỏi cổng trường thi, trong sự im lặng ghê rợn cả một hội đồng thi đang mải
miết vậnh hành. Cậu chỉ còn một ý nghĩ: phải tìm Chuyên!
Khi Chuyên đến địa điểm thi thì cổng
trường đã khoá chặt. Khuôn mặt tái nhợt, dựa chiếc xe đạp vào bờ tường, cậu ngồi
thụp xuống. Những giọt nước mắt ứa ra. Lúc sau, ông bảo vệ đến hất hàm:
-Sao? Cậu này có phải sinh viên đi thi
không mà còn ngồi đây? Hai mắt đỏ hoe thế kia, chắc lại hỏng bài chiều qua chứ
gì? Không hả? Không thì đi chỗ khác nhá! Đi đi...!
Chương thẫn thờ dắt xe bỏ đi dưới tầm huơ
huơ của câu gậy sơn khúc trắng, khúc đỏ của ông bảo vệ! Thế là xong! Xong một
năm dùi mài, giờ thành vô ích, và cũng có thể xong một cuộc đời! Giờ đây đi
đâu? Về quê để chịu sự miệt thị của mọi người, kể cả bố mẹ, dù thương con đến
mấy cũng phải lên tiếng chỉ trích... Hay là tìm chỗ làm để ở lại Hà Nội? Làm
thế không biết có nên người không hay lại đem thêm đau khổ cho cha mẹ... Chương
cứ thế, dẫn xe đi như người mất hồn, trong ồn ào náo nhiệt của phố phường...
Bỗng có tiếng goi giật từ phía sau:
-Chương! Chương ơi...!
Chương quay lại, vô cùng kinh ngạc khi
nhận ra Đức:
-Kìa, sao giờ này cậu ở đây? Đang làm bài
thi mà cậu bỏ đi đâu?
-Mình tìm cậu!
-Trời ơi! Tìm mình làm gì? Sao không thi?
Làm bài xong rồi à?
Đức kéo Chuơng ngồi xuống dưới bóng mát
của một cây xà cừ:
-Sao cậu không vào phòng thi?
-Mình... mình bị rắc rối trên đường đi
thi...
-Rắc rối thế nào? Khổ quá, còn có một
buổi nữa thôi, sao cậu không cẩn thận?
-Thế còn cậu? Chương cũng lo lắng hỏi
bạn. Sao cậu không thi?
Đức nhặt một hòn sỏi, ném mạnh vào chân
tường, nó văng trở lại đúng vào tay Chuơng:
-Mình đợi cậu không thấy, nên cũng quyết
định bỏ thi luôn...
-Cậu ngốc quá! Nếu lỡ thì chỉ một mình tớ
chịu thôi, sao để đến nỗi cả hai thằng cùng hỏng? Chán cậu quá, Đức ơi!
Đức ôm lấy Chương, khóc:
-Tớ thương cậu quá! Để một mình cậu bất
hạnh không đành, thôi thì có thêm tớ nữa cùng rủi ro, để cậu đỡ ân hận...
Chương cũng khóc:
-Cám ơn cậu đã vì tớ mà có khi hỏng cả
cuộc đời!
-Hỏng là thế nào? Thua keo này, ta bày
keo khác. Với lại, có thi đã chắc gì đỗ, là tớ nói tớ ấy... Nhưng mà cậu bị rắc
rối thế nào?
Sáng ấy, Chương đến địa điểm thi sớm lắm,
trên đường mới chỉ có loáng thoáng bóng người. Đang đạp xe, bỗng Chương phát
hiện ra có một cô bé gái độ mười lăm, mười sáu tuổi đang nằm quằn quại bên một
vũng máu. Cậu nhảy xuống, đến gần thì thấy cô bé bị thương ở đầu, máu chảy
nhiều quá.
-Em bị làm sao?
Cô bé nhắm mắt chỉ ta về phía trước,
giọng thều thào:
-Bị... xe máy đâm... của một người đàn
ông... chạy rồi...
Tức tốc, Chương xé áo may ô buộc đầu cô
bé lại rồi đỡ lên xe đạp, phóng thẳng đến bện viện. Khổ cái, không thuộc đường,
nên vừa đi vừa hỏi thăm,. Mãi mới đến nơi..
-Mình định đưa cô bé vào viện rồi đến địa
điểm thi, nhưng, ở đó người ta không cho đi...
-Sao thế?
-Họ yêu cầu mình khai đủ thứ, rồi bắt
phải ở lại để làm thủ tục nhập viện cho cô bé...
-Sao cậu không nói cho họ biết là cậu
đang phải đi thi?
-Có! Mình có nói nhưng người ta không
tin, chìa cả thẻ thí sinh dự thi ra cũng chịu. Họ còn nghi mình là thủ phạm nữa
chứ!
Mải nghĩ chuyện của mười năm trước, chiếc
xe do Chuyên lái đã ngoặt vào một cánh cổng, dừng lại trước một cái sân rộng,
trải bê tông nhựa. Chuyên tắt máy, giục:
-Xuống đi Đức! Đến nơi rồi! Mà cậu nghĩ
gì thế?
Đức như tỉnh ra, cười:
-Tớ nghĩ về cái cô bé mà cậu đã bỏ cả
buổi thi để đưa vào bệnh viện. Giờ mà gặp được cô ấy thì buồn cười lắm nhỉ?
Chuyên cười to:
-Buồn cười lắm hả? Thế cậu có muốn gặp cô
ấy không?
-Cậu gặp rồi à?
-Gặp rồi! Mà cậu cũng sắp sửa gặp ngay bây
giờ đấy!
Đức ra khỏi xe, hơi mát của đất trời và
cả tiếng giun dế kêu đêm ùa vào làm anh dễ chịu hơn so với cái mát lạnh bằng
máy của xe ô tô. Nghe Chuyên nói thế, Đức đã đoán ra:
-Cậu lấy cô bé?!
Chuyên cười phá ra:
-Giỏi! Giỏi đoán mò thật đấy! Mà lại đúng
mới chết chứ. Đúng là sĩ quan quân đội nhân dân thật! Thôi vào đi, đây là văn
phòng, cũng là nhà ở làm việc của vợ chồng mình...
Đức theo Chương vào một căn phòng có đèn
điện sáng choang, khiến anh lóa mắt, một lúc sau mới nhận ra những đồ vật được
trưng bày giản dị nhưng ngăn nắp. Ở một góc tường, khuất sau một chậu cây xanh,
phải tinh ý hoặc cố ý lắm mới thấy, Đức nhìn thấy một chiếc áo quân phục được
lồng trong tấm ni lông trong suốt, kiểu áo của binh sĩ. Phía trên là chiếc mũ
kê-pi có viền đỏ, lấp lánh quân hiệu. Đang mải mê ngắm những đồ vật trong phòng
khách thì Chương đã từ phòng bên sang, theo sau anh là một phụ nữ, giản dị
trong bộ áo cánh, nhưng không kém phần đoan trang, xinh đẹp. Đức lúng túng:
-Chào chị...
-Đây, cái cô bé đã cản bước đường tiến
thân của hai thằng mình ngày đó đây. Chương giới thiệu một cách hãnh diện. Cô
ta tên là Minh Thúy, bà con trong làng còn gọi là chị Chương...
-Em chào anh Đức ạ! Tiếng chào trong vắt
của Minh Thúy và lời giới thiệu của Chương, khiến Đức hơi ngượng. Suốt những
năm qua, không ngày nào anh Chương nhà em không nhắc tới anh, anh gần như là
thành viên trong gia đình em đấy. Chúng em cứ ân hận mãi, vì em mà các anh phải
lỡ làng. Hôm nay thậy là may cho chúng em quá. Thôi, em mời hai anh cùng ngồi vào
mâm, để mà hàn huyên. Mâm cơm dưa muối em chuẩn bị từ khi cô em nhắn tin sang,
anh Chương đã ra lệnh cho em phải làm cho thật chu đáo, nhưng mà em vụng lắm...
Thúy che miệng cười nhẹ, còn Đức thì cứ ngẩn ngơ...
Rượu rót ra, chạm cốc và im lặng. Im lặng
chất chứa đầy những kỉ niệm, long lanh như thủy tinh và cũng xót xa như hạt
muối trong veo, tưởng như trong ba người, hễ ai đụng tới, lập tức nước mắt sẽ
òa ra, tuôn trào... Để rồi, người lên tiếng trước vẫn là Thúy:
-Bây giờ em mời hai anh uống rượu tự nhiên,
em phải đi nằm với các cháu. Sáng mai, dậy sớm, còn phải sang cô em để thăm chị
Đức. Uống bao nhiêu thì uống, nhưng sáng mai các anh không được ngủ trưa đâu
đấy!
Thúy đi rồi, Đức và Chương nhìn nhau, bất
ngờ cả hai cùng rơi nước mắt. Có một giọt lặn vào trong rượu. “Mâm cơm dưa muối”
của Thúy chất ngất thịt gà luộc vàng chơi chới, miến dong trong suốt, thơm
lừng...
-Sau hôm ấy, cậu về nhà hay đi đâu? Mãi
rồi Đức cũng nói được một câu, phá vỡ cái không khí nặng nề.
-Về quê, về cái làng này. Bố mẹ mình
không nói câu nào, nhưng mình biết các cụ vô cùng thất vọng vì thằng con. Hai
tháng sau, mình nhập ngũ thi hành nghĩa vụ quân sự... Còn cậu?
-Mình cũng thế! Đức bắt đầu cảm thấy hào
hứng. Nhập ngũ sau hai năm, trong quân đội mình được tổ chức ôn thi rồi thi đậu
vào trường sĩ quan. Thế là nghiệp con nhà lính bắt đầu từ đó...
Chuyên rót rượu vào ly Đức, rồi rót cho
mình:
-Thế là cậu cũng đi đường thẳng rồi! Còn
mình phải đi đường vòng, vòng một chút thôi. Vào bộ đội, mình làm lính biên
phòng đóng ở một cửa biển miền Trung. Ở đây, mình được một ông cụ yêu quý, nhận
làm con và truyền cho mình cái nghề nuôi thủy sản. Ra quân, mình về ngay làng
để triển khai mấy mẫu đầm hoang của xã. Nhưng, có một điều này, quan trọng vô
cùng, có tính quyết định đến cuộc đời mình...
-Thúy?
-Đúng! Đôi khi mình cứ nghĩ hình như ông
Trời cản đường không cho mình vào đại học. Nhưng bù lại, ông ta, tức là Ông
Trời ấy lại ban tặng cho mình một cô gái, không, với mình phải gọi là cô
Tiên!... Lúc mình ở bộ đội, ông cụ bố Thúy lùng sục tìm mình bằng những dấu vết
của bệnh viện mà mình khai báo hôm ấy. Cụ đến tận nhà, khi biết mình bị lỡ buổi
thi đó thì ông cụ ân hận lắm. Khi mình về phục viên, hai bố con cụ đến thăm và
rủ mình lên Hà Nội chơi. Cụ hỏi: “Anh còn quyết tâm thi vào đại học nữa không?”,
mình thưa là con muốn về quê để làm kinh tế, học hành thì để từ từ, vừa làm,
vừa học dần. Cụ im lặng, gật đầu, rồi lại hỏi: “Thế anh đã định cưới vợ chưa?”,
mình ấp úng không nói được, thì cụ nói ngay: “Nếu thế thì anh nên cưới vợ, có
vợ anh mới làm kinh tế được”. Mình vâng dạ lấy lệ cho ông cụ khỏi tra vấn gì
nữa, nào ngờ ông cụ hỏi ngay:
-Anh có muốn cưới con Thúy nhà tôi không?
Thế mới chết chứ! Biết trả lời thế nào
bây giờ. Thúy đã mười tám tuổi, xinh như bông hoa, lại là con nhà Hà Nội gốc,
lấy một thằng nhà quê thất học như mình sao được? Rồi cũng đành đáp:
-Thưa bác, cháu muốn lập nghiệp ở quê
nhà. Mà quê cháu nông thôn, nghèo nàn, lạc hậu, vất vả lắm. Sợ em Thúy...
-Tôi hiểu rồi! Năm nay con Thúy vừa thi
rớt đại học, tôi cho nó về quê anh làm người giúp việc cho anh. Nếu chịu được
thì lấy nhau, còn không thì thôi, tùy anh chị...
Mãi sau này khi đã thành vợ chồng, Thúy
mới thú nhận là đã nói với bố “con chỉ lấy anh Chuyên thôi”. Mình hỏi tại sao
thì Thúy bảo: “Bố nói là một con người như anh, dám hy sinh lợi ích của mình vì
người khác, thì thế nào cũng nhận được sự thương yêu giúp đỡ của người đời”.
Ngẫm ra cũng thấy đúng, Đức ạ... Cơ ngơi, sự thành công của mình hôm nay, phải
nhờ ở công sức, đầu óc tính toán của Thúy rất lớn. Nói thật nhé, người thành
phố, trong cuộc vật lộn thương trường này, họ hơn cánh nông dân mình cả cái
đầu! Thế còn cậu?
Đức đã ngấm tí men, lại ngấm cái niềm vui
có hậu của bạn, nhưng anh vẫn có cái phiền muộn của hoàn cảnh gia đình, nên trả
lời dè dặt:
-Vợ mình dạy học cấp hai. Tuy vậy chứ
cũng bôn ba, đôn đáo lắm. Ngặt nỗi cái bệnh đau đầu thỉnh thoảng nó lại hành...
-Sự tình thế nào?
-Hồi cô ấy, học cao đẳng sư phạm, lúc đi
qua sân bóng chuyền, bị một quả bóng đâp vào sau gáy, gục xuống ngất tại chỗ.
Chữa khỏi nhưng thỉnh thoảng vẫn đau lại. Mới rồi lại bị cái công nông nó quệt
nên đau lại, dữ dội hơn...
-Thế lúc yêu nhau cậu có biết cô ấy có
bệnh sẵn không?
-Biết chứ! Cô ấy kể hết cho mình nghe...
Chương đứng dậy, ra chiều nghĩ ngợi:
-Phải chữa bằng khỏi, bằng tiệt! Cái này
để mình lo về tài chính, với lại chú Quản Hành là bạn chiến đấu với bố mình ở
miền Đông Nam bộ, chú quý mình lắm. Cậu giỏi, vẫn là con người đáng nể. Biết có
bệnh mà vẫn nhận trách nhiệm, ông Trời cũng cho cậu một Nàng Tiên... Ta uống
cái nhỉ?
Thế là mọi cái Chương, đúng hơn là vợ
chồng Chương đã lo chu tất chuyện ăn ở của vợ Đức trong thời gian chữa bệnh.
Chú Quản Hành thì hứa, không quá hai tháng sẽ khỏi, mà là khỏi hẳn.
-Thôi, yên tâm lên đơn vị đi, đã có mình
lo. Mình phải vào Sài Gòn chứ không thì theo cậu lên đơn vị, chơi với cậu và
các bạn cậu một ngày. Nhưng vì công việc, hẹn sau vậy...
Lúc ra đến đầu làng, chống xe, Đức nắm
tay Chương:
-Cám ơn vợ chồng cậu. Mình chúc cậu trở
thành một một tỷ phú, một doanh nhân tầm cỡ quốc tế!
-Cái đó khó đấy, cỡ quốc gia thì mình
hứa. Còn mình thì chúc cậu trở thành một ông tướng. Được không?
Đức cười xòa:
-Cái đó thì khó thật!
-Khó cũng phải phấn đấu. Mình có đọc được
ở đâu đó, còn nhớ được câu: “Nếu một nam nhi bước chân vào cổng trường sĩ quan
mà không mơ thấy mình cầm trong tay chiếc gậy Thống chế, thì đó là một chiến
binh tồi!”. Sao?
-Thôi được, mình hứa, nhưng nếu không
thành sự thật thì mình xin chân làm bảo vệ cho cậu đấy.
-Không bao giờ, Đức ạ. Thôi lên ngựa đi,
chàng “cựu học sinh lớp mười ba”!
***
Các bạn lớp “mười ba” thương mến ơi, tôi
muốn nói với bạn câu này. Có một ngày nào đó trên chặng đường trước mắt, các
bạn sẽ gặp những vị tướng tài ba hay nhà doanh nghiệp lừng lẫy? Họ chính là
những cô cậu học trò lớp “mười ba”, lỡ
vận may năm nào đấy. Bạn sẽ gặp họ, cũng như tôi sẽ gặp tướng Đức và nhà tỷ phú
Chuyên, mà phần đầu câu chuyện tôi đã kể trong thiên truyện ngắn này.
H.Đ.Q.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét