Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

VỪNG ƠI

      Cả nhà tôi đang ăn cơm chợt con chó vàng hực lên một tiếng, xù lông cổ lao vọt ra cổng. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì thằng Lộc, cháu tôi đã vút qua bậu cửa, miệng thét lạc cả giọng:
      - Chó !
      Đúng lúc ấy, tiếng con vàng, oai vệ và hung dữ nhằm vào cái bóng lù mù, xù xì như một con bù nhìn di chuyển chậm chạp vào giữa sân. Nó lao tới tính ăn tươi nuốt sống cái bóng bù xù đó, nếu như không có thằng Lộc cho một cú song phi ngoạn mục vào mạng sườn. Mẹ tôi chống đũa thở dài:
      - Lại cái nhà ông Tân Chước. Rõ tội!
      - Ai thế hả u?
      - Anh không nhận ra ông Chước à?
      A! Thì ra anh Chước đây! Tôi từng quen với những đổi thay nhiều cái ở đời, ở người, nên không kinh hãi lắm khi nhìn thấy cái thân hình tiều tụy của anh ta, nhưng cứ nghĩ tới cái quá vãng của anh lòng tôi lại ngùi ngùi. Cuộc đời này nó nhiều cái bi hài thật, mà đúng ra cái phần hài nó nặng hơn cái bi nhiều lắm, có thế người ta mới sống nổi chứ! Tôi buông đũa đứng dậy đón anh Tân Chước bước lên hè, chào thật to. Anh ngẩng lên nhìn tôi bằng con mắt thắc lẻm, và cái giọng gằn ngặt:
      -Ai thế?
      Tôi cười không đáp, mẹ tôi từ phía sau đỡ lời:
      - Thằng bố Hoàng đấy ông ạ!
      Tôi toan thích thú chứng kiến sự ngạc nhiên của anh, nhưng không, cái đụn giẻ hôi hám ấy lướt qua mặt tôi vào thẳng bộ bàn ghế salon giữa nhà. Chắc là thành quen, thằng Lộc bỏ dở bát cơm súc ấm pha chè. Tôi lặng lẽ ngồi đối diện với Tân Chước, còn mẹ tôi từ bên giường nói vói qua:
      -Bố Hoàng nó ở trong Nam ra đấy, ông không nhận ra à?
      -Về bao giờ?
      Tôi không tin là anh hỏi tôi, nhưng vẫn đáp:
      -Dạ, em về chiều hôm qua... Hồi này nhà bác làn ăn thế nào?
      -Ờ hờ, cũng đang phấn đấu...
      Anh nhìn tôi bằng con mắt lạ lắm, lạc đi trong phút chốc rồi cúi xuống cậy cái móng chân to như một cái mai cua cẩm. Đất cát vãi ra trên mặt ghế... Thấy anh im lặng, tôi gợi chuyện:
      -Bà cụ bác vẫn khỏe chứ? Năm nay cụ cũng phải đến chín mươi...
       Mẹ tôi xua xua tay, không biết có chuyện gì nhưng thấy mặt Tân Chước tối sầm lại, tôi đâm lo lo. Ngồi một chốc, làm liền tù tì ba bốn tách trà, Tân Chước đứng dậy, ra đến cửa còn dừng lại chỏi chỏi bàn tay nứt nẻ về phía mẹ tôi:
      - Cái mọ già nhà tôi vẫn dất khoát không khai ra bà ạ. Tôi cũng  dất khóat rồi. Đừng có mà ú ớ việt gian với tôi là không xong đâu !
      Tiễn Tân Chước về rồi, tôi nhìn mẹ không hiểu câu chuyện thế nào. Mẹ tôi lặng lẽ lắc đầu ném miếng bã trầu ra cửa sổ.
      Tuổi tôi gọi Tân Chước bằng anh, dù anh hơn tôi đến hơn chục tuổi. Chỉ biết rằng khi tôi lớn lên đã thấy anh oai vệ lắm rồi. Dạo đó anh là công nhân khai khoáng ở mỏ Trái Hút, mà sau này tôi biết đích xác là thợ đập đá. Mỗi lần anh về phép, đầu chải nước xà phòng lật sang bên như người ta đánh dõng khoai, chân đi dép nhựa có quai hậu. Thấy đám trẻ con chúng tôi chơi bi, chơi đáo, anh khinh khỉnh đi vòng tránh xa. Ấy cũng có khi là anh sợ bị bẩn cái áo sơ-mi trắng có lót cổ bằng cái khăn mù-soa cháo lòng. Còn chúng tôi , dù ở khá xa vẫn còn ngửi thấy cái mùi xà phòng khen khét. Chính thế anh càng oai!                                                                     
Anh là con một đích thực, nghĩa là không có cả chị em gái. Chínhh vì vậy anh có mấy cái thế lợi. Thứ nhất anh không phải đi lính, và vì thế, thứ hai anh đắt vợ. Vợ anh là chị Nhung làm nghề tráng bánh đa ở chợ Đồn. Sau này chợ Đồn bị ghép vào với chợ Ba hàng làm chợ xép, chị cũng chuyển theo ra với chợ chính, họp phiên hai ngày  một-sáu và bốn-chín. Theo tôi, chị Nhung tuy còn nhuộm răng đen (sau cạo đi nhưng cũng không trắng lại được mà thành cải mả) nhưng là người rất đẹp. Trong lúc cả làng nước làm ăn công điểm hợp tác thì chị có tiền mặt, lại có chồng là cán bộ, có phiếu vải mua phíp, nên chị diện cứ gọi là ngất thời bấy giờ...
      Chỉ có bà cụ Chước là người lành quá, đâm khổ.  Hồi trẻ bà vào làm bồi giặt cho ông Tây Đùi-gà (có lẽ là Dugas?), chủ đồn điền Sơn Cốt, sau  có con bà làm luôn vú em cho cô Mạt-sền, con gái ông ta. Người chị của Tân Chước chết yểu nghe bảo thiếu sữa, nhưng chết vì bệnh đậu lào. Ông bố Tân Chước cũng mất sớm, bà cụ ở vậy nuôi con từ năm mới có ngoài ba mươi.
      Đấy, tất cả những điều tôi biết về Tân Chước chỉ có thế, và nếu có thêm chút nữa thì là chuyện chị Nhung bỏ anh đi theo tay lái xe Đoàn 10. Bà cụ Chước lụi cụi dẫn con cháu gái mới lẫm đẫm biết đi về làng. Một bà cụ sống một cuộc đời tận cơ, tận cực ngót nghét một thế kỷ nay rồi, là người cuối cùng của thế hệ mặc váy, liệu còn điều gì nên nỗi mà ú ớ việt gian được nhỉ?
                                                                                           

*
*    *

      Thường lệ, mỗi lần về nhà tôi ghé thăm mấy người trong họ. Chẳng có nhiều thì giờ, cũng chỉ đáo qua những người thân thích thôi. Nhưng kỳ này tiện ngõ tôi tạt vào nhà Tân Chước. Anh không có nhà, còn bà cụ thì ngồi thụt cổ lại nhỏ tí trong góc bếp. Toàn thân bà lão một màu xám tro, nhỉnh hơn con mèo, trông như một mớ giẻ bị lãng quên của thời kinh tế nhạy. Bà cụ không nhận ra tôi, hay đúng ra không nhận được người la. Xung quanh bà bây giờ chỉ có một hạng người, mà qua mấy câu thăm hỏi như quát, bà rất sợ hãi.
      - Mỗi bữa cụ ăn được mấy bát cơm?
      Như một chiếc máy tính chạy quá tải, bà cụ xoay người vặn mình trả lời:
      - Hai, có khi một, ông ạ. Mà ông hỏi làm gì? Tôi chẳng còn nhớ gì cả đâu !
      Có tiếng động ngoài cửa bếp, tôi quay cổ nhìn ra. Trời ơi, một khuôn mặt thiếu nữ rạng rỡ hiện ra dưới mái hiên rạ! Vẻ đẹp tươi trẻ thoang thoảng mùi hoa xoan như một làn sóng nhỏ lay nhẹ vào nỗi buồn của tôi. Nỗi buồn vô duyên cớ !
      - Anh ra chơi ! Cô gái chào tôi bằng đúng cái giọng vùng quê nhà mà phải đi xa lắm quay về tôi mới nhận ra cái riêng của nó. Tôi lặng lẽ lần bàn tay bà cụ Chước như bàn chân của một con mèo già, khẳng khiu rồi đứng lên theo tiếng gọi của cô gái. Rất tư nhiên, cô nắm tay tôi kéo thẳng lên nhà trên:
      - Em biết anh về chơi, hôm qua bố em về bảo thế. Em cũng định vào nhà thăm anh, nhưng không dám...
      Thăm tôi ư? Lại có chuyện đây! Trước mặt tôi, bên cạnh tôi là con bé Xuân, con gái Tân Chước, cái con bé mà ngày hòa bình tôi từ mặt trận trở về nó hãy còn thò lò mũi xanh trèo tót vót lên cây ổi trong chùa. Gần hai chục năm qua đi rồi còn gì, nó đã trở thành một thiếu nữ.... Tôi không tìm được tính từ nào chính xác dành cho em, bé Xuân ạ... Em mặc một chiếc đầm xanh màu đại dương, rất mốt. Hoá ra bà cụ Chước chưa phải là người cuối cùng của thế hệ mặc váy.
      - Thế nào, em làm gì? Chồng con ra sao?
      Xuân cười ngất, tiếng cười thật trong, thật hồn nhiên, nhưng lập tức chùng xuống, lắng xuống một cách cũng thật ngọt ngào:
      - Chán lắm anh ạ, công việc đã chán, chồng con cũng thế, càng chán. Em mới vừa ở trên Thái về hơn tuần nay...
      - Thế à, em làm gì trên ấy?
      - Em bán quán bia... Bia ôm ấy anh ạ. Quán của mẹ em. Dạo này công an quần ác lắm, ế khách nên em về thăm bà...
      Tôi cố không làm ra vẻ sửng sốt, nhưng trong bụng thật không sao tin nổi. Tôi lái câu chuyện theo hướng bà cụ:
      - Bà em già lắm rồi Xuân nhỉ. Cụ lẫn rồi phải không?
      Xuân di di cái móng tay sơn hồng xuống cạnh bàn, lắc đầu:
      - Vâng, già thì già quá rồi đấy, sống nữa chỉ thêm khổ. Nhưng bảo lẫn thì cụ chưa lẫn đâu. Nhớ tài ra phết đấy anh ạ !
      - Này, Xuân có biết chuyện gì không, hôm nọ bố em bảo với anh là bà cụ có điều gì mà ú ớ việt gian thế hả em?
      Xuân nhìn tôi ngờ vực:
      - Em cũng không biết nữa...
      - Thôi vậy, anh về đây... Tôi làm ra vẻ dỗi, nào ngờ Xuân đứng dậy nắm áo tôi :
      - Anh ngồi chơi đã nào. Bao nhiêu lâu em mới được nói chuyện với anh. Anh tưởng anh là người lớn quên hết đám trẻ con trong làng phải không? Hôm nay bố em đi vắng đến tối không biết có về không, em cũng không dám giữ anh ở lại ăn cơm. Nếu ở trên Thái, em sẽ chiêu đãi anh một trận thật nhòe, đừng coi thường bọn em tỉnh lẻ nhớ! Còn ở đây, quê nhà mình anh biết rồi chứ? Nhưng anh cứ ngồi chơi, em có chuyện muốn hỏi anh, và em cũng sẽ kể cho anh nghe chuyện này, chuyện mà anh vừa hỏi...
                                         
                             
*
*    *

      Từ  biệt  Xuân, lòng tôi cứ gờn gợn một cái gì đó, vừa gai gai, nhưng nhức , lại vừa man mác đa tình. Tôi không về nhà mà đánh một vòng qua phía sau làng. Nơi đây thuở không xa lắm còn là một rừng thông ngan ngát gió. Những cây thông đại thụ gần trăm tuổi, hai ba người đàn ông nắm tay nhau ôm  chưa chắc đã khít vòng gốc. Bầu đàn thê tử nhà thông này không biết ai trồng từ bao giờ, nhưng được chăm bón bằng một bãi tha ma nhiều thế hệ người dân làng tôi. Có thể lắm chứ, những linh hồn cực nhọc khi về thế giới bên kia còn gửi lại lời than thở qua tiếng gió. Gió rừng thông kỳ lạ lắm, chỉ mới heo heo ngoài cánh đồng thì trong rừng thông đã nổi lên u u rền rĩ. Nhưng bây giờ thì rừng thông đã biến mất. Người ta khai thác nhanh chóng và triệt để hàng trăm cây thông từ mấy chục năm nay. Thế hệ những con bé Xuân đã không còn được thấy nữa rồi. Cả bãi tha ma cũng chỉ còn lại  ngôi mộ gạch của một ông Tây nào đó, nhưng cũng sè sè một đống xi-moong xám ngắt. Kỳ lạ lắm, khi cây thông chết đi dù đã lâu nhưng đất ở đây cứ sắt lại mọc độc một thứ cây hoa cứt lợn tây, và những tùm cỏ ay áy vàng. Tôi bước qua một hàng rào nhỏ đi về phía cuối bãi, nơi giáp giới cánh đồng. Đây, cái lùm cây âm u ngày xưa giờ là một mô đất cao non thước, trơ lỳ màu vàng xám, lác đác xung quanh những bãi phân bò khô, và những con bọ hung chăm chỉ. Chợt tôi rùng mình ngó dáo dác xung quanh. Không một bóng người, không một tiếng động, một sự vắng lặng đến tê người. Tôi không dám chạy, nhưng cũng không còn bình tĩnh được nữa, lật đật, cun cút rảo bước về làng.
      Thì ra câu chuyện là như thế này, Tân Chước thôi việc ở Trái Hút về làng, anh ta không chơi với ai, không làm việc gì. Nửa năm sau anh lên vùng vàng Na Rì, nửa năm sau nữa, anh về với một con người khác hẳn. Tóc rụng gần hết, chỉ còn ít sợi lơ thơ phủ xuống con mắt bạc, la lét nhìn ra xung quanh... Móng chân, móng tay sưng vù lên, lúc nào ruồi nhặng cũng bay vòng quanh. Đời đã tàn, anh luôn miệng nói thế. Mà còn biết nói sao hơn khi đời anh tàn tạ thật! Nhưng... hóa ra đời anh chưa tàn, chưa tàn là bởi vì anh nghe được câu chuyện sau đây, mà cũng chính là câu chuyện Xuân vừa mới kể cho tôi nghe.
      Ngày xưa, bà cụ Chước có hai chị em gái, chị cũng xinh mà em cũng xinh. Năm mười sáu tuổi, cô em bị đem bán cho nhà chú Khách ở chợ Đồn. Chú Khách này tử tế lắm, nuôi cô gái tận tình, chăm chút chiều chuộng, quần là áo lượt, chân tay không đụng thứ việc gì. Để làm gì? Không phải làm con sen, thì hay là vợ ba, vợ tư? Cũng không phải. Chú Khách cho cô ở riêng một buồng, cấm cung. Đi một bước có ngưòi trông nom cẩn thận. Cô đã đẹp, giờ càng đẹp, như cung tần mỹ nữ. Rồi đến một ngày kia, cô gái biến mất. Bảo biến mất cũng không đúng, chú Khách có nói nửa kín, nửa hở là cho cô về dưới xuôi, còn đi ngày nào, giờ nào không ai biết. Chỉ có người chị biết, nhưng biết mà làm gì, để đến hơn bảy mươi năm sau, khi bà đã lẫn hết mọi chuyện, mới là lúc nhớ lại, từng ly, từng tí. Người chị may cho em một cái túi nhỏ bằng vải điều, bên trong đựng đầy vừng, và dặn:
      -Nếu em bị đưa đi dâu vào ban đêm, thì cứ vừa đi vừa lấy cái trâm cài đầu chọc cho cái túi này thủng. Những hạt vừng sẽ rơi ra, nảy mầm để chị theo dấu tìm em...
      Quả nhiên, người em được cho ăn một bữa thật ngon, thật sang, rồi canh ba đêm ấy bị đưa về phía rừng thông. Theo lời chị dặn, cô đâm thủng cái túi, những hạt vừng rơi ra, xuống cả dưới chân cô. Sau đó cô được đưa xuống một cái hầm sâu có thắp những ngọn đèn dầu lạc to tướng, đủ cháy ba ngày đêm. Trong lúc cô hoang mang thì hai người đàn ông ấn cô xuống một cái ghế, và lập tức hai chân, hai tay, đầu và cổ bị trói chặt vào ghế. Cô gái kêu lên thì một bàn tay đã giữ  lại, nhét một thỏi sâm vào  và một miếng vải trộn si nóng được gắn chặt vào miệng. Cô gái trẻ đẹp lúc này hoàn toàn bất động, chỉ có đôi mắt trợn trừng, in bóng những ngọn đèn dầu lạc ánh lên tia nhìn tuyệt vọng. Lúc này chú Khách mới quỳ xuống lạy cô bốn lạy, mà nói:
      - Đừng oán ta, ta cần cô làm ma giữ của cho ta. Ta phải làm như thế, cô phải chết oan như thế thì ma mới thiêng. Ba ngày sau cô sẽ chết, và không có kẻ nào đến lấy của của ta được vì không biết tên tuổi, ngày giờ mà khấn vong linh cô...
      Có nhiều tiếng lục cục, cửa hầm đã lấp.
      Người chị, tức bà cụ Tân Chước bây giờ, lần theo hướng rừng thông tìm em. Ngày thứ nhất, những hạt vừng chưa nảy mầm. Ngày thứ hai, lác đác có những mầm trắng như hạt tấm nhú lên, nhưng không thể tìm tiếp được vì quá ít. Ngày thứ ba, những hạt vừng nở ra trắng xóa. Người chị cứ lần theo, lần theo... nhưng thưa dần, rồi mất dấu. Chị khóc, khi nhìn thấy những con chim nhỏ nhảy nhót trước mặt. Thôi, thế là bầy chim đã ăn hết những hạt vừng! Vừng ơi! Hỡi vừng!
      Ba ngày sau, cô gái chết làm con ma giữ vàng cho chú Khách. Và sau làng tôi, cái nơi mà tôi vừa một mình tha thẩn, vừa bổi hổi xao xuyến, vừa hoang mang sợ hãi ấy chính là cái nơi người con gái, người dì ruột của Tân Chước đang làm thần giữ vàn cho chú Khách nào đó!  
      Ông Tân Chước, con trai của bà khi nghe câu chuyện này, lập tức chứa chan niềm hy vọng. Nhưng hỡi ơi, trí nhớ của một bà cụ gần trăm tuổi đã tàn phai. Bà cụ không nhớ nổi tên người em cũng như ngày tháng năm bà em bị đưa đi làm ma giữ của cho người. Hay cũng có khi bà nhớ nhưng không muốn nói ra? Tân Chước hận lắm, nhưng càng truy bức bà cụ càng sợ hãi, càng ú ớ việt gian!




*
*    *


      Tôi về nhà nằm, hai tay ôm quặp lấy đầu, ngó ra cửa sổ sau nhà. Sau vườn, qua ao sen là con đường vào Thác Nhái, vẫn thỉnh thoảng còn người lục cục máng xẻng vào bãi vàng La Lang. Bây giờ còn thoi thóp lắm, nghe bảo chỗ ấy có một dạo người đông nghìn nghịt, còn bằng mấy công trường thủy lợi Yên Khánh, hay hồ Núi Cốc! Nỗi nhớ thị thành rộn rịp lại kéo đến. Quái lạ, nhiều lúc nhớ quê nhà đến thắt cả gan ruột, mà về thì chỉ thấy buồn. Quê tôi buồn, có lẽ nó buồn nên nó làm tôi nhớ quay nhớ quắt!
      Xuân ngồi bên cạnh, tôi nghe tiếng em nghẹn ngào, mà nhìn vào cánh tay em, những sợi lông măng trên bắp tay tròn, có mùi hương con gái. Thế rồi tôi ngoảnh đi  cố nhìn lên cái con xỏ lỏng lẻo trên mái nhà mà nghe em nói:
      - Anh cho em đi theo anh nhớ? Để nguyên em nói hết. Ở nhà có thể em cũng sẽ  bị đem bán cho người ta, có điều chưa chắc đã được một bữa ăn ngon để làm thần giữ của. Anh cho em là cái gì cũng được, là người ở, là người làng, hay là vợ anh? Vợ không chính thức ấy mà, bây giờ người ta hay có vợ kiểu đấy lắm...
      Em cười thật thà quá, sao bảo bán bia ôm  mà lại có được cái kiểu cười ấy à?
      - Đừng có mà nói chuyện trẻ con! Tôi nghiêm giọng.
      - Vâng, em trẻ con thật, trẻ con chán đời. Còn bà em thì lại sợ chết. Mỗi lần bố em tra khảo bà về câu chuyện hầm của nào đấy của chú Khách, người bà co dúm lại, tội lắm. Cứ một hai “ông tha cho con”. Mà không biết có hầm vàng không anh nhỉ? Có khi bà em bốc phét đấy thôi, nhưng bố em thì lại cứ tin...
      Có tiếng rít ư ử của con vàng, thì ra tôi đã chợp mắt đi một chốc. Tôi dụi mắt nhìn ra. Bé Xuân đã vào đến sân, mà sao con chó lại cứ thụt lùi thế kia? Tôi quát một tiếng nhỏ, con vàng quay lại vẫy đuôi rồi lại nhìn Xuân. Xuân mặc quần jean xanh chật căng, cả chiếc áo phông đỏ rực cũng chật, nhưng mềm mại, uyển chuyển. Chó ơi, mày khôn quá, với một cô gái đẹp, mày cũng không nỡ sủa. Xuân ngơ ngác nhìn ra vườn, rồi bất ngờ nhìn thẳng vào tôi giọng nghèn nghẹn:
      - Anh không cho em theo vào trong ấy thì thôi, em sang chào anh, mai em đi...
      - Lên Thái với mẹ à?
      - Không, em sợ chỗ ấy lắm rồi!
      - Thế thì đi đâu?
      - Em cũng không biết nữa, nhưng em phải đi... Thôi, em chào anh ạ!
      Xuân nói xong rồi vội vã đứng dậy, tôi lúng túng không biết làm gì, nhưng vẫn bảo:
      - Chờ anh tí.
      Tôi vào buồng, ngó quanh. Đây rồi! Trong cái kẽ gạch trên tường có  chai vừng giống của mẹ tôi. Không chần chừ, tôi dốc hết chai vừng ra cái khăn mù xoa, gói lại thành một gói tròn tròn rồi đem ra đưa cho Xuân. Em cầm trong tay xoay xoay, ngước nhìn tôi đôi môi mấp máy:
      - Cái gì thế?
      - Vừng đấy!
      Xuân nhìn tôi rơm rớm nước mắt rồi bất thần vụt chạy ra cổng. Tôi đứng ngơ ngẩn nhìn theo cái vệt đỏ lấp loáng sau hàng rào cúc tần đan dệt những  chùm dây tơ hồng vàng óng, nặng chĩu. Khi không còn gì để nhìn nữa, tôi trở vào và chợt nhớ ra. Phải tìm cách nào để nói với mẹ về chai vừng giống bây giờ?


                                                                                                                                          1995
HOÀNG ĐÌNH QUANG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét