Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

DỊ TẬT



Tôi quen Tăng Phò cách nay hơn chục năm, rất tình cờ. Hồi đó xe đò đi từ Sài Gòn xuống các tỉnh và ngược lại thật trăm bề khổ sở. Không có thẻ thương binh thì cứ gọi là xếp hàng gãy giò cũng chưa cắc mua nổi vé. Có vé rồi, lên xe cũng chả có ghế mà ngồi, bao nhiêu chỗ tốt, chỗ mát con buôn làm tất. Đành phải đứng. Đi xe mà mỏi chân hơn đi bộ.
Tôi có việc xuống Mỹ Tho, không có thẻ thương binh nên phải ra xa cảng miền Tây từ bốn giờ sáng. xếp giấy công lệnh rồi mà cứ ngay ngáy lo, chỉ sợ mất. Bảy giờ rưỡi mới lên xe, lại phải đứng chung với can nhựa, vỏ bình ắc-quy, thau nhôm, vỏ xe đạp… Mỗi lần xe dằn, vung nổi liệng tứ tung cứ như là động đất. Tôi đứng úp mặt vào Tăng Phò, ngửi phải hơi thở của anh ta, toàn mùi hành sống và thuốc lá đen.
Chiều, xong việc, tôi mua năm ký gạo, cho vào cặp táp, xách lên thành phố ăn. Qua trạm Tân Hương thì gạo phải để trong cặp tài liệu mới hy vọng thoát, còn không thì bị tịch thu ngay. Tình cờ thế nào lên xe – lần này may sao lại có chỗ ngồi – tôi lại ngồi cạnh Tăng Phò. Anh ta có cái bị bàng cặp trước bụng, còn cái bọc to thì để xuống dưới chân.
- Hây, lại gặp ông anh!
Phò cười. Tôi cũng cười và mời anh điếu thuốc Vàm Cỏ. Anh hút khoái trá, ngửa cổ nhả khói lên trần xe. Tôi nhìn kỹ Tăng Phò: tóc cứng dựng ngược, mặt ngắn và sần sùi mụn trứng cá, mũi lớn, miệng rộng, răng to. Con người hơi đần, có thể rất tốt bụng, cũng có thể rất độc ác, tôi thầm nghĩ.
Xe chạy đến trạm Tân Hương, giáp ranh hai tỉnh Long An và Tiền Giang (không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng ngày trước nhà thơ Xuân Diệu cũng đã từng làm cán bộ thuế vụ ở đây). Hành khách được đuổi xuống để nhân viên nhà nước làm việc. Tôm, gạo, thịt… đều là hàng tỉnh cấm, thuế rất nặng, cãi một tiếng là tịch thu liền. Mấy ký gạo của tôi để trong cặp cán bộ mà cứ hồi hộp, tim đập loạn xạ. Tăng Phò lầm lỳ. Chợt có một anh nhân viên xách cái bao ni-lông dệt màu đen, xướng lên:
- Cái này của ai?
Phò giật thót người: “Dạ của em!”
- Cái gì trong này?
- Thưa, không có chi. Một chút đồ ăn đem lên thăm bệnh…
- Đồ ăn gì mà nhiều dữ vậy? Mở ra coi!
Năn nỉ mãi không xong, tăng Phò đành tháo dây cột. Trong đó có một cái nồi đen nhẻm. Mở nắp ra, đầy ắp thịt kho.
- Ê, sao nhiều quá vậy?
- Dạ, thưa anh, ông già em nằm nhà thương, có giấy chứng nhận của xã đây…
Nhân viên nọ không thèm nghe, nhắc thử:
- Năm ký. Vậy là không được rồi. Đóng thuế!
- Thuế má chi anh. Thịt nấu rồi, ai còn buôn bán chi được mà thuế…
Lời qua tiếng lại, lát sau Tăng Phò nổi khùng:
- Đù mẹ các ông, cũng phải để cho người ta sống với chớ.
- Á à, dám chưởi người nhà nước hả. Tịch thu trắng. Có muốn còng đầu không?
Mặt Tăng Phò tái đi, anh toan bưng nồi thịt đổ xuống đất. Tôi giữ tay anh lại, nói với người khám xét:
- Xin đồng chí thông cảm cho. Ông già ảnh bịnh nằm nhà thương.
Người kia lừ mắt với tôi:
- Anh có để cho tụi này làm việc không? Can chi mà xía vô.
Tôi sợ quá, tịt luôn. Phò bưng nồi thịt trút ra bàn làm việc của trạm thuế, cầm cái nồi giơ lên:
- Còn cái nồi đen này có tịch thu không?
Xe chạy, tăng Phò hằm hằm giận dữ. Được một lát, anh cười gằn:
- Cho các con chết. Ông nội mày bỏ thuốc rầy vô rồi, thằng nào ăn chỉ có nước chết. Rồi anh phá lên cười như điên dại. Tôi thấy ghê quá. Xuống bến xe, tôi bảo Tăng Phò:
- Thôi, bỏ qua đi. Uống cà phê cái đã.
Trời nhá nhem tối, hai đứa ngồi trong quán, tôi hỏi:
- Trong thịt có thuốc độc thiệt à?
Anh cười hiền lành:
- Đâu có. Gin thì nói vậy chớ ai dám.
- Anh mua về để ăn chớ?
- Ai ăn. Tôi đi mua thịt bỏ mối cho hàng cơm bình dân. Ba chục đồng vốn mất tiêu. Nếu suôn sẻ về tới Sài Gòn, lời được sáu bảy đồng…
Từ đó chúng tôi biết tên, làm quen nhau, hẹn đến nhau chơi.
Tăng Phò là trung sĩ biệt động quân. Sau 30 tháng Tư năm 1975 anh đi học tập mấy tháng rồi về. Thất nghiệp. Sau, nghĩ ra cái cách làm ăn như vừa rồi. Thiệt dở cười, dở khóc.

                                                            ***

Thời gian về sau, tăng Phò xin được vào làm công nhân của Sở Vệ Sinh. Anh được biên chế vào đội phục vụ mai táng. Chức năng là tẩm liệm xác chết và chôn cất. Công việc này tuy có thu nhập khá nhưng thời kỳ đầu Phò rất hoang mang.
- Khủng khiếp quá ông ạ – Anh nói – Trong chiến tranh, mình tiếp xúc với xác chết mà cứ tỉnh queo. Bây giờ… sao mà ớn quá, tính bỏ ngang. Nhưng biết làm nghề gì được. Lính tráng với nhau, chắc ông hiểu, chỉ có mỗi cái nghề bắn giết. Thôi cũng đành liều. Mỗi lần xắn tay áo, phải làm một ly đế. Sau lên một xị, hai xị…
Nhìn khuôn mặt xù xì xám ngắt của Tăng Phò, tôi thấy ái ngại. Được cái đời sống anh cũng khá lên, không đến nỗi khó khăn như trước.
Hai năm sau, Tăng Phò cưới vợ. Vợ anh tên là Nhẹn. Cô Nhẹn là người cũng có nhan sắc, nhưng trót lầm lỡ phải bỏ quê lên thành. Cô làm người ăn kẻ ở trong nhà cho một bà già góa bụa. Bà này có mở một quán cơm, cô Nhẹn đứng trông coi. Là gái chân quê, có chút kinh nghiệm phố phường, nên cô có được cảm tình của thực khách. Hơi đẫy đà, có tướng của một mệnh phụ quyền biến, cô Nhẹn có tiếng là một bà chủ quán mặn mà. Chính lúc đó, Tăng Phò thường bỏ mối thịt kho cho quán cô Nhẹn. Kể cũng lạ, bao nhiêu năm trời cô không thương ai, tự nhiên gặp anh chàng tứ cố vô thân này, trái tim cô rung động. Từ rung động đến thổn thức. Hai người lấy nhau, không màu mè lễ nghi rắc rối. Cô có chút vốn liếng, họ thuê một căn nhà vừa ở vừa làm quán bán cơm. Quán vẫn đông khách. Còn Tăng Phò đâm ra yêu nghề. Ngày ngày anh vẫn nai nịt gọn gàng theo xe con rồng lên Gò Dưa, Bình Hưng Hòa… Một năm sau, cô nhẹn sanh con trai. Nhưng… đứa trẻ sanh ra đã bị dị tật. Tay trái ủa nó bị cụt đến cổ tay, không có bàn tay. Ở cái chỗ bị cụt ngủn kỳ dị ấy mọc lên năm cái cục thịt nhỏ xíu bằng hột đậu xanh. Cục nào cũng có móng, dấu tích của những ngón tay.
Cô Nhẹn khóc như mưa gió. Còn Tăng Phò ngồi lì trước chai rượu. Được cái thằng nhỏ khỏe mạnh và mau lớn. Ba tuổi nó đã tỏ ra thông minh không những hơn hẳn cha mẹ mà còn vượt trội cả những đứa trẻ cùng tuổi. Tên nó là Tăng Ly.

                                                            ***

Suốt thời gian từ sau đám cưới và xảy ra những biến cố trên đây tôi không gặp Tăng Phò. Khi tôi gặp lại anh là lúc thằng Tăng Ly được năm tuổi. Thằng bé xem ra dung mạo khác lạ, không dễ gì tin nó là của con anh phu nhà đòn với cô hàng cơm. Nước da nó trắng hồng, môi đỏ như son, mắt sáng, mũi cao, cằm vuông, tóc đen nhẫy lòa xòa trước trán. Chỉ có một điều, bàn tay trái của nó luôn đút trong túi quần pijama. Tính tôi vốn hiếu kỳ, cái gì lạ đời là muốn thấy cho bằng được. Tôi đến chơi nhiều lần, nựng nó rất khéo nhưng nó cũng không để cho tôi nhìn thấy cái bàn tay ấy. Tôi đâm ra băn khn, thương cho vợ chồng Tăng Phò. Tôi tìm hỏi các nhà y học, các nhà di truyền học nhưng họ cũng chỉ giải thích chung chung, bâng quơ, đại loại là đột biến “gen”, hoặc tác động ngoại cảnh.
Cho đến một hôm, cũng do tình cờ, tôi gặp người bạn cũ của Tăng Phò. Anh này tên Năm, trước đi lính đóng chung với Phò. Anh năm giải đáp thắc mắc của tôi bằng một câu chuyện như sau:
Dạo đó là mùa gió chướng, đơn vị của họ đóng đồn ở vùng Đồng Tháp Mười, giáp giới Tân Thạnh, Mộc Hóa. Nước nổi lấp xấp trong văn vắt quanh gò đất. Sau đợt hành quân của trực thăng và bo bo, Việt Cộng lùi sang bên kia sông, tình hình tạm lắng dịu. Đêm ngày, đơn vị của Tăng Phò chỉ còn lo canh chừng đám du kích lội ngầm tới công kích. Lâu lâu bắn cầm chừng cho các đồn bên cạnh vững bụng. Thỉnh thoảng trên chi khu có tiếp cho ít đồ hộp, gạo sấy. Còn rượu thì uống lén. Ở đây xa dân cư nên không thể kiếm chác được gì.
Chiều đó, Tăng Phò đi quanh khu gò đất xem chừng. Tánh anh lầm lì, gan dạ, làm tốt chức trách quân nhân nên được cấp trên tin tưởng khen ngợi. Chỉ bởi anh ít chữ nên không làm được sĩ quan. Giữa vùng nước nổi bạt ngàn, gió chướng lao xao, không nghe giọng hò, không có tiếng mái chèo cọt kẹt, ngao ngán thiệt. Chợt Tăng Phò ngồi thụp xuống, cảnh giác. Một vật gì lập lờ dạt vào gần bờ đất. Mấy tay súng lăm lăm theo lệnh trung sĩ. Một loạt đạn xả vào vật trôi lềnh bềnh đó, nước sôi lên tung tóe. Sau đó vẫn là im lặng. Phò lấy một nhánh tràm khều cái vật lạ vào bờ. Đó là cái bao bàng được may cẩn thận. Anh lấy dao cắt đường may, cả tốp nín thở hồi hộp. Khi bao bàng được mở ra, bên trong là một cái gói bằng ni-lông. Mở bao ni-lông là một bọc vải, còn khô nguyên, tuy co mấy lỗ đạn. Mở gói vải ra thì tất cả rùng mình la hoảng. Xác một đứa trẻ ba tháng được mặc áo quần cẩn thận, xung quanh chèn bằng tã lót và xức dầu thơm. Mặt Tăng Phò đanh lại, anh mở cái xác hài nhi ra coi thì… tay trái của nó bị cắt cụt đến hết bàn tay, máu đã khô đọng. Anh hạ lệnh cho mấy chú lính đào huyệt chôn cái xác đó và bày một ít đồ ăn ra cúng trên nấm mồ nhỏ xíu. Mấy ngày sau Tăng Phò như người ị hớp hồn, hay tư lự và cộc cằn…
- Lúc đó, tôi cũng có mặt – Anh Năm kể tiếp – Sau này tôi có hỏi một ông thầy chùa. Ông nói là cái đứa trẻ đó khó nuôi, cha mẹ nó hiếm hoi, sanh mấy lần đều chết yểu. Đến đứa này cũng không nuôi được, họ không đem chôn mà thả cha trôi sông và chặt một bàn tay làm dấu để nó không về đầu thai được nữa. Nhưng cái hồn đứa trẻ đó rất thiêng, ai cưu mang làm ơn với nó, sau này nó theo về trả ân…
Tôi nghe chuyện mà thấy gai cả người, mặc dù không thể tin vào cái chuyện trả ân đó được. Nhưng đúng là Tăng Phò có làm cái chuyện như anh Năm vừa kể.
Ít lâu sau, tôi lại ghe một người quen khác của Tăng Phò kể rằng:
- Hồi đi lính, tôi cùng ở chung đơn vị với Tăng Phò, thằng cha này ác nhơn thất đức lắm. Lần ấy chúng tôi hành quan lên Đồng Xoài tìm diệt Việt Cộng. Đi hoài chẳng thấy Việt Cộng đâu mà đơn vị thì đã bị thương vong khá nhiều. Chính thằng cha Tăng Phò cũng bị một vết thương vào cánh tay. Lúc y tá băng bó, mặt hắn đanh lại gầm ghè. Hắn thề bắn giết bất kỳ người nào mà hắn gặp. Hôm sau chúng tôi vào một cái làng tiêu điều. Dân ở đay di tản đi ca. Tìm hoài thấy hai mẹ con người đàn bà đói và rách. Đôi mắt trắng dã của người mẹ mở trừng trừng nhìn đám lính chúng tôi đang hùng hổ. Tăng Phò dí súng vào mặt bà ta hạch hỏi:
- Việt Cộng đâu?
Người mẹ ấy im lặng không trả lời. Phò lôi bà ta sềnh sệch ra giữa sân. Đứa con trai khoảng ba tuổi khóc thét, bám cứng vào áo mẹ làm cho hắn bực mình. Tăng Phò hung hăng rút do ra hém phăng bàn tay đứa trẻ. Thằng bé rời ra tím ngắt, máu phun lênh láng. Còn bàn tay kia vẫn lủng lẳng đeo bám vào vạt áo người mẹ. Bà mẹ lồng lên, lao vào Tăng Phò cắn xé. Bà ta bị hắn bắn chết ngay. Còn đứa con giãy giụa trong vũng máu, lát sau cũng chết. Phò ném xác đứa con nằm vắt qua xác mẹ rồi hằm hằm bỏ đi…
- Chú ơi, người kể chuyện thì thầm vào tai tôi, chính tôi nhìn thấy cảnh đó, mấy ngày sau còn rùng mình. Riêng Tăng Phò tôi thấy thằng chả lầm lì, uất lắm. Không chừng chính đứa bé ở Đồng Xoài ngày đó về đầu thai báo oán hắn cũng nên…
Câu chuyện của người này làm tôi rùng mình. Tôi cũng không tin vào sự báo oán đó, nhưng cứ nhìn mặt Tăng Phò tôi lại thấy ghê ghê. Tôi hỏi anh có ở Đồng Xoai bao giờ chưa, anh đáp:
- Có. Hồi năm 1967, tôi có hành quân lên trển.

                                                            ***

Từ khi nghe những chuyện đó, mối thiện cảm của tôi với Tăng Phò hình như khác lạ đi. Ở đời hễ ích kỷ, chuyện của người bỏ ngoài tai thì được nhẹ nhõm, nhưng nếu có chút tình với nhau, trái ngang của bạn cứ ám ảnh mình, có khi còn đa đoan hơn chính bạn.
Dịp Tết vừa rồi tôi có đến thăm gia đình Tăng Phò. Tăng Phò vắng nhà, anh vẫn theo xe con rồng lên Lái Thiêu, vì người từ biệt thế giới này đâu có kiêng dè gì Tết nhất. Tôi bước qua cánh cửa để ngỏ. Quán còn đang nghỉ Tết. Ở góc nhà thằng Tăng Ly đang ngồi say sưa vẽ, nó vẽ rất đẹp. Và, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cái tay dị tật của nó để hớ hênh dưới đầu gối. Nó sần sùi, lởm chởm, mấy cục thịt nhỏ xíu dính ở chỗ cụt có vẻ là dấu tích của những ngón tay thật. Một lát sau, thấy tôi, nó vội vàng giấu cái tay vào túi áo pijama, chào tôi rồi gọi mẹ. Cô Nhẹn xinh đẹp, đậm đà bước ra tiếp tôi niềm nở rồi đuổi con lên gác chơi. Chuyện trò một lúc, tôi cứ bị ám ảnh bởi cái tay thằng Ly. Không dằn được tò mò, tôi đánh bạo hỏi:
- Tôi hỏi không phải, có gì cô Sáu đừng giận nghe!
- Có chi đó anh Hai? Vợ chồng em quý anh lắm mà. Anh đừng khách sáo, tụi em buồn.
Tôi tằng hắng mãi rồi mới dám hỏi:
- Thằng Ly nó bị tật ở tay. Tôi nghe nói bẩm sinh, có phải không?
Cô Nhẹn quay mặt đi, dợm nước mắt:
- Anh Hai thương tụi em mà hỏi, em mới dám nói thiệt. Cũng có lời đồn đại ác độc cho anh Sáu nhà em. Thiệt ra nó như vầy. Lúc có bầu thằng Ly được năm tháng, em có lén chồng em đi siêu âm, bởi lúc đó em làm cũng tiền. Người ta cho biết nó là con trai. Bình thường, không sao cả, cứ yên tâm về bồi dưỡng chờ ngày sanh. Lúc trở dạ, em vô nhà bảo sanh tư. Đau quá, em chịu không nổi nên bị xỉu. Lúc tỉnh dậy không thấy con em đâu, em lo quá. Ngày nào chồng em ảnh cũng vô hỏi con đâu. Người ta cho biết nó bị yếu nên phải nằm riêng. Một tuần sau, em được gặp con thì trời ơi…
Cô Nhẹn khóc nức nở ngay trước mặt tôi. Tôi không hiểu chuyện gì, nhưng cũng không dám hỏi. Một lúc sau cô vừa nấc vừa kể tiếp:
… Bàn tay trái của nó bị băng bó. Thằng nhỏ hơn bốn ký. Vì lớn quá nên cô đỡ không biết phải dùng cây móc kẹp sao đó mà khi lấy được nó ra khỏi bụng mẹ, bàn tay trái của nó cũng bị nát… Em tính thưa kiện nhưng chồng em ảnh bảo thôi. Đằng nào cái số nó cũng đã vậy rồi.,
Từ biệt cô Nhẹn, mà lòng tôi không khỏi phân vân. Trình độ đỡ đẻ của ta đau đến nỗi tồi. Nếu thằng Ly bị cắt cụt bàn tay từ lúc mới lọt lòng thì chắc gì nó đã sống nổi. Nhưng mà… nếu đúng như lời cô Nhẹn thì sao? Chẳng hóa ra số phận một con người, một đời người lại phụ thuộc vào bà đỡ xoàng và mấy cây móc kẹp bằng sắt? Lời kể của cô Nhẹn, mẹ thằng Ly không làm cho tôi tin, mặc dù có vẻ duy vật hơn.
Nhưng dù sao thì thằng bé Ly đẹp như thiên thần kia cũng suốt đời mang cái tay cụt bất hạnh mà chắc chắn là không phải tự nó gây nên.
                                                                                                            1991

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét