Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

NGƯỜI THỢ SỬA GIÀY GÓC PHỐ

       Mấy ngày Tết, trong nhà tôi khách khứa không nhiều. Cũng là phải thôi, làm kẻ sống xa quê, họ hàng nội ngoại ở cả ngoài Bắc, trong này chỉ có vài anh em, mấy người cùng làng và những bạn bè quen biết, đồng sự... đến thăm nhau trong ngày Tết. Ấy thế nhưng cũng phải vào mùng hai, mùng ba họ mới đến. Ngày mùng một còn phải đến lễ cha mẹ, lệ là vậy, mùng hai đến thăm thủ trưởng, thầy cô giáo của mình, của con cái. Ai cũng thế cả, hoá nên có đến nhau rồi cũng chẳng gặp, vài lần thành quen, chừa những ngày ấy ra.

DỊ TẬT



Tôi quen Tăng Phò cách nay hơn chục năm, rất tình cờ. Hồi đó xe đò đi từ Sài Gòn xuống các tỉnh và ngược lại thật trăm bề khổ sở. Không có thẻ thương binh thì cứ gọi là xếp hàng gãy giò cũng chưa cắc mua nổi vé. Có vé rồi, lên xe cũng chả có ghế mà ngồi, bao nhiêu chỗ tốt, chỗ mát con buôn làm tất. Đành phải đứng. Đi xe mà mỏi chân hơn đi bộ.

NGOẠI Ô

      Tôi cầm hộp bánh in màu sặc sỡ, và có lẽ rất đắt tiền lên ngắm nghía, săm soi mà chưa quyết định có nên cho vào túi xách không? Có nên đem món quà sang trọng này về biếu ngoại không? Nó đắt tiền và bóng nhoáng nhưng lại rất xa lạ với ngoại tôi. Đó là hộp bánh của anh Tường, người cùng cơ quan với tôi, một người đàn ông lịch lãm và mạnh mẽ. Anh đem về từ một siêu thị bên Singapore tặng tôi và nói:

LÚC BẤY GIỜ KHÔNG CÓ AI


Đúng! Lúc bấy giờ không có ai.
Không có quan tòa và tội phạm. Không có con người và ma quỷ. Không có cả muỗi và ánh sáng. chỉ có tôi, nàng và nó. Nó là một vật nhỏ xíu nằm lăn lóc trên nền chiếu lờ mờ. Qua ánh đèn ngoài đường hắt vào nó ánh lên, khó nhọc phô hết cỡ cái lấp lánh của loài kim loại.
Nàng nằm bất động, hơi thở đều ddeuf, dịu dàng đến yếu ớt. Tôi ngỡ ngàng nhìn nàng trơ trọi trong không khí và dần nhớ lại.

MÙA CHIM NGÓI



Gần sáng, im gió.
Sương móc xà xuống giăng trắng ngoài cửa sổ. Tiếng thằng cháu nội ọ ẹ ở đầu buồng bên kia làm ông Tiệp thức giấc. Mà chả cứ phải có tiếng động gì, cữ này, ông thấy ê ê ở thắt lưng, ở mạng sườn là thôi, không sao ngủ được nữa. Già mất rồi!
Ông ngồi dậy quờ chân tìm dép, khoác cái áo đại cán cũ, lịch kịch mở cửa. Sương lùa vào lạnh toát. Ngẩng dòm trời toàn một màu trắng đục, chẳng thấy bóng dáng trăng sao. Hanh rồi đây!

VỪNG ƠI

      Cả nhà tôi đang ăn cơm chợt con chó vàng hực lên một tiếng, xù lông cổ lao vọt ra cổng. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì thằng Lộc, cháu tôi đã vút qua bậu cửa, miệng thét lạc cả giọng:
      - Chó !
      Đúng lúc ấy, tiếng con vàng, oai vệ và hung dữ nhằm vào cái bóng lù mù, xù xì như một con bù nhìn di chuyển chậm chạp vào giữa sân. Nó lao tới tính ăn tươi nuốt sống cái bóng bù xù đó, nếu như không có thằng Lộc cho một cú song phi ngoạn mục vào mạng sườn. Mẹ tôi chống đũa thở dài:

VÀNG

Cả nhà tôi sắp ăn com chiều thì có khách. Mở cửa, tưởng khách nào hóa ra Ba Thành từ Cao Lãnh lên. Có đến mấy năm nay, anh em không gặp nhau, tôi vừa mừng, vừa ngạc nhiên.
- Trời! Chú Ba, vô nhà đi!
Thấy Ba Thành cứ đứng xớ rớ với chiếc cặp to tổ chảng và đôi giày đen bóng ngoài cửa, vợ tôi giục:
- Cứ mang giày vô, chú Ba!

TÍNH CÁCH




      Anh Sếnh là niềm tự hào của làng tôi, vì anh là phi công. Phi công lái máy bay phản lực chiến đấu hẳn hoi. Những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trên bầu trời làng tôi thỉnh thoảng vẵn xuất hiện những con Én Bạc lấp lánh, ngoan cường chiến đấu với bọn Thần Sấm, Con Ma. Không một ai, từ già lão chí trẻ thơ là không thầm reo:
      - Đấy, máy bay của thằng Sếnh, của anh Sếnh đấy... Bắn chết mẹ chúng nó đi, Sếnh ơi!

THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU

Màn hình tinh thể lỏng báo cho hành khách biết, chuyến bay đã được nửa chặng đường. Người đàn ông A-rập ngồi bên cạnh tôi lại tiếp tục ngáy, sau cú lắc của máy bay. Tôi nén thở dài, hít một hơi thật sâu, khoanh tay trước ngực, ngoẹo đầu nhìn ra cửa sổ máy bay. Trời trắng loá, chỉ một ô nhỏ, nhưng vô cùng vô tận.
Còn những bốn giờ đồng hồ nữa, mới đến sân bay Tân Sơn Nhất, đến thành phố quê hương tôi. Tôi cựa quạy cố tìm một tư thế thích hợp nhất để nhắm mắt. Nhắm mắt rồi, nhưng trong bóng tối nhân tạo của ánh sáng, hàng chục, hàng trăm những đốm sáng thi nhau đọng đậy, đan chéo như một trời sao băng, tung toé. Y như trước mắt tôi là một thiên hà bị nén chặt trong tiếng ù ù, trầm và nặng của động cơ phản lực. Tôi lắc lư theo những vì tinh tú ấy…

THỜI LOẠN


Năm mười ba tuổi, cái tuổi dậy thì, da thịt, chân tay ngứa ngáy, chị Minh trèo lên cây ổi trong sân chùa. Năm ấy ngâu vầy nhiều quá, ổi chùa toàn những quả chua. Một cành la làm chị đuối chân ngã nhào xuống mái. Ngói xô chị xuống tam quan, một mảnh ngói lá đề cứa vào cổ chị, máu chảy chan hòa khắp thân mình. May mà sư cụ đã cứu được chị thoát chết nhưng chị bị câm từ đấy. Chị không nói được nhưng vẫn nghe thấy tiếng của người đời, tiếng bấc, tiếng chì, tiếng cay tiếng ngọt... Ai đó ác khẩu không gọi chị bằng cái tên khai sinh là Vũ Thị Minh mà nương theo cái âm thanh nghêu ngao ú ớ của chị mà đặt cho chị cái tên là Nghêu. Riết rồi cả làng đều gọi như thế.

PHIÊN CHỢ TẾT CUỐI CÙNG


      Cho đến tận bây giờ, đã hơn ba mươi năm qua rồi nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ đinh ninh rằng tiết Đại hàn phải rơi vào ngày hai mươi sáu tháng Chạp, dù rằng lịch thiên văn không hẳn năm nào cũng vậy. Đó là một ngày gió rét xẻo da cắt thịt, mưa phùn giăng như bột muối trắng trời, còn con đường đất đỏ chen lẫn đá cuội từ nhà tôi ra chợ Ba Hàng lép nhép bùn. Ngày hai mươi sáu tháng Chạp, có thể gọi là hăm sáu Tết được rồi, là ngày mà chợ Ba Hàng họp phiên cuối cùng trong năm. Phiên này ai mua gì, bán gì thì cũng cố mà mua mà bán cho bằng hết, bằng đủ... Đúng ra thì còn một phiên nữa họp vào ngày hăm chín, nhưng là chợ xép (phiên của chợ Đồn Sơn Cốt chuyển ra), lại cận quá rồi, năm nào tháng thiếu, hai chín bắt làm ba mươi, ai bí quá chạy ra mua nắm mùi, củ su hào hoặc tí dầu, tí mắm mà thôi! 

NHỮNG NGƯỜI THỌ NẠN




Ông Tư Sâm, tức nhà văn Trang Thế Hy, tức Già Hy từ ngày giã từ chốn thị thiềng nhộn nhịp dọn hẳn về dưới quê nhà, có lần nhắn thằng Quang nếu rảnh xuống chơi. Anh Thanh Vũ, phó chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh gặp cũng bảo: bữa nào ông về Bến Tre chơi mấy ngày đi! Rồi Thọ, thằng bạn đồng liêu, cùng học trường đại học cũng rủ mấy lần…

HÀNH HƯƠNG




            Công việc của tôi ở thành phố Hồ Chí Minh chưa lần nào lại vất vả như chuyến công tác cuối năm này. Vụ việc phức tạp đến nỗi trưa ngày hăm bảy Tết mới họp để các bên ký vào biên bản. Sự việc cũng không đơn giản, mặc dù trước đó, chúng tôi đã phải vất vả hơn một tháng trời thu thập số liệu, chứng cứ để kết luận. Có người ghé vào tai tôi: "Các ông nhè nhẹ tay một chút, vé máy bay ra Hà Nội đã chuẩn bị sẵn rồi! Anh em trong này cố gắng để ông về ăn Tết với gia đình, một cái tết xứng đáng với công lao của ông!". Tôi hiểu câu nói "chân tình" này, nhưng không thể được. Họ cố tình rây rưa, trì hoãn để chúng tôi nản lòng, chấp nhận một kết luận như ý họ. Chiều hăm tám, năm nay tháng Chạp thiếu, thành ra hăm chín rồi, biên bản đã được ký nghiêm túc. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm, về phòng khách, nhìn  giường chiếu xếp gọn ngay ngắn, không có chăn màn, phích nước như mọi ngày, máy điện thoại cũng đã gỡ. Họ đuổi mình đi đây, cũng phải thôi, công việc xong rồi, lại năm hết tết đến, ai còn hầu mình nữa. Tôi hỏi chị phục vụ, nhưng chị tránh mặt, mãi sau mới nói nhỏ: "Chú có ra Hà Nội thì đi lè lẹ lên!". "Sao vậy, chị Ba?". "Tôi không biết, nhưng ngày mai là ba mươi rồi!".

“LỚP MƯỜI BA” THƯƠNG MẾN!




       Thượng úy Đức, cầm giấy phép trong tay, rồi vội vã rời trung đoàn để kịp chuyến xe ba giờ chiều. Bụng dạ anh đang như lửa đốt mà chiếc xe khách dù được mệnh danh là tốc hành vẫn cứ như rùa bò. Mãi hơn mười giờ đêm xe mới về đến thị trấn. Cả nhà đang ngồi đợi anh, Đức nhìn vợ đang nằm thiêm thiếp trên giường, lòng se sắt, hỏi mẹ:
       -Nhà con làm sao thế hả mẹ?
       Bà cụ nhấc đầu thằng cháu nội đang ngủ say gối lên đùi bà đặt xuống cái gối, giọng đầy lo lắng:
       -Nó bị đau mấy ngày nay rồi, phải nghỉ dạy. Tưởng uống thuốc sẽ đỡ nào ngờ nó lại đau quá, nên tao phải nhắn cho anh về. Ngộ nhỡ có điều gì thì khổ...

TRANG TRẠI TÔ VŨ



(Xin tặng những ai tuổi Quý Mùi)


          Tôi về làng lần này nghe dân tình kháo nhau dữ lắm. Tưởng chuyện gì, thì cũng lại chuyện anh Phúc. Mà cũng chẳng hiểu ra làm sao, anh Phúc cứ mãi mãi là đầu têu ra những chuyện để cái "phố cong môi" của làng tôi quan tâm bàn tán. Thì đã đành một nhẽ, chả thế mà cái phố toen hoẻn, tự phát hình thành từ mấy cái kẹo dồi chè chén để rồi thành nơi thu thập, tin tức, rồi biên tập cho nhuyễn ra để phát đi, mười phần chả chắc còn được ba, bốn. Phố xóm, phố làng ấy mà, chả có tên, vậy mà không biết vị tiên sinh nào đã đặt cho một cái tên là phố Cong Môi. Quả đáng bậc hiền minh? Cái tên sao mà vừa kêu, vừa hay, mà chuẩn xác đến thế.

TRIẾT LÝ THỢ HỒ





            Tốt nghiệp lớp mười hai, tôi thi rớt đại học, cả ba trường đều rớt. Tôi không buồn lắm, ba tôi không nói gì, chỉ có mẹ thì thật buồn. Mẹ buồn, đôi mắt mẹ trễ xuống, không nhìn thẳng, không nhìn ai mà hình như mẹ tìm một cái gì đó, có lẽ là tương lai của tôi. Tương lai của tôi? Tôi nhận quyết định nhập ngũ rồi hào hứng theo đám tân binh lên Trại huấn luyện Phú Giáo. Sau ba tháng, tôi được bổ sung về phòng hậu cần tỉnh đội. Ở một cơ quan "oách-xì dầu" này, tôi lại được biên chế vào một bộ phận nghe cũng oách không kém: Đội xây dựng cơ bản! Nghe vậy, nhưng không phải vậy mà chúng tôi là một "tiểu đội thợ hồ". Thì mọi nhẽ cũng đến vậy là cùng. Ai cũng nghĩ làm anh bộ đội thì chiến đấu ngoan cường, từ nhân dân mà ra, kẻ thù nào cũng đánh thắng... Kẻ thù của chúng tôi bây giờ là những bao xi măng, còn những hố móng có lẽ còn phức tạp hơn cả giao thông hào ngày xưa. Tuổi mười tám rưỡi của tôi vốn đã được đô thị hóa nên còn lẳng khẳng lắm. Cũng qua mau, cái thời hạn hai năm, tôi xuất ngũ. Trở về nhà với vốn liếng xạ kích bài một, ba bài chính trị cơ bản và trình độ "thợ hồ bậc bét", tôi thấy mẹ vui lên một chút. Còn ba:

GIỮA NHỮNG NGƯỜI CHA LÀ NHỮNG ĐỨA CON





Tôi biết anh Thái cũng đã lâu, phải đến hơn chục năm. Lần ấy, vào dịp kỷ niệm mười năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có đi tìm viết về một người đã từng chiến đấu ở sông tuyến Hiền Lương trong những năm đất nước chia cắt. Phòng tuyên huấn Bộ chỉ huy công an vũ trang giới thiệu tôi đến Thái, người đã từng chiến đấu ở cầu Hiền Lương, đã từng ôm giữ cột cờ, vá cờ suốt trong những ngày ác liệt đó. Trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, cả nước có một mục tiêu duy nhất không được ngụy trang: đó là cột cờ cầu Hiền Lương trên sông bến Hải!

MỘT NGƯỜI CHƠI CHÓ Truyện ngắn





            Ông Sáu Tính đã thức giấc, thức từ lâu rồi, tầm ba giờ sáng thì phải, nhưng ông không muốn dậy. Dậy sớm là cái bệnh của người già, nhưng là người già bình thường, thậm chí tầm thường, chứ còn ông, ông dậy mà làm gì, mà khua khoắng, dạy dỗ ai? Ông trở mình và nghĩ, nghĩ ngợi cũng là một cái bệnh của người già. Người già thường nghĩ về những cái đã qua, những phen hú vía, những mẻ tiếc rẻ và cả những lần hồi hộp, vì cho đến gần trọn cuộc đời, người ta cũng chưa biết được, cái vụ việc ấy, cái con người ấy... sẽ kết thúc ra sao, nếu như...? Nếu như..., giá như... giá như ta đừng, hay giá như ta cứ...

NHŨNG NGƯỜI CHƠI CHÓ Truyện ngắn



            Tôi với Phức là bạn! Bạn thật! Sở dĩ tôi cần phải khẳng định như vậy là vì giữa chúng tôi nó biểu hiện rất rõ ra cái mối quan hệ mà không mấy người tin ngay. Bạn gì? Trên đời này thiếu cha gì cái gọi là bạn nhưng chưa chắc, cũng như những người bà con của tôi vẫn hay lửng lơ: nói vậy nhưng không phải vậy! Nhiều khi, và thường khi Phức gây cho tôi những vụ rất khó chịu, có khi là tai tiếng giống như hắn ta là món nợ kiếp này của tôi, chỉ muốn vứt quách đi cho xong, nhưng không thể được, và tôi phải chịu sự tra tấn của hắn. Nhiều người, trong đó có cả sếp tôi lẫn vợ tôi đều phải nhăn mặt, lắc đầu: làm sao mà ông chịu đựng được cái thằng cha bửa chơi như thế nhỉ? Ngược lại, Phức ta cũng phải gánh chịu tôi, gánh chịu cái tính nết tôi mà theo lời hắn ta là "thối như giày lính". Giày lính thì chỉ có thể so sánh với cóc chết mà thôi. Hóa ra tính nết tôi nó như vậy thật à? Chứ còn gì nữa. Gan cho ra gan, nhát cho ra nhát, đằng này cứ lừng khừng, khóc chả có nước mắt, cười không ra hơi, xin không ra xin, mượn không ra mượn, ăn cắp cũng chẳng ra ăn cắp! Định nghĩa tôi như thế (có lẽ không sai, nhưng là do sau này "hoàn cảnh" làm ra tôi như vậy chứ hồi trước, hay nói đúng hơn bản chất tôi chưa chắc đã như vậy, chuyện này rồi tôi sẽ thuật lại sau) mà hắn vẫn còn chơi được với tôi thì chẳng là bạn thì là gì?  Cuối cùng và tóm lại, dứt khoát hắn là bạn tôi, tôi là bạn Phức, y như thể năm cộng năm là mười!

LỜI NGUYỀN ĐÃ NGHIỆM






Nhờ một người quen giới thiệu, Mừng được vào làm việc trong một cơ quan nhà nước. Nên nhớ: cơ quan nhà nước hẳn hoi, sẽ có một ngày được vào biên chế, không, được ký hợp đồng dài hạn. Khi đó chú sẽ trở thành công chức nhà nước, công dân hạng một, hiểu không? Mừng hiểu, mà dù không hiểu, Mừng cũng vẫn gật đầu chăm chú, đôi mắt chuyên đời nhìn xuống, cũng đã phải ngẩng lên, lóe sáng. Khốn nỗi, cái người giới thiệu, cái người đang cố gân cổ lên giải thích cho Mừng nghe cái tương lai xán lạn nhất trần đời ấy cũng chỉ là một anh nhân viên quèn, chưa được lên chức danh cán bộ, mỗi khi điền vào giấy giới thiệu đi đâu đó, nộp tiền điện thoại cho sếp, chẳng hạn...
Trong cơ quan nhà nước hiện thời, nhiều cái oái oăm, mà có lẽ không chỉ riêng Mừng, mà một ai đó, dù sắp về hưu, có bốn muơi năm công tác và đóng bảo hiểm liên tục, cũng chưa chắc đã hiểu. Có khi anh cán bộ nằm dưới, cô thư ký nằm trên (danh sách khen thuởng chẳng hạn). Cũng có khi ông sếp lừ lừ như "đầm sen" (sen-đầm) lại bị anh bảo vệ cho đo ván văng lên đến tận tòa hình sự. Một anh chàng lẻo khoẻo, nước da xanh mét, chậm như xẩm sờ... lại được phong chức "đổng lý", một câu nói nhỏ lại sinh khối oan gia... Nghĩa là, Mừng sẽ rất có thể trở thành một trong những người đó, tùy cơ cấu!
Hôm nay trời đẹp, đẹp nhất trong cả năm, ngày 30 tháng Mười dương lịch. Đêm qua mưa lớn, sáng nay tạnh khô và đầy vẻ hanh hao. Trên đường phố sạch tinh, đen bóng, lác đác vài vũng nước mưa sót lại, trong veo, lờ lờ trôi những chiếc lá dầu to bản như những chiếc thuyền nan màu nâu nhạt tìm về bến đậu. Đó là ngày đầu Mừng đến nhận nhiệm sở.
Mừng được biên chế vào tổ lao động cơ động, tức là "gặp gì làm nấy", không cố định, không chuyên môn và không giờ giấc. Mừng làm việc chăm chỉ và hối hả, đó là cậu tự đánh giá về mình như thế. Nhưng, ông trưởng ban, một con người béo múp míp, tóc cắt thượng lên như dầu con lươn chồn (một loại lươn già, đầu nhọn như đầu chồn, có cả mấy sợi ria) khuôn mặt nhẵn thín chỉ khác con lươn ở chỗ không một cọng lông, còn tính khí thì như một bà cô chết chồng, luôn miệng lầu bầu, lại nghĩ về Mừng một cách hoàn toàn khác. Cái tính lầu bầu của ông lươn chồn có từ bé, càng lớn càng có thâm niên, thấy gì cũng bình luận. Đọc báo, thấy ai, dù là bộ trưởng hay tổng thống, ông cũng nghĩ ra và gán cho được cái xấu cho họ. Đã vậy, ông còn đem bài báo dí vào tận mắt người bên cạnh, dù người ấy, đang bận hoặc không thích xem. Người ta lừ mắt, hoặc hất tay ra, còn Mừng thì không, cậu đọc ngay tắp lự. Chỉ vì ông ta, cái ông lươn chồn ấy là sếp của cậu. Mà theo Mừng, thì Mừng lúc nào cũng có lỗi, không biết lỗi gì, nhưng khi Lươn Chồn đã nói, nhất định phải đúng. Đến ông bộ trưởng, ông ta còn biết tận "cu ti củ tỉ" nữa là...
Một năm đã qua, rồi thêm nửa năm nữa Mừng vẫn chưa được ký hợp đồng dài hạn. Thời gian có khi thuộc về ta, nhưng cũng có khi thuộc về người khác, nơi khác. Trong trường hợp này Mừng bị thời gian gặm mòn ý chí, cậu ta bắt đầu sốt ruột. Từ sốt ruột dẫn đến lo lắng, rồi từ lo lắng trở thành hoảng sợ. Như một phản ứng phân rã hạt nhân, sau hoảng sợ là căm giận. Căm giận ai? Cả một hệ thống lãnh đạo, Mừng không cần biết ai hết, cậu bé dồn sự căm hờn vào cái đầu nửa chồn nửa lươn của ông trưởng ban, mặc dù đến lúc này ông trưởng ban đã lên ngồi chễm chệ cái ghế phó giám đốc.


***


Mừng ta, vốn con của một ông thợ nề, về sau, do không chịu nổi sự nhấm nhá của xi măng, vôi vữa… hai bàn tay và hai bàn chân ba Mừng lỗ chỗ vết ăn mòn hủy hoại, ông trở về, chuyển sang nghề đạp xích lô. Mừng cũng có thể nối nghiệp cha, nhưng do may mắn hơn là đã có bằng tú tài, nên cậu tìm con đường khác. Mặc dù sắp sửa trở thành công dân hạng một, nhưng Mừng vẫn còn nguyên si nỗi mặc cảm con nhà nghèo hèn. Nghèo thì hèn, vì nghèo thì rất dễ thỏa hiệp, siêu lòng. Chỉ cần một lời hứa rất không có cơ sở, Mừng cũng hớn hở hẳn lên, làm việc như điên, như dại.
Nhưng với ông Lươn Chồn, một con người có cái đầu khả kính, một thiên thần oai vệ nhất hạng, thì Mừng có nhiều dịp quan sát ông ta. Một lần, Mừng được trưởng ban giao cho việc móc cái ống cống ngay trong sân cơ quan, Mừng tỏ ra ngần ngại. Mừng nói rằng, nếu không có một cái găng tay bảo vệ, rất có thể cậu sẽ bị nhiễm vi trùng tê-ta-nốt, trùng uốn ván... Nhưng ông trưởng ban không tin lời cậu:
-Làm gì có trùng uốn ván ở đây? Ai bảo cậu rằng trong sân cơ quan có tê-ta-nốt?
       -Có, thưa sếp! Sếp có thể không biết, nhưng cháu đã học đến lớp 12, cháu biết...
-Lớp 12 là cái đinh gì? Cử nhân, thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ cũng phải lao động. Lao động dưới sự phân công, dưới sự chỉ huy của ta! Lao động là vinh quang, là nhu cầu, là niềm vui của con  người... Bất kỳ ai làm việc dưới quyền ta đều không được viện ra lý do gì để trốn việc. Làm đi...
-Không! Cháu sẽ làm, nhưng sếp phải cho cháu một đôi găng tay...
-Cái gì? Găng tay là cái gì?
Mừng chuẩn bị nổi cáu, lần nổi cáu mà cậu đã chuẩn bị kỹ lưỡng để sao cho thật an toàn. Nhưng rất may, Mừng đã không kịp nổi cáu, vì nếu thế, Mừng sẽ gặp tai ương. Vị cứu tinh của Mừng hiện ra:
-Cái gì thế anh Ngự? Có chuyện gì mà thầy trò to tiếng với nhau vậy...?
Ông Ngự, tức Lươn Chồn, tức sếp của Mừng quay lại thì gặp ngay cái nhìn vị tha và cởi mở của ông sếp trên ông ta. Cứ theo cách hiểu dân dã, thì nếu ông Lươn Chồn là cha Mừng, thì ông sếp này là ông nội Mừng. Sếp Ông nội nhìn Mừng một cách hờ hững, phần còn lại nhằm vào ông sếp cha. Lươn Chồn nhìn sếp của mình và nở một nụ cười vô cùng tươi thắm:
       -Dạ, thưa anh, em đang chỉ việc cho cái cậu này…
       -Ừ, anh em mới vào làm việc, phải chỉ bảo cẩn thận. Cậu này, tên gì?
       -Thưa... thưa ông nội, con tên Mừng!
Ông Nội phì cười, và bỗng có cảm tình với Mừng:
-Đừng xưng hô như thế, buồn cười lắm, Mừng ơi! Thế cháu đang làm gì?
Mừng bị hớp hồn, nó chỉ đại vào cái miệng cống toang hoác, không nói được.
-Anh Ngự? Cậu Mừng đang làm gì thế?
-Dạ, thưa anh! Cậu Mừng này có bằng tú tài rồi mà vẫn dốt. Nó cứ khăng khăng đòi vọc tay vào ống cống để móc. Em mới bảo: không được! Phải có găng tay! Thế mà nó có nghe đâu...
Mừng tròn mắt trước cái cổ lươn của ông Ngự quay một trăm tám mươi độ, mà giận điên người. Nhưng giữa lúc mừng vui tột cùng hòa với nỗi căm hờn tột độ, con người ta lại trở về trạng thái bằng không. Mừng im lặng cúi đầu, nghe sếp ông nội nhắc nhở. Khi sếp ông nội đi vào phòng, Mừng lấy lại sự căm hờn:
-Tại sao sếp lại có thể nói ngược lại sự thật như thế?
-Ngu! Không nói thế thì làm gì có tiền mua găng tay? Mà có nói vậy thì sếp mới đánh giá sự hăng say lao động của mày! Hiểu chưa?
Mừng không dễ gì bị đánh lừa, nó tích trong lòng một khối u uất. Sự u uất của một kẻ thấp cổ bé họng luôn được dồn tụ, khiến cho nó có thể trở thành khối u di căn. Không có ai để giãi bày, không người nào đủ để Mừng tin mà tâm sự. Dần dà, Mừng trở thành một kẻ ngớ ngẩn thật sự, lúc nào cũng trong tâm trạng mộng du. Cuối cùng, cậu ta mạnh dạn bước chân vào cổng chùa, với hy vọng tìm được lời khuyên giải tỏa.


***

      
       Trở lại chuyện xưa một chút. Nói là xưa, nhưng cũng chưa xưa lắm, gần đây thôi. Hồi đó, các loại công văn thường được đánh bằng máy đánh chữ cơ khí. Khốn nỗi, máy chữ lúc đó chưa có hãng nào sản xuất dùng để đánh tiếng Việt. Trong công sở, cơ quan xí nghiệp chỉ có loại máy chữ của người Pháp để lại. Vì cái máy chữ khốn khổ không bỏ được dấu cho tiếng Việt mến yêu nên người ta mới đọc "dao Phat cung nhu dao Cao Dai" (đạo Phật cũng như đạo Cao Đài) thành ra "dao phát cũng như dao cạo dài". Chuyện đáng cười hơn, cụ thể hơn, có một ông tên họ là Nguyễn Trọng Quản, nhưng máy chữ chỉ đánh được là NGUYEN TRONG QUAN, để rồi bị đọc thành “Ngủ Yên Trong Quần”. Chuyện ấy có thật, nó lưu lại một thời buồn của nền văn tự cơ khí nước nhà. Khi chúng ta no đủ hơn, sang hơn thì cũng chính xác hơn, máy chữ, rồi máy tính điện ử (như cái máy tôi đang đánh những dòng này đây) đã có thể đánh đầy đủ các dấu thanh, dấu âm tiếng Việt, hoàn hảo. Chuyện đó, tưởng lui sâu vào quá khứ... Ấy vậy mà... ba bốn mươi năm sau nó lại quay trở lại. Ông Lươn Chồn, có tên chính xác là Mai Văn Ngự, một cái tên giản dị, nhưng sang trọng, không màu mè, kiểu thị dân. Nhưng, oái oăm thay, khi lên chức vụ cao hơn, ông phải in danh thiếp, cac-vi-dit. Mà thời buổi này, đã phàm là sếp thì phải giao lưu, giao dịch ra bên ngoài, ra thế giới. Thế giới bây giờ là của tiếng Anh, nên các sếp nhất thiết phải in tên mình theo kiểu tiếng Anh, tức là không bỏ dấu âm, dấu thanh. Cho nên tên của Lươn Chồn được in trang trọng như thế này: MAI VAN NGU, cùng với Vice Director (phó giám đốc đấy). Chuyện in và phát đang yên lành, bỗng có một kẻ xấu miệng và xấu bụng đã xuyên tạc mà đọc thành: Mãi Vẫn Ngu, vai rất to! Thế có chết người ta không chứ? Tên Lươn Chồn là độc quyền của Mừng, do Mừng đặt ra, và chỉ Mừng xài ngầm trong bụng, còn Mãi Vẫn Ngu là của thiên hạ, là của miệng thế gian!
     Chùa Cây Da có tên chữ là Thanh Không tự, nằm cách nhà Mừng vài trăm bước chân, trên con đường ngày xưa cậu đi học, và ngày nay cậu đi làm.  Đôi lần Mừng đã từng theo mẹ vào đây, nên cậu khá thông thuộc. Bậc tam cấp và sàn Tam Quan sạch bóng, thoang thoảng mùi thơm của nhang trầm và hoa huệ trắng. Mừng cởi dép, bỏ vài ngàn lẻ vào hòm tam bảo rồi thắp nhang, dâng lên trước trán, khấn. Mừng không biết khấn gì, cậu lầm bầm trong cổ họng, rồi quay sang các ông Thiện, ông Ác, và vô số những linh vị, nằm rải rác trong sân chùa. Xong việc, Mừng chưa cảm thấy thanh thoát. Cái việc vào chùa của cậu không dừng ở đây. Mừng thơ thẩn trong sân chùa, vòng ra sau hậu cung... Bất thần Mừng đến sát bên một cô tiểu nhỏ, có đôi má và cả khuôn mặt vàng bủng, nói nhỏ:
-Bạch nhà chùa, xin cho được hỏi thăm...
Cô tiểu nhìn Mừng bằng cặp mắt ướt đẫm, cũng màu vàng  nâu:
-A di đà Phật! Xin thí chủ cứ hỏi...
-Không biết sư Thầy đã dậy chưa? Mừng nói trống không.           
-Thầy chúng tôi đang điểm tâm ở sau bếp, chắc gần xong rồi. Thí chủ muốn gặp thầy chúng tôi?
Mừng dạ lí nhí rồi ngoan ngoãn theo cô tiểu. Sư thầy, sau khi nghe đệ tử của mình nói nhỏ, nhìn Mừng rồi thả cặp kính trắng xuống:
-Cậu em tìm ta có việc gì?
Mừng ngần ngại. Thực ra là cậu ngại, nhưng sư Thầy lại nghĩ cậu có chuyện gì đó, chỉ muốn nói riêng, nên ông đứng dậy, vẫy tay ra hiệu cho Mừng đi theo vào phòng riêng.
Mừng nói hết, nói trơn tru tất cả những gì cậu chuẩn bị lâu nay, mà chủ yếu về cách mà Lươn Chồn mãi-vẫn-ngu đối xử với cậu. Sư Thầy lắng nghe chàng thanh niên yếu đuối giãi bày, và ngừng lại bằng một câu hỏi:
-Bạch Thầy, bây giờ con phải làm thế nào?
Sư Thầy cố nén tiếng thở dài, hay đúng hơn đại đức cố nhịn một tiếng cười. Ông uống nước rồi chậm rãi:
-Nhà Phật rất hoan nghênh sự tin tưởng của em giành cho cửa tu hành. Ta biết khuyên em làm gì ư? Khó quá! Đến cả Đức Phật có sống lại chắc cũng không biết khuyên em nên làm thế nào? Em hiểu Phật thế nào, ta không biết, nhưng ta muốn nói với em rằng Phật, trước hết là sự vô hại. Đức Phật vốn là người vô hại, không muốn và không biết làm hại ai. Đồng thời Phật cũng là sự vô lợi, Đức Phật chẳng mang lợi ích, tài lộc hay sự giải cứu cho bất cứ kẻ nào. Chớ có đến Chùa cầu mong được lợi nhà đất, chức quyền hay chờ giải cứu khỏi tội hình sự… Đức Phật từ bi, khoan dung, nhưng không có tai mắt, tay chân để tác động vào thế sự. Thế thì Phật tồn tại để làm gì, ta biết em đang muốn hỏi câu hỏi đó, đúng không? Phật là một cõi riêng, nhưng cũng là của muôn loài chúng sinh, ai đến cũng tốt, mà ai quay lưng cũng tốt. Chùa chiền và tượng Phật chỉ cốt để cho ai đến đây được thư thái, thanh tịnh trong lòng, để có dịp suy ngẫm về số phận của người, của riêng mình. Ai tuyên truyền hay lớn lối thị oai chúng sinh, nhân quần, thảy đều ngụy tạo. Em đến đây là được rồi. Tiện đây ta kể em nghe chuyện này. Ta có một người bạn thuở nhỏ, nay làm Tổng gám đốc một công ty, to lắm, nói tên ra có khi em biết. Biết ta trụ trì Thanh Không tự, ông ta chưa đến một lần thăm. Nhưng gần đây, hình như cái ghế quyền lực, công danh của ông ta bị lung lay, hay phạm vào tội trạng gì đó, ông gọi điện thoại cho ta nhờ ta xin với Phật được giải cứu. Thế rồi, ông ta sai một anh nhân viên mang đến lễ chùa, lễ trọng lắm. Ta nhận, nhưng ta nhận của cải mà không nhận tấm lòng. Ta nhắn lại với ông bạn rằng: nếu bạn muốn thoát nạn trần ai thì hãy tìm đến thánh thần, ma quỷ, bà đồng, ông cốt... Còn nếu muốn thoát khỏi nỗi ám ảnh tội lỗi thì hãy đến đây, nhân danh tình bạn, tôi có chỗ cho ông trò chuyện với Phật...
Mừng lắng nghe mà không hiểu, cậu hoang mang, lại càng hoang mang!     
Ra về, cậu không thấy mình giải thoát, mà chỉ thấy trĩu nặng. Tiếp tục cuộc hành trình tìm chân lý, Mừng đến ngôi chùa thứ hai, rồi thứ ba... Mọi sự đều diễn ra như với Thanh Không tự. Không nản, tất cả sáu ngôi chùa, Mừng tìm đến, cậu đều được giải thích rằng, hãy kiên tâm, đời còn dài, tuổi còn trẻ, kẻ kia rồi sẽ hối cải, sẽ đối xử tốt với anh em, bạn bè, đồng sự...
Ngôi chùa thứ bảy mà Mừng tìm đến nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Mừng biết rằng, ngày trước, khi ngôi chùa này được hình thành, nơi đây còn là đồng không mông quạnh. Con người đông đúc lên, chen lấn nhau, đến nỗi che kín cả ngôi chùa. Chùa vắng và ồn. Tín đồ thì ít, mà kẻ tá túc thì nhiều. Sư Cụ tiếp Mừng đã rất già, đầu gục xuống mệt mỏi. Nghe Mừng trình bày, rằng cậu đã đi hết sáu ngôi chùa, nhưng chỉ nhận được một giáo huấn tương tự. Sư già im lặng đến vài phút. Dường như ngài muốn chờ cho chân khí có đủ thời gian quay về với xác phàm rệu rã của ngài. Bất thần ngài ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt Mừng, bằng một thứ ánh sáng hồi quang, có những tia vàng đi thẳng, đầy sức mạnh chi phối. Mừng hơi giật mình, lùi lại trong tư thế sẵn sàng bỏ chạy. Sư Cụ nói bằng một giọng khàn khàn, nhưng rất rõ ràng, khúc chiết:
-Ta năm nay chín-mươi-bảy tuổi rồi, già quá rồi, lão niên bất tử là một bất hạnh. Ta bày cho con điều này, để tùy con, nghe theo cũng được mà không theo cũng chẳng sao. Con người, phàm là biết ăn ở, đều có sức mạnh của mình. Có người dùng sức mạnh của mình để phụng sự nhân gian, có kẻ, ngược lại chỉ để thỏa mãn thân xác và tham vọng của mình. Kẻ mạnh, gặp thời càng mạnh, nhưng khi đã mạnh nhất cũng là khi yếu nhất. Số người đó không nhiều, nhưng lại làm bá chủ thiên hạ. Số đông còn lại, đã yếu, lại càng yếu, vì không biết được sức mạnh của mình. Con đang yếu thế, phải không? Ấy vậy mà ta thấy con đang mạnh đấy, chàng trai ạ!
-Dạ, thưa Sư Cụ, con không hiểu! Mừng lo lắng.
-Sức mạnh hay thế mạnh của con người nằm ở sâu trong tâm linh. Thôi thế thôi nhé, con về đi...
Bị đuổi, mà chưa thỏa mãn trí tò mò, Mừng chạy theo vị sư già, níu áo:
-Thầy hãy dạy con một điều, cụ thể hơn...
Sư Già ngưng bước, nhìn Mừng bằng con mắt ướt đẫm, đỏ lòm, không một sợi lông mi, cũng chẳng có một tia ánh sáng:
-Nguyền rủa là một sức mạnh, ghê gớm lắm, có thể lật đổ cả một đế chế, chứ không chỉ một kẻ thù...
Hai ngày sau, Sư Già viên tịch, khiến Mừng kinh hãi vô cùng. Dường như có một cái gì đó tác động vào tâm trí cậu trai, một sự gặp gỡ, giao hòa... để cậu ngộ ra...


***


Mừng vẫn đi làm đều đặn, công việc vẫn thế, vẫn cơ động, vẫn chờ đợi vào cái ngày thành công dân hạng một và vẫn gặp Lươn Chồn với cặp mặt lạnh lùng soi mói. Nhưng bây giờ Mừng không còn kinh hãi cái đầu cúp thượng của ông ta nữa, không ngán sự quay quắt chậm chạp nhưng quả quyết của Mãi-Vẫn-Ngu nữa, vì cậu bắt đầu có sức mạnh. Mừng đã trằn trọc nhiều đêm không ngủ chỉ để xoay quanh một lời nguyền rủa. Cậu cố soạn thảo ra trong đầu một văn bản sao cho thật rõ ràng, minh bạch, linh thiêng và cụ thể để có thể mỗi ngày, sáng ra ngủ dậy, tối đến nhắm mắt... cậu đọc thầm trong đầu nhằm vào Lươn Chồn. Mỗi lần, ông Vai-rất-to gầm gừ với mừng:
-Cậu Mừng, sao cái đống rác kia vẫn chưa được dọn?
-Thưa chú, cháu đang... (Gia thần, Thổ địa, Quỷ cái, Rắn mòng... hãy ra tay trừng trị kẻ quyền thế mà ngu muội kia...)...
-Đang? Đang cái gì mà từ hôm qua tới giờ...
-Dạ, thưa chú cháu làm ngay... (Xe tải, xe buýt, xe nhà binh, xe hốt rác... hãy tìm kẻ hám danh, lộng quyền, tham lam... mà đâm, mà húc, mà đè, mà ủi...)
Mừng xăng xái lao vào cái xẻng, cái chổi, nhưng bất ngờ Lươn Chồn quát to:
-Thôi, để đấy, chiều làm. Bây giờ cậu ra ngay bưu điện, trả tiền điện thoại di động cho tôi. Từ hôm qua đến giờ, chưa trả tiền, nó cúp cha nó rồi!
Mừng cầm tiền, phóng xe đi, miệng lẩm bẩm: "Điện thoại, điện đèn, điện lưới, điện tử... hãy giật lòi mắt, cháy mặt, tan xương, nát thịt... cái tên cậy quyền, dựa thế, hách dịch, điêu toa... kia đi, nhanh lên!"
Lời nguyền rủa của Mừng, mãi không hiệu nghiệm, khiến cậu có biểu hiện nản lòng. Những bài nguyền độc địa được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm vào sếp của cậu như nước đổ lá môn, Lươn Chồn vẫn phây phây. Thế rồi một hôm Mãi Vẫn Ngu không đi làm, Mừng dò hỏi biết rằng lão ta bị viêm họng, mất tiếng. Mừng mừng lắm. Viêm họng là mở đầu của mất tiếng, mà mất tiếng là mở đầu của sưng phổi, sưng phổi là dấu hiệu của ung thư... Cứ thế cậu diễn giải, cho đến khi ông Phó giám đốc đến cơ quan, mặt mũi phương phi, hồng hào, bóng bẩy... Thấy Mừng, ông ta cười giả lả:
-Mấy hôm bị cảm nằm nhà, nhớ anh em quá. Công việc vẫn tốt chứ hả Mừng?
-Dạ, thưa chú, vẫn tốt ạ. Chú bị cảm mà cháu không biết, không đến thăm được. Thật cháu có lỗi... (Công an hình sự, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường... hãy đến tóm cổ lão ta)...
-Dào ôi! Lỗi phải gì! Các cậu có đến hay không tôi nào có trách! Trách là trách người khác ấy chứ!
-Thế... chú trách ai ạ?
-Quỷ tha, ma bắt những đứa chịu ơn của ta ấy! Cái bọn vô ơn, rồi sẽ có ngày, si đa, cúm gà, sâu quảng, uốn ván... khiêng chúng nó đi!
Mừng bỗng đứng sững lại, miệng há ra, to ngoác, không mấp máy, mồ hôi chảy dọc sống lưng, thành giọt nối nhau, kéo dài như một đàn ròi, nhồn nhột...
Lời nguyền đã nghiệm!”, Mừng lẩm bẩm một mình.
1-2004
H.Đ.Q.





NGƯỜI SÀI GÒN



MỘT NGƯỜI SÀI GÒN



Hội Nhà văn thành phố tổ chức một trại viết về đề tài “xoá đói giảm nghèo”, tôi cũng được mời tham gia. Xem qua danh sách các cá nhân điển hình trong phong trào này, tôi thấy có một bà ở quận Nhất, chủ một quán phở. Bà chủ quán này được Quỹ đầu tư cho một số vốn không nhỏ. Tôi hỏi chị Ba Sương phó ban, rằng sao quỹ “xóa đói giảm nghèo” lại đầu tư cho chủ quán phở? Đã chủ quán thì làm sao mà đói, mà nghèo được? Chị Ba bảo tôi cứ xuống đó sẽ thấy.
Tôi đến quán phở “Lan” là buổi chiều, quán nghỉ bán, nhưng cửa vẫn mở. Hỏi bà chủ quán, một ông già độ ngoài sáu mươi nói giọng Bắc, gọi với vào trong: Cô Năm ơi, có người kiếm! Lát sau, bà Năm chủ quán từ nhà trong đi ra, mời tôi ngồi, kêu một cô bé lấy nước uống. Tôi trình bày ý định của mình. Nghe xong, bà cười:
-Trời đất thiên địa quỷ thần ơi! Tôi đâu có làm cái gì mà điển hình điển bóng! Tối ngày chỉ biết có buôn bán. Viết tầm bậy tầm bạ lên báo, người ta cười chết! 
-Sao lại tầm bậy, tầm bạ? Đúng người thật việc thật chứ?
Bà Năm đính chính:
-Tôi nói tôi tầm bậy tầm bạ, đâu có nói nhà báo! Nhiều người giàu có giỏi giang gấp mấy chục lần tôi kia! Thôi, ông tới chỗ đó mà hỏi...
-Tôi viết về “xóa đói giảm nghèo” chứ đâu có viết người giàu. Có đúng là Quỹ cho chị vay năm triệu không?
-À... Có! Ừa mà cũng nhờ có năm triệu đó mà tôi mở mang ra được.
-Trước đây chị cũng thuộc diện xóa...
-Không! Trước đây lâu lắm rồi, thì gia đình tôi đúng là quá đói, nhưng lại chưa có Quỹ “xóa đói - giảm nghèo”. Bây giờ thì khá rồi, nhưng tôi vẫn được đầu tư...
Qua lời bà Năm tôi mới hiểu lời chị Ba phó ban nói hôm ở trên văn phòng. Thì ra Quỹ “xóa đói - giảm nghèo” đầu tư cho những hộ khá, có nghề, có cơ sở làm ăn, rồi nhận lao động từ những hộ trong diện phải xoá. Hèn nào, người ta nói Quỹ “xóa đói - giảm nghèo” đầu tư cho người giàu! Tôi hỏi tiếp:
-Trước giờ chị có làm nghề buôn bán không?
-Thưa có! Hồi mới giải phóng tôi bán trái cây trên Sài Gòn, Chợ Cũ. Sau đi kinh tế mới...
Vậy ra chị là người Sài Gòn lâu đời, hay nói như ngoài Hà Nội là “Sài Gòn Gốc”. Bởi chỉ có người ở Sài Gòn lâu đời thì mới gọi khu chợ Bến Thành - Lê Lợi - Hàm Nghi - Nguyễn Huệ là Sài Gòn, hay Chợ Cũ có khi nhà họ cũng chỉ quanh trong quận nhất, quận ba thôi. Còn những người đến sau này, hay khách ở các tỉnh khác đến thì gọi là trung tâm thành phố, hay quận Một!
-Hồi trước tôi cũng có quen một người bán trái cây ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm, không biết bây giờ ở đâu...
Bà Năm nhìn tôi chằm chặp, bất ngờ vỗ hai tay vào nhau rồi chỉ vào mặt tôi:
-Đúng rồi! Trời đất thiên địa quỷ thần ơi! Hèn nào mới dòm tôi thấy quen quen! Tóc bạc nhiều, già đi chút ít, nhưng tôi vẫn nhìn ra...
Nghe bà Năm làm một tràng Trời đất, thiên địa, quỷ thần, tôi cũng nhận ra chị:
-Có phải chị Năm hồi đó không?

***

Khoảng giữa năm 1976, tức là sau giải phóng độ một năm, lúc ấy tôi vừa từ quân đội chuyển ngành ra còn rất lơ mơ về đường xá, phố phường cũng như mọi sự sinh sống của người Sài Gòn. Khu tập thể tôi ở gần Chơ Cũ, nên tôi  hay ra cái chợ nhỏ họp buổi chiều góc đường Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm mua rau muống. Lần ấy tôi đi công tác về cũng đã khuya khuya, bụng đói mà tiền thì quá ít, không đủ ăn mì, nên đành lướt qua. Đến đầu đường, thấy một người đàn bà đang ngồi xếp lại những quả cam, bên cạnh một vài thứ trái cây lặt vặt, tôi đứng lại nhìn. Chị ta ngước lên nhìn tôi chào đon đả:
-Mua cam đi anh đội! Cam ngọt lắm...
-Chị bán bao nhiêu một chục?
Thấy chị bán hàng có giọng mời chào rất ngọt, và lại có nét duyên của người đàn bà tuổi chưa quá ba mươi, tôi đánh bạo hỏi giá. Chị ta còn giới thiệu một chặp rồi mới nói. Vì quá nhiều lần đổi tiền nên bây giờ tôi không nhớ là bao nhiêu, nhưng số tiền vượt quá số có trong túi, tôi không dám trả giá đành tảng lờ bỏ đi. Thế là chị bán cam giật giọng gọi lại, bắt phải trả giá. Tôi đành nói thật là không đủ tiền. Chị ta không tin và mắng tôi một trận té tát. Tôi lẳng lặng bỏ đi, nhưng còn nghe đủ lời cằn nhằn của chị. Và, thật bất ngờ, và cũng thật thấy thích thú khi tôi nghe chị mắng:
-Ông đừng ỷ có công giải phóng thành phố. Bộ ông tưởng chỉ mình ông là người chiến đấu giải phóng miền Nam này sao?
Vì câu mắng đó của chị bán trái cây mà tôi cố nhớ cái chỗ ngồi và khuôn mặt người đàn bà Chơ Cũ đó. Hồi mới giải phóng, chuyện “bảy thằng Việt Cộng đu cành đu đủ” được giải toả, thì lại có mhiều chuyện tức cười, thật cũng có, mà bịa cũng có, chẳng hạn như chuyện hai anh giải phóng vào ăn hủ tiếu rồi gọi hai chai “tàu vị yểu có đá” v.v..., nhưng tôi chưa hề nghe ai mắng như chị bán cam. Hay có thể mình công thần chăng? Tuần sau, khi vừa lĩnh lương, trong túi có tiền, tôi quyết định ra chỗ chị bán cam. Lần nay, tôi không chào chị và ngồi xuống lựa cam, xong hỏi giá. Thấy tôi mua mà không mà cả, chị nhìn tôi:
-Anh mua về ăn hay thăm bệnh mà không trả giá?
Tôi đáp lại một cách lạnh nhạt:
-Trả để chị mắng cho một trận à?
-Ý! Ai dám mắng anh hồi nào?
-Thì mới tối hôm trước, tôi không có tiền mua cam của chị, chị chả mắng tôi là “ỷ có công giải phóng miền Nam”. Chị còn nhớ không?
Thế là chị cười ngặt nghẽo:
-Trời đất, thiên địa, quỷ thần ơi! Đàn ông con trai gì mà nhớ dai dữ vậy hổng biết nữa? Lỡ hỏi giá thì cứ trả đại đi, không có tiền ai bắt phải mua mà sợ...
Tôi từng nghe anh em bạn bè nói, ở chợ Bến Thành hỏi giá mà không mua là bị chửi liền. Tôi nói lại điều này, chị giải thích:
-Ôi, mấy bả ngoài đó họ buôn bán lớn, vốn nhiều, toàn khách vãng lai, nói thách trời thần, không như ở đây đâu!
Tôi buông cái rổ đựng mấy quả cam, hỏi:
-Vậy bây giờ tôi không mua của chị, chị có chửi tôi không?
-Ai dám chửi!
Tôi nói “cám ơn” rồi giả bộ đứng dậy, bước đi. Chị bán cam mở tròn mắt nhìn tôi, mãi mới lắp bắp:
-Ủa! Không mua thiệt hả?...
Tôi quay lại, phì cười:
-Giỡn chơi vậy thôi. Bán cho tôi một chục, mười hai hay mười bốn?
Chị lựa từng trái và xếp vào cái túi dán bằng giấy xi măng mười bốn quả cam:
-Cũng biết chục mười hai, mười bốn hả? Việt Cộng vô đây lâu chưa? Bán người ta mười hai, thấy anh tôi bán mười bốn. Huề vốn cũng bán...
-Vậy mai tôi lại ra mua nữa!
-Không à! Mai bán mười hai. Hỏi thiệt nghen, có tiền không mà đòi mai mua nữa?
Tôi đành cười trừ, còn nói thêm:
-Tôi cũng nói thiệt, tại thấy hôm trước chị chửi tôi quá xá trời đất, nên hôm nay mới lãnh lương ra mua cam, chứ tôi đâu có ăn hay làm quà cho ai đâu. Bây giờ tôi làm quà cho con chị một nửa, tôi ăn một nửa. Mà không được bán đâu nhé, làm quà là làm quà đấy. Con chị trai hay gái...
-Ý! Đâu có được. Anh mua thì phải ăn, tôi đâu có quen biết gì anh mà dám lấy quà của anh!
-Tôi cũng đâu có làm quà cho chị, tôi cho con chị kia mà!
-Tôi đâu đã có gia đình...
-Vậy hả? Thế thì tặng má...!
Tôi thì cứ để lại, còn chị thì nhất quyết cố nhét trả. Cuối cùng tôi bỏ đi, để lại bảy quả cam. Phải lâu sau tôi mới ghé qua, thấy tôi chị bán cam ngạc nhiên:
-Trời đất thiên địa quỷ thần ơi! Đi đâu mất mặt vậy?
Tôi nghe giọng nói, với cách nói trống không của chị, thấy lộ vẻ mừng rỡ. Lần này tôi không mua gì, chỉ đứng nói dăm câu bâng quơ rồi đi. Chị ấn vào tay tôi nhưng tôi không nhận, còn bảo: ăn cam ngán đến mang tai rồi. Chị đưa cho tôi một quả dưa hấu không to lắm, nhưng nặng và đen thẫm.
Tôi không biết tên biết thứ của chị, mà chị cũng chẳng biết tên tôi. Thỉnh thoảng tôi có ghé qua Chợ Cũ mua ít rau cỏ, mỗi lần thấy tôi chị đều cho tôi một trái cây gì đó, có khi chỉ là một quả ổi xanh. Thế rồi cơ quan tôi giải thể, tôi chuyển chỗ ở về  quận Năm, không hay ra Chợ Cũ nữa, cho đến tận bây giờ.

***

Bây giờ thì tôi biết chị thứ Năm, tên Duyên, Phù Trần Duyên, còn chị cũng biết tên tôi qua thẻ nhà báo. Chị Năm kêu cà phê đá và thuốc lá cho tôi, rồi chăm chú nhìn tôi quấy cà phê, giọng rổn rảng:
-Dữ ha! Vậy từ hồi đó anh đi đâu mất tăm? Vợ con sao rồi?
-Con tôi đang học đại học năm thứ hai, còn chị? Mà chị cũng đâu còn bán trái cây ở Chợ Cũ nữa? Có lần tôi ghé kiếm chị đâu có thấy!
Chị cười:
-Đi kinh tế mới! Ờ, hồi đó tôi hăng hái lắm nghe! Tôi vận động ba má với anh Ba lên Bù Đốp. Anh Ba tôi có việc làm nhà nước không đi, vậy là tôi đi trước kéo cả ông bà già. Lên đó được mấy năm, cực quá, chịu hết nổi, tôi kêu cả nhà bỏ về. Ba má tôi chưa chịu, tôi giông về trước... May mà còn nhà cửa giao cho anh Ba tôi, chớ không thì...
-Vậy là chị “đi trước, về trước”! Rồi về sao không ra bán trái cây nữa?
-Không bán, mà bán cho hợp tác xã tiêu thu phường. Tới chừng hợp tác xã tiêu thụ giải tán tôi ra thuê nhà bán quán hủ tiếu!
-Vậy nhà này chị thuê?
-Trước thuê, bây giờ mua luôn rồi!
Ghê thật! Tôi nghĩ bụng. Đúng là đàn bà dễ có mấy ai, tay bằng miệng, miệng bằng tay! Thấy mấy cô, mấy cậu thỉnh thoảng lại chạy ra nói nhỏ như là xin chỉ thị bà chủ, tôi hỏi:
-Mấy đứa này là con hay cháu chị?
-Đâu có! Chúng là con cái mấy gia đình trong tổ “giảm nghèo” tụi tôi. Thấy chúng bây lớn mà không làm gì, chỉ lông nhông, tôi kêu ba má chúng giao cho tôi quản lý. Ay cũng nhờ có vốn của quỹ “xóa đói - giảm nghèo” mà tôi cho làm ngay bánh phở trong nhà, khỏi lấy của lái, khỏi sợ có phoóc... phoóc gì ông Sửu?
-Phoócmanđêhyt, cô Năm! Ông Sửu là ông lão nói giọng Bắc, tiếp tôi lúc mới vào, nãy giờ vẫn ngồi chăm chú sửa cái đèn măng-xông, nghe chị Năm hỏi, bình thản trả lời.
-Ông Sửu sửa xong cái đèn rồi chạy qua bên cửa hàng mua thêm ít dầu hôi. À quên nữa, thằng Tấn đi lấy cối xay trên Thủ Dầu Một về chưa hả ông?
-Về rồi cô Năm. Được để tôi đi mua dầu ngay đây!
Ông già vừa đi khỏi, chị Năm nói với tôi:
-Ông Sửu người ngoài Bắc bán nhà bán đất vô đây ở với con. Được ít lâu cha con chửi lộn nhau, chịu hết nổi, lang thang vờ vật ngoài đường kiếm ăn. Thấy vậy, tôi kêu về trông coi tụi trẻ giúp giùm tôi. Ngày ăn, đêm tôi lo chỗ ngủ lại coi quán, tôi trả cho ba trăm uống cà phê. Vậy mà cô con gái ổng còn đến nói xiên nói xéo tôi là tư sản bóc lột. Tôi sùng máu bố lên chửi cho một trận: có cha không nuôi đuổi ra đường, người ta cho ăn, cho ngủ, cho tiền xài, còn nói nọ nói kia! Đồ mất nết, con hư hỏng! Ông Sửu chạy ra xin tôi không tôi cho mấy mách nữa! Tôi nghiệp ông già, cũng là cán bộ nghỉ hưu. Được cái chăm chỉ, mực thước. Mới lấy xe chạy đi mua dầu hôi, đèn cầy...
Tôi thấy vậy, hỏi:
-Ở đây hay cúp điện lắm hả?
-Đâu có! Đề phòng sự cố Y2K, sợ cúp điện, nên tôi phải bảo tụi nó mua hai cái cối xay bột bằng tay, chuẩn bị dầu đèn, trữ nước...
Thấy tôi phá ra cười, chị cũng cười theo:
-Thì mình cứ đề phòng vậy, thấy ngoài chợ người ta ì xèo. Mì gói khuân cả thùng, cũng lo. Nhỡ đâu có Y2K thiệt thì cũng còn có cái ăn, cái uống...
Tôi nhìn chị mà vẫn chưa thấy hết muốn cười:
-Theo chị thì Y2K là gì?
-Tôi không biết rõ, nhưng thôi thấy: tỉ như mình đang quen xài tuần lễ có thứ hai, thứ ba... đến thứ bảy, chủ nhật. Nay tự nhiên thay chủ nhật bằng... thứ Tám. Vậy là mình lúng túng không hiểu ngày nào đi làm, ngày nào nghỉ, có khi nghỉ luôn. Đó, cái máy vi tính nó cũng không biết năm 2000 là năm nào? Nó nghĩ ngợi không ra rồi ngưng luôn, hoặc chạy lung tung! Vậy có đúng không, nhà báo?
Quả thật, tôi cũng đã phải mấy lần giải thích cho những người xung quanh về sự cố có thể có của máy tính sang năm 2000, nhưng không tìm ra cách nào sát thực và dễ hiểu như cách nói của chị Năm. Tôi bảo là tôi phục chị quá, chị cười, hai mắt tít lại:
-Kiểu giải thích nhà quê thôi anh ơi!
-Chị mà nhà quê? Sài Gòn gốc...
Chị lại cười, nhưng lần này rõ vẻ nghiêm túc:
-Đúng là ông cố, ông sơ nhà tôi sống ở trên này từ lâu. Theo ba tôi nói thì chỗ cái nhà lầu mấy chục tầng kia, hồi đó còn là ruộng lúa... Rồi qua trào Pháp, trào Diệm rồi đến Mỹ - Thiệu, bao nhiêu biến đổi, gia đình tôi cũng loanh quanh ở đây. Nhưng lớn lên tôi thấy mình chẳng có vẻ gì là dân thành thị cả. Mấy ông quan chức thì không nói làm gì, chớ tụi tôi dân nào cũng cực, cũng phải lao động. Làm gì có gốc với ngọn mà phân với bì? Cứ làm ra bộ ta đây cho chúng ghét...
Thấy câu chuyện có vẻ kém vui, tôi lái sang:
-Chị mấy đứa rồi?
-Hai! Thằng lớn đi nghĩa vụ về giờ làm công ty bảo vệ Long Hải. Còn con nhỏ đang học năm thứ ba đại học kinh tế...
-Vậy là chị có con trước tôi. Thế mà hồi đó dám nói là chưa có gia đình!
-Hồi nào?
-Chị không nhớ là tôi gửi nửa chục cam về cho con chị?
-À... Nhớ! Chị Năm lại ôm mặt cười, chảy cả nước mắt. Đúng là lúc đó tôi chưa có gia đình. Tôi gặp ông xã hồi ở kinh tế mới. Anh là thương binh, chuyển ngành ra ban quản lý kinh tế mới thành phố. Lấy nhau xong sanh thằng lớn, ngán quá, tôi giông về để ảnh một mình. Mấy năm sau xin nghỉ mất sức mới về với mẹ con tôi... Này nói gì nói, cái gì mới cũng ngon: nhà mới, áo mới, vợ mới, chồng mới... Nhưng mà cái kinh tế mới, ngán thiệt... Lại cười.
-Giờ ảnh làm gì?
-Làm gì! Ủy ban mặt trận phường, tối ngày đi lo giải quyết tranh chấp, hòa giải cho người ta không! Này, nói nghe, anh ngồi chơi chút, ông xã tôi về tôi làm cái gì cho hai người nhậu! Ông xã tôi tuy không khoái nhậu nhưng ham có bạn lắm...
Tôi phải từ chối mãi, hẹn bữa sau, chuẩn bị tinh thần, ngồi chơi lâu. Với lại tôi còn muốn gặp chị nữa để viết kia mà. Chào chị, tôi dẫn xe ra, đã ngồi lên yên, chuẩn bị đạp máy, chị Năm còn chạy với ra, nhét bao thuốc 555 còn đầy vào túi áo tôi:
-Cầm lấy mà hút!
Tôi không nhận, bảo để mà bán, chị không nghe. Chị ư hừ, như muốn nói gì đó, tôi hiểu ra, nhìn vào mắt chị, chờ đợi. Chị nói như để mình chị nghe:
-Hồi đó tự nhiên đi đâu mất mặt. Nếu còn được gặp anh, chắc tôi không dại dột kéo cả nhà đi kinh tế mới...
Tôi đoán ý chị, không biết có đúng không, nhưng cũng nói đại:
-Tôi cũng vậy! Nếu không chuyển đi, chắc giờ này nói tới tiếng “cam”, đã phát ngán...
-Đồ quỷ! Chị Năm phát vào lưng tôi. Đi đi!...

Thành phố Hồ Chí Minh
Tháng Giêng năm 2000

LAN HUỆ SẦU AI

LAN HUỆ SẦU AI...
Lời một câu hát: Lan Huệ sầu ai, Lan Huệ héo,

Truyện ngắn



       Thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện lỵ của huyện Vĩnh Thạnh nằm chếch về hướng đông bắc so với vùng hoa Quy Tân, một làng hoa nổi tiếng của miền Nam. Tôi có nhiệm vụ phải về vùng hoa này. Nhiệm vụ nhưng không chính thức, là do tôi tự ra nhiệm vụ cho mình, thế nên chẳng có cơ quan, đơn vị nào đón tiếp. Nắng ngả sang chiều rồi, mà tôi lại muốn đến Vĩnh Thạnh trước khi trời tối, xe đò thì muộn mất, nên tìm một tay xe ôm cho nhanh. Anh xe lúc đầu có vẻ kín tiếng, nhưng được khoảng dăm cây số, anh ta bắt đầu chất vấn tôi, cứ như thể tôi đi làm một việc vụng trộm, gian manh hay ít ra cũng là tay buôn lậu:
       -Tại sao tôi nói ba chục ngàn, ông thầy không trả giá?
       Tôi hơi khó chịu, nhưng cũng muốn chọc anh vài câu chuyện phiếm cho đỡ dài đường, nên hỏi lại:
       -Nếu tôi trả giá anh có bớt không?
       - Cái đó chưa biết à!
       -Tôi không trả giá là để anh hiểu thế nào cũng được...
       Anh ngớt ga, quay lại hỏi một cách ngạc nhiên, văng cả nước miếng vào mặt tôi:
       - Hiểu thế nào cũng được là sao?
       - Hoặc anh cho là tôi ngốc để anh thương, hoặc là tôi "sộp" để anh ngán!
       Anh ta cười vang, vừa cho xe luồn lách qua những ổ gà, ổ chuột, vừa quay lại nói vào mũi tôi, đến nỗi tôi phải bấm vào sườn anh mà bảo: "Cẩn thận, tôi không muốn vào nhà thương đâu!"
       -Yên tâm đi! Tôi chạy xe có hạng trên lộ này mà... Rồi, sắp tới Vĩnh Thạnh rồi đây, ông thầy tới khúc nào?
       Thực tình tôi cũng không biết là tới khúc nào bây giờ? Đành bảo:
       -Anh chạy vô trung tâm thị trấn, kiếm một quán cà phê, anh em ta ngồi chơi, anh có bận việc gì không?
       -Xe ôm thì lúc nào bận, lúc nào rảnh! Được rồi...
       Chiếc xe Honda 67, tuy cũ kĩ nhưng chạy cũng khá hăng, đang nóng máy, lúc dừng lại tỏa mùi cháy khét. Vào quán tôi hỏi anh uống gì, anh ta quay đầu vào trong kêu một tiếng rõ to:
       - Cho ly trà đá, Bảy ơi!
       Lát sau, một bà chị sồn sồn cỡ ngoài bốn chục từ trong bếp chui ra, nhìn thấy anh tài xe ôm, Bảy cười phe phé:
       -Trời đất! Thằng Thức "kỹ sư"! Mới về hả?
       Anh ta tên Thức "kĩ sư"!
       - Nóng thấy mẹ, chị cho ly trà đá lẹ lên! Có khách về thị trấn thì về luôn, hỏi chi hỏi hoài vậy! Thức phanh ngực áo quạt bằng cái nón rằn ri phành phạch.
       Chị Bảy nhìn tôi:
       -Bạn của thằng Thức hả? Uống gì, hay cũng trà đá?
       Tôi lưỡng lự rồi bảo chị chủ quán:
       - Có bia Sài Gòn không, chị cho hai chai! Có cái gì lai rai, tốt nhất là đậu phộng...
       Chị Bảy quay vào quầy, tôi hỏi:
       -Anh tên Thức à? Sao lại gọi là Thức "kỹ sư"?
       Thức không trả lời ngay, anh xoay xoay cái mũ trên tay, nhìn tôi nheo nheo:
       -Ông thầy làm nghề gì? Đi đâu đây?
       Tự dưng như có người mách bảo, tôi nghĩ ra một cái gì đóa, như một trò chơi. Tôi nói là tôi đi tìm một người quen từ hơn hai mươi năm qua. Lúc ở nhà đi thì hăng lắm, nhưng bây giờ tới nơi rồi lại thấy ngại...
       -Bạn tình à?
       -Bạn gái!
       Thức nhìn tôi vẻ nghi ngờ, tủm tỉm cười:
       -Nếu đúng vậy thì cũng hay ta! Chuyện có vẻ mùi mẫn hả?
       Bảy núng niếng đem bia ra, tôi rót bia rồi đẩy ly bia đến trước mặt Thức:
       -Mời anh! Tôi trả lời câu hỏi của anh rồi! Còn anh?
       Thức uống một hớp, đặt xuống lấy ống tay áo chùi bọt bia trên mép:
       -Tôi uống dở lắm! Nói đàn ông Nam bộ mà uống dở chắc ông không tin, nhưng uống một ly vô nó đỏ tới ót! Kỳ lắm! Thức uống thêm một ngụm bia nữa rồi nhìn tôi. Bây giờ ông thầy tính sao? Trời cũng sắp tối rồi, nhà bạn ông thầy ở khúc nào tôi chở đến, rồi còn quay trở ra kiếm khách...
       Tôi ngần ngừ, hỏi:
       -Anh rành thị trấn này không, Thức?
       -Tôi sanh ở trong ruộng, lớn lên học hành tại đây mà sao không rành! Cái thị trấn nhỏ xiu vầy, không chừng tôi cũng quen bạn gái của ông thầy... Cái gì? Hơn hai mươi năm trước giờ chắc cũng da nhăn, tóc trắng, ngồi sui rồi rồi còn gì nữa ông? Mà bạn gái của ông thầy tên gì?
       -Tên Lan! Tôi buột mồm, nói ra một cái tên.
       -Hay! Thức vỗ cái rầm xuống bàn. Chuyện này hay à nha! Rồi anh ta bỗng dưng ngâm ti tỉ: "Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo...!"
       Tiếng ngâm nỉ non trong chiều muộn, trong quán cóc, nghe cứ u u, âm âm... Đúng Thức là kỹ sư thiệt rồi, là người có học thiệt rồi! Tôi nhìn anh thấy ngộ, khẽ cười, nhưng Thức vẫn không để ý. Có lẽ anh ta uống kém thiệt, có một ly đã ra thơ ca rồi! Cũng là một tay lãng tử.
       -Anh có biết nhà ai cho thuê ngủ trọ đêm nay không?
       -Sao? Thức như giật mình. Tính ngủ trọ à? Sao không vô thẳng nhà người ta?
       -Hơn hai chục năm rồi, biết người ta còn nhớ mình không mà tới? Đường đột quá, e...
       -Ờ há ... Để coi. Ông ngồi chờ tôi chừng năm phút. Mà định nhà trọ cỡ nào? Ở bao nhiêu lâu?
       -Thường thôi, nhưng đừng vô nhà trọ, tốt nhất là nhà nào là người dân cũ ở đây!
       Thức ào lên xe chạy đi. Chừng mười lăm phút sau, anh ta quay lại, kéo ghế ngồi, lật mũ quạt phành phạch:
       -Rồi! Ông thầy muốn ở bao lâu cũng được! Nhà này vào loại sang trong thị trấn, chắc ông thầy không chê, giá cả thì tùy, đừng để người ta thiệt...
       -Nhưng tôi không thích nhà trọ hay khách sạn!
       -Không phải nhà trọ, cũng không phải khách sạn! Nhà dân, đúng hơn là nhà quan, nhưng bây giờ là dân rồi! Tôi bảo lãnh ông thầy là bạn tôi, có hoàn cảnh thấy cũng ngộ, đáng khen! Nhưng trước khi vô, tôi phải kể cho ông thầy nghe chuyện này đã, coi như tôi với ông thân nhau lắm rồi nghe!

***

       -Nghe bà Bảy kêu tôi là Thức kỹ sư, ông ngạc nhiên lắm phải không? Tôi là kỹ sư thứ thiệt đó! Tốt nghiệp Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, khoa cơ khí! Đó, anh hất hàm ra cửa quán, ông thầy ngó cái xe honda của tôi kia, có thấy cái két nước do tôi chế tạo không? Chạy bốc dữ lắm nghen... Ra trường mười hai năm nay rồi. Lúc đầu tôi đi làm ở một xưởng cơ khí đóng xà-lan trên Bình Thạnh, lương cũng khá, nhưng... ông già kêu về quê lấy vợ, tôi bỏ nghề. Lấy vợ rồi đưa nhau lên thị xã, tôi mở tiệm sửa xe gắn máy. Mấy năm không thấy khá, tôi bỏ tiệm cho thằng em vợ, chạy xe ôm. Tôi mới chạy xe năm rồi, thấy khỏe hơn...
       Chắc thế nào ông thầy cũng hỏi: sao lấy vợ mà phải bỏ nghề, bỏ chỗ làm? Từ một anh kỹ sư được đào tạo chánh quy hẳn hoi lấy vợ vào trở thành anh xe ôm? Chắc vợ tôi phải ghê gớm dữ dằn lắm? Không! Vợ tôi là một cô gái bình thường, rất dễ thương, biết buôn bán chút đỉnh. Lấy được tôi bả mừng hết lớn, cưng chiều tôi dữ lắm nghen! Nếu không vậy, sao bả cho tôi ra chạy xe ôm! Tôi là kỹ sư bả cũng thương mà làm anh xe ôm bả cũng yêu! Hỏi khắp xứ nầy có ai được như vợ tôi không? Kiếm được đồng nào tôi xài thả câu, không hề đưa cho bả đồng cắc! Nói láo làm con ông! Một tay bả nuôi con ăn học, tôi chả héo lánh gì! Nghĩ mình sướng thiệt! Ấy, nó cũng có cái duyên cớ, cái lý do của nó. Rồi tôi kể cho ông thầy nghe ngay bây giờ đây... Tôi nói con nhỏ chủ nhà xếp phòng cho ông rồi, chờ chút xíu! Nhớ đưa giấy tờ tùy thân kẻo chánh quyền làm khó dễ, nhà nầy giờ là đối tượng làm khó nha!
       Lại thế nữa! Nhưng mà có khi thế lại hay, biết đâu chẳng ẩn chứa một câu chuyện đời nào, cũng như anh chàng Thức kỹ sư - xe ôm này, khối chuyện! Thức nhón một hột đậu phộng, thả vào cái miệng rất lém, vừa nhai vừa hỏi:
       -Hồi nhỏ đi học, ông thầy có thương ai không? Thương con nhỏ nào cùng lớp ấy? Có hả! Nhìn tướng biết mà. Hồi học cấp 3, tôi có để ý một nhỏ cùng lớp, cùng tuổi, tên Huệ. Nhà tôi ở trong ruộng, học lên cấp ba tôi phải ra thị trấn, trường cấp ba hồi nãy vừa đi ngang đó. Nhà Huệ ở Vĩnh Nguơn, cách xã tôi một con kênh, Huệ có xe máy (tức là xe đạp đó, còn xe gắn máy thì gọi là Honđa, ông có nghe dân tụi này kêu vậy không?), còn tôi đi bộ. Thấy tội nghiệp, Huệ cho tôi quá giang xe, đến bờ kênh có cây cầu khỉ thì Huệ về, còn tôi leo qua, đi bộ chừng hai cây số về nhà! Sáng sớm mai, ai ra trước lại chờ nhau ở đó. Riết hai năm chúng tôi thân nhau, tụi bạn đứa nào cũng bảo thằng Thức bồ với con Huệ rồi! Hình như Huệ cũng thích tôi, vậy mà tôi thì chỉ hơi thinh thích thôi, không mê, mà lại còn sợ nữa! Cũng không biết là sợ cái gì, chỉ thấy nếu mình thương Huệ thì kỳ quá!
       Học hết lớp 11, Huệ lấy chồng! Tin đó làm tôi bải hoải tâm thần! Hình như tôi thương Huệ thiệt, chỉ đến khi Huệ đi lấy chồng tôi mới thấy mất con cá! Con cá biệt tăm, còn tôi đâm ra làm thơ, làm nhiều lắm, chẳng cần vần điệu, quy tắc nào hết! Một cậu trai 17 tuổi thất tình làm thơ thì ít mà lấy thơ của người khác, chế thành của mình cũng có. Tỷ dụ như:
       "Bướm vàng đậu đọt mù u;
       Lấy chồng chi sớm, lời ru sẽ buồn;
       Tôi về nhà lấy vợ luôn;
       Vợ tôi không đẹp, nhưng buồn lấy chơi!"
       Vậy đó! Tức cười há? Năm sau tôi tính nghỉ học nhưng ông bà già không cho, hứa mùa tới bán lúa mua xe đạp cho tôi, đành nghe theo vậy. Ngày đầu tiên tới trường mà không còn Huệ, tôi lê đôi chân dài thoòng của mình qua cầu khỉ. Đang rầu thúi ruột gan, tôi nghe tiếng con gái sau lưng: "Ếp ếp!" Ông cũng biết hả? Đó là tiếng ra hiệu cho xe đạp tránh đường, cái kiểu "chuông" của dân xứ tôi là vậy đó! Tôi nép qua một bên, quay đầu lại thì, trời ơi... Huệ! Huệ lấy chồng mà còn đi học? Lại trẻ ra, đẹp hơn nhiều lần! Sao bảo lấy chồng cực lắm mà? Huệ nhìn tôi cười, rồi đạp vù qua mặt tôi như chưa từng quen biết! Tôi xây xẩm mặt mày, tay chân loạng quạng. Được một chút tôi bình tĩnh lại nghĩ: "Thôi, buồn mà làm chi Thức ơi, thiếu gì người đẹp hơn Huệ! Cái thứ người bạc tình vậy thì thương nhớ làm chi cho uổng hơi! Cứ thế tôi đi như chạy đến trường.
       Được một khúc khá xa, tôi thấy Huệ dừng xe bên đường, dáng bộ lúng túng, nhìn tôi như cầu khẩn. Tôi vờ như không thấy, cứ ngó thẳng và đi thẳng. Được mấy bước, Huệ gọi tôi:
       -Anh Thức!
       Nghe giọng như muốn khóc của Huệ, tôi thấy hả hê trong bụng lắm, không thèm dừng lại. Nhưng nghe kêu "Anh Thức!" lần nữa, tôi không cầm lòng được, quay cổ lại, lạnh lùng:
       -Chi vậy?
       Huệ lấy ống tay áo lau nước mắt:
       -Cái xe máy của em... bị sút sên!
       Ra vậy! Tôi quay lại, không ngó Huệ, ra tay "anh hùng tiếng đã gọi rằng", lắp lại cái xích xe đạp. Huệ đứng giữ cho cái xe khỏi ngả, ngó tôi làm, tôi thấy nóng nóng trên đầu. Bỗng Huệ hỏi:
       -Anh có phải là anh Thức, con bác Tám bên Vĩnh Hoà không?
       Trời đất ơi! Tôi ngó lên thấy đoii mắt của Huệ đã lung liêng cuời cuời. Tôi hỏi lại:
       -Sao Huệ hỏi tui kỳ vậy?
       Lần này thì Huệ cười rất giòn:
       -Em đâu có phải Huệ! Chị Huệ lấy chồng qua bên nhà chồng ở Kinh Xáng rồi!
       -Vậy chớ... Tôi lấy tay quệt mồ hôi trên trán, nhìn cô gái ấp úng.
       -Em là Huệ Em, em của chị Huệ! Bộ anh tưởng em là Huệ hả!
       Tôi lặng người sung sướng, trao xe cho Huệ Em,  cười gượng gạo:
       -Sao hai chị em giống nhau quá vậy?
       Huệ Em giục:
       -Trễ giờ học mất rồi! Anh chở em tới trường nghen!
       Tôi ngoan ngoãn nghe theo Huệ Em. Ngồi sau lưng tôi, Huệ Em giải thích:
       -Em tên Huệ Em, còn chị Huệ là Huệ Chị! Kỳ vậy đó!
       - Ừ, kỳ thiệt!
       Từ đó, tôi không còn Huệ Chị, nhưng tôi đã có Huệ Em. Huệ Em mới lên cấp 3, học lớp 10! Mỗi ngày tới trường tôi cùng Huệ Em chở nhau trên chiếc xe đạp màu xanh của em. Một hôm Huệ Em hỏi tôi:
       -Hồi đó anh thương chị Huệ thiệt hả?
       Tôi im lặng một hồi rồi quay qua nhìn thẳng vào mắt Huệ Em:
       -Ai nói với em vậy?
       -Hổng có ai nói hết! Em cảm thấy...
       Lần này, tôi đã có chút kinh nghiệm, quyết không để mất con chim vàng của mình nữa:
       -Thế bây giờ em có cảm thấy gì không?
       Huệ Em không nói, em ôm cặp trước ngực một mình đi trước, tôi dẫn xe theo sau. Lát sau Huệ Em hất mái tóc ngược ra sau vai, ngẩng lên nhìn tôi:
       -Em giống chị Huệ không?
       Trời ơi! Đôi mắt đen ươn ướt của Huệ Em, đôi mắt mà sau này tôi mới biết nó báo hiệu cho một cuộc đời nhiều đa đoan, sóng gió... Nhưng lúc ấy đôi mắt ấy nhìn tôi  với bao thách thức. Huệ Em đang ở vào tuổi trăng tròn, thân hình còn những khiếm khuyết của người con gái đang lớn. Vẻ đẹp của Huệ Em như bông hoa hàm tiếu, chưa ai nỡ đụng tới, chưa gây cho người ta khát vọng chiếm đoạt...
       -Còn hỏi! Bữa gặp em lần đầu, anh nhầm em với Huệ, nhớ không? Hồi đó anh không có thương Huệ, chỉ thấy có cái gì đó kỳ kỳ. Chỉ khi Huệ lấy chồng anh mới thấy buồn! Một khoảng trống mênh mông, mất mát! Giờ có em... Tôi buông lửng câu nói, Huệ Em nhìn tôi rồi bất ngờ hỏi lại:
       -Trám vô cái khoảng trống đó?

***

       Đúng là tôi đã "trám" Huệ Em vào cái khoảng trống trong trái tim tôi. Khoảng trống mà một lần trong đời thằng con trai nào cũng dễ có, hay đúng hơn, tưởng đó là khoảng trống. Cuối năm thi tốt nghiệp lớp 12 xong tôi đến chơi nhà Huệ Em, lấy cớ tặng em mấy cuốn sách và trao đổi chút kinh nghiệm của người đi trước, cũng đường hoàng, đạo mạo lắm nghe, đồng thời cũng là để từ biệt em trước khi lên Sài Gòn thi đại học. Trên đường đi tôi định bụng sẽ làm cho thiệt bảnh, để cho mọi người thấy rằng tôi và Huệ Em đã thương nhau rồi. Nào ngờ, khi tới nhà, tay chân miệng lưỡi tôi để đâu hết, cứ xớ rớ như người đi muợn bạc. Huệ Em nắm tay tôi dẫn thẳng vô nhà, giới thiệu với má:
       -Anh Thức bên Vĩnh Hoà, hồi đó học chung lớp với Huệ Chị đó má! Rồi tự nhiên Huệ Em che miệng cười rúc rích. Bà má đang ngồi trên võng thấy con gái cười, bà mắng:
       -Con nhỏ này "vô duyên" thiệt! Có bạn tới nhà chơi thì rót nước mời khách, chớ có chi bây cười?
       -Hồi đó Huệ Chị lấy chồng ảnh buồn tính bỏ học đó má ơi! Ngày mai ảnh lên Sài Gòn thi đại học, bữa nay ảnh qua tính...
       Tôi lặng người, không biết nói sao, cứ cười như thằng trệt. Má Huệ Em cũng cười, nhìn tôi:
       -Nó lấy chồng thây kệ nó, bây còn tính gì?
       -Ảnh tính "trám" Huệ Em vô chỗ Huệ Chị đó má!
       Nói rồi Huệ Em cười ré lên, bỏ chạy xuống bếp, để tôi một mình chịu trận với bà già. Tôi sung sướng đến ngây ngô như người trúng số độc đắc, cứ mân mê trong tay cái nón kết. Bà má thấy tội nghiệp, sai tôi leo lên cây dừa bẻ mấy trái xuống cho bả... uống nước! Thức ngừng kể, cầm ly uống một hơi. Tôi dè dặt hỏi:
       -Vậy bà xã anh bây giờ là Huệ Em?
       Thức không trả lời vì đang dở hớp bia, anh khua tay ra hiệu. Lát sau, anh rầu rầu:
       -Được vậy thì còn nói chi! Làm gì có chuyện kể cho ông nghe lúc này... Tôi thi đậu Đại học bách khoa, học năm thứ tư thì gia đình bên tôi qua nhà Huệ Em để người lớn nói chuyện. Lúc này Huệ Em đang học trung cấp thống kê bên Cần Thơ. Chúng tôi thống nhất để khi nào Huệ Em ra trường về công tác ở huyện thì chúng tôi làm đám cưới. Còn tôi do học khá nên được Xí nghiệp cơ khí Thanh Đa nhận vô làm việc liền. Huệ Em về huyện công tác được một thời gian mà tôi thì bận quá chưa về tính chuyện cưới hỏi được, nên chỉ thỉnh thoảng mới gửi thư về cho Huệ Em. Huệ Em cũng gửi thư cho tôi thường xuyên, lời lẽ tình ý trong thư nồng thắm lắm. Bỗng dưng, ba tôi nhắn về gấp để lo chuyện cưới vợ. Tôi phải xin phép khó khăn lắm giám đốc mới cho nghỉ.
       Về đến thị trấn trời vừa sập tối, tôi chạy như bay về nhà. Nhưng như người ta thường nói: khi người ta yêu trái tim đã bị mù! Tới cây cầu khỉ, thay vì về nhà, tôi lại thẳng đến nhà Huệ Em. Hăm hở, tự tin như một chàng rể quý, tôi phóng thẳng vào giữa sân. Con chó vàng thấy tôi thì hực lên một tiếng rồi vẫy đuôi mừng ríu rít.  Trong nhà cây đèn khí đá sáng chói mắt, ba của Huệ Em và một người đàn ông  đang ngồi bên bàn nước. Tôi lén ra sau bếp tìm người yêu. Huệ Em đang ngồi một mình, im lặng bên nồi cám heo. Thấy tôi, Huệ Em giật mình, lộ vẻ hốt hoảng rồi quay mặt đi, bối rối. Tôi ngồi xuống bên cạnh, tính hôn đại một cái lên tóc Huệ Em, nhưng em né tránh. Tôi hỏi sao vậy, Huệ Em ngồi im lặng một lúc rồi thổn thức khóc. Đúng lúc ấy thì má của Huệ Em đi vô, bà nhìn tôi bằng cái nhìn rất kì lạ, rồi hỏi:
       -Thằng Thức về hồi nào?
       -Dạ, con mới về tới.
       -Bây đã về nhà chưa? Chưa hả?
       Tôi lo lắng hỏi lại:
       -Ủa! Sao má biết? Nhận được thơ của ba con, con phải xin mãi ông giám đốc ổng mới cho nghỉ phép một tuần. Về tới chợ trời vừa tối, con về đây trước rồi chút về trong trỏng...
       Bà má không trả lời tôi, loay hoay với cái gì đó trên tay rồi đi lên nhà trên. Thấy mọi người im lặng, tôi đoán chừng có chuyện gì xảy ra, nhưng không dám hỏi. Lát sau có tiếng ba của Huệ Em:
       -Con Tư đâu rồi? Anh Năm về kìa!
       Huệ Em uể oải đứng dậy, tôi cũng đứng lên theo. Ông già xuống bếp nhìn thấy tôi, ổng không ngạc nhiên mà tỉnh khô:
       -Thằng Thức  lên đây tao có câu chuyện muốn nói!
       Huệ Em tiễn Anh Năm nào đó, rồi ra sau bờ mương, tôi lên nhà, rón rén ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ba của Huệ Em. Ông già bối rối vân vê vấn điếu thuốc rê mấy lần toàn bị rách giấy. Tôi lấy bao thuốc chìa ra mời:
       -Ba hút thuốc này nè...
       Ông già dục nhúm thuốc xuống sàn nhà, cầm điếu thuốc của tôi, châm lửa phả khói mù mịt một cách nặng nhọc. Lâu sau, ông nhìn tôi:
       -Bây biết ai vừa đi ra đó không?
       Người đó là Năm Bình, vừa trúng hội đồng huyện và sắp trở thành rể của ông, chồng của Huệ Em! Tôi không nghe ông già giải thích và hình như ổng cũng không giải thích gì cả. Tôi lặng lẽ xách cái giỏ nghèo nàn của mình ra khỏi nhà Huệ Em mà không chào ai. Qua cổng, tôi thấy bóng Huệ Em trong lùm cây thiết mộc lan, hình như có tiếng gọi "Anh Thức!", nhưng tôi im lặng. Chỉ có con chó vàng là ríu rít quấn lấy chân tôi, đưa tiễn. Tôi không về nhà, lội bộ ra thị trấn, đón một chiếc xe lên thẳng Sài Gòn.

***

       Thức kỹ sư đưa tôi đến trước một ngôi biệt thự màu mè, có vẻ lạc lõng với khung cảnh đìu hiu của thị trấn. Một thiếu phụ chạy ra mở cổng mà không nói gì. Thức chống xe giữa sân, nắm áo kéo tôi đi theo người thiếu phụ, chính là chủ ngôi nhà. Chủ nhà kéo mở cánh cửa một căn phòng, có cửa sổ nhìn ra con lạch nhỏ xanh ngắt lục bình. Thức đẩy tôi vào:
       -Ông thầy có thể ở mấy ngày cũng được, chừng nào xong việc thì trả tiền cho chủ nhà. Đoạn anh ta quay sang người thiếu phụ. Bây nói lấy ông thầy nhiêu?
       Thiếu phụ ngước đôi mắt ánh màu xanh pha chút hoàng hôn đang đỏ cháy ngoài sông nhìn tôi như thể ước lượng:
       -Dạ, chú là bạn của anh Thức, cho nhiêu cho...
       -Bậy nào! Ông thầy là bạn tao thiệt, nhưng ở thì phải trả tiền. Thôi, như đã nói với bây, lấy người ta một trăm, lấy ổng năm chục một ngày đêm! Ông thầy thấy được không?
       Tôi như người ngoài cuộc bị hỏi bất thần, lúng túng:
       -Tùy chị chủ nhà!
       -Xong! Thức khoát tay. Còn ăn uống ông thầy ra ngoài quán Bảy hồi nãy đó!
       Thức quay đi mà không chào ai, tôi chạy với theo:
       -Như thế có thiệt quá không, anh Thức?
       Anh chàng xe ôm nhìn tôi tỏ vẻ khó chịu:
       -Thiệt thòi gì!
       -Bà con à?
       Vẫn cái nhìn khó chịu, nhưng đã dịu hơn, Thức nắm tay tôi kéo đi một quãng, giọng anh nhỏ xuống:
       -Ông thầy nghe nầy, Huệ Em mà tôi đã kể cho ông thầy nghe, vợ Năm Bình chủ tịch huyện đó! Năm Bình vừa mới nổ súng lục vào đầu tự sát, báo chí làm um sùm lên ông thầy có nghe không? Y tự vẫn, để lại ngôi biệt thự nầy với ba đứa con. Tôi thấy ngôi nhà lớn quá bỏ uổng, bảo nó cho người lỡ đường nghỉ, kiếm thêm...
       -Trong nhà có ai nữa không?
       -Có! Bà già Huệ Em đang ở trỏng, nhưng tôi không muốn gặp! Ông thầy cứ nghỉ cho thoái mái, chừng nào tìm thấy cô Lan thì hãy đi... Nhớ tìm cho được người ta nghe, ông thầy!
       Tôi trở lại căn phòng bắt đầu chập choạng ánh chiều. Vẻ đìu hiu của thị trấn đã tràn vào tận đây. Cứ để nguyên cả áo quần, giày vớ, tôi nằm vật ra giường...
       Thức ơi, anh nhầm rồi, Lan của tôi là một người xinh đẹp nhất trong những người xinh đẹp, chung thủy nhất trong những tấm lòng vàng. Hai mươi năm trước, Lan đã đi qua cuộc đời tôi như một ánh chớp, một dòng xoáy, nàng cũng ra đi như Huệ em hay Huệ chị của anh và mang theo niềm hy vọng của tôi! Thế nhưng, may sao Lan của tôi không có thật! Không bao giờ có thật. Nàng chỉ là tưởng tượng của tôi từ trong sâu thẳm trái tim một thời thơ dại! Nàng mãi mãi là nỗi nhớ thương da diết trong tôi! Và nếu như nàng có thật trong cuộc đời này, nàng sẽ hạnh phúc, trong khoảnh khắc và lâu dài mãi mãi trong trái tim tôi, trong vòng tay tôi! Ngày mai, trong cái thị trấn nhỏ bé, vừa thân thuộc thương yêu, vừa xa cách lạ lùng, tôi sẽ đi tìm nàng!
       Tôi thiếp đi trong giấc ngủ mệt mỏi, mơ mòng. Khi tôi tỉnh dậy đêm đã khuya, khuya lắm rồi!

Đồng Tháp - TP Hồ Chí Minh 2000-2001
H.Đ.Q.