Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

XƯƠNG TRẮNG.

Trung tuần tháng Mười một năm ngoái (1988) bất ngờ Hưng vào tìm tôi. Anh đi thẳng từ ga tới, quần áo nhàu nhò, dáng người phờ phạc, mất ngủ. Gặp nhau, tay chân mừng húm, tôi lôi anh vào:
- Mình cũng đoán chừng giờ này cậu mới ở nhà, nên cứ ngồi mãi ở ngoài ga. Sài Gòn lúc này thay đổi nhiều quá nhỉ?
Thằng con tôi, tám tuổi, học lớp Ba, mới ở trường về, khoanh tay líu ríu: Chào bác! Tôi dẫn Hưng ra sau nhà rửa mặt, anh đưa mắt nhìn cơ ngơi nhà tôi, giọng bình thản:
- Cũng không thay đổi mấy nhỉ!
- Trời ơi, ông bảo, lo cho đủ ăn, đủ mặc cũng đủ mệt rồi. Lấy gì ra mà thay đổi.

Chúng tôi đang ngồi uống trà, hút thuốc Bông Sen do Hưng đem vào thì vợ tôi đi làm về. Thoạt đầu, cô ấy không nhân ra Hưng, trông anh già hơn, trán rộng và nhất là vẻ mệt mỏi hốc hác sau mấy ngày đêm trên tàu. Tôi nói nhỏ với vợ, bảo chạy ra chợ mua thêm mấy món tiếp khách ở quê vô.
Gặp hôm mất điện, trong nhà nóng bức quá, hai anh em đánh trần trò chuyện.
- Thế nào? Tôi hỏi. Lúc má ngoài ta năm nay ra sao? Minh nghe đài nói cũng lạc quan lắm.
Hưng dí cái đầu lọ thuốc lá, nhẩn nha:
- Gay, gay đấy! Trận lụt vừa rồi lúa ngập hết một phần ba. Cấy lại cũng chẳng ra gì, toàn hạt lép. Dân tình ăn xong cái tết chắc là đuối.
- Hôm vào, ông có ghé bà cụ mình không?
- Có sang. Bà cụ cũng yếu nhiều, nhắn vợ chồng cậu Tết này về.
Sống xa quê nhà, gặp người làng những mừng mừng tủi tủi. Khi cái vui bồng bột đã lắng xuống, một cái gì mơ hồ, canh cánh lay động trong lòng. Ở quê, tôi còn mẹ già và hai đứa em đang đi học. Cha tôi mất hồi năm 1980. mấy đứa em lớn lấy vợ, lấy chồng, con cái lằng nhằng, làm việc Nhà nước chẳng lấy gì làm đủ ăn, đứa nào cũng như người ngố. Khi giỗ, ngày Tết chúng kéo đến, đông thạt vui nhưng mà tốn kém lắm. Vợ chồng tôi ở xa, lương cán bộ dành dụm cả năm, đi phép được một lần coi như cạn vốn, mà vẫn còn đeo vợ.
- Mấy năm rồi cậu chưa về quê nhỉ? Hưng hỏi đột ngột.
- Cũng phải đến hai, ba năm. Từ cái ngày gặp ông ở Giếng Đồn, rồi vào nhà thằng Quyền uống rượu với cá rô phi đó!
Cau chuyện kéo dài, quanh quẩn chỗ bạn bè làng xóm được một lúc rồi cũng lắng xuống. Hình như Hưng có điều gì muốn nói với tôi? Tôi cũng áy náy, cứ muosn hỏi xem anh vào với mục đích gì – vì chắc chắn không chỉ thăm tôi, nhưng sợ khiếm nhã, nên thôi.
Vừa lúc vợ tôi từ trong bếp đi ra:
- Mời hai anh chuẩn bị ăn cơm, em làm xong rồi. Gớm, còn chán thì giờ. Chắc anh Hưng đói rồi đấy, đi tàu ăn uống thất thường, mất sức lắm.
- Cho mình tắm nhờ cái đã. Hưng đứng dậy lôi từ trong cái túi xắc bằng vải bạt gai ra các thứ lặt vặt và hai gói kẹo cho con tôi. Anh cũng móc giấy tờ tùy thân và vé tàu để lên bàn. Tôi thấy có tấm thẻ Đảng màu đỏ huyết dụ.
Vừa hay có điện, trẻ con, người lớn từ ngoài đường phố và mấy tầng lầu khu cư xá reo lên ầm ĩ. Niềm vui ùa đến.
                                                            ***
 Cơm nước xong, vợ con tôi bảo nhau vào nhà trong học bài, hai anh em tôi ngồi uống trà. Sau một lúc im lặng, Hưng nói:
- Cậu còn nhớ Ngọc không?
- Nhớ chứ. Tôi đáp ngay, gọn lỏn.
Từ lúc nhìn thấy Hưng là tôi đã nhớ ngay tới Ngọc. Ba đứa chúng tôi chơi với nhau từ ngày còn nhỏ tí, cùng học chung một lớp trường làng rồi trường huyện cấp III Đông Sơn. Cùng nhập ngũ rồi đi B một lượt. Năm 1971 Ngọc hy sinh ở Campuchia, còn lại tôi và Hưng. Cùng với anh em trong đơn vị, chúng tôi chôn cất Ngọc chu đáo, có đánh dấu mộ chí đàng hoàng. Tôi bỏ vào trong quan tài một cái lọ thủy tinh nút chặt, bên trong có ghi rõ: Trần Văn Ngọc sinh ngày 9 tháng Mười năm 1950 – Quê quán Đông Hà, Đông Sơn, Thanh Hóa – Hy sinh ngày 27 tháng Năm năm 1971.
Chúng tôi thương Ngọc quá. So với chúng tôi, Ngọc thông minh và dũng cảm hơn nhiều. Nó xốc nổi và trung thực hơn người.
Cuối năm 1975, tôi về quê, địa phương vẫn chưa báo tử, nhưng gia đình đã biết phong phanh. Bố Ngọc, một thợ nề kỳ cựu, bày lên bàn thờ thêm một bát cơm, một đôi đũa. Thấy tôi về mà không có Ngọc, cả làng đến hỏi thăm. Tôi nói là vào đến chiến trường, mỗi đứa được phân công một đơn vị. Không dám nói thật vì chưa có giấy báo tử, sợ vi phạm chính sách. Sau này báo tử rồi, chúng tôi mới dám nói rõ. Trong giấy báo tr ngày tháng cũng không đúng. Tôi và Hưng nói lại chính xác ngày mất của Ngọc để gia đình cúng giỗ. Vậy đã mười mấy năm trời.
- Ngọc nó hy sinh mười bảy năm rồi đấy. Hưng nhắc. Gia đình hắn bây giờ cũng đỡ lắm. Thằng Thanh, em út được đi Tiệp hợp tác lao động. Mấy năm nay dân tình kiến thiết mạnh, nên nghề thợ nề của ông bố Ngọc cũng kiếm được. Nhà đã xây, bốn gian. Dạo giáp hạt, xung quanh nháo nhào, nhưng gia đình hắn cũng không đến nỗi nào…
- Thôi, thế cũng mừng. Ngọc mất rồi, giá nó mà biết được những đổi thay như thế cũng đỡ tủi. Tôi ngậm ngùi. Gặp lúc khó khan như mấy năm nay, đôi khi mình cũng nghĩ tieu cực, chán nản. Nghĩ lại, so với bạn bè mình còn giữ được cái mạng còn đủ chân tay với hai con mắt, lại thấy yên ủi. Cầm bằng chết đi như bao nhiêu người thì cũng đến vậy…
Hưng vốn ít nói, tính nết điềm đạm, biết suy tính trước sau, hơn thiệt. Tôi vẫn thần phục anh điều đó. Một phần cũng do đường đời, công danh, địa vị, thua kém bạn bè mà cái tính dè dặt, cẩn thân từ bé ngày càng được phát huy.
- Mấy năm nay, cứ vào ngày cúng giỗ Ngọc là gia đình lại mời mình. Từ chối thì không được, mà đến thì ngượng. Nhìn hai ông bà già sụt sùi mình cứ như là thằng đào ngũ, B quay.
- Thì trong số bạn bè, có ông ở nhà thỉnh thoảng ghé thăm gia đình Ngọc, coi như anh em trước sao sau vậy để ông cụ khỏi nghĩ rằng mất người là mất hết. Mà chính quyền địa phương cũng quan tâm đều đặn chứ?
- Thỉnh thoảng. Vào dịp ngày thương binh liệt sĩ, ngày Tết nhất, ông bà cụ được mời ra ủy ban xã, để chính quyền động viên ít lời. Cũng có cân đường, lạng mì chính, gói chè…
- Thế là quý rồi. Trong hoàn cảnh này, khó khăn cofnd dầy rẫy, chất chồng mà lo được như vậy cũng là đỡ lắm…
Tôi đứng dậy pha ấm trà mới, Hưng ngồi trầm tư, lát sau tôi trở lại, anh nói:
- Nhưng ông cụ bố hắn còn một nguyện vọng.
- Ông cụ muốn chi?
- Muốn đưa hài cốt ngọc về quê. Mình vào đay với lý do đó.
Tôi chới với, chưa biết nói sao thì Hưng tiếp:
- Từ nam 1985 ông cụ đã nói với mình về chuyện này. Suy nghĩ mãi, lần này mình mới nhận lời. Định vào Sài Gòn rồi tìm đường sang Campuchia…
Dòng nước cay sè, mặn chát ứa ra trong mắt tôi. Hình ảnh Hưng cao thượng và to lớn đến nhường nào. Thì ra tôi chỉ là thằng ươn hèn, nhỏ mọn. Trong cuộc đời thường vất vả vì cơm áo, có những lúc tôi đã quên bẵng bạn bè. Những chuyện cao cả đối với tôi như từ thuở xa xăm, hay từ một thế giới nào khác lạ! Thế mà bây giờ đây, người bạn thuở cởi truồng chăn trâu, lội sông với nhau bỗng hiện lên sừng sững, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ công ăn việc làm, lặn lội đi tìm nắm xương tàn của người bạn thời chiến binh. Mà đã lấy gì làm chắc hẳn? Thấy tôi cứ ngồi thừ ra, hưng nói cho tôi đỡ lúng túng:
- Ông cụ muốn đi theo, nhưng mình bảo đừng. Vào đây, mình cũng quen thung thổ rồi, lại có nhiều bạn bè, nhất là cậu…
- Vâng!
- Ông cụ có đưa cho mình ít tiên. Phần vì nể, phần vì cũng túng nên mình nhận một xuất về tàu.
Tôi băn khoăn:
- Nhưng mà làm sao sang bên đó được? Với lại, mấy năm nay, Cục chính sách có cho người đi tìm bốc mộ anh em mình bên đó về nước rồi.
- Cũng có thể như vậy, nhưng chiều ông cụ nên mình cứ đi. Vừa rồi mình có nhận được thư của cậu em vợ. Hắn là tiểu đoàn trưởng, đơn vị ở gần Stung-T’reng. Hắn hứa sẽ giúp mình. Lúc đi mình có xin giấy chứng nhận của thương binh xã hội tỉnh.

                                                                        ***

Đêm ấy thấy tôi trằn trọc mãi, vợ tôi hỏi:
- Anh Hưng vô đây chơi hay có chuyện gì?
- À, hắn đi buôn. Tôi đáp qua quýt.
Như tôi đã kể, Hưng là người kín đáo, thận trọng. Hồi nhỏ anh lam lũ, học hành với loại trung bình, hoàn cảnh gia đình neo túng.
Hưng chỉ có hai chị em. Ông bố năm cải cách bị tố là địa chủ sau sửa sai xuống trung nông lớp trên. Do phiền muộn hay phẫn chí gì đó, ngã bệnh chết từ ngày ấy. Vì còn quá nhỏ để hiểu biết nên tôi không quan tâm gì nhiều đến chuyện ấy. Sau này ở bộ đội, tôi và Ngọc được kết nạp vào Đảng, còn Hưng thì phấn đấu trầy trật. Lúc hòa bình chuyển ngành vẫn là quần chúng với cái giấy giới thiệu đối tượng.
Nhớ một đêm, tôi nằm chung hầm với chính trị viên đại đội. Anh tên là Sình, quê ở Kim Thành, Hải Hưng, có vợ là thường vụ huyện ủy. Anh Sình đi bộ đội năm 1953, lúc ở Tuyên Quang bị đá đè tiện mất gót chân. Anh phục viên năm 1961, ba năm sau lại tái ngũ. Hiện thời cấp bậc trung úy, chính trị viên. Tôi hỏi anh Sình:
- Sao chi bộ khắt khe với Hưng quá vậy? Mãi chưa kết nạp hắn. Ông bố hắn là địa chủ nhưng xuống trung nông rồi. Tôi ở cùng làng, tôi biết mà. Ông ấy chết bệnh chứ có phải bị xử đâu.
Chính trị viên im lặng một hồi lâu rồi nói:
- Tôi cũng sốt ruột vì Hưng lắm. Nhưng tôi hỏi thật cậu: Hưng thế nào?
- Hưng tốt chứ anh. Hiền lành lại chịu khó. Ít nói nhưng chiến đấu dũng cảm, việc gì cũng nhận. Tôi thấy Hưng phấn đấu rất nổi.
- Điều đó thì rõ ràng rồi. Nhưng… chi ủy, chi bộ còn có người phan vân. Phần lý lịch thì coi như rõ ràng. Nếu có gì thì chính đồng chí ấy sẽ phải chịu trách nhiệm lấy. Trong điều kiện hiện nay, ta chưa thể thẩm tra ngay được. Cái chính là ở chỗ khác. Hình như trong phấn đấu Hưng còn có sự… tính toán.
- Tôi không hiểu ý anh?
Chính trị viên bảo tôi:
- Thế này nhé. Nhiều người nói rằng Hưng chỉ tích cực khi có người nhìn thấy việc làm của mình. Nhất là khi có cấp trên hoặc đảng viên. Cậu là bạn, thử nhắc nhở cậu ấy thêm…
Tôi cũng xin nói thật lòng rằng, ngày ấy chúng tôi phấn đấu vào Đảng với một động cơ trong sáng, với một nhiệt tình nồng cháy có khi đến ngây thơ. Nghe nói về Hưng như vậy, nhất là lại từ miệng một cán bộ Đảng, tôi buồn lắm. Và tôi đã nói với Hưng những điều ấy, anh cười buồn, nửa miệng.
Lúc Hưng đang ở chiến trường, chị gái ở nhà lấy chồng, năm ấy chị Thịnh đã ngoài ba mươi. Dạo đầu bà mẹ còn ở chung với con rể. Làm hợp tác xã, cụ chỉ làm được những việc vặt, chủ yếu là dựa vào tiền đi B của con trai và ăn tiêu chuẩn điều hòa.
Hòa bình, Hưng chuyển ngành ra cơ quan dân chính cùng một lượt với tôi. Được vài năm, một hôm Hưng bảo:
- Mình ở đây không hợp. Có lẽ phải về quê thôi, mẹ mình yếu lắm rồi…
- Hay ông ra đưa cụ vào đây?
- Không được. Bao nhiêu là phiền phức, hộ khẩu, tem phiếu… rồi đến đau ốm bênh tật. Với lại cái chính vẫn là ở mình…
Hôm tiễn Hưng, tôi làm bữa cơm, có rượu. Hưng co vẻ buồn. Anh ăn quấy quá mấy miếng rồi về. Hôm sau, tôi tiễn anh lên tàu, chờ tàu chạy khuất mới quay trở về.
Hưng về quê, xin vào làm ở công ty thương nghiệp huyện. Hồi anh được kết nạp vào Đảng, được đề bạt phó phòng, rồi trưởng phòng. Tôi mừng cho anh.

                                                            ***

Hưng có rủ tồi cùng sang Campuchia với anh. Chiều hôm sau đi làm về, tôi nói:
- Mình bân quá, không xin được cơ quan cho nghỉ.
- Thôi được, mình đi một mình cũng không sao.
Thực tình thì tôi nhát. Tuy có bận việc cơ quan thật, nhưng nếu cố xin, chuyện việc nghĩa, chắc cũng được. Đằng này, tôi ngại đi, đúng ra là sợ. Mặc dù tôi còn nhớ rất rõ nơi chôn cất Ngọc. Đến thị xã Stung-T’reng, thuê đò qua sông Meekong, đến thị trấn Tharavat tìm về phum Thamay. Ngọc nằm đó, cách phum chừng năm trăm mét về hướng đông bắc.
Tôi nhờ một người bạn ở Cục quan lương có xe sang ben ấy cho Hưng đi nhờ. Tôi đưa cho anh năm chục ngàn:
- Ông cầm lấy mà chi, chỉ sợ bên đó không tiêu tiền Việt.
Hưng chối, sau mới nhận. Anh bảo:
- Bên đó có bộ đội mình, tiền Việt Nam cũng xài được.
Hưng còn đem theo một va li những thứ như bóng đèn, giũa, bút máy Kim tinh… mà theo anh, những thứ này bán có giá. Hưng mặc bộ quân phục còn tương đối mới, đi dép tông lào. Hóa ra Hưng thông thạo hơn tôi tưởng nhiều.
Đún hai tuần sau, Hưng về. Vẫn cái dáng điệu mệt mỏi, kín đáo nhưng trông anh vui hơn. Không vào nhà mà nói với tôi ngoài cửa:
- Mình không muốn phiền gia đình câu vì cái này. Anh chỉ vào cái va li bụi bậm. Nhưng vào khách sạn sợ họ kiểm tra. Lôi thôi lại hỏng việc.
- Cái gì? Anh tìm được hài cốt Ngọc rồi à?
- Cậu có kiêng không?
Tôi không đáp, cúi xuống xách cái va li nặng chĩu vào nhà.
- Vẽ chuyện! Ông làm tôi không phải người hay sao?
Tắm giặt, cơm nước xong, Hưng bảo tôi:
- Mình muốn ở chơi với vợ chồng câu ít ngày, nhưng đi cũng lâu rồi, sốt ruột quá. Để sáng mai mình ra mua vé tàu, về. Ở nhà tụi trẻ nó trông.
- Như thế này là mừng lắm rồi. Nhưng dù sao cũng ở chơi với vợ chồng tôi ít ngày rồi hẵng về.
- Đừng giữ mình. Còn nhiều dịp kia mà.
Đêm ấy, Hưng kể cho tôi nghe chuyện anh sang Campuchia:
- Bây giờ khác xa so với hồi năm bảy mốt, bảy hai bọn mình ở bên đó. Dân Campuchia giàu hơn dân Việt mình nhiều. Bán vàng như bán rau…
- Ông tìm mộ Ngọc có khó không?
- Hai ngày thì tới nơi. Gia đình chị Ba Chấp Việt kiều ở thị trấn chạy về Việt Nam năm 1975, năm tám hai lại sang, làm ăn khá lắm. Anh chị rất quý mình. Anh ấy cùng với mình và mấy anh em bộ đội tình nguyện bốc hài cốt Ngọc, tắm rửa sạch sẽ. Có làm mâm cơm cúng. Mình khấn đại khái là: Ngọc ơi, hôm nay tao đưa mày về quê đây. Có khôn thiêng thì phù hộ cho gặp nhiều may mắn. Đi đến nơi, về đến chốn, an toàn…
Chúng tôi bùi ngùi tâm sự đến khuya mới đi ngủ, Hưng bảo:
- Đừng vì mình mà phiền cho vợ con cậu. Cứ để mình ngủ một mình ngoài này được rồi. Đi đường hơi mệt, nằm xuống là ngủ ngay thôi!
Tôi để cho Hưng nằm một mình ở gian ngoài cùng cái va li đựng hài cốt Ngọc. Tôi trằn trọc mãi. Hai mắt nhắm thật chặt, đầu óc nghĩ vớ vẩn mông lung ở tận đâu đâu. Những cau thơ chắp nối. Tâm trạng không ra vui, không ra buồn.
Chợt tôi nghe mơ hồ, có tiếng động rất khẽ ở gian ngoài, như phát ra từ chiếc va li hài cốt. Càng nghe, càng rõ dần. Tiếng động khô khan và nén chặt. Tôi nổi da gà, nghĩ: hồn Ngọc theo hài cốt về đây chăng? Hay có điều gì oan khuất?
Tôi trở mình thật nhẹ, ngồi dậy. Chân tay tôi bủn rủn, đầu óc tê dại trước những gì tôi nhìn thấy. Hưng đang mở gói hài cốt. Trong ánh đèn pin được che đi chỉ còn luồng sáng nhỏ bằng đồng xu, Hưng đang cẩn thận nhặt từng mẩu xương, xếp ra chiếu. Và sau cùng chiếc đàu laai cùng hai hốc mắt sâu hoắm được nhấc lên thì toàn thân tôi đờ cứng. Tôi không còn cảm giác gì ngoài nỗi sợ kinh hoàng. Nhưng mắt tôi vẫn nhìn thấy Hưng thọc hai ngón tay vào hốc miệng của Ngọc, một tay vỗ nhẹ lên vòm xương trán. Từ trong hai hốc mắt rơi ra những gói nhỏ. Hưng để chiếc sọ qua một bên, làm nó lăn qua lăn lại trên nền chiếu phẳng. Anh nhẹ nhàng mở những gói nhỏ. Trời ơi, vàng nhẫn, vàng lá bày ra lóng lánh.
Hưng say sưa ngắm những của cải, vàng bạc đã vượt biên giới bằng xương cốt bạn.
Lúc này, một cảm giác sợ hãi trong tôi tan biến, chỉ còn lại niềm thương xót. Niềm cay đắng xót thương cho xương máu đồng đội, của một thời chói lọi hào quang.
Tôi gục xuống cho đến khi trời sáng.
                                                                                                1989.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét