Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

QUY TẮC BÀN TAY TRÁI - Truyện ngắn




Tiến sĩ ngữ văn Cù Xuân Tươi là người vui vẻ, tuy hơi nhạt. Cái sự vui vẻ của ông thường bộc lộ ra ngoài bằng tính tự trào. Không kể lúc trà dư tửu hậu, mà ngay cả lúc luận bàn khoa bảng, thậm chí cả trên giảng đường, ông cũng có thể tự nói xấu mình một cách đáng yêu, tuy có đôi khi đáng ngờ:
- Các bạn biết không? Hồi còn đi học, tôi ghét nhất các môn khoa học tự nhiên… Vì thế tôi học các môn toán lý hóa dở lắm. Điểm hai, ba môn toán, lý đối với tôi là chuyện thường tình!
- Thưa thầy, thế thì sao thầy vẫn được lên lớp, được đậu đại học và học đến tiến sĩ như ngày nay ạ? Cô sinh viên Hồ Lan Bích có đoi mắt to tròn và cái nhìn đầy thách thức không ngại hỏi thầy như vậy.
- Có thể em không tin, nhưng xin em cứ tin tôi đi. Học tài thi phận mà. Với lại, những môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn văn, đã cứu tôi, cứu tổng số điểm thi lên đến mức chấp nhận được. Hà hà… nói nhỏ em nghe nhé: tôi có biệt tài liếc mắt mắt phô tô cái đáp số của người bạn thi bên cạnh. Tôi học được từ một người thầy mà biết ở các kỳ thi tuyển hay thi lên cấp, các giám khảo chỉ quan tâm tới cái đáp số thôi. Tôi liếc được cái đáp số của bạn, rồi viết thật ngay ngắn, đóng khung hẳn hoi… Chí ít cũng không bị điểm liệt. Đó là sự thật, là cả một cái bánh mì, nguyên vẹn!
Thầy Tươi trở nên nổi danh là một con người, một trí thức chuộng sự thật!
- Nhưng không hiểu sao, ông tiến sĩ nói tiếp, trong những môn học về con số đầy sự vô nghĩa, vô lý và vô bổ ấy, tôi lại nhớ rất kỹ một quy tắc. Đó là “Quy tắc bàn tay trái”! Các bạn có biết nó như thế nào không?
Những cặp mắt ngưỡng mộ càng trở nên ngưỡng mộ hơn, hướng về thầy chờ đợi. Tiến sĩ Tươi bất chợt xao xuyến trước cặp môi hồng mấp máy của Hồ Lan Bích. Thầy Tươi xòe bàn tay trái trắng trẻo của mình ra trước đám sinh viên đang nghe thầy giảng về “tiếp nhận văn bản văn chương”. Ôi bàn tay của tài năng, của nhạy cảm và của…
- Đó là một quy tắc trong môn học vật lý. Thầy bất chợt đến trước mặt Hồ Lan Bích, ngửa bàn tay ra. Đây, em nhìn đi, nhìn chăm chú vào nhé.
Bàn tay “búp măng” đầy tính nghệ sĩ và nhục dục hơi nghiêng về phía cô trò nhỏ.
- Khi có một lực từ trường xuyên qua lòng bàn tay, khung dây dẫn chuyển động theo hướng ngón tay cái, thì làm xuất hiện một dòng điện, có chiều theo hướng bốn ngón tay…
Hồ Lan Bích làm như cố tránh “dòng điện” mà tiến sĩ Tươi đang chĩa vào ngực cô, làm cho cô bất chợt đó bừng má, cười ngượng ngùng e lệ trước nét cười đầy quyến rũ của thầy.
Cả lớp học cười ồ, thán phục!
Từ đó, không chỉ sinh viên của Tiến sĩ Tươi, mà đến đồng nghiệp, bạn bè đều gọi Cù Xuân Tươi bằng cái biệt danh “Tiến sĩ quy tắc bàn tay trái”.


***

Trong khi Tiến sĩ Cù Xuân Tươi thỉnh thoảng vẫn biểu diễn tính “uy-mo” (hài hước) của mình trước bàn dân cử tọa thì Hồ Lan Bích thấy lòng mình bỗng dưng trống trải. Trống trải một cách bất thường, khó hiểu. Cô trằn trọc trước các môn thi cuối khóa, thao thức trước các mệnh đề, khái niệm, và sau cùng, nhận ra mình đang ngẩn ngơ trước bàn tay có mang dòng diện của thầy mình. Dù nhất quyết phủ định, nhưng càng phủ định, cô lại thấy mình phủ định cái mình đã phủ định. Cứ y như môn triết ấy!
Thời gian trôi đi, Hồ Lan Bích ra trường về làm ở một tờ báo. Cô quên đi bàn tay trái của thầy mình. Cô cũng không biết thầy đã được nhà nước phong hàm Phó giáo sư.
Cho đến một ngày, trong cơn say chếnh choáng, cô bấm bừa một số điện thoại đã lưu trong máy của mình:
- Xin lỗi, bạn là ai đấy ạ?
Lan Bích bàng hoàng nhận ra giọng của thầy Tươi. Cô tỉnh hẳn, vội vã xác định là sẽ không trả lời.
- Tôi hân hạnh được tiếp chuyện ai đây? Thầy nhắc lại, dịu dàng.
Vẫn cái giọng hài hài trịnh trọng. Bất chợt cô nhớ lại bàn tay trong trẻo của năm xưa, như đang phóng một giòng điện mơ hồ vào ngực mình. Không kìm được, cô nhẹ nhàng:
- Em là… Em Hồ Lan Bích…
- Hồ - Lan - Bích? Em có học tôi không nhỉ?
- Vâng! Em học thầy! Bài gọc về “Quy tắc bàn tay trái” ạ…
Cô thấy mình xấu hổ, và như một phản xạ tự nhiên, Lan Bích tắt máy, thở phào, nóng mặt trong bóng đêm. Chỉ một lát sau, cô nhận ra mình đã rất, rất không lịch sự, không tế nhị… Gọi lại nhé? Không! Chẳng qua là ta nhầm số thôi. Cô cười vùi mặt vào gối. Biết đâu? Biết đâu…
Chuông reo! Chuông reo khá lâu. Lan Bích cầm máy, cái số của thầy hiện ra… Không nghe! Ngủ rồi.
Chuông lại reo! Quỷ quái, cái thời di động này. Thôi thì…
- Em nghe đây ạ! Sóng ở chỗ em kém quá…
- Tôi nhớ em rồi.
- Thầy mà nhớ em sao?
- Trí nhớ tôi thường bị bão hòa. Nhưng với em, tôi làm sao quên được.
- Dạ… Em cũng không quên!
Rồi cô gái Hồ Lan Bích không hiểu bằng cách nào, họ đã gặp nhau. Vẻ bối rối thường tình của cô, khiến tiến sĩ nghĩ ngay đến một “coud de foudre”. Thầy vẫn hồng hào đạo mạo, hài hước thâm thúy, kẻ cả ngọt ngào.
Hồ Lan Bích đi từ choáng ngợp đến bình thản thân thiết, khiến cô tưởng như được lọt hẳn vào lâu đài trí tuệ của Tiến sĩ, nhất là khi cô biết ông còn là một nhà văn khá có tiếng tăm. Ông được mời vào các hội đồng, tham gia các cộc hội thảo cấp nhà nước… Ông cũng bước vào thế giới ảo một cách say sưa.
Ngày mưa nhỏ, CHÁT:
Bich: Anh có quen biết nhiều nhà văn không?
Tươi: Hầu hết em à. Anh có nhiều nhà văn là bạn rất thân, như…
Bich: Anh biết nhà văn NK chứ?
Tươi: Không những biết mà còn thân. Rất thân!
Bich: Hồi còn học phổ thông, em thích đọc NK.
Tươi: Cực hay! Thế Em có đi thi học sinh giỏi văn cấp quốc gia không? Có thích văn NK không?
Bich: Em thích NK.
Tươi: Đã đọc những gì?
Bich: Thích lời triết lý mang tính nhân sinh trong Mùa Lạc như sau: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ. Ở đời không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh vượt qua những ranh giới ấy"
Tươi: Giỏi. Sao Em nhớ tài thế! Anh K sinh thời sống ở Sài Gòn, em có gặp lần nào không?
Bich: Em chưa gặp NK lần nào anh ạ. Nhưng Anh Q hay kể cho em nghe. Vì em hâm mộ từ ngày còn đi học!
Tươi: Trong giới bảo anh ấy khôn quá, trong đời cũng như trong văn. Nhiều người không thích ổng. Trước khi mất anh ấy có vẻ trở cờ...
Bich: Em không biết. Chỉ rất nhớ tác phẩm của ông ấy. Có đoạn nhớ từng dấu chấm, phẩy…
Tươi: Anh từng làm việc với anh ấy vào dịp 1991 trong việc chuẩn bị Hội thảo về đổi mới văn chương... Anh còn tới thăm anh ấy một lần ở nhà riêng trên đường Nguyễn Tất Thành. Nhưng ông ấy nói một đằng nhưng nghĩ một nẻo... Làm cũng khác... Anh không thật tin ông ấy! Nhân vật như hình nộm, chỉ nhằm thể hiện ý tưởng của nhà văn thôi. Ông ấy khôn quá, hóa ra thành người nhạt. Văn chương nhạt còn đổ lỗi cho tài năng, con người mà nhạt thì cả đời làm người vuốt ve…
Bich: Em nghĩ quan niệm văn chương của NK rất đáng phục. Chỉ nên hiểu văn chương qua văn bản. Còn hiểu về đời thực thì quả là vô vàn phức tạp. Cuộc sống của ông ấy thế nào, em không biết. Cũng mong chỉ hiểu nhà văn trên văn bản…
Tươi: Mà Em nói cũng phải! Sự sống còn của một nhà văn chỉ ở tác phẩm thôi! Vậy nên anh K mới nói: gặp nhà văn ngoài đời chỉ còn toàn rác rưởi. Bao nhiêu tinh anh nhà văn thể hiện ở tác phẩm cả rồi! Nhưng xem ra ông cũng biện bạch. Nhà văn chân chính ngoài đời cũng phải mẫu mực. Không thể bệ rác, rượu chè bê tha, quan hệ trác táng được.
Bich: Trai gái nữa chứ. He he…
Tươi: Nhưng anh thích kiểu nhà văn mà cuộc đời chính là minh chứng cho tác phẩn kia! Cuộc đời có đẹp thì văn chương mới đẹp. Tất nhiên là cái Đẹp viết hoa - cái Đẹp đích thực, em à. Có lần anh trả lời một phóng viên về câu hỏi: Nhà văn, anh là ai? Anh thẳng thắn nói: Nhà văn cũng là con người như bao người khác, có phần tinh hoa, đẹp đẽ lại có phần đê tiện, xấu xa nữa...

***

Ngày nắng to, điện thoại Lan Bích có tin nhắn: Em có thể vào mạng chát với anh được không? CHÁT:
- Em ơi! Anh đang gặp nguy hiểm!
- Tai nạn giao thông hay kiện cáo?
- Còn hơn thế. Bà xã anh đã đọc tất cả những gì anh chát với em. Bà ấy… bà ấy đang điên.
- Làm sao chị ấy đọc được?
- Con gái anh chuyên gia “ai-ti” mà. Nó mở được messenger của anh!
- Nhưng em có viết gì đâu?
- Anh! Anh đã làm bà ấy nổi giận!
- Anh giải thích cho chị ấy hiểu rõ.
- Không được! Đó là một con người tầm thường. Văn hóa thấp, cố chấp và không chịu nghe lẽ phải…
- Thế mà trong một cuốn sách mới đây, anh đã viết: “bà cử nhân sử học của tôi”?
- Cử nhân cũng có nhiều loại… Em ơi! Anh đang khóc! Sao đời anh lại khổ thế này?!


***

Ngày không Mây, CHÁT:
Tươi: Em là nhà tâm lý kỳ tài. Nhà ngoại giao giỏi nữa. Giá Em thay Phương Nga mới đúng.
Bich: Anh nịnh em đấy nhé! Anh với bà xã anh hôm nay sao rồi ?
Tươi: Không. Bà ấy quậy. Sáng nay viết đơn ly dị. Anh cầm. Bảo không ký! Ấy là nghe lời Em!
Bich: Sao mà ghê thế?
Tươi: Phải có đối sách. Anh cầm theo, sẽ cho em coi! Không. Cứ như chiến tranh lạnh. Hay em ký thay anh nhé!
Bich: Sao em phải ký thay anh?
Tươi: Không. Em đồng ý đi! Ý em là ý của anh mà!
Bich: Anh nên xin lỗi bà xã anh đi
Tươi: Không hợp với bản tính của anh đâu! Có mà là đồ ngu!
Bich: "Không có lửa làm sao có khói"!
Tươi: Nhưng làm gì cói lỗi hay tội khi yêu một người như em. Đấy, biết bao kẻ thòm thèm vì phải đứng ngoài… Em biết cả mà!
Bich: Nhưng anh đang là người mà bà xã anh cho rằng phản bội đấy.
Tươi: Phản bội hay không là tùy vào quan niệm của từng người! Vốn đồng sàng dị mộng từ lâu!

***

Tiến sĩ Tươi tắt máy tính, lặng lẽ mở cửa vào phòng ngủ. Dưới ngọn đèn mờ, người “đồng sàng dị mộng” của ông đang thở nhẹ dưới làn chăn mỏng.
Ba mươi năm qua đi, có khi nào ông như hôm nay? Mọi thứ vẫn quen thuộc, từ tư thế nằm đến cánh tay trần để ra ngoài vẫ dịu dàng tỏa sáng, mà ông vẫn tự cho đó là cánh tay ngọc venus! Vẫn những động tác quen thuộc, ông nằm xuống, vươn cánh tay choàng qua người bạn đồng sàng. Liệu đêm nay ông có dị mộng không?
Ông không ngủ, mà cũng không thức! Ông trằn trọc với những ý nghĩ liên miên, lan man. Bà cử nhân sử học, khẽ trở mình, cũng lại rất quen thuộc bên ông chồng luôn trăn trở hàng đêm. Bà hiểu rằng, bao ý tưởng, bao tiên đề, dự cảm luôn làm mất giấc ngủ của chồng. Bà biết và im lặng, một sự tôn trọng kính phục, tộn thờ hơn cả tình yêu tiwf hơn một phần ba thế kỷ qua!
Ông hồi tưởng về vinh quang mà ông gặt hái được bằng trí lự, bằng đam mê và bằng cả những làn khói ông tung ra. Quy tắc bàn tay trái! Ông chợt giật mình như người tự khám phá ra mình, một điều kỳ diệu, hấp dẫ và sinh động dường bao.
Ông trở lại bàn viết, bật đèn, nhưng không bật điện máy tính.
Ông lục tìm trong xấp giấy viết, lấ ra một tờ giấy A4, đặt ngay ngắn trước mặt. Cây bút trên tay ông ngần ngừ, nó được chuyền từ tay này sang tay kia, từ tay phải sang tay trái. Sau cùng ông kẹp chặt cây bút và những ngón tay trái, được sự trợ giúp của bàn tay phải. Bằng tay trái, ông viết:
“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập từ do hạnh phúc”. Chậm và gãy nét. Run run và nguệch ngoạc. Chữ của ông, nhưng không của ông! Ông mỉm cười hài lòng và viết tiếp, bằng chữ in hoa trịnh trọng, chính giữa khổ giấy: ĐƠN XIN LY HÔN.


***

Mình đã đi hơi xa, Hồ Lan Bích tự nghĩ. Đã có một chiều hoàng hôn và đêm trăng non trên bãi biển khá xa nơi cả hai đang sống. Lãng mạn như một đôi nhân tình còn đang vờn nhau, như người ta thường nói: Kẻ mạnh thì không muốn, kẻ muốn thì không mạnh. Nhưng mà than ơi! Lãng mạn cũng phải ăn, ăn cũng là lãng mạn! Bữa ăn tối trong nhà hàng du lịch, tiến sĩ gọi món bằng giọng du dương, nhưng quá đắt. Đến nỗi cô bạn của ông phải xin phép:
- Anh chịu khó ngồi đây, để em đi tìm một cái máy ATM…
- Em đi nhanh nhé, anh ngồi một mình sẽ buồn lắm!
Ai mà biết được anh buồn hay vui, chỉ biết anh thấy lo. Nếu nhỡ Lan Bích không trở lại! Cũng đành! Vừa nghĩ anh vừa nắn thử cái ví của mình: nó dày hơn tờ hóa đơn đang ngạo mạn nằm trên mặt bàn.
Mình đã đi gần đến đích, tiến sĩ nghĩ thầm, không cần tốn thêm nữa. Hồ Lan Bích đã trở lại, và tờ hóa đơn đã được xé vụn. Đây là đoạn đối thoại mà anh tài xế taxi nghe được:
- Chưa có một người con gái nào khiến anh phải nhớ như vậy. Em định hành hạ anh hả? Muốn anh phải quỳ lạy em. Anh xin em đấy, hãy thương anh. Thương cho một trái tim đã yêu em. Hãy giúp anh…
- Giúp gì?
Tươi: Hãy giúp hộ anh, một lần thôi cho anh khỏi tức... Anh biết em cũng là con người, cũng có những ham muốn phần "con". Vì thế hãy mở lòng đón nhận. Đừng giả dối với lòng em nữa!
Anh chỉ ước ao 1 lần được gục mặt lên cơ thể em để ngắm nhìn thôi, ko làm gì cả nếu em ko cho phép. Anh tưởng tượng em như một thiên thần, mọi phần trên cơ thể em đều đẹp và thơm tho. Ôi...anh thèm! Hãy biết “vượt qua ranh giới” như NK đã khuyên em đi!
- Anh lái xe ơi! Dừng ở đây nhé. Anh đưa ông bạn này đi tiếp…
- Em…!?
Ông tiến sĩ lặng lẽ rút tờ đơn ly hôn, nét chữ vụng và gãy.
Hồ Lan Bích, sững sờ, nhạc nhiên, rồi mỉm cười:
- Chữ của vợ anh xấu thế?
- Ừ. Xấu lắm. Cá gì cũng xấu… Như người viết bằng tay trái!

Đà Lạt 18-8-2011
H.Đ.Q.







Không có nhận xét nào: